Năm tôi được sinh ra, ở tỉnh tôi mưa lớn lắm. Mưa ác liệt và dữ dội. Mưa đổ xuống trên thượng nguồn và lũ chảy về hạ nguồn. Chỉ trong một đêm cả tỉnh trắng xóa màu nước. Lũ cuốn bay cả một ngôi làng, lũ dìm ngập cả thành phố. Hồi đó, người ta chạy lũ như chạy giặc năm nào. Vì lũ năm ấy to vậy mà bây giờ người dân quê tôi bao giờ cũng lấy cơn lũ đó làm mốc thang đo cho các sự kiện tương tự. Và nhiều đứa trẻ được sinh ra trong năm được đặt cái tên cúng cơm là Lũ để nhớ về.
Mùa đông nơi tôi ở khi còn nhỏ là những chuỗi ngày nắng không chiếu tới nổi mặt đất cả tháng trời. Những ngày ngồi trong nhà ngó ra sân, mưa phấp phới bay phía ngoài trời, cây bàng cũ kĩ đã rụng hết lá từ đầu Đông trơ ra giữa vùng trời xám xịt, nước róc rách chảy xuống từ mái nhà đều từng nhịp thay công cho chiếc đồng hồ . Mưa làm cho không thời gian trở nên nặng nề và cô đơn. Mưa làm tràn đầy những dòng chảy nước tự nhiên ngay trước cổng nhà tôi và nhiều nhà khác. Người dân chỗ tôi tự bao giờ đã biết dành khoảng đất cho những con sông tí hon này chảy ngang qua trước cổng nhà. Không nhà nào lại xây đổ xi măng bịt kín dòng chảy đó mà luôn chừa một khe hở đủ rộng để nó chảy qua. Dòng chảy đó khi mưa tạnh là nơi tụi nhỏ chúng tôi thả những con thuyền giấy tự gấp và đua xem thuyền đứa nào đi xa và nhanh nhất có thể. Bây giờ, khi mưa còn đang rơi xuống, mưa là nguồn động cơ mạnh mẽ cho con nước chảy cuồn cuộn qua trước mỗi cổng nhà. Mưa làm việc đi lại khó khăn nhưng nếu bạn muốn thì mưa chưa bao giờ là vấn đề. Lũ trẻ con chúng tôi thường khoác lên mình bộ áo mưa rồi tất tả sang nhà của một đứa nhóc nào đó hẹn trước để chơi những trò chơi tụm năm tụm bảy. Ở ngoài trời là thế giới của mưa, và ở trong những ngôi nhà sáng đèn ấm cúng là thế giới của chúng tôi. Nhưng tôi không phải là đứa trẻ chỉ biết quan tâm những thứ xung quanh mình, hàng ngày tôi vẫn nhìn ra ngoài trời mưa và tìm kiếm. Cuối cùng tôi cũng thấy Mưa.
Ngôi trường cấp 3 tôi học là một ngôi trường rộng lớn với những hàng cây xanh trải đều quanh trường. Trường tôi mang một nét cổ kính và đượm buồn ít ngôi trường nào khác có được. Cũng vì thế mà tôi có phần nghiện cảm giác một mình lúc sáng sớm tại trường tôi. Mùa mưa kéo dài làm cho những cành cây xác xơ trơ cả gốc lẫn cành. Mùa hoa đã qua từ lâu và mặt đường giữa sân trường đen kịt màu rêu mốc và lá khô thối rữa. Vụt qua những ô vuông cỏ giữa trường, cố né những bãi nước đọng lớn trên đường đi và dù nhiều hay ít là những hạt mưa li ti giữa bầu trời, tôi chạy một quãng đường không hề ngắn giữa nhà xe và lớp tôi. Sân trường vắng ngắt, chỉ có mưa bao phủ cả ngôi trường. Mùa đông rét mướt đi theo tôi cả khi vào trong lớp, nhưng Mưa thì không thể. Suốt một dãy lớp học của khối, lớp tôi trong suốt năm học thường luôn được bật sáng đầu tiên. Ánh sáng của bóng điện làm nguôi đi bớt sự lạnh lẽo của thời tiết. Mỗi ngày như vậy, tôi thích đứng ngắm Mưa từ cửa sổ. Bầu trời vẫn còn tối đen như chưa từng có bình minh lúc 6h sáng. Trong khi mọi cây cối đều đi vào chu kỳ rụng lá thì đám cỏ mọc lên xanh tốt như trêu người đám cây cao ngút mắt. Mưa rả rích suốt ngày dài nhưng chẳng đủ sức gây lụt lội chẳng khác gì cơ hội ngàn vàng cho đám cỏ. Tôi ngắm mưa nhưng khó mà thấy được từng hạt mưa ngoài kia. Chẳng phải vì Mưa dày đặc quá mà vì Mưa mỏng quá. Mưa phủ đều mọi mảng miếng của ngôi trường. Mưa rơi lách tách trên nền đường, Mưa rơi òng ọc bên ống xả nước và mưa rơi rào rào trên những tán lá. Bên trong tôi khi đó luôn dâng trào cảm giác thỏa mãn và an toàn. Như đây là thế giới của riêng bản thân mình, sự im lặng của không gian xung quanh và sự bảo vệ của Mưa. Mưa đưa tôi vượt ra khỏi hiện tại thực tế và đáp tới không gian nơi tôi là trung tâm của mọi sự vận động lý trí, nơi tôi có thể thực sự đưa cả thế gian này vào trong tâm trí của mình. Như cái nắp của cả vũ trụ, cánh cửa sổ tôi đứng cạnh bao trọn tầm nhìn tất cả, nơi mọi vật chất và khoảng không đều có một hàm số xác định, đó là Mưa. Tiếng giảng bài vang lên bên trong lớp học nhưng Mưa vẫn ở ngoài khung cửa sổ. Mưa mang tới cho tôi sự tĩnh lặng và tôi luôn tự hỏi Mưa muốn nói gì với tôi. 
