Từ ví dụ một người “thầy rởm”, bàn thêm về vấn nạn chuyên môn kém, thiếu tâm, thiếu đức mà cũng tự nhận là giáo viên
Vấn nạn chuyên môn kém mà vẫn mở lớp trục lợi khiến mình bức xúc lâu nay. Nhờ nay có chất xúc tác nên quyết viết về nạn "thầy rởm" hy vọng góp phần dẹp nạn này.
Bài viết có thể chia làm 3 phần: Phần 1 kể về trải nghiệm cá nhân, tại sao mình lại thôi không đi dạy học nữa; Phần 2 lấy một ví dụ “thầy rởm” với phân tích cụ thể; Phần 3 nêu thực trạng và cách giải quyết vấn nạn này.
Nếu mọi người quan tâm phần nào thì nên chọn đọc vì đây là một bài viết rất dài, có thể gây mất kiên nhẫn nếu phải đọc hết. Tất nhiên dưới góc độ người viết bài, tôi mong mọi người đều đọc. Hãy chia sẻ nếu thấy điều đó là cần thiết với bạn!
Dẫn nhập
Đôi khi người ta nói đúng là ý trời mà. Mà đã là ý trời thì mình có tránh bao nhiêu lần cũng không thoát được, thôi đành đứng dậy đối mặt với nó.
Chuyện là nay lướt Facebook, đập vào mắt tôi là bài viết về một đứa cùng tuổi nay đã thành danh, thành đạt. Tóm lại là “con nhà người ta”, tấm gương để mọi người hướng tới. Trước nay tôi hay bị đem ra so sánh với người này – dĩ nhiên, con nhà người ta mà, sao tránh nổi. Khi mà mọi người bắt đầu so sánh tôi nhiều hơn, thì tôi đâm ra khó chịu, nhưng mà giải thích sao cho họ hiểu vì tôi không muốn lý do lý chấu. Càng lý sự nhiều thì mọi người chỉ càng thấy mình là một đứa bảo thủ thôi.
“Chinh, cô bảo mày mở lớp tiếng Anh mà dạy. Như thằng … nhà ông … ấy đấy, nó dạy học mà một tháng X chục triệu, mua xe rồi xây nhà rồi đấy,…”
“Học giỏi tiếng Anh thì mở cái lớp tiếng Anh mà kiếm chứ đi làm có kiếm được như thế không?”
Đó là bởi mọi người cũng biết trước kia, hồi sinh viên tôi cũng đi dạy nhiều. “Thế quái nào sau này nó lại không muốn dạy nữa?”
Giải thích cho việc con nhà người ta đi dạy kiếm được nhiều tiền còn mình thì bỏ không đi dạy nữa trước tiên phải thú nhận một điều rất khách quan là “vì họ giỏi còn mình tệ”. Còn giỏi như nào, tệ ra sao xin mời bà con đọc tiếp.
Có tiếng tăm không phải một chuyện dễ dàng gì, sự thật là cậu kia có một lớp, sau này phát triển thành một trung tâm lớn, chứng tỏ anh ta là một người có năng lực thực sự. Năng lực về lĩnh vực, và cả năng lực về “tiếp thị nữa”. Từ hồi đi học, cậu đã ẵm bao nhiêu giải rồi thì nói cậu tài giỏi là cũng phải thôi. Còn tôi thì học hành vớ va vớ vẩn, cho có. Xưa đi dạy cũng là đi dạy ở các trung tâm xa nhà chứ có hoạt động làng xóm như cậu đâu mà người ta biết.
Nhưng lý do tôi không còn đi dạy và trở nên không thích cậu này và team của cậu thì không mang tính cá nhân gì, mà rất xã hội luôn.
