Quý, một thằng nhóc con nhỏ người, ốm nhắt ốm nheo. Nhìn vào nó, ai cũng bảo chỉ thấy cái đầu với hai con mắt, thế nên cái biệt hiệu Quý cò của nó ra đời.
– Ba má mày ăn hết phần mày à sao mà ốm nhom ốm nhắt như con cò hương dị mậy? – Bác Khởi hàng xóm chửi vui nó như thế.
Lên lớp Một, Quý chỉ nặng 16kg, cha mẹ bảo nó bị suy dinh dưỡng, bắt nó uống sữa với ăn thứ bột cóc gì đó – cái thứ bột mà khi Quý ăn vào, nó chỉ muốn ói ra cho bằng hết.
– Bột gì mà thấy ghê bà cố – Quý tức trong bụng.
Nhỏ con và gầy gò là vậy nhưng nó lại máu đánh nhau lắm. Về nhà Quý thường thể hiện sức mạnh của mình bằng cách lủi đầu thật mạnh vào bụng cha, hoặc bác Hai, nhiều lúc bác Hai nó chỉ biết bật cười rồi hai tay vò thầy mạnh cái đầu bướng bỉnh của Quý:
– Chà chà, thằng này đang gồng sức mạnh chó con à, ghê ta.
Một ngày của nó, ngoài việc chạy nhảy, bắn đạn, chọi lon, đá banh, nhập hội giỡn hớt đánh lộn hay bám đuôi lũ cào cào trên thảm cỏ rộng gần nhà thì chắc chẳng còn điều gì làm khiến nó hứng thú hơn nữa.
Sáng nào cũng vậy, khi mà ông Mặt trời mới lờ mờ phía xa, nó đã hét toáng lên bắt mẹ nó chở qua nhà dì Hân – gọi là dì chứ thua nó hẳn một tuổi – đơn giản là nhà dì có nhiều đồ chơi, nhiều mì gói, nhiều đĩa nhạc Xuân Mai, và đặc biệt là nó rất muốn đánh nhau với thằng Vĩnh – hàng xóm nhà dì nó. Thằng Vĩnh này nó cay lâu lắm rồi, cứ thích trốn sau song sắt hàng rào ngoác miệng ra chọc tức nó, thái độ coi bộ láo lắm.
Mẹ Quý vừa đạp xe, lọc cọc ra về. Thằng Vĩnh đã đẩy cửa ra, tai nó thính thiệt, ngày nào nó cũng đợi có thế để được chọc thằng Quý. Vĩnh hét lên, tiếng nó oang oang:
– Ê cái thằng Quý khùng, mày coi tao có gì cho mày coi nè – Vừa nói nó vừa móc trong túi ra con dế to những 2 ngón tay – Nhưng tao hông thèm cho mày chơi đâu.
Quý xô ngay ra nhà thằng Vĩnh, vừa thấy mặt “đối thủ”, nó nói như gào:
– Mày nhỏ hơn tao một tuổi nghe mậy, mày ra đây tao đập mày thiệt đó hông giỡn à nghe.
Đôi co mãi, ngày nào cũng như ngày nào nên rốt cuộc Quý cũng chán, chẳng ham gây sự với thằng Vĩnh nữa. Quý vô nhà, chung cạ với Hân, hai đứa đua nhau mè nheo với dì Năm bắt dì phải vẽ tranh cho tụi nó tô màu. Dì Năm chân lấm tay bùn vậy mà khéo tay lắm, dì vẽ được đủ thứ trên đời, Hân với Quý đứa nào cũng tự hào là có dì Năm có mười cái hoa tay.
Chơi với lũ trẻ trong xóm, Quý mở miệng ba hoa:
– Dì tao ghê lắm nha tụi mày, cái gì cũng vẽ được hết, bả vẽ được dì Hân nè – Nói đoạn, nó đưa ngón tay trỏ chỉ vào mặt nhỏ Hân – y chang luôn, hông khác một miếng nào.
Tụi nhỏ cứ ồ lên ô xuống, tỏ vẻ thán phục dì Năm lắm. Dì Năm ở chung với nhà dì Hân của nó, vừa làm vừa học ở trường cao đẳng sư phạm, dì mến trẻ lắm. Hôm nay thấy hai đứa lại nhây nhưa đòi vẽ, dì cười cười:
– Hai đứa mày muốn dì vẽ cái gì ? Dì bận lắm vẽ nốt cái này nữa thôi đó nghe.