Cái tết đầu tiên thời sinh viên của tôi. Trên con tàu hỏa trở về quê, Mưa giăng đón tôi suốt một chặng đường dài. Mưa bây giờ không còn như trước. Mưa ngắn và nhẹ hơn xưa, bầu trời xen lẫn 3 màu đen trắng ghi và dần sớm nhường chỗ cho mặt trời sau một cơn mưa nhỏ. Người ta bảo những con hầm mới đào đã rút Mưa đi xa nơi khác. Tết sinh viên cũng không giống như tết của những đứa nhóc năm đó. Có những đứa bạn từng dầm dề dưới mưa với tôi giờ đã tha phương xứ người, có những đứa tôi vẫn gặp mỗi dịp tết nhưng cái gặp đó lạ lắm, không có gì thân quen cả, cứ như tất cả chúng tôi đã thay đổi khi rời xa những cơn Mưa quê nhà. Nhưng Mưa vẫn không đổi lớp vỏ bọc và âm thanh mà Mưa phủ lên thế giới quanh tôi.Từ nhà tôi nhìn ra cánh đồng lúa còn xanh mơn mởn đầu xuân, xuyên qua lớp màn kính Mưa nhẹ nhàng, trầm mặc, chỉ độc một người nông dân đội trên mình chiếc nón vẫn chăm chỉ công việc trên cả cánh đồng. Những cây cau của tuyến đường mới xây thẳng tắp, buồn bã lắc lư nhẹ nhàng theo gió như đang cố gắng với tới nhau trong một nhịp điệu chuyển động đầy nghịch lý. Con đường tỉnh lộ chạy thẳng tới đường chân trời chỉ mấy khi mới có chiếc xe chạy vụt qua trong vội vã, nó đang vội đuổi theo Mưa và Mưa đang đuổi theo nó. Và rồi, trong một khoảnh khắc nào đó, tôi nghĩ rằng tôi đã nghe thấy Mưa.
Ở Hà Nội, những cơn mưa thường ào ạt và dữ dội. Mưa Hà Nội đến mạnh mẽ bao nhiêu thì cũng sớm rút lui như vậy. Tôi dần đã học được cái thói quen của thời tiết xứ này qua bao năm tháng lao mình trên những tuyến đường tắc nghẽn, đầy bụi bặm của thủ đô. Nhưng Mưa ở quê tôi vẫn thật khác. Lần trở về năm đó, Mưa vẫn làm ướt mắt tôi. Mưa và tết như lẽ tất yếu, như chú tôi nói, không có Mưa thì không phải là tết. Mưa và gió đánh vật những người lái xe trên tuyến đường độc đạo đi ra xứ biển. Hàng cây xanh rũ rượi, mệt nhoài qua từng đợt gió, từng hạt mưa bay qua. Những căn nhà chòi cơ đơn, lạnh lẽo không một bóng người, kẻ đi đường nhìn qua còn chẳng phân biệt được liệu nó đã bị bỏ hoang một thời gian dài hay chưa. Đầm phá mùa Mưa như cái chậu nước khổng lồ với một chiếc cầu bắc ngang qua đó, nơi tầm mắt nhìn được ngút ngàn rồi bỗng dưng bị chặn lại bởi hàng cây xa típ hoặc là những độn cát trắng. Độn cát vươn mình cao cả chục mét trên không trung giữa làn Mưa thổi vào từ biển. Độn cát tôi chẳng biết từ bao giờ đã chia cách chúng tôi với biển nhưng chính nó đã trở thành bức tường dẫn đường hay dấu hiệu khó phai nhạt trong tâm trí tôi về quê nội. Trên những độn cát “cao vút ấy” là khu vườn vĩnh hằng của người dân quê tôi. Mưa rơi lạnh lùng trên độn cát đó, đầy xa xăm và lạnh lẽo. Độn cát đối với tôi như chốn trung gian giữa nơi cõi kia và dương thế, nơi đó thật gần với biển và sông nhưng cũng đầy thách thức và độc đáo trồi hẳn lên cao như cố với tới chốn thiên đàng hay để người đã khuất được nằm nhìn ra xa cả một vùng trời rộng lớn. Mưa ở gần biển khác với Mưa ở trong đất liền, Mưa có vẻ lạnh hơn trong miệng ta và nặng hạt hơn. Tôi nhìn Mưa thấm xuống lớp cát trắng dưới chân tôi, Tôi nhìn Mưa rơi xuống tấm bia mộ của những người tôi biết, và tôi nhìn ra đường chân trời phía xa kia của độn cát, nơi lấp ló bóng dáng của biển. Tôi biết tôi cũng như Mưa và bao người khác, Có vô vàn hạt Mưa rơi xuống thế gian nhưng phần lớn trong suốt thời gian tồn tại của những hạt mưa đó, chúng là những cá thể tách biệt, đầy cô đơn, mang trong mình hình ảnh của cả thế giới mà cũng thật nhỏ bé, gần như bất lực trước trọng lực của trái đất để rồi sau cùng người ta cũng chỉ có thể nhớ đến Mưa chứ không phải những hạt mưa nhỏ bé. Đó vừa là nỗi bất hạnh vừa là niềm vinh dự của loài người, chúng ta là một giống loài cô đơn và vô danh.