Bài viết gốc của Andrew Crumeyis trên Aeon
Andrew Crumeyis là tiểu thuyết gia có bằng tiến sĩ vật lý, là cựu biên tập văn học tờ Scotland on Sunday. Tiểu thuyết phát hành mới nhất của ông là The Secret Knowledge (2013) (Bí niệm)
---
Nếp tư duy hão huyễn vẫn đeo bám ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta, và những ý nghĩ hóa thạch nhất vẫn còn tiếp tục tồn tại kể cả trong bộ môn khoa học cầu kỳ nhất
---
Bạn xem chiêm tinh là khoa học, hay có cơ sở khoa học, hay vô khoa vô học? Câu hỏi này được đưa ra khảo sát ở Mỹ, và theo Các chỉ số khoa học và kỹ thuật 2014 “già nửa người Mỹ cho rằng chiêm tinh 'vô khoa vô học'”. Phần còn lại, xấp xỉ 50%, vẫn sẵn lòng trao cho chiêm tinh học chút niềm tin nào đó, một tỉ lệ nhỉnh hơn các khảo sát trước đây. Có lẽ thực tế này chỉ ra cho chúng ta thấy một sự sụt giảm về hoài nghi lý tính, nhưng một lý giải khác tự thân đã nói lên tất cả: nhiều người được hỏi đơn giản là đã lầm giữa thiên văn học và chiêm tinh học. Đó là một thứ lỗi không thể gọi là ít phổ biến: tờ Daily Mail khi thực hiện bài chân dung về phi hành gia Patrick Moore ít lâu trước khi ông qua đời năm 2012 đã gọi ông là một “huyền thoại chiêm tinh.” Người ta chỉ còn cách ngậm ngùi hy vọng lỗi sai này không hề khiến cái chết của con người vĩ đại kia… chóng tới hơn.
Bản thân là một nhà thiên văn nghiệp dư, tôi chẳng lạ gì với nhầm lẫn này, dù thú thật nó chẳng khiến tôi chút nào khó chịu. Đừng vội quy chụp, tôi chẳng hề muốn ủng hộ tẹo nào cho chuyện từ trường Mộc Tinh có thể gây nên những biên cải ngời ngời trong trí óc tôi. Dù vậy, dù biên giới giữa khoa học và ngụy khoa dường như đủ tỏ trên lý thuyết, thì trên thực tế không phải lúc nào cũng rạch ròi. Nguyên nhân, trong cả hai trường hợp, chính là chiêm tinh và thiên văn đều dựa vào cùng một nhóm suy nghĩ thường tái diễn.
Tôi xin mạn phép đề xuất cái nguyên tắc mà tôi xin gọi là ngố miên trường. Nguyên tắc ấy cho rằng gần như vào mọi thời kỳ, sẽ ra đời, ở một hình thức nào đó, gần như mọi ý tưởng mà con người có thể nghĩ ra được. Rõ là tồn tại sự ra đời của các ý tưởng mới: những ý tưởng về khoa học kỹ thuật là hiển hiện nhất, nhưng còn có cả những ý tưởng khác nữa. Tôi cho rằng ta có thể nói Jane Austen, Beethoven, và thậm chí một nhà khởi nghiệp tình cờ nào đó đều đã phát minh ra những điều thật sự mới mẻ. Tuy nhiên, đại bộ phận các ý tưởng đều được tái lặp - và chính lúc không nhận ra được điều này, tự cổ chí kim không thay chẳng đổi, là lúc chúng ta phạm phải sự ngớ ngẩn.
Trí tuệ phổ thông chứng kiến một chuyển giao đâu đó vào khoảng thế kỷ 17, từ “cổ khoa" sang cái mà chúng ta biết ngày nay. Chiêm tinh nhường lối cho thiên văn, giả kim nhường cho hóa học, và những tín điều cũ kỹ của các “triết tại gia” cuối cùng cũng bị từ khước nhường bước cho những giả thuyết có thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Các thí nghiệm của Galileo về chuyển động là một chuẩn mực khoa giáo cho phương pháp khoa học hiện đại, còn suy nghĩ của Aristotle cho rằng đá rơi vì chúng muốn tiến vào trung tâm Trái Đất, còn lửa bốc lên bởi nó thuộc về bầu trời, là điển hình cho lối tiếp cận phi khoa học. 