1. Vì sao tôi không còn dạy học?
Tôi chỉ đang nói đến môn tiếng Anh thôi vì thú thực xưa nay chỉ học được đúng cái môn này. Nó được nuôi dưỡng từ hồi cấp 2 mất gốc, nên mình phải nhờ một người anh họ dạy kèm hồi lớp 6, coi như là một sự khởi đầu mới, lần này tôi học thật và yêu thích nó. Sau này lên cấp 3, tôi đỗ một trường trung bình nơi mà mọi người vẫn xem là một ngôi trường chống cháy, chống mất gốc, và ngôi trường với mục tiêu đỗ tốt nghiệp cấp 3 thôi chứ không mong nhiều thành tích đỗ đại học (dĩ nhiên vẫn có, thực chất 2 lớp chọn có tỷ lệ đỗ đại học cũng khá, chứ tôi không đang nói xấu gì trường cũ). Ngoài các môn học dạy theo chương trình cơ bản của bộ, môn tiếng Anh chúng tôi được dạy lại hoàn toàn từ “Hiện tại đơn”. Thế là tôi được học lại tiếng Anh một lần nữa, nhưng lần này hồ hởi hơn, nghiêm túc hơn. Từ đó trở về sau, tiếng Anh là thứ tôi đến vì yêu thích chứ không phải vì nghĩa vụ. Mãi đến bây giờ vẫn chỉ xem sự kết nối với nó là bởi mình thích thứ ngôn ngữ này.
Vì vậy, tất cả những gì tôi làm với tiếng Anh đều là sự yêu thích. Học vì thích, dạy cũng vì thích.
Hồi cấp 3 thích học, mua sách ôn thi về làm. Cũng nhờ đó mà đến lúc thi đại học, vớt vát được điểm tiếng Anh để đỗ, chứ còn Văn và Toán thì dở tệ.
Quyết định học ngành Ngôn Ngữ Anh đến từ 2 lý do. Một là vì ngoài tiếng Anh ra thì còn học được cái quái gì nữa chứ. Thứ 2, hồi cấp 3 được các cô giáo dạy tiếng Anh quý, trong đó cô H phụ trách lớp năm lớp 12 là người hay chia sẻ với tôi và cả lớp về những năm tuổi trẻ của mình. Thế là tôi bỗng cũng lại bị cuốn hút và muốn theo cô học sư phạm. Lúc đấy chưa có tình yêu thực sự gì với cái nghề này cả, mà chỉ là thần tượng quá khứ của cô thì sẽ cố gắng tạo nên một bản sao như vậy. Rồi cũng đỗ đúng khoa, đúng trường cô từng theo học.
Vào đại học rồi tôi thích nghiên cứu về văn hóa phương Tây, vẫn thường vào thư viện khoa mượn tài liệu tiếng Anh về đọc.
Cũng lại thích làm việc với bọn trẻ con nên thử làm trợ giảng và đi dạy ở một số trung tâm.
Tất cả là vì thích thì làm. Thế nên khi không còn thích dạy nữa thì tôi không muốn quay lại công việc dạy học. Đó là một lời giải thích. Nhưng vì sao không còn thích dạy học? Thì đây là một đống hỗn độn những lý do (cũng có thể cho là ngụy biện).
1.1 Bất mãn với cách nhìn và hành động của những người trong cuộc
Cái trung tâm đầu tiên tôi làm có chủ đầu tư và cổ đông là những người hay đến trung tâm làm việc và săm soi. Những gì họ quan tâm lại thường chỉ là làm sao trợ giảng và giáo viên chúng tôi làm càng nhiều việc và trả càng ít lương càng tốt, chứ không bao giờ là chất lượng giảng dạy hay đào tạo nhân viên cả. Chẳng dại gì mà cống hiến cho một môi trường như vậy, thế là thế hệ những giáo viên, trợ giảng thân thiết hồi đó cứ thế mà đi. Cái tôi nhận được ở đấy ngoài mấy mối quan hệ vui vẻ cho tới giờ thì còn là kinh nghiệm dạy học, quản lý lớp học rất hay từ người đồng nghiệp người Canada có kinh nghiệm 12 năm làm việc.
Một trung tâm khác sau một thời gian làm việc với đủ trò vui tự tìm tòi thiết kế với sticky ball, team play, got talent,… mà mọi chất liệu, vật dụng hoàn toàn là tôi chuẩn bị, chẳng có sự hỗ trợ thiện chí nào từ phía trung tâm cả thì tôi cũng quyết định xin nghỉ sau lần thất tình đúng vào dịp khóa học kết thúc. Đúng là một người thầy trẻ trâu! “Thất tình có cái quái gì đâu mà phải nghỉ việc”, giờ tôi nghĩ lại.
Sau nghỉ việc, tôi viết nhiều hơn (hồi đại học thích nhất môn này), thế là trong giai đoạn làm luận văn, tranh thủ xin việc vào làm Content writer cho một nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Philippines. Tôi làm công việc viết lách tới giờ.
