Bài viết dưới đây sẽ có nội dung khá tiêu cực. Văn hóa Việt Nam thường hướng về những điều tích cực mà tẩy chay những điều tiêu cực, mặc dù nó vẫn còn đó. Chọn cách phớt lờ thay vì đối mặt, đến lúc mọi thứ thực sự tới, chúng ta mới bắt đầu cuống cuồng nghĩ cách giải quyết. Vì thế mong bạn đọc đón nhận với tinh thần thoải mái, từ cái nhìn thực tế.
Mỗi khi nhắc đến thời học trò, bao nhiêu kỉ niệm đẹp được nhắc đến. Còn những thứ tồi tệ thì gần như sẽ được não bộ loại bỏ. Nhưng đối với những người đang ngồi trên ghế nhà trường thì vẫn luôn phải đối mặt với những điều ấy.

Ngôi nhà thứ hai?

Hồi bé, ta thường được dạy rằng trường học là ngôi nhà thứ hai. Lúc ấy bản thân mình mặc định nó là đúng, vì thầy cô dạy thế. Thoáng chốc chục năm đã trôi qua. Lúc này, suy nghĩ đủ chín chắn hơn, mình mới cảm thấy rằng cái suy nghĩ lúc bé thật ngây thơ. Trường học chỉ là một mảnh nhỏ trong vô vàn thứ ngoài cuộc sống.
Giáo dục theo hướng phát triển toàn diện. Hệ quả là chúng ta gần như phụ thuộc vào các kiến thức đã được dạy ở trường, Hệ quả là chúng ta buộc phải giỏi toàn diện thì mới được công nhận là giỏi. Hệ quả là học sinh chỉ biết mình giỏi môn này giỏi môn kia chứ không thực sự nhận ra điểm mạnh của bản thân.
Bản thân mình học ở một trường học bình thường ở vùng nông thôn, nhưng trường học cũng đã chiếm hầu hết thời gian. Học chính thức vào buổi sáng, học thêm vào buổi chiều, tham gia các phong trào liên tục, làm dự án các môn đến vù đầu. Gần như không có một chút thời gian rảnh rỗi đủ nhiều để học một kĩ năng mới hay làm những gì mà mình thích. Nhiều lúc chỉ mong đến cuối tuần để có thể đánh một giấc ngủ "bù" cho cả tuần.
Với nhiều người thì tần suất học như vậy là bình thường. Vì họ mặc nhiên là phải có áp lực mới có kim cương, phải học nhiều thì mới giỏi được, áp lực thành tích từ phía gia đình, họ đã quen với tần suất học như vậy ngay từ bé. Thử hỏi thứ áp lực ấy có tạo nên kim cương được không, thứ kiến thức chỉ tồn tại trong đầu họ đến lúc thi xong, hoặc thậm chí là quên ngay sau đó. Học như vậy liệu có hiệu quả cho kì thi hơn hay không?
Bản thân mình đã chứng kiến cảnh ôn thi ấy áp lực như thế nào. Sáng sớm tinh mơ bước vào lớp, trong lớp là các nhóm học sinh tụm lại làm bài, có lúc thì bàn tán sôi nổi, có lúc lại im lặng làm bài. Giờ ra chơi cũng chẳng ai thèm rời chỗ. Trong lớp bốc lên vị nóng của nhiệt huyết, của sự quyết tâm, lấp ló dưới gầm bài là từng chồng sách công phá dày cộm, lâu lâu lại thấy mấy tập đề bị gió thổi bay tứ tung. Tụi nó còn tổ chức học nhóm, tham gia các khóa học trên mạng, học thêm ở trung tâm vào buổi tối, học đến một hai giờ sáng. Có lẽ ngoài lúc đi ngủ thì trong tâm trí tụi nó lúc nào cũng chỉ toàn là chữ và số. Lợi ích chưa thấy đâu, chỉ thấy tụi nó mắt thâm, nhiều đứa còn phải đeo kính, mặt thì lúc nào cũng ngơ ngác, ứng xử lờ đờ. Có đứa còn than với mình nó học không vào. Rồi kì thi qua, kết quả cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Đứa thì van bữa đấy mệt, đứa thì nói cứ vào phòng thi là quên,... Đôi lúc hè cũng chỉ là chuyển địa điểm học.
Xu hướng giáo dục hiện tại là để học sinh tự học, giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Thay vì 45 phút giảng thì giáo viên lại giao ra các dự án để học sinh làm, thuyết trình. Nghe thì có vẻ ổn, thực tế, các dự án cần nhiều thời gian hơn thế. Quay video, edit, làm power point, thuyết trình. Mỗi dự án đều cần cả nhóm hợp lực lại cùng làm. Nhưng mà thời gian đâu? Khi cả tuần ngoài học chính khóa, các buổi còn lại đều phải học thêm. Có lúc phải tận dụng các ngày chủ nhật, gấp quá thì học thêm xong rồi làm, phải đến tối mịt mới được về nhà.
Chưa hết, từ đâu sinh ra cái đoàn trường nữa. Mình biết là đoàn trường được lập ra để giúp học sinh được tham gia các hoạt động xã hội. Nhưng, lại là câu hỏi ấy, thời gian đâu? Đoàn trường liên tục tổ chức các cuộc thi, hoạt động,... Ai không tham gia sẽ bị hạ hạnh kiểm, xếp loại cuối năm. Đến tận bây giờ, mỗi khi nghe cụm từ "phát động phong trào", sống lưng mình vẫn cảm thấy lành lạnh. Hết phong trào này đến phong trào khác, cái này chưa xong thì cái khác được phát động. Vì đưa vào thi đua nên lớp nào cũng phải làm, khổ nhất vẫn là lớp trưởng, bí thư, giáo viên chủ nhiệm.
Câu lạc bộ, nghe chừng như không liên quan đến thành tích, thực tế lại một lần nữa vả vỡ mồm một đứa đầu cấp như mình. Câu lạc bộ Văn học thì mỗi năm mỗi lớp một vở kịch, đưa vào thi đua xếp loại, Những ai tham gia vở kịch còn được cộng điểm trực tiếp vào môn văn. Câu lạc bộ Tiếng Anh cũng không ngoại lệ.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Như vậy, liệu tuổi học trò có thể trở thành kỉ niệm đẹp được hay không. Khi mà tình bạn chỉ còn là thứ nằm trên các cuộc thi, nơi mà mọi người cố chạy khắp nơi trên mạng xã hội chỉ để xin những cái like, cái share với mong muốn rằng lớp mình sẽ đạt top một, top hai; chẳng khác gì thứ tình cảm mà ta thường đặt vào các bài thi giáo dục công dân cả.

