Lịch sử vốn dĩ khô khan. Đó là một môn học hay rộng ra là một chủ để mà thuần túy là những con số, những mốc thời gian, những sự kiện diễn ra trong một thời điểm hoặc một khoảng thời gian cụ thể. Nhưng Lịch sử hiểu thực chất là một phần máu thịt của một quốc gia, là mạch xương sống cho toàn bộ gốc rễ và định hướng đường lối phát triển sau này.
Không phải ngẫu nhiên, "dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước". Tinh thần ấy, niềm yêu ấy, đến từ những điều rất nhỏ bé trong cuộc sống. Bản nhạc hay, tách trà hãm đúng độ, nắng chan hòa cảnh vật, cây biếc xanh trong vườn, mâm cơm đơn sơ mà ấm áp tình thân, ngọn gió heo may se se lúc chuyển mùa, trăng rằm tròn vạnh vành ngày rằm, hay là cái liếc mắt tình tứ của người mình thương,... Nhưng hơn tất cả, tình yêu ấy đến từ những lễ bái gia tiên, những tập tục lưu truyền ngàn đời dịp lễ chùa đầu năm, những quy tắc lễ nghi trong gia đình, đạo nghĩa kính trên nhường dưới,.. những điều đẹp đẽ mà trong sáng vô ngần đã cứ thẩm thấu và nuôi dưỡng tinh thần và tình yêu đất nước từ khi tấm bé của những con dân nước Việt.
Xin đừng phải đòi hỏi người khác phải thay đổi cách dạy Lịch sử vì việc thay đổi ấy không dễ thực hiện, đặc biệt khi giáo viên dạy Sử tại các trường học luôn bị xếp là vai yếu và không nhận được sự yêu quý, tôn trọng như các bộ môn chính khác. Vốn cuộc sống này, điều ta thay đổi được chỉ duy là ta, một và duy nhất.
Mất Lịch sử là mất tất cả. Cách nhanh nhất để tiêu diệt một quốc gia là thay đổi văn hóa giáo dục đất nước đó. Nhà nước có thể xây dựng lại, đất có thể bồi dưỡng lại, hóa chất có thể xử lý, tài nguyên có thể chuyển đổi hình thức, nhưng lịch sử của 4000 năm, đánh mất rồi ta sẽ xây dựng lại thế nào đây? Thử tưởng tượng một ngày, thế hệ kế cận không biết nổi lãnh thổ Việt Nam tới đâu, không rõ nổi "Người mang hình hài của nước" đã bôn ba hành tẩu khắp thế giới để làm gì, không nghe được những tiếng gọi nơi anh linh của những lớp cha ông đã ngã xuống để gìn giữ và chiến đấu bảo vệ Đất mẹ thiêng liêng. Vậy, khi đó, điều gì sẽ thúc giục thế hệ đó tiếp bước cha ông nếu lỡ may thời kì loạn lạc diễn ra, chắc chắn không phải những Apple, Dior, Gucci hay Mercedes. Xin đừng phán xét lịch sử, đừng ngụy tạo rằng khi xưa cha ông ta không cần học Sử vẫn "ngùn ngụt ý chí đánh giặc, ầm ầm quyết giữ đất trời". Sử không phải điều xa xôi, Sử khi đó đơn sơ được truyền từ đời này qua đời khác, Sử tồn tại âm thầm và lặng lẽ, hiện hữu giữa lối sống làng xóm qua câu ca dao, qua tiếng hát, những buổi chăn trâu đánh trận cỏ lau giả làm Đinh Bộ Lĩnh, chẳng thể mà Thánh Gióng cứ ẩn hiện trong giấc mơ trẻ nhỏ trên các chõng tre giữa trưa gió hè.
Duy cái việc nghĩ đến đề xuất ấy thôi, tôi nghĩ đó đã là điều đáng lên án. Các thế hệ lớp trẻ mới, đang muốn duy tu và không ngừng tìm tòi phương án truyền tải, các bác trên Bộ lại muốn bỏ nó đi. Thật lòng nghĩ mãi tôi vẫn không cảm được cái luận điệu biện hộ cho cái đề án mới này.
Hình ảnh xe tăng T-59 số hiệu 390 của Trung đoàn thiết giáp 203 húc đổ cổng Dinh độc lập ngày 30/4/1975.
Hình ảnh xe tăng T-59 số hiệu 390 của Trung đoàn thiết giáp 203 húc đổ cổng Dinh độc lập ngày 30/4/1975.
Nếu anh bắn vào quá khứ bằng một khẩu súng lục, tương lai sẽ bắn ta bằng một khẩu đại bác - nhà thơ Abutalip.
Xin đừng đưa Lịch sử vào môn học tự chọn, ở cái tuổi quan trọng nhất trong việc hình thành nhận thức của một con người. Kết quả từ quá khứ đã rõ, Hàn Quốc đã từng đưa Sử là môn tự chọn giai đoạn 2005 để rồi kết quả khảo sát năm 2013 khiến thế giới giật mình, cuộc nội chiến chia cắt 2 miền Nam Bắc mới đó 63 năm trước đã bị hoàn toàn quên lãng, vị tướng xuất sắc nhất lịch sử Đại Hàn cũng bị xóa mờ trong lớp người trẻ . Nhãn tiền hơn, một thế hệ trẻ của Ukraina, lớn lên trong thời kì thông tin "nhanh và ngắn" của thế kí 21, chối bỏ rằng lãnh thổ nước nhà được mở rộng nhờ cuộc chiến trường kì chống Chủ nghĩa phát xít của Hồng quân Liên xô, quên mất rằng Ukraina đã và đang được hưởng những đặc quyền kinh tế từ Liên bang Xô Viết ưu đãi.
Ta không thể sống mãi với thù hằn từ lịch sử, không thể bài xích các mối quan hệ hợp tác vì yếu tố lịch sử giao tranh, nhưng tuyệt nhiên không được tha thứ, càng không thể lãng quên.
Hình ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm.
Hình ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm.
Một dân tộc không có lịch sử, không thể tồn tại. Một dân tộc không coi trọng lịch sử, không nghiêm túc giáo giục thế hệ trẻ về cha ông, sẽ phải trả một cái giá đắt, rất đắt.
Người đi Mộc Châu chiều hôm ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa. ... Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên, khúc độc hành. *Tây Tiến trong tập Mây đầu ô (1986) của nhà thơ Quang Dũng*.
(bức xúc đã lâu, đương ngày Hà Nội nắng gắt)