1.2 Cái sự cao quý của nghề dạy học
Tôi là một đứa khá là truyền thống và bảo thủ.
Thế nên quan niệm về nghề gõ đầu trẻ cũng bảo thủ vô cùng: Tôi xem rằng một người muốn làm giáo viên chính thống thì phải được đào tạo bài bản từ trường Sư phạm trong khi ngành tôi học thì lại chung chung về ngôn ngữ Anh, chứ những kiến thức để hành nghề còn thiếu sót. Đâm ra, hệ quả là những giờ lên lớp phụ thuộc nhiều vào cái cảm xúc cá nhân. Tôi đã luôn nhiệt khi vào lớp nhưng một khi mood xuống là tôi quyết định dừng lại ngay.
Hơn nữa, trong khoảng thời gian đó tôi đã quan sát phải nhiều điều tiêu cực trong việc giáo dục mà tôi cho là cái gai trong mắt. Cái lớn nhất là việc tự hào mở lớp dạy trong khi chuyên môn “yếu vô cùng yếu”.
2. Chuyên môn yếu, không được đào tạo bài bản mà cứ đòi lên lớp!
Có đợt đứa cháu họ của tôi nói rằng cháu đang học một cô giáo trong làng thì tôi mới biết tới “à! Thì ra nhân vật này cũng đang mở lớp dạy tiếng Anh”. Thật tình cờ, hồi đó đứa bạn tôi cũng có quen biết nhân vật này, like 1 post trên Instagram của nhân vật ấy. Thế là Instagram của tôi cũng nhận được thông báo thì tôi mới biết đến Instagram của “cô giáo” này (*Hồi 2018 Instagram vẫn còn gửi thông báo hoạt động của người mình follow về mục noti).
Và tôi đang nhìn phải cái gì đây? Một cô giáo tự hào chia sẻ về lớp học của mình, và dùng sai thứ cơ bản nhất?
Screenshot 1. “My class English” ???
Không gì diễn tả nổi cái nỗi bức xúc của tôi lúc ấy đâu! Đấy là caption của một cô giáo dạy tiếng Anh cho một bức ảnh chụp lớp học tiếng Anh của cô ấy đấy. Một lỗi sai rất cơ bản về vị trí danh từ, tính từ mà các em lớp 6, lớp 7 cần nằm lòng.
Để phân tích lỗi sai một cách nhanh gọn, dễ hiểu và có dẫn chứng cụ thể thì mình trích một phần trong cuốn sách nổi tiếng A Practial English Grammar (Forth Edition) của 2 tác giả A.J Thomson và A.V.Martinet (Tạm dịch: Ngữ pháp tiếng Anh thực hành). Ở phần 18. Position of Adjectives (Vị trí tính từ) – Trang 33. Tác giả chia tính từ làm 2 loại Attributive và Predicative (Tạm dịch: Tính từ chỉ thuộc tính và tính từ vị ngữ).
Mình chỉ nói về Attributive vì câu nói sai của cô giáo bên trên liên quan đến cái này.
Attributive Adjective hay Tính từ chỉ thuộc tính được hiểu đơn giản là tính từ “đứng trước danh từ” được dùng để bổ sung, làm rõ nghĩa hơn cho danh từ.
Quay lại nhìn vào câu “My class English”, ta thấy xuất hiện tính từ English và danh từ class. Như vậy, phải là My English class (Dịch: Lớp học tiếng Anh của tôi) thì mới đúng.
Tuy nhiên, có một vài trường hợp sử dụng “My class English” vẫn đúng, với điều kiện English ở đây không phải là tính từ mà là một danh từ hay tên riêng (Cái này tôi không muốn bàn thêm vì nó không mang nhiều ý nghĩa bằng phần sau của bài viết). Thế thì nghi vấn giáo viên trên sai Ngữ pháp vẫn chưa thể khẳng định 100%. Vậy nên, tôi quyết định mò lại Instagram của bạn này để xác định rõ ràng là bạn ấy “yếu tiếng Anh” thật chứ không phải chỉ là cảm tính của tôi. Các cụ có câu “Quá tam ba bận” nên tôi quyết phải tìm ra cho bằng được 3 lỗi sai mới thôi. Đọc tiếp để xem những lỗi sai rất cơ bản của “giáo viên” này nhé!
