Xuất phát điểm chỉ là một công nhân, với mức lương vỏn vẹn một USD/ngày. Nhưng, bằng sự ham học hỏi và khát vọng thay đổi số phận, Chu Quần Phi đã vươn lên trở thành một nữ "tỷ phú đô-la".
Từ bức thư xin nghỉ việc
Chu Quần Phi đánh cược với cuộc đời mình lần đầu tiên khi mới 16 tuổi. Cô quyết định rời quê nhà Tương Hương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) để đến nhà họ hàng ở Quảng Ðông, mang theo ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Cô muốn thoát khỏi gia cảnh bi đát (mẹ mất sớm, cha bị thương nặng sau tai nạn lao động) và những móng vuốt nghèo đói bủa vây mình suốt thời niên thiếu. Những điều, dù sao, cũng sớm mang đến cho cô cái nhìn già dặn so với lứa tuổi. Những điều giúp cô trở thành một học sinh chăm chỉ và tài năng, nhất là ở môn Ngữ văn - theo đánh giá của các giáo viên.
Nhưng thực tế, với khả năng lúc đó, Chu Quần Phi chỉ có thể chấp nhận làm những công việc phổ thông như bảo vệ, trông xe… trước khi được nhận vào làm công nhân nhà máy sản xuất kính đồng hồ ở Thâm Quyến. Công việc tại nhà máy vắt kiệt cô gái trẻ. Chu Quần Phi nhớ lại: Cô phải làm việc từ 8 giờ sáng đến tận khuya, có khi sang cả 2 giờ sáng hôm sau. Cô từ bỏ chỉ sau ba tháng, nhưng là một cách từ bỏ đầy ấn tượng.
Kết quả hình ảnh cho Chu Quần Phi

Chu Quần Phi thảo hẳn một lá đơn xin nghỉ việc rất dài, trong đó bày tỏ sự biết ơn với cơ hội việc làm mà phân xưởng mang lại, đồng thời thể hiện mong muốn được học hỏi thêm về nghề. Lá thư ngay lập tức làm vị quản đốc chú ý, như cách mà cô từng khiến cả lớp học rơi lệ với bài văn "Mẹ tôi" vài năm trước. Ông quyết định cất nhắc cô lên vị trí cao hơn, cùng với cơ hội đi học chuyên sâu.
Ðến "đế chế tỷ đô"
Năm 2001, công ty Lens Technology bắt đầu nhận đơn hàng lớn đầu tiên từ nhà sản xuất TCL. Nhưng phải hai năm sau, công việc kinh doanh của Chu Quần Phi mới thật sự lên như "diều gặp gió" sau cú điện thoại bất ngờ từ Motorola - một ông lớn trong lĩnh vực điện thoại di động. Motorola muốn đưa màn hình kính thủy tinh vào mẫu điện thoại mới nhất của mình, để tăng khả năng hiển thị hình ảnh và văn bản. Họ ngỏ ý hợp tác với Lens Technology nhưng kèm theo một yêu cầu an toàn khắt khe.
"Motorola nói rằng nếu người sử dụng làm vỡ điện thoại, kính sẽ làm xước mặt của họ, các bạn có giải pháp nào không? Không một chút do dự, bà Chu trả lời: Có!" - Phó Tổng giám đốc Lens Technology nhớ lại. Kết quả, Razr V3 trở thành mẫu điện thoại bán chạy nhất của Motorola, với 130 triệu sản phẩm được bán.
Uy tín của Lens Technology trên thị trường toàn cầu càng được khẳng định, với danh sách khách hàng lần lượt được bổ sung những tên tuổi lớn: HTC, Nokia, Samsung… Và rồi cuối cùng Apple cũng đã gửi đơn đặt hàng. Tính đến cuối năm 2013, Lens Technology hoàn thành tổng cộng 451 triệu tấm kính bảo vệ cho các thiết bị di động, máy tính cá nhân trên toàn cầu. Kính của Lens được sử dụng trên 21% số lượng điện thoại thông minh trên toàn thế giới, với hai đối tác khổng lồ là Samsung và Apple. Công ty của Chu Quần Phi, đơn giản, đã là số 1 trong lĩnh vực sản xuất này.
