Dù mới gần hai tuần, nhưng lắm lúc tôi thấy mình như vụn vỡ và mọi thứ xung quanh đều xám xịt.
Tôi đang ở trong một giai đoạn mệt mỏi và khá bế tắc, dù biết than vãn hay than khóc thì không ích gì, nhưng được giãi bày thế này vẫn tốt biết bao. Nếu không lấy việc viết là niềm vui lớn nhất.
22 tuổi, cái tuổi bình thường rời ghế đại học và bắt đầu thực sự bước vào đời. Tôi cũng như bao người đồng trang lứa, cũng có tâm lý hoang mang và bỡ ngỡ. Riêng tôi, tôi còn lắm lúc cảm thấy bản thân lạc lõng, bơ vơ kể từ khi ra trường và đi làm từ mấy tháng nay.
Nguồn: blog.edukasyon.ph
Trong lúc này, tôi đang cố gắng để vừa làm việc, vừa học thêm cái mới, nhưng vừa phải trải qua các bất hòa trong gia đình. Gia đình tôi dạo này bắt đầu căng thẳng về kinh tế, chuyện nhà cửa và hay có hiểu lầm giữa các thành viên. Đáng ra, các bạn đồng lứa không có ai phải bận tâm về gia đình, vì họ độc lập, hay họ vốn mạnh mẽ, vô tư hoặc gia đình họ không có vấn đề gì để lo, điều đó tôi không biết được.
Điều lúc này tôi biết rằng mình không thực sự có thể chú tâm vào việc gì. Tâm trạng lúc thì bức bối, lúc thì bay bổng nhưng không vui. Cảm thấy như mình đánh mất điều gì đó lớn lắm. 
Cho tới cách đây 2 hôm, tôi đọc được một bài viết về khủng hoảng tuổi 20 (Quarter-life crisis) trên facebook.
Khủng hoảng tuổi 20 là các vấn đề về tâm lý, tính cách của những người trẻ khi đứng trước những thay đổi của bản thân, của xã hội xung quanh. Chúng ta thay đổi về tâm sinh lý, ta cảm thấy bất an với tốc độ, sự thay đổi chóng mặt liên quan đến việc của bản thân, của xã hội. Chẳng hạn, chúng ta hay băn khoăn, tự hỏi ta là ai, ta nên làm gì, vị trí của chúng ta trong xã hội hay ta nên phân biệt đúng-sai, ta luôn suy nghĩ về con đường mình đang đi liệu có đúng, etc. Khi gặp các thất bại, các trách móc hay khắc nghiệt ở lứa tuổi này, ta dễ cảm thấy thất vọng và dễ mất niềm tin. Giai đoạn khủng hoảng có thể bắt đầu sớm hơn tuổi 20 một chút, hoặc đến gần 30, tùy theo tâm sinh lí, điệu kiện sống, trưởng thành và sự trải đời của mỗi người.
... ta luôn suy nghĩ về con đường mình đang đi liệu có đúng, etc. (Nguồn: harry-stedman.tumblr.com)
Khủng hoảng tuổi 20 có thể từng xảy ra với các thế hệ cha mẹ, nhưng đến thế hệ chúng ta, vấn đề trở nên khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Vì xã hội phát triển, kinh tế dần trở thành các vấn đề được quan tâm, sự cạnh tranh trong công việc, tìm việc càng ngày khốc liệt. Bên cạnh đó, việc gia tăng mạng xã hội với những câu chuyện thành công, với hình tượng những start-up, người trẻ tài năng, năng động. Những điều này có thể tạo ra những động lực để bản thân phấn đấu hơn, nhưng đó cũng là những áp lực dẫn đến khủng hoảng với những nguời trẻ.
Trên Internet, có rất nhiều cách để giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng như: tập đặt ra mục tiêu, đọc sách self-help để rèn luyện tinh thần, dành thời gian rèn luyện thể chất, etc. Nhưng tất cả các giải pháp đó không phải đều phù hợp. Theo tôi, việc vận động thể chất là hay nhất, vì đa phần các u uất trước hết là từ việc thiếu dưỡng khí trong não, nên máu huyết không lưu thông tốt thì tâm trạng thường rất tồi tệ.
Với tình hình hiện tại, tôi nghĩ mình nên bắt đầu tập thể dục thường hơn. Vì cũng như nhiều bạn bè khác, tôi cũng bận rộn với nhiều thứ và ít dành thời gian cho sức khỏe của mình. Bản thân tôi từ trước tới nay hay bệnh vặt và yếu ớt, nên sức khỏe và một tinh thần sảng khoái, cảm giác hạnh phúc là niềm ao ước lớn lao đối với tôi.
Tóm lại, khủng hoảng tuổi 20 là điều ta không thể tránh khỏi khi bước vào giai đoạn này. Tôi cũng thấy rằng mình cũng đang trong giai đoạn khó khăn này, dấu hiệu từ rất lâu rồi nhưng đến giờ nó vẫn âm ỉ cuộn trào, như con sóng ngầm trong tâm trí tôi. Những lúc "in the bad mood" đến với tôi nhiều lắm. Nhưng điều quan trọng mà tôi, cũng như các bạn có thể nhận ra là chúng ta cần có các mục tiêu rõ ràng, từ đơn giản đến to lớn và cả một sức khỏe tốt để từng bước thực hiện chúng. Và điều quan trọng rằng, tôi mong tất cả những ai đang trong độ tuổi như mình, đang trong giai đoạn khó khăn, chúng ta sẽ không từ bỏ hy vọng và bước qua được khủng hoảng.  
Trinh Trinh-19/10/2019