Screenshot 2. 9 years friendship and still counting
Ở một bài viết vào tháng 2/2019, giáo viên này dùng hashtag #9yearsfriendshipandstillcounting. Phân tách câu này thành một câu thường thì sẽ là “9 years friendship and still counting”. Đây lại là một lỗi sai rất cơ bản về hình thành tính từ. Khi muốn hình thành một tình từ chỉ thuộc tính bằng nhiều từ ghép lại, thì phải nối chúng bằng dấu ngạch ngang “-” và không được sử dụng số nhiều. (Tham khảo Cambridge Grammar of English).
Như vậy câu trên hoàn toàn sai về ngữ pháp và không phải bàn cãi. Muốn đúng thì phải sửa lại cho đúng dạng cụm tính từ chỉ thuộc tính là 9-year friendship hoặc hoặc 9 years of friendship (Khoảng thời gian + of + danh từ: để chỉ một thứ gì đó đã diễn ra trong khoảng bao lâu).
*Một lưu ý là lỗi này tôi thấy sai rất phổ biến ở những giáo viên người Philippines tôi quen biết. Trong khi thấy nhiều trường học của Việt Nam có xu hướng chuộng chọn giáo viên Philippines vì lương trả cho họ thấp hơn người Anh, Mỹ, hay Canada rất nhiều. Dĩ nhiên, chất lượng sẽ cũng thấp hơn.
Screenshot 3. Bore day
Lại một lỗi về tính từ bổ trợ danh từ. Nếu người “giáo viên” ấy muốn nói “Ngày chán chường” (Tôi khá là chắc, vì bạn ý cũng dùng hashtag #sadday cơ mà) thì một em học sinh khá lớp 6 cũng biết nên dùng “Boring day” rồi.
Screenshot 4. Couple young
Ý! Thế là hơn 3 lỗi rồi nhưng mà ngứa tay không chịu được nên tôi lại tìm tiếp vì những lỗi sai gàn dở khiến tôi không thể chịu được!
Hình như “cô giáo” của chúng ta thích phá cách trong sử dụng cụm danh từ. Ở đây Couple là danh từ, Young là tính từ. Vậy theo sách giáo khoa phải là Young Couple mới đúng chứ. Trừ khi cặp đôi của 2 bạn tên là Young. Tên hay đó chứ 🙁
Screenshot 5. Anyway VietNam is still winner in vietnamese’s heart!!!!
Một câu thôi mà nhìn sơ qua đã thấy kha khá lỗi sai rồi, cùng đếm nhé!
Một là, Anyway là trạng từ, trong trường hợp đứng đầu câu phải có dấu phẩy.
Hai là, danh từ riêng Việt Nam đang viết sai ạ. Trong tiếng Anh, một danh từ đa âm tiết không bao giờ có 2 chữ cái viết hoa. Vậy, phải sửa thành Vietnam mới đúng thưa “cô giáo”.
Ba là, winner như bạn ý đang sử dụng là danh từ số ít. Mà danh từ số ít đếm được như winner thì không bao giờ được thiếu mạo từ đứng trước. -> Đổi thành “the winner” mới đúng ạ.
Bốn là vietnamese nghĩa là “người Việt Nam”đang không được viết hoa, đúng là một sự thiếu sót đáng tiếc của một sự tôn trọng. Trong tiếng Anh, những danh từ, tính từ liên quan đến quốc gia, quốc tịch đều phải viết hoa.
Cũng từ cái từ này nhìn ra cụm vietnamese’s heart lại còn ối dồi ôi nữa! Thứ nhất, thiếu mạo từ “the” đằng trước nếu muốn chỉ tập hợp (The Vietnamese: Người Việt Nam). Thứ 2, Heart đang ở số ít, phải đổi sang số nhiều để hoán dụ chỉ “những trái tim”.
Như vậy, câu này để đúng thì nên sửa thành: “Anyway, Vietnam is still the winner in Vietnamese hearts.” Hoặc “Anyway, in our hearts, Vietnam is still the winner” cho dễ.
Screenshot 6. VietNam in my heart.
Lại một lần nữa sử dụng VietNam nên mình không bàn đến nữa.
Screenshot 7. I am not a pretty girl. Nevertheless, I will be allways a clever girl!!!
Câu này trúc trắc quá, đọc méo cả mồm.
Thêm nữa, cái trạng từ “luôn luôn” trong tiếng Anh được ghép bởi 2 từ là All + ways nhưng khi lồng vào từ mới thì phải bỏ đỡ một chữ “l” đi. Cái này trẻ con còn biết.