Đôi nét về bản thân mình

Đối với mình, học ở trường chỉ là một mảng nhỏ trong cuộc sống vô vàn. Mình thường làm bài tập ngay trên lớp và về nhà hiếm khi dành thời gian cho các việc ở trường. Mình cũng không tham gia các lớp học thêm ở ngoài hay các lớp học trên mạng. Còn rất nhiều kĩ năng cần học mà ở trường không dạy, tại sao không dành thêm thời gian để học nó.
Một năm trôi qua, cảm thấy những gì mình học được trong 3 tháng hè còn giá trị hơn trong 9 tháng đi học. Lưu lại trong đầu sau một năm học có lẽ chỉ là một chút kiến thức nền các môn toán lý hóa, thứ mà chỉ dùng trong các kì thi. Trong 3 tháng hè, mặc dù phần lớn thời gian mình dành để chơi nhởi nhưng cũng học được khá nhiều kì năng hay. Mình đã có thể lập trình cơ bản, đi làm công nhân một thời gian để trải đời, rồi lại vào miền nam làm vườn,... Rất nhiều trải nghiệm thú vị mà trường học sẽ không có được.

Kết

Trường học không thể dạy chúng ta mọi kĩ năng được, đó chỉ là bước đệm giúp chúng ta vào đời. Vì vậy, hãy sử dụng thời gian hợp lý, dành thời gian để học thêm các kĩ năng, làm những điều mà mình thích, vận động nhiều hơn. Tin chắc rằng, khi ấy những thứ bạn học được tuy ít mà giá trị. Cơ thể khỏe mạnh, đầu óc thoải mái thì việc học cũng hiệu quả hơn gấp bội.