Trong số các nhãn hàng về chất tẩy rửa hiện nay, OMO chiếm một vị thế lớn trong tâm trí mình, không chỉ bởi chất lượng của sản phẩm mà còn là những thông điệp ý nghĩa đằng sau. Một trong những campaign thành công nhất của OMO phải kể tới "Dirt is good".
Bài viết dưới đây không phải phân tích về casestudy, chỉ đơn giản là chia sẻ suy nghĩ của mình từ thông điệp "Dirt is good". 
1. Tại sao bẩn lại tốt?
-  Tại Châu Á, bẩn là một điều không tốt. Bẩn mang ý nghĩa tiêu cực, mất vệ sinh, gây nên bệnh tật, thậm chí có người còn so sánh bẩn đi đôi với nghèo. Vì vậy cần phải có điều gì đó để khiến " sự vấy bẩn" được nhìn nhận một cách dễ chấp nhận và dễ hiểu hơn với các bậc phụ huynh. Do đó, thách thức của OMO được đặt ra: "Làm thế nào để khiến việc lấm bẩn có giá trị, gắn liền với giá trị sống theo văn hóa của người Châu Á ?"

- Mình thật sự ấn tượng bởi cách OMO quan sát và nỗ lực tìm kiếm suy nghĩ thầm kín nhất của người mẹ về việc nuôi dạy trẻ, rằng thực sự tại sao lại không muốn con lấm bẩn. Điều này có lẽ bắt nguồn từ tình thương vô bờ bến của đa số người mẹ, là đức hi sinh, sự bao bọc, luôn muốn con mình có được những điều "tốt nhất", không muốn con bị vấp ngã. Vậy OMO đã làm thế nào để bậc phụ huynh tin rằng việc lấm bẩn là một điều tốt cho con cái?
- Thông qua những góc nhìn sâu sắc và đột phá, OMO đã phát hiện ra mong muốn thầm kín của các bà mẹ Việt Nam, muốn điều tốt nhất cho con những không muốn chúng phải vấy bẩn, vấp ngã: "Tôi muốn cho con mình vui chơi và tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, nhưng e ngại về việc để cho trẻ lấm bẩn". Tưởng rằng giải quyết bài toán này là điều không thể, nhưng OMO đã đem insight này để kể một câu chuyện vô cùng logic "Đừng vì lo ngại vết bẩn mà ngăn cản sự vui chơi học hỏi của con trẻ. Chỉ khi trẻ em được vui chơi, trải nghiệm cuộc sống, không ngại lấm bẩn thì chúng mới có cơ hội học hỏi những bài học quý báu từ cuộc sống."  Vì chỉ khi vấy bẩn, trẻ mới có trải nghiệm thực tế để bước ra cuộc đời một cách vững vàng hơn.
- Qua cách kể chuyện này, OMO ngầm khẳng định rằng BẨN LÀ TỐT, vì một khi trẻ sẵn sàng lấm bẩn, tức là trẻ đã sẵn sàng muốn được vấp ngã, trải nghiệm cuộc sống từ các hoạt động vui chơi thú vị.  
2. Giá trị của sự lấm bẩn
- Insight và cách kể chuyện của OMO đã gợn cho mình rất nhiều suy nghĩ "ẩn dụ" trong việc cách nuôi dạy con cái trong thời nay, rằng "Làm thế nào để phụ huynh tin rằng việc va chạm xã hội, trải nghiệm thực tế bên ngoài là điều tốt cho con?"
Sự tự tin bền vững bắt nguồn từ việc hiểu rõ chính bản thân mình 
- Có nhiều gia đình tin rằng việc yêu thương, chăm sóc con cái bằng cách bao bọc và giam lỏng con, để bảo vệ con khỏi những "cạm bẫy xã hội", những rủi ro của cuộc sống. Tình trạng này không chỉ bắt gặp ở trẻ con 4 -5 tuổi mà còn dễ dàng thấy ở người trưởng thành 18 - 25 tuổi. Sự bao bọc hoặc tự ti quá mức sẽ hình thành nên lòng thiếu tự tin vào bản thân, thiếu những kĩ năng mềm cần thiết để bước ra đời. Bởi vậy, nếu không can đảm đối mặt với thử thách, không chịu "vấy bẩn" thì ta cũng sẽ không thể nhận ra được sai lầm, rút ra được kinh nghiệm để trưởng thành hơn. Mình thực sự tin rằng, "lấm bẩn" là một điều tích cực trong cuộc sống.
- Nếu tiền bạc là thứ quan trọng nhất trong việc "sinh tồn" của con người thì với mình, trải nghiệm là thứ quan trọng thứ hai. Có những trải nghiệm đa dạng không những giúp mình có thêm được những kiến thức thực tế mà quan trọng nhất, nó rèn luyện cho mình sự chủ động, sự sáng tạo và có nhiều góc nhìn hơn trong đời.
Hãy bước ra ngoài, tận hưởng thế giới theo cách riêng của bạn
- Nếu so sánh "thất bại" là vết dơ thì đừng ngại lấm bẩn, đừng ngại trải nghiệm, đừng ngại thử những thứ mình chưa từng làm. Vì sau cùng, những vết bẩn và trầy trật ấy sẽ là thứ mà chúng mình nhớ mãi như những kỉ niệm đẹp của tuổi trẻ, là những bài học đắt giá của cuộc sống tạo nên phiên bản tuyệt vời nhất của mình ngày hôm nay. Vậy nên sau cùng, đừng lo ngại thất bại mà ngăn cản sự vui chơi học hỏi cuộc sống khi còn trẻ. Vì chỉ khi mình được vui chơi, trải nghiệm cuộc sống, không ngại vấp ngã thì ta mới có cơ hội học hỏi những bài học quý báu từ cuộc sống.