Sửa: “I am not a pretty girl, but I will always be a clever girl.” Đơn giản thôi, làm gì cần màu mè sử dụng Nevertheless làm gì.
Screenshot 8. During 3 years, actually I have feft very happiniess.
Nguyên văn caption là:
“Hey, honey!!! My future groom!!! 🤵👰During 3 years, actually I have feft very happiness!!!You have made me smile, you have made me feel the love is truth!!!I love you!! Kiss you 😘😘”
Thứ nhất During chỉ dùng trước một danh từ hoặc cụm danh từ. Và, 3 years trong thì hoàn thành (ở bối cảnh này) phải đi với For -> For 3 years mới đúng (3 năm vừa qua).
Thứ 2, Actually nếu là trạng từ thì phải có dấu phẩy phía sau khi đứng đầu câu; không thì phải đổi vị trí để đứng sau chủ ngữ để bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ. Tuy nhiên, tôi nghĩ ý đồ của cô giáo ở đây muốn sửa dụng actually với nghĩa “Thực sự”. Phán đoán này của tôi đến từ việc dịch nghĩa cả câu: “Suốt 3 năm qua, em thực sự cảm thấy rất hạnh phúc.” Nếu vậy với nghĩa này, nên dùng “really” chứ không phải “actually”. Nhưng trong tiếng Anh có một lỗi phổ biến là lỗi thừa từ (có những từ không thể đi được với nhau). Trong đó có Really và Very. Vì sao? Vì chúng nó đồng nghĩa. Really happy = Very happy.
Thứ 3, feft viết sai chính tả (Viết là Felt, phân từ quá khứ của Feel mới đúng). Và, câu này phải được chia ở thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn vì đây là một hành động chưa kết thúc ở thời điểm nói (Trừ khi nói xong câu này thì bạn ý không còn cảm thấy hạnh phúc nữa :().
Thứ 4, very happiniess -> Tự sửa, vì ai chẳng biết.
Tiếp, you have made me feel the love is truth. Chắc “cô giáo” nhớ nhầm tính từ sang danh từ nên dùng từ “truth” thay vì “true”. Chẳng ai dùng Love is truth cả. Mà nếu có muốn nói “tình yêu là sự thật” (Nghe nó dở hơi thế nào ý) thì phải là Love is the truth mới đúng, vì truth không được đứng một mình mà phải có giới từ “the” phía trước. Vả lại, “love” là danh từ không đếm được nên đùng đùng dùng mạo từ “the” trước “love” thế kia là không được! Sửa lại thành Our love is true mới phải.
Screenshot 9. Tomorrow is the special day of him!!!!
Để biểu đạt sự sở hữu thì ta dùng tính từ sở hữu đặt trước danh từ.
Sửa: “Tomorrow is his special day.”
Hoặc đúng hơn thì nên sửa thành: “Tomorrow is a special day for him” (Ngày mai là một ngày đặc biệt dành cho anh ấy”.)
Screenshot 10. On rainy day
Lại là một lỗi danh từ/cụm danh từ số ít, thì phải có mạo từ đằng trước. -> Tự sửa.
Thôi đủ 10 lỗi rồi, dừng lại tại đây chứ tìm tiếp đến bao giờ mới hết.
Dựa theo thông tin trên trang mạng xã hội của “cô giáo” này tôi cũng được biết bạn ta không phải một người học sư phạm mà thuộc một trường chuyên về thông tin và truyền thông. Tôi không chắc “cô giáo” đã từng qua một khóa đào tạo kĩ năng giảng dạy hay thậm chí là có chứng chỉ sư phạm hành nghề không nữa nhưng có một sự thật là hiện tại bạn ý cùng với bạn nam nổi tiếng mình đề cập tới đầu bài đang là những thành viên chủ chốt của một Trung tâm ôn thi “đại học”.
Tôi thậm chí không muốn bàn thêm về lối sống được thể hiện trên mạng xã hội vì nghĩ rằng lấy những ví dụ kiến thức cơ bản trên là đủ đau sót nhìn về viễn cảnh bao thế hệ học sinh và gia đình mất tiền, mất thời gian, thậm chí mất kiến thức cho những người không vì họ.
Tôi lấy ví dụ “cô giáo” phía trên không mục đích bóc phốt, tư thù cá nhân gì cả mà chỉ là một trường hợp trong vô vàn trường hợp xấu đang làm ảnh hưởng tới giáo dục Việt Nam.