Năm 2015, Lens Technology niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến với giá trị tài sản ròng ước đạt 10 tỷ USD, biến Chu Quần Phi thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.
Phải thừa nhận rằng, thành công của Chu Quần Phi có hình bóng của vận may, nhưng vận may là kết quả của một quá trình lao động không mệt mỏi. Bà làm việc 18 tiếng mỗi ngày và sống luôn tại công ty. Tủ lạnh, lò bếp, bàn nước… nằm một góc trong văn phòng, và ngay sau chiếc ghế làm việc là cánh cửa dẫn vào phòng ngủ. Trong đó, có xếp sẵn cả những bộ quần áo công nhân, để tiện việc đảo qua nhà máy bất cứ khi nào.
"Bà Chu đôi khi còn ngồi xuống và làm việc như một công nhân để xem có bất kỳ sai sót hệ thống nào không. Ðiều đó làm tôi thấy xấu hổ. Bà Chu sẽ chất vấn tôi ngay lập tức nếu có vấn đề gì!" - quản lý James Zhao kể.
Phẩm chất một doanh nhân
Chu Quần Phi tạo thiện cảm với cấp dưới bằng sự lịch thiệp, tao nhã cùng gu ăn mặc sang trọng. Nhưng đổi lại, bà yêu cầu mọi nhân viên phải có thái độ thật sự nghiêm túc với công việc, và luôn nhắc nhở thành viên trong Ban lãnh đạo phải "ngồi thẳng lưng" để làm gương cho mọi người.
Trong suốt sự nghiệp, Chu Quần Phi được biết đến như là người bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo và tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất, nắm chắc gần như toàn bộ quá trình sản xuất. Bà thuộc tuýp người sẽ nhúng tay vào khay nước ở nhà máy để xác định đủ nhiệt độ hay chưa, xem xét từng diễn biến phức tạp của quá trình nung thủy tinh hay thậm chí thị phạm kỹ thuật sử dụng công cụ cho thợ máy.
"Mắt cha tôi bị hỏng sau vụ tai nạn, thế nên mọi thứ trong nhà đều được tôi sắp xếp cẩn thận, đúng nơi đúng chỗ phù hợp với thói quen sinh hoạt của cha. Và tôi mang nỗi ám ảnh về các chi tiết nhỏ nhặt vào cả công việc sau này" - bà chia sẻ.
Ðó không phải mẫu doanh nhân "chuộng" truyền thông như tỷ phú Jack Ma. Thậm chí, đến trước khi trở thành "tỷ phú đô-la", nhiều người dân Trung Quốc vẫn không biết đến cái tên Chu Quần Phi. Theo bà, việc tránh xuất hiện trên mặt báo giúp bà cảm thấy thoải mái và có thể toàn tâm toàn ý với công việc.
"Tôi không hợp làm người nổi tiếng vì không thích chia sẻ về quá khứ. Tôi nghĩ tốt nhất là để cảm xúc bản thân trung tính - không quá vui và cũng không quá rầu rĩ". Có lẽ vì không để cảm xúc chi phối, người phụ nữ này mới đủ cương quyết cầm cố luôn căn nhà nơi chồng, con đang ở để đầu tư dự án, mới đủ liều lĩnh để nhảy sang lĩnh vực hoàn toàn xa lạ trước đó.
Nhưng, như chính bà Chu từng thổ lộ, thứ duy nhất có thể lý giải cho thành công của bà chính là tinh thần ham học hỏi, tìm tòi và khả năng quan sát mọi thứ chung quanh. "Bạn không đến trường đại học không có nghĩa là bạn thất học. Và ngược lại, nếu đi học nhưng hời hợt với tri thức, bạn cũng chẳng khác kẻ thất học là bao!".