Bản chất của sự tự tin trong thuyết trình
Tự tin hiểu chiết tự là tin tưởng vào bản thân mà không cần trợ lực nào. Như vậy, tự tin là cách một người nhìn nhận về bản thân, bản chất là vấn đề của suy nghĩ, nhìn nhận và thái độ. Vấn đề gầy dựng sự tự tin phải đến từ chính việc thay đổi suy nghĩ bản thân chứ không phải câu chuyện về các thủ thuật và kĩ xảo. Vậy mà hiện nay khi mọi người tìm kiếm từ khóa “làm thế nào để tự tin” liền cho ra một loạt các kết quả liên quan đến việc xây dựng hình thức và các kỹ thuật giữ bình tĩnh - thứ vốn dĩ chỉ giúp che giấu hoặc làm giảm căng thẳng lo lắng chứ không giải quyết được bản chất vấn đề.
Nếu xây dựng tự tin trước đám đông bằng các kỹ thuật được hướng dẫn như sử dụng ngôn ngữ cơ thể, giọng nói to rõ, nội dung trình bày được chuẩn bị trước và thuộc lòng… thì đó chỉ là hình thức. “Lớp vỏ” này sẽ lung lay ngay khi xảy ra các vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Hành động xuất phát từ ý nghĩ, quan điểm quyết định phong thái. Vì vậy việc giải quyết hành vi trước khi thay đổi suy nghĩ là quy trình ngược, phi logic và nông cạn.
Và thế là những bài hướng dẫn kém chất lượng thì đầy rẫy, người mới tập thuyết trình dù có tìm đọc và làm theo hướng dẫn chuẩn chỉnh đến đâu vẫn luôn cảm thấy chưa giải quyết được vấn đề, khi lần đầu thuyết trình vẫn “lẩy bẩy” hệt như “chưa hề có cuộc chia ly”.
Giải quyết gốc rễ nỗi sợ
Việc áp lực khi thuyết trình trước đám đông thường đến từ những nỗi sợ xuất phát từ tâm lý. Đây là chuyện hiển nhiên của bất kì ai, đặc biệt với người Á Đông khi lớn lên trong môi trường khuyến khích khép kín cái tôi, văn hóa làng xã an toàn và tâm thức tập thể “chúng ta”. Việc một mình - tức thoát khỏi đám đông khiến chúng ta cảm thấy trơ trọi và bất an, và thuyết trình trước đám đông - tức thể hiện bản thân trước một lượng lớn những con người xa lạ là việc rất không quen thuộc. Đây là nỗi sợ cái lạ, sợ cái mới, sợ cái mình chưa bao giờ làm. 
Để giải quyết nó rất đơn giản, đó là ép bản thân phải quen, biến cái lạ thành cái thường thấy mà cụ thể là khiến việc thuyết trình trở thành một việc bản thân đã làm qua nhiều lần. Đừng hiểu nhầm rằng bản thân phải “tự tập nói trước gương” hay tự đứng nói một mình hàng chục, hàng trăm lần. Kể cả khi thuộc lòng bài nói nhưng tâm lý sợ hãi đám đông vẫn còn thì khi đứng nói trước mọi người sẽ dễ lại tiếp tục “lẩy bẩy”.
Ban đầu, hãy nhờ những người thân thuộc đến nghe bài thuyết trình, số lượng khoảng 2-3 người là lý tưởng nhất. Đừng nghĩ những người thân quen sẽ không gây áp lực, vì thực chất việc tỉ tê nói chuyện và thuyết trình là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Sau khi có thể thuyết trình trơn tru trước mặt người quen, nâng cấp độ khó bằng việc thuyết trình trước một đám đông từ 15-20 người, bạn có thể nhờ một cộng đồng nhỏ của mình (bạn bè trong lớp, câu lạc bộ, bạn của bạn bè…) để thực hiện điều này. Với đám đông số lượng nhỏ như trên mà đã có thể thoát khỏi áp lực khi thuyết trình thì chúc mừng, khi đứng trước lượng người đông hơn nữa (100-200 người) tuy nỗi sợ vẫn còn nhưng sẽ không còn ám ảnh như xưa. Việc bản thân đã quen với việc nói cho nhiều người nghe sẽ là nền tảng xây dựng sự tự tin khi thuyết trình.
Bản thân phải “chất lượng” trước
Làm sao có thể tin tưởng vào bản thân (tự tin) nếu chính bạn chẳng có gì đáng tin? Phong thái của một người sẽ khác biệt rõ ràng khi họ nói về một vấn đề mình nắm rất chắc và một chủ đề còn lờ mờ. Điều này càng cho thấy những hướng dẫn tự tin tràn lan trên mạng đều rất vớ vẩn.
Với người mới khi thuyết trình, nền tảng để tự tin là nội dung bài nói của bạn phải chất lượng, có thể không chính xác nhưng những gì bạn nói ra phải là những gì bản thân xác tín. Nói cái của mình, kể câu chuyện của mình - chính bạn phải là người tin trước thì mới dễ dàng thuyết phục được người nghe. Chính việc tin tưởng vào những gì bản thân chia sẻ là câu chuyện về suy nghĩ, và một khi suy nghĩ thông suốt thì hành động cũng tự khắc trơn tru. Bạn sẽ tự nhiên hơn, năng lượng hơn khi thuyết trình mà không cần tự ép bản thân cứng nhắc theo quá nhiều quy tắc.
Tuy nhiên, nội dung bài nói chỉ là cấp độ thứ nhất, vì tự tin không phải là tin vào một quan điểm, một góc độ mà là tin tưởng năng lực bản thân. 
Tìm một thứ ở bản thân mà bạn thấy tự hào: Kiến thức chuyên môn, khả năng phản biện, khả năng ứng biến, ăn nói hài hước… thậm chí có thể là ngoại hình đẹp, hình thức chỉn chu. Đồng thời cũng phải dũng cảm nhìn nhận những điểm yếu, chấp nhận đồng thời muốn cải thiện nó. Đây là câu chuyện về cách mà chúng ta nhìn nhận về bản thân, là nhận thức và suy nghĩ. Thay đổi những vấn đề này không phải là chuyện có thể làm trong sớm chiều, càng không phải cứ lặp đi lặp lại thì sẽ đạt được mà phải có trải nghiệm và độ chín trong suy nghĩ. Không phải bất công mà dù cùng số lần nói, cùng số lượng người nghe, cùng những khâu chuẩn bị… thì một vĩ nhân luôn nói hay hơn một người chỉ biết nói.
Xây dựng sự tự tin khi thuyết trình là một quá trình cần nhiều nội lực thay vì câu chuyện hình thức. Vì nó không phải vấn đề của năng khiếu hay bẩm sinh, bất cứ diễn thuyết gia nổi tiếng nào cũng đã có giai đoạn xây dựng bản thân, “nuôi lớn” con người bên trong và tìm kiếm phương thức biểu đạt phù hợp. Đừng đi ngược quy trình, vấn đề của một người mới là giải quyết “chính mình”.