Anh nghĩ sao về sống thử? - một cậu em đã từng hỏi tôi như thế. Và tôi đã có một câu hỏi Tại sao chúng ta lại có từ "sống thử"? Phải chăng vì chúng ta có từ "Kết hôn"? Một trò đùa của ngôn ngữ chăng? Hay là một sản phẩm vĩ đại của nhân loại?
"Sao em luôn cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến việc mình dành hết tình cảm cho một người để tiến đến hôn nhân rồi một ngày đẹp trời hắn bảo rằng không còn yêu em nữa...và mọi việc kết thúc bằng việc ly hôn...em có quá nhiều lo lắng." - cô em gái bé nhỏ khôn ngoan nhưng đôi lúc khù khờ của tôi đã chia sẻ như vậy vào một buổi chiều không vui gì mấy. Nó làm tôi nhớ đến lời trích dẫn của Eliz trong cuốn "Làm lành với hôn nhân". Bà đã viết "...có lẽ rốt cuộc thì không phải tình yêu và hôn nhân sát cánh bên nhau giống như con ngựa và cỗ xe. Có lẽ tình yêu và ly hôn mới đi chung với nhau...giống như cỗ xe và con ngựa." và nó dẫn đến phản ứng gay gắt của cô bé.
"Một hôn nhân không được xây dựng trên nền tảng tình yêu thì anh xây bằng niềm tin àh?" Gần đúng với những gì em đã nói...hôn nhân chỉ nên được xây dựng trên niềm hy vọng. Tình yêu lứa đôi là một thứ mong manh và vô cùng dễ vỡ nên việc xây ngôi nhà hôn nhân trên cái nền móng mong manh nhìn bề ngoài mà ai cũng nghĩ là bền vững ấy thì ly hôn chắc chắc phải được xảy ra, không sớm thì muộn. Cuối cùng hôn nhân không khác một cái hợp đồng mà khi ta ký vào nó thì đồng thời ta cũng đã ký vào tờ đơn ly hôn. Vấn đề chỉ là khi nào nó được thực thi. Vì thế, hôn nhân chỉ nên được xây dựng trên niềm hy vọng. Bởi vì hy vọng thì nghe có vẻ mong manh và rõ ràng cho ta cái nhìn trước một rủi ro, hơn là việc ta tự lừa mình kết hôn dựa trên tình yêu là vững chắc. Tình yêu và hôn nhân một bội số của rủi ro.
Cô thất vọng. Tất nhiên, tôi hiểu khi em chia sẻ, em muốn được ủng hộ một điều gì đó hoặc chí ít nói cái gì đó dễ nghe để em cảm thấy an lòng. Nhưng tôi lại quá thật và quá thẳng đi vào vấn đề nên cái mặt thộn của em là điều tất yếu. Vấn đề ở đây là nếu ta đã biết rõ rằng tình yêu và ly hôn là cỗ xe và con ngựa vậy thì em cần gì phải lo lắng...cuộc sống chúng ta đã lo lắng quá nhiều. Lo lắng cho những điều chưa biết và thậm chí mệt mỏi lo lắng cho những điều đã biết. Như chị gái thân yêu của tôi từng nói vào những ngày trước khi đám cưới chị diễn ra, ngay khi gấu ganh tỵ và chúc mừng hạnh phúc của chị..."It's definitely not an end...it's just a beginning...". Hôn nhân chưa bao giờ là một kết thúc mà nó là sự hứa hẹn những ngày dài đấu tranh tâm lý của hai con người.
Khi mà tại nhiều quốc gia, không ít người cân nhắc rất kỹ càng cho việc kết hôn, mặc dù họ đã sống với nhau nhiều năm và thậm chí là đã có con cái thì tại Việt Nam này, các cặp đôi ồ ạt kéo nhau kết hôn (phần lớn là theo ý muốn của gia đình hai họ) mà ít khi có một khái niệm rõ ràng về hôn nhân. Ngay cả các cặp đồng tính tại Việt Nam này, họ đang đấu tranh cho việc công nhận hôn nhân đồng giới. Tôi tự hỏi, họ đang muốn điều gì? Công nhận hay muốn được ký vào hợp đồng hôn nhân? Tất nhiên, ai cũng sẽ trả lời rằng họ muốn được xã hội công nhận...nhưng rõ ràng rằng họ muốn được một buổi lễ kết hôn. Vấn đề này chắc cần được nói thêm vào một dịp khác.
Trở lại với lo lắng của cô em gái "phải làm gì đây khi sự thật phũ quá?" Câu trả lời là hãy cứ là chính em. Hãy yêu như cách mà em yêu và điều chỉnh như cách mà em muốn trong sự thoải mái tự nguyện. Trước đây, có một cặp đôi mà tôi quen trong những ngày đầu yêu và quen nhau họ đã có vô số điểm không hợp. Một người thì luôn muốn người kia phải theo ý mình đến vớ vẩn. Lâu lâu người đó lại có những status trên facebook nói bóng gió về những mong ước được quan tâm, được tặng cái này cái kia chỉ để người kia tự hiểu, tự nhận ra. Vào thời điểm đó tôi thấy nó rất trẻ con và nghĩ chắc sẽ chia tay sớm thôi. Sau một thời gian họ gắn bó với nhau hơn, hiểu nhau hơn và cười với nhau nhiều hơn. Tôi nhận ra không có một công thức chung cho tình yêu. Hai người có thể là bất cứ tính cách nào và thứ để gắn bó hai con người trong tình yêu chính là sự "mong muốn được gắn bó". Nó cũng không hẳn được sinh ra bởi tình yêu, mà nó là tự lực, tự của hai con người tha thiết được gắn bó cùng nhau.
Đến đây, tôi cho rằng điều cần làm cho cuộc sống hôn nhân hay nói đúng hơn là cuộc sống lứa đôi đó chính là tìm ra cách thức để gia tăng sự gắn bó hơn là cứ tin tưởng vào cái mà chúng ta vẫn hay gọi là tình yêu. Việc hai người có thể đời đời kiếp kiếp nắm tay nhau đi giữa nhân gian này hay không đều xuất phát từ việc mong muốn gắn bó của cả hai người...không thể một, mà phải là hai. Và khi đã biết rõ điều đó, cũng như hiểu rõ mối liên hệ song song của tình yêu và ly hôn hay tan vỡ thì tại sao chúng ta cần phải lo lắng, cũng không cần phải chờ đợi cái ngày mà bản án ly hôn được thực thi...chỉ đơn giản là sống cho những niềm vui hiện tại.
Nói là đơn giản, mà có bao giờ nó đơn giản đâu...nên hạnh phúc hay buồn đau cũng từ đó mà hữu hiện.