Quý chần chừ, lấy tay vo vo cái đầu tròn trọc lốc, mắt liếc ngó nghiêng:
– Vẽ cái bồn cầu đi dì, không thì cái bô nè dì.
Nó nhanh nhảu đi tìm cái bô đo đỏ mà nó vẫn hay dùng, bỏ mặc cho cái vẻ ngơ ngác của hai người dì.
----------
Hôm nay Quý được cha tặng cho con dế, vừa to vừa đẹp. Nó thích lắm, lén lấy luôn cái thố đựng thịt của mẹ để làm chỗ nuôi dế.
Quý lại lén lấy đất nặn nhà dì Hân, trộn ba, bốn màu lại thành cục đất màu xam xám, đoạn nó lấy cái dao bằng mủ, cắt cục đất nặn thành mấy viên “gạch” bé xíu. Quý ngồi cả buổi trời để sắp mấy cục “gạch” thành một cái nhà có một lối ra vào, hai cửa sổ be bé, nó gọi đó là cái lâu đài cho con dế. Để chắc chắn rằng con dế có thức ăn đầy đủ một ngày, nó nhét vào trong hộp ba cọng cỏ.
– Mỗi bữa ăn cơm của tụi mình á, là con này nó ăn một cọng – Quý nói với Hân, cái mặt hếch hếch của nó đầy vẻ tâm đắc, xong nó đậy nắp lại, khóa chặt và yên trí đặt thố thịt – lâu đài của con dế – ở dưới gầm ghế đá.
Hân và Quý lại ra đường nhập bọn với lũ trẻ. Trong cái xóm chợ ấy, anh Minh là người mà mà tụi nó quý nhất, Minh học lớp Năm, lớn nhất trong bọn nên cũng nhường nhịn nó lắm, ngày nào cũng mua bánh canh cho nó ăn. Quý tít mắt cười rồi húp sộp soạp, Minh thì luôn miệng:
– Mày không được méc ba mẹ tao nghe mậy, ổng bả biết oánh tao chết.
Quý cười hề hề, ngu gì méc, có bánh canh ăn hông sướng sao.
----------
Hôm sau, Quý giãy nảy và khóc thét lên. Nó mang cái hộp lại trước mặt cha nó, nước mắt nước mũi nhạt nhòa:
– Cha ơi… con dế… nó… nó… chết ời…
Cha nó cầm tờ báo, đã hiểu mọi chuyện, ông đẩy cái kính cận xuống, quay mặt qua nói với nó bằng cái giọng trầm trầm:
– Con nhốt nó trong cái thố thịt rồi đậy nắp vô sao nó thở mà sống nổi hả con ?
Quý vẫn không chịu, nó nghẹn cổ vì ấm ức:
– Mà sao nhà mình cũng chui vô phòng ngủ có sao đâu.
Cha nó cười xòa, đoạn ra sau bếp giặt chiếc khăn vải mùng nhỏ, lau mặt cho nó:
– Ờ thì nó nhớ nhà nó bệnh chết đó con, mốt có nuôi con khác đừng nhốt nó kín mít vậy tội nó.
Buổi chiều tà, Quý không chạy ra bay nhảy, hò hét hay đánh vật với tụi bạn nữa. Nó  ngồi cúi gằm mặt ở góc cái khoảng đất trống cạnh nhà, tay cặm cụi đào đất rồi đặt con dế kia xuống. Rồi Quý dùng tay lấp lại, phủ lên đấy một ít nhánh cỏ xanh xanh, vừa đào vừa lấy tay lau nước mũi nên tay nó nguệnh đầy đất, xong xuôi đâu hết nó đặt bàn tay nhỏ nhỏ của nó lên khoảng đất bên dưới chôn con dế, mắt long lanh:
– Thôi tao không bao giờ nhốt ai nữa đâu mày ơi, có tao cũng thả à…
Vừa lúc ấy, tiếng mẹ nó sang sảng:
– Thằng Quý đâu rồi về ăn cơm nè con.
Nó đứng dậy, lững thững bước về.
- 12/07/2017 -