Nguyên tắc ngố miên trường thì lại đưa ra một hình ảnh tương đối khác. Thay vì xem lịch sử như từng nấc thang tiến bộ, chúng ta có thể hình dung về một thứ gì đó phân tầng hơn, như những dốc đá ở Rừng cổ Kent mà Charles Darwin từng song suốt mô tả. Chúng ta hình dung thấy một mặt vạch đá bị ăn mòn mài nhẵn; thời đại chúng ta như tầng trên cùng, nhưng bày ra trước mắt chúng ta là tất cả những gì sót lại của tất cả những thời đại đi trước, và chúng ta có thể thỏa sức rứt ra những mẩu hóa thạch bị chôn vùi nào mình muốn.
Bình minh trên thành phố Bonn tuyết phủ, tại Đức. Ảnh: Matthias Zepper/Wikipedia
Tìm thấy những ý tưởng cũ mèm như thế quanh ta chẳng chút khó khăn gì. Chúng ta vẫn cho rằng mặt trời mọc rồi lặn, hay khi nhìn vào một trang giấy, dù biết Trái Đất xoay tròn và tia sáng đi vào mắt chúng ta, nào phải từ mắt ta đi ra. Vào mỗi đêm trời trong, khi lắp kính viễn vọng để ngắm sao, tôi lại đối đầu với những thứ như thế trong lịch sử loài người. Tôi có thể xem những ánh sáng lấp lánh trên cao kia như những quả bóng hydro và heli hình thành từ vụ nổ hạt nhân, tất cả nằm ở những khoảng cách cực kỳ cách xa, hay tôi có thể xem chúng là những hoa văn cố định trên một vòm cầu; những chòm sao như Thiên Bình, chòm sao sinh của tôi. Có lẽ chẳng có chút khoa học nào, nhưng liệu có ngố hơn việc nhìn vào một bức ảnh chụp núi non ở Scotland và nghĩ đó là quê hương xứ sở của tôi không?
Nhà quý tộc Đan Mạch thế kỷ 16 Tycho Brahe được ghi nhớ vì đã đo đạc bầu trời bằng độ chính xác vượt trội lý thuyết Ptolemy cổ xưa, nhưng ông cũng đồng thời trao cho những bậc hoàng thân dốc tiền cho mình những dự đoán dựa vào vị trí các hành tinh, và tiến hành những thí nghiệm hẳn có thể giải thích cho lượng lớn thủy ngân tìm thấy trong cơ thể ông khi người ta khai quật mộ của ông hồi 2010. Chúng ta gọi Tycho là nhà thiên văn hay nhà chiêm tinh, nhà hóa học hay nhà giả kim? Chúng ta có thể xem những bản đồ hoàng đạo của ông là vô nghĩa, nhưng mô hình thái dương hệ của ông cũng chẳng đúng đắn: ông cho rằng các hành tinh di chuyển quanh mặt trời, để rồi tất cả các hành tinh cùng mặt trời lại xoay quanh Trái Đất. Nếu định nghĩa của khoa học là phải luôn đúng đắn, thì Tycho chẳng hề xứng; và nếu coi việc đồng tình với dữ liệu thực nghiệm là tiêu biểu, rõ là có hàng thúng những nhà vật lý lý thuyết hiện đại mà mớ siêu dây và đa vũ trụ không thể kiểm chứng hoàn toàn có thể xếp họ vào cùng phân loại với nhà thiên văn đại chúng bông phèng người Anh Russell Grant.
Dù tham gia vào thiên này hay thiên nọ, các tính toán của Brahe đều hệt như nhau. Dù vậy, ta có thể nói rằng chiêm tinh của ông dựa trên suy nghĩ ảnh hưởng siêu nhiên từ các hành tinh, mà không đưa ra bất cứ lý giải nào về ảnh hưởng, về cách nó vận hành, hay bất cứ bằng cớ nào về sự tồn tại của nó. Chứng cứ duy nhất đến từ truyền thống: niềm tin cho rằng người cổ đại sở hữu một kiến thức đặc biệt nào đó về thế gian. Trong một dung mạo phân tầng suy nghĩ của con người, đó là một thứ tư duy cũ mèm cũ rích nhưng cứ ưa xuất hiện trở lại.
Đó cũng chính là niềm tin mà Isaac Newton hết sức xem trọng. Ít năm sau khi xuất bản công trình khoa học vĩ đại nhất, Principia (1687 - Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên), ông bắt đầu một khế ước, Bàn về nguồn gốc tôn giáo và sự mục ruỗng. Từ những nghiên cứu chuyên sâu về các nguồn Kinh Thánh và thư tịch khác, Newton tin rằng tôn giáo đầu tiên - được Noah “và từ ông ta lan ra khắp mọi quốc gia ở lần di dân đầu tiên trên Quả đất” - bao gồm những điện thờ giữ lửa thiêng, đại diện cho Mặt trời làm trung tâm vũ trụ. Nói cách khác, Newton tin rằng người cổ đại (từ tận Vườn địa đàng) được trao cho tri thức khai sáng về bản chất đích thực của vũ trụ - thứ tri thức về sau mất đi, khiến họ nghĩ rằng Trái đất nằm ở trung tâm của vũ trụ. Khoa học nguyên bản, theo khế ước của Newton, chính là minh triết của các nhà tư tế:
Và rồi chính hình mẫu của sự ra đời tôn giáo đích thực đầu tiên đệ ra con người từ khuôn thức của những Đền cổ, nghiên cứu về khuôn thức của thế giới dưới hình thức Đền thờ đích thực của Thượng Đế tối cao mà họ tôn thờ. Và từ đó trở đi chính các Tư tế cổ đại mới là những người cao trội hơn thường nhân tri thức về khuôn thức đích thực của Tự nhiên và giải thích đại bộ phận Thần học… Và khi người Hy Lạp vào Ai Cập để học về thiên văn và triết lý, họ tìm đến các Tư tế.
Làm thế nào tri thức bản nguyên này lại mất đi? Theo Newton, những đền cổ đại (những Prytanaea của người Hy Lạp) chứa đựng những hiện thể đại diện cho thánh thể, và người ta bắt đầu tôn thờ những thánh thể này, cuối cùng xem như là thượng đế tự thân, từ đó mà tôn sùng. Do đó thay vì xem lịch sử như một cuộc diễu hành đều đặn của tiến trình nhận thức, Newton lại xem lịch sử là một quá trình mất mát và suy tàn; trong Principia, cuối cùng ông đã một lần nữa tự khám phá điều mà các Tư tế đầu tiên kia hẳn đã biết tự thủa nào.
Ngày nay, chúng ta nhìn nhận rằng các ghi chép của Newton rơi vào ba lĩnh vực chính: khoa học, tôn giáo và giả kim. Chính Newton ắt hẳn cũng chẳng hình dung ra sự phân lập này: các bản ghi chép của ông thường xuyên chứa đựng những chú thích về toán học ngay giữa lòng các khế ước về thần học. Nhưng sự phân lập đương thời hoàn toàn sáng tỏ: những tài liệu được xem là mang tính khoa học thuộc về tài sản của ĐH Cambridge, trong khi chỗ còn lại bị mang đi đấu giá vào năm 1936 và hầu hết thuộc về tay của chỉ hai con người. Nhà bác học Do Thái Abraham Yauda sở hữu phần tài liệu về tôn giáo, nay ngụ tại Thư viện quốc gia Israel, còn phần giả kim được John Maynard Keynes mua về.
Trong bài giảng tiêu đề Newton, Con người đặc biệt (1942), Keynes ra sức để thấu hiểu “những sưu tập quái gở” của nhân vật mà ông xem là “Copernicus và Faustus trong một”. Với Keynes, “Newton không phải là con người đầu tiên thuộc thời đại lý trí. Ông chính là phù thủy sau cuối.” Ông có “một chân ở Thời Trung Cổ và chân còn lại bước lần trên con đường tiến vào khoa học hiện đại.”
Keynes cảm thấy kém thỏa đáng với hình ảnh Newton thế kỷ 19 như một người tuyệt luân lý trí, và thay thế bằng một hình ảnh khác, dựa trên kết luận quen thuộc về sự tồn tại một rạch ròi phân cách giữa ma thuật cổ đại và khoa học hiện đại. Nhưng như thế lại mang tới một mâu thuẫn khác. Theo Keynes, thiên khiếu vĩ đại nhất của Newton là trực giác; chẳng hạn khả năng nhận ra rằng một khối cầu có thể xem là một điểm, thậm chí trước cả khi ông có thể nghĩ ra cách chứng minh. Tuy nhiên, trực giác có thể được một nhân vật tầm thường hơn xem như là một khải thị, và theo nhìn nhận này Newton chẳng cách nào có thể là phù thủy cuối cùng được: thiên khiếu của ông là thứ mà chúng ta sẵn lòng gán vào những nhà khám phá và phát minh đủ mọi thành phần - miễn là họ đoán đúng.
Tuy nhiên những phán đoán sai của Newton cũng thú vị chẳng kém những phán đoán đúng của ông. Một ví dụ trứ danh chính là khẳng định của ông cho rằng ánh sáng cấu thành từ hạt, không phải từ sóng. Cái mà ông hình dung trong đầu là những “tiểu thể”, chẳng phải photon trong vật lý hiện đại, nhưng chúng ta vẫn thấy thú vị khi nhìn nhận rằng ông cũng bán phần đoán đúng. Và khi cố gắng lý giải sự phân kỳ của ánh sáng trắng thành quang phổ, ông lại nảy ra một suy nghĩ tuyệt vời cho rằng bề dày của các dải màu khớp với tỉ lệ toán học của một âm giai. Người xưa theo tập quán xem cầu vồng chỉ có năm màu, nhưng để lý thuyết này đúng đắn Newton cần nhiều hơn năm nốt, thế là ông mang thêm vào hai “bán âm”, cam và chàm, và chúng ta từ đó đến nay vẫn đếm thành bảy sắc cầu vồng. Hàng thế hệ học sinh đã học thuộc lòng ánh sáng phân theo màu, “Đỏ vàng cam lục lam chàm tím,” thứ vốn khớp với thực tại chẳng khác mấy các cung hoàng đạo.
Cách hình dung hài hòa của Newton chính là một hóa thạch từ một lớp lịch sử nhận thức nằm thật sâu: những giáo điều của một Pythagoras huyền thoại 1/2, người ngoài công phát hiện ra định lý về bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại, tương truyền có hẳn một chân làm bằng vàng và có thể đồng thời xuất hiện tại hai nơi khác nhau. Quan điểm Pythagoras “mọi thứ đều là con số”, và rằng chuyển động của hành tinh liên kết với các nguyên lý âm nhạc (“âm nhạc của hình cầu”), cũng được nhà toán học người Đức Johannes Kepler, trong quyển Harmonices Mundi (Sự hòa hợp của vũ trụ, 1619), thử lý giải thái dương hệ bằng các thuật ngữ âm nhạc và hình học, và chính xác đưa ra định luật thứ ba về chuyển động của các hành tinh theo cách gọi ngày nay.
Galileo bày tỏ tinh thần của Pythagoras trong Người thí nghiệm (1623), trong đó ông xem quyển sách của Kepler là một tuyệt bút “viết bằng ngôn ngữ của toán học,” và các nhà vật lý hiện đại vẫn duy trì truyền thống này. Lý thuyết gia người Anh vĩ đại Paul Dirac, khi được hỏi định nghĩa về electron, tương truyền đã viết ra một phương trình lên bảng, chỉ vào một ký tự trong đó và nói rằng, “Đây chính là một electron.” Mô hình chuẩn hạt cơ bản, được các thí nghiệm gia tốc chứng minh một cách tài tình, nảy sinh từ các nghiên cứu về “nhóm hình học”, một lĩnh vực toán học có liên quan tới các bài tập hình học của Kepler. Ở mỗi trường hợp, ý tưởng đều như nhau: bắt đầu với một khái niệm hình cân bằng toán học và tìm cách để nó khớp với thực tại.
Âm nhạc của hình cầu còn có một bản sao trong lý thuyết siêu dây hiện đại, cho rằng vật chất hạt phản ứng lại trước cùng những xung động trước đây đã thu hút những người tin vào lý thuyết Pythagoras, mặc dù sau hơn 30 năm cật lực nghiên cứu, lý thuyết này vẫn chẳng đưa ra nổi dù chỉ một dự đoán nào thông qua thực nghiệm.
Nhìn nhận theo cách này, trực tính sai lầm của Newton về cầu vồng đã khép ông vào hệt cái nhóm thuộc về vô vàn những con người khác thuộc đủ mọi thời kỳ gắng sức làm sao để ghép thực tại chộn rộn, lằng nhằng vào mộng lý thuyết đẹp đẽ, và thoảng khi đoán trúng. Nhưng với Keynes, điều giữ chặt vị trí của Newton vào giai đoạn tiền khoa học chính là khuôn tư tưởng của ông: “Những bản năng sâu sắc nhất của ông thuộc về thần bí, bí truyền, ngữ nghĩa.”
“Thần bí” theo nghĩa đen là khuất che, nhưng còn có nhiều nghĩa khác theo Newton. Một mặt, tồn tại những bản viết của Newton về các chủ đề như Hòn đá phù thủy, hay niên đại của Tận thế. Lại còn tính cách bí ẩn và, theo Keynes, “dễ bị kích thích”: “nỗi sợ tê cứng không dám nêu lên suy nghĩ của mình.” Nhưng cũng có cả bình luận trứ danh trong quyển Principia từ chối “các giả thuyết, dù siêu hình hay vật lý, dù cơ học hay thần bí.” Một “thế lực thần bí”, theo cách dùng từ của Newton, là bất cứ nguyên lý tàng ẩn nào không thể hiện ra ngoài thành hiện tượng quan sát được, và các đối thủ phản bác ông cho rằng phiên bản lực hấp dẫn của ông tự thân nó cũng chẳng khác gì một thế lực thần bí khi kết luận tồn tại “một hành động từ xa” huyền bí nào đó. Một tình huống tương tự được nhiều người cho rằng cũng xảy ra với thuyết lượng tử, dẫn tới việc người ta cho rằng chính Albert Einstein đã bỉ bôi thành “một hành động ghê sợ từ xa”.
Một thứ thần bí luận đáng sợ hơn theo nghĩa đen tương tự như vậy cũng tái diễn trong lịch sử khoa học. Một trường hợp đáng kể chính là “lực ngoại cảm” do nhà hóa học người Anh vào thế kỷ 19 William Crookes đưa ra. Trước đó Crookes có được tên tuổi nhờ việc khám phá nguyên tố thallium, và được nhiều người nhớ tới nhờ vào những thí nghiệm dùng điện cao áp dẫn vào ống có khí ở áp suất cực thấp. Đó chính là những ống tia cathode đầu tiên: công trình của ông là tiền thân của ánh sáng huỳnh quang và truyền hình. Ông cũng là nhà tiên phong trong quang phổ học và phóng xạ trước khi công bố phát hiện một lực mới mẻ, đáng ngờ trong Tập san hàng quý về Khoa học năm 1874. Sau khi cho mời những bà đồng ngoại cảm biểu diễn trong các điều kiện đã được kiểm soát, theo Crookes, ông bị thuyết phục tin rằng hiện tượng mình vừa chứng kiến là thực và cần được tiến hành nghiên cứu sâu hơn. Rõ ràng, ông nghĩ rằng ánh sáng ma mị sinh ra từ các ống chân không là một giải thích hợp lý cho ngoại chất.
Crookes bị lừa bởi hàng loạt các vị ngoại cảm, trong đó có Florence Cook, nổi danh với màn trình diễn triệu hồi hồn ma Katie King bước đi trong lúc chính bà lại không có mặt, trong những ngôi nhà thời Victoria tối om. Ở một lần trình diễn nọ, một người tham gia hoài nghi đã nắm lấy tay con ma và phát hiện rằng Katie King cực giống Cook; ông ta bị quẳng ra ngoài, và có gì ngạc nhiên, được mách rằng hồn ma thường có dung mạo giống bà đồng. Crookes được mời đến để kiểm chứng những tuyên bố của Cook, và đã tuân theo. Như những con người xui xẻo cúng sạch tiền của vào những tên lừa đảo internet, mong mỏi được tin của Crookes chiến thắng ý thức của ông.
Lẽ đương nhiên Crookes không phải là nhà khoa học đầu tiên cổ xúy cho chuyện tâm linh. Nhà vật lý người Anh Oliver Lodge - một trong những người đầu tiên từ hồi 1893 đã dự đoán co ngắn chiều dài tương đối - cũng là hội viên cùng với Crookes ở Hội nghiên cứu Vật lý London (cả hai đều từng làm chủ tịch), và cả hai cũng cùng là thành viên Câu lạc bộ Ma, một nhóm tâm linh mà trong số các thành viên trước họ có (kém ngạc nhiên hơn) Charles Dickens. Hứng thú của Crookes dành cho tâm linh ắt hẳn được khơi mào từ cái chết sớm sủa của em trai út, trong khi đó Lodge về sau càng thêm nổi tiếng vì cho rằng con trai mình, chết trận trong Thế Chiến Thứ Nhất, đã liên lạc với mình thông qua các hầu đồng. Có người đồ rằng niềm tin của họ đến từ nhu cầu cá nhân - và tín ngưỡng dân gian về hậu kiếp - hơn là suy xét lý tính.
Cái Crookes cổ xúy là một thứ thế lực thần bí theo mọi nghĩa; ông ra sức giải thích các hiện tượng giả tưởng bằng cách nghĩ tới những quy luật vật lý mới. Rõ ràng ông cũng chẳng phải là vị khoa học gia cuối cùng làm như vậy. Vào năm 1970, Uri Geller trở nên nổi tiếng với màn ảo thuật uốn cong muỗng và những thuật biểu diễn khác, mà ông tuyên bố đến từ năng lực tâm linh. Ông thu hút sự chú ý của nhà vật lý người Anh John Taylor, người tiến hành các thí nghiệm trên Geller và công nhận những màn biểu diễn kia là xác đáng trong một quyển sách tên Siêu tâm trí (1975), trong đó ông nghĩ tới một lý giải bằng điện trường. Taylor nhận ra sai lầm này sau khi nhà ảo thuật Canada James Randi lặp lại những màn ảo thuật của Gellar dưới cùng điều kiện tiến hành nhưng, giống như Crookes, Taylor đã mất nhiều năm trời tìm cách giải thích những hiện tượng chẳng hề hiện hữu.
Thuyết lượng tử, cùng công nhận về sự tồn tại của một hành động đáng sợ từ xa, cũng dấy lên đủ đường nghĩ ngẫm về thần giao cách cảm, quan sát từ xa các hiện tượng “không nguyên nhân”: bình mới rượu cũ. Năm 1932, nhà vật lý lượng tử người Áo Wolfgang Pauli bắt đầu tham vấn Carl Jung theo sau một loạt những biến cố trong đời trong đó có vụ tự sát của mẹ và cuộc ly hôn của chính ông; rốt cuộc ông đã hợp tác với Jung, và trong quyển Lý giải Tự nhiên và Tâm thức (1950) cả hai cùng đề xuất một “tứ vị nhất thể” bao gồm song đề năng lượng-không thời gian và nhân quả-đồng nhịp
Sự tái diễn của những ý tưởng theo suốt chiều dài lịch sử là cái mà Jung hay Pauli gán cho các nguyên mẫu trong vô thức tập thể. Một cách diễn đạt khác có lẽ là sự hữu hạn trí tưởng tượng loài người, và sự dễ bị văn hóa làm ảnh hưởng. Khi mà các lý thuyết có thể ngày càng trở nên kỹ thuật và trừu tượng, những bộ não cố gắng lý giải ý nghĩa của chúng lại chẳng hề tiến hóa quá nhiều suốt 50.000 năm qua. Nếu như bộ não của chúng ta giống như một hóa thạch sống thì có gì ngạc nhiên đâu khi phần lớn những gì chúng ta đang dùng nó để thực hiện cũng bị hóa thạch theo, nói ẩn dụ là thế.
Chẳng kém hăng hái đi xác định ra tôn giáo nguyên thủy, Newton cũng tìm thấy đơn vị chiều dài đầu tiên. Trong quyển Luận về Cubit Thiêng của người Do Thái (1737), Newton phát hiện cubit chỉ chừng 0,6 mét (tức Tàu Noah chỉ dài gần 200 mét). Kim tự tháp luận ngày nay vẫn giữ truyền thống tìm kiếm ý nghĩa che giấu trong các chiều không gian hữu hình. Dù vậy, theo một cách khác, các nhà vật lý ngày nay, thay vì cubit họ lại nói về “độ dài Planck”, đơn vị đo lường xác định từ việc xem xét những giá trị căn bản như vận tốc ánh sáng và hằng số hấp dẫn. Cách làm ở đây chính là kết hợp tự nhiên những đại lượng đang chuyển biến nhằm có một con số “bất thứ nguyên” có thể hoặc không mang ý nghĩa thực nào cả. Chẳng hạn, giả sử chiều cao của ta là hai mét, ta có thể chạy được mỗi giây tám mét, và tuổi của ta là 1 tỉ giây (gần 32). Nếu lấy tuổi nhân tốc độ chia chiều cao ta có con số 4 tỉ, và ta có được kết quả này nếu như sử dụng bất cứ đơn vị cố định nào; chẳng hạn năm, dặm, và dặm/năm. Do đó nó “bất thứ nguyên.” Liệu con số ấy có bất cứ ý nghĩa thực nào hay không? Gần như là không, nhưng luật chơi vẫn cứ như vậy.
Paul Dirac và đồng nghiệp vật lý người Anh Arthur Eddington chơi trò chơi ấy bằng cách sử dụng những đại lượng như khối lượng và kích thước electron; Dirac tin rằng có thể tính được tuổi của vũ trụ nhưng ý tưởng này đi ngược lại với bằng chứng đã có. Tuy nhiên, Eddington vẫn kiên quyết với cái ông gọi là “lý thuyết căn bản” tới lúc qua đời năm 1944. Quyển sách ông viết về chủ đề này được xuất bản sau khi ông qua đời, và chứa đựng biến thể “con số vũ trụ” 204 x 2256 của ông, con số mà Eddington cho rằng chính là số proton và electron trong vũ trụ. Lịch sử sẽ quyết xem điều này ngang tầm với lý thuyết sai bét về cầu vồng của Newton hay lý thuyết về trọng lực đúng đắn cũng của ông, thế nhưng hoàn toàn có thể nói rằng bất cứ trùng hợp về số hay trùng hợp nào khác rồi sẽ vẫn thu hút cả các nhà vật lý lẫn bậc phó thường dân. 
Riêng mình, tôi cứ vững tin vào nguyên lý của sự ngố miên trường, được xoa dịu bởi suy nghĩ rằng gần như mọi ý nghĩ từng nảy ra trong đầu mình đều tuyệt đại chẳng gì mới mẻ hay đều sai toét, hoặc cả hai - mặc dù lắm khi chất xám của chúng ta lại có thể sản sinh ra một thứ chi chi mới mẻ. Một cảm giác dễ chịu khoan khoái khi tôi lắp viễn vọng vào đêm để nhìn vào thiên-gì chả được.
k.