Tuổi thơ của mình từng vui như thế nào?
Tuổi thơ của mình không smartphone, không internet, và dĩ nhiên không có mạng xã hội, chỉ có những thú vui do tụi mình tự tạo, những trò chơi tự nghĩ.
Hồi mình còn học tiểu học, suốt từ những năm 2000, 2001 trở ra, thế mà cũng đã ngót nghét 15,16 năm trôi qua, tụi con gái mình thường chơi tung đá, chơi chuyền và nhảy dây, còn bọn con trai lại có một vùng trời riêng với chơi gấc, bi, chơi khăng, đập bài và cả đánh nhau J. Chắc trò chơi chung duy nhất của cả bọn thời ấy chỉ là trò đuổi bắt, khi mà con gái bị mặc định là “yêu quái” còn đám con trai trở thành “siêu nhân giải cứu” trái đất, và dĩ nhiên nguồn gốc không đâu xa, chính là do sức ảnh hưởng rộng khắp của phim “5 anh em siêu nhân” thời bấy giờ.
Trẻ con thời nay sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng nổi một tuổi thơ không smartphone và không internet sẽ như thế nào. Còn tụi mình thời xưa, càng không tưởng tượng nổi sức mạnh của internet lại lớn tới như vậy, nó mang tới nhiều thứ nhưng cũng lấy đi quá nhiều.
Ngày xưa, trò chơi yêu thích của tụi con gái mình là tung đá. Chẳng biết nó bắt nguồn từ bao giờ, và từ ai, chỉ biết tới trường là đã thấy ở sân chúng bạn đã ngồi túm năm tụm ba dưới gốc cây si, hay dưới bóng râm cỏn con của cây bàng mới được ông bảo vệ cắm giữa sân đất vài ngày trước  chơi tung đá. Bọn nào chơi nghiệp dư thì lượm đá dọc đường, còn đám nào chuyên nghiệp thì đi chọn lọc hàng giờ đồng hồ ở các bãi đá (thường là rình nhà nào chuẩn bị đổ móng nhà), đá phải to đều nhau và nhẵn để tung lên đỡ chọc vào tay. Đứa nào nhặt được đá đẹp thì thường sẽ là chủ xị, phải lo gìn giữ đống đá luôn sạch và nằm ngoài vòng tay của “kẻ rình rập”, chủ yếu là lớp bên cạnh. Mỗi lần chơi xong cả đám thường lo kiếm chỗ giấu sao cho kín nhất, rồi khi nghe tiếng trống báo ra chơi cái “Tùng…” thì lại lao ra sân như bay thẳng tới chỗ giấu “báu vật”. Nhiều lần “báu vật” không cánh mà bay làm tụi mình buồn kinh khủng, lại chia nhau đi rình xem tụi nào đang chiếm giữ nó, nhưng dù có phát hiện ra thì cũng chẳng lần nào lấy lại được.
Từ đống đá con chơi được cả ô ăn quan mà mình nghĩ không phải đứa trẻ con nào thời nay có thể biết cách chơi, và dù cho biết cách chơi cũng sẽ không sẵn sang dành nhiều thời gian cho nó.
Ngày ấy, từ khi được truyền bá trò Ô ăn quan, có đợt ngày nào mình cũng rủ ông chơi cùng. Thật ra lúc đầu là rủ, về sau là bắt. Nguyên nhân đơn giản là chơi ô ăn quan dễ thuộc nước, và nếu chơi với cường độ quá cao trong một thời gian đủ dài, bạn sẽ biết cách chiến thắng. Mãi sau này, cho tới khi mình lên cấp 2, chuyển sang nhà mới, không có bãi đất trống, không có đá để chơi, mình và em gái đầu tư làm hẳn bằng bìa và giấy rồi chơi hẳn trên giường.
Mình cực kì ngạc nhiên khi không còn nhìn thấy hình ảnh “tụi con gái” thời nay chơi dây nữa. Khi cố tìm kiếm hình ảnh đó ở trường tiểu học làng mình, và nhận ra không còn trò chơi đấy nữa, tự dưng có một chút buồn. Ngày xưa, ai mà không chơi dây, ngay cả đám con trai, trong cặp sách tụi nhỏ mình một thời toàn dây nịt, và sự thật là chẳng đứa trẻ con tiểu học nào thời ấy có nhiều tiền để mua nịt, toàn là tiền để dành hay bớt từ tiền ăn sáng ra để mua. Nghĩ lại cũng thấy buồn cười, tiền ăn sáng toàn có 500đ rồi thì 1000đ, có đứa còn chỉ được có 200đ, và tệ hơn là bị bố mẹ mua cho gói xôi trên đường chở đi học. Đấy, thế mà mấy đứa trẻ con tụi mình vẫn hàng ngày nhặt nhạnh, đóng góp dây nịt để có thứ chơi cho đỡ chán.
Trường mình có một khoảng sân đất rộng. Mục đích của nhà trường là để các em học thể dục và có chỗ vui chơi lành mạnh, còn trong mắt đám trẻ tụi mình, khu đất ấy chỉ phát huy hết khả năng khi trời mưa xuống. Trời mưa xuống, nước với đất trộn vào nhau thành một đống nhão nhão, và lúc ấy thì nào lâu đài, nào sông, nào núi bắt đầu hiện lên. Trời cứ mưa, còn đám trẻ con tụi mình che ô ra ngồi từng đám, cặm cụi đắp đắp. Dù có bị bố mẹ, ông bà, thầy cô la mắng đến hàng trăm lần vì làm bẩn quần áo, nhưng chẳng lần nào mấy đứa mình chịu từ bỏ “thú vui”, mà theo lời người lớn là “chơi bẩn” ấy, giờ nghĩ lại thì công nhận bẩn. Trời mưa là của con gái, trời nắng, đám con trai lại chiếm sân đất để chơi bắn bi, đập gấc. Chúng nó cứ đào hết lỗ to, lỗ nhỏ khắp cả sân, mặc kệ lệnh cấm của cô hiệu phó hay cái trừng mắt từ xa của ông bảo vệ. Và cả 5 năm tiểu học đó, cái khoảng sân đất ấy chẳng bao giờ được lành lặn, còn tuổi thơ chúng mình thì được lấp đầy bằng những tiếng cười của một tuổi thơ giản dị.
Bây giờ đúng là khó tưởng tượng nổi một cuộc sống không công nghệ sẽ như thế nào, cũng đúng thôi, giờ ai cũng đã trở nên (theo mình nghĩ là vô tình) phụ thuộc vào nó, và sức hấp dẫn không thể chối từ . Ngay như bản thân mình đây, một ngày không có internet thôi là cảm thấy khó chịu khủng khiếp.
Ấy vậy mà cũng từng có một tuổi thơ như thế! Nhiều lúc mình thấy thật may mắn vì có một tuổi thơ trọn vẹn như vậy. Bình yên. Và trọn vẹn.