Về những screenshot được chụp cách đây lâu rồi, những screenshot từ 2017 thì tôi xin giải thích rằng bởi vì công việc giảng dạy tiếng Anh của bạn này diễn ra trước những lỗi sai ngữ pháp đó (Ít nhất là từ này 3/1/2017- bằng chứng qua các Screenshot) và thời gian gần đây Instagram của bạn ấy đã tiết chế sử dụng tiếng Anh nhiều hơn (chắc sợ sai). Về phía tôi thì lại lười lật trang Facebook page có những hơn 70,000 người theo dõi của bạn này để tìm lỗi sai. Tôi nghĩ 10 lỗi sai cơ bản trên là quá đủ rồi.
3. Vì sao thực trạng “thầy rởm” vẫn còn gây nhiều nhức nhối?
Trước tiên phải thừa nhận là dân trí còn thấp nên dù không muốn nhưng vẫn bị những “thầy rởm” qua mặt như vậy. Học sinh kiến thức chưa vững nên học theo những thầy rởm mà vẫn không biết mình đang bị dạy sai. Phụ huynh thì thiếu kiến thức để nhận định được lớp nào, thầy nào mới là tốt cho con mình.
Và, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền rõ ràng được đặt một dấu hỏi. Nhà nước cứ đặt ra những quy định rất hay như thắt chặt việc giáo viên dạy thêm, ấy vậy mà vẫn thả lỏng những trường hợp “không phải giáo viên” tha hồ kiếm tiền, sống cuộc sống chanh sả từ mồ hôi, ước mắt của phụ huynh và học sinh.
Rồi trách nhiệm của những người biết thực trạng ấy nhưng không chịu lên tiếng nữa. Martin Luther King Jr. nói rằng: “Bi kịch lớn nhất không phải sự áp bức và sự tàn độc của những kẻ xấu mà là bởi sự im lặng của những người tốt”. Vậy khi thấy những điều bất bình, hãy lên tiếng vì một xã hội tươi đẹp, phát triển hơn!
4. Làm sao để dẹp loạn “thầy rởm”?
Sự dễ dàng qua mặt đang khiến cho nạn “thầy rởm” hoành hành. Để cái nạn này thôi vấy bẩn tương lai nước nhà thì cần sự ý thức của nhiều phía.
Về phía phụ huynh và học sinh, cần chủ động bảo vệ đồng tiền và công sức mình bỏ ra. Một cách đơn giản và an toàn nhất là theo học những thầy cô giáo có công tác giảng dạy tại trường nổi bật và có trách nhiệm với đồng tiền mình bỏ ra. Tức là, tìm hiểu kĩ nền tảng của giáo viên, không hài lòng với giáo viên thì cần lên tiếng và hành động ngay chứ không thụ động “sao cũng được” – Do cả nể và thụ động mà việc này đã trở thành căn bệnh trong lòng người Việt Nam.
Về phía cơ quan chức năng cũng nên mạnh tay dẹp loạn. Bản thân tôi nghĩ, không gì hiệu quả cho bằng sự hành động của các cơ quan chấp pháp.
Thực ra đây là một vấn đề của toàn xã hội chứ không riêng gì những người có con em đang ở độ tuổi đi học. Do đó, mong rằng tất cả mọi người cùng lên tiếng để đàn áp việc làm thiếu tâm, thiếu đức này của những “thầy rởm“.
Một bài viết thực sự quá dài dòng, bởi thực trạng này đã khiến tôi đau đáu trong lòng quá lâu, nay có chất xúc tác nên quyết phải viết ra. Rõ ràng chủ đề này còn quá nhiều để viết nhưng nếu còn duyên, còn nợ tôi sẽ viết thêm về cái team kia, về cách họ xem học viên của mình thế nào. Còn bài hôm nay chủ yếu nói về sự yếu kém về chuyên môn nhưng vì tiền mà bất chấp để được làm “giáo viên”.
Mong rằng những lời này có thể tìm tới nhiều người hơn để góp phần làm sạch nền giáo dục nước nhà, bớt thất thoát tiền của và công sức của những người xứng đáng được nhận nền giáo dục tốt hơn.
Hãy share bài viết này kèm với cảm nhận của các bạn nhé! Cảm ơn mọi người rất nhiều!
English Zone
/english-zone
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất