Cảm hứng ngày 20/10, ngày mà ngoài kia sôi sục yêu thương. Cũng là ngày M1 đầu tháng 9 Âm lịch. Tự nhiên thấy mình lạc lõng với nhiều suy nghĩ, trăn trở hỗn độn. Tự nhiên nhớ Trịnh, không phải nhớ một cá nhân con người ấy, mà là nhớ đến một tâm hồn mênh mang, lãng đãng nhưng cũng rất đời thực, được thể hiện rất quyện, rất tình qua những ca từ, bài hát và những tứ thơ của ông.
"Như một cánh chim bay ngang mặt hồ. Cuộc tình nào đã đi qua đời ta. Bởi mặt nước muôn đời phẳng lặng nên chẳng ai thấy được bóng chim in dưới đáy hồ sâu. Chẳng ai nghe được trong tiếng xào xạc của lau lách ven hồ có tiếng thở dài tiếc thương những ngày vui ngắn ngủi"...

Đó là những lời chất chứa của Khánh Ly khi nói về Trịnh để mở đầu cho một đĩa nhạc nào đó tôi nghe cũng đã lâu. Đúng thật vậy, ngày vui ngắn ngủi, cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!?... Thế hệ của Trịnh Công Sơn - Khánh Ly đã mang tới cho chúng ta những xúc cảm mãnh liệt và chông chênh, đan xen giữa chiến tranh và hoà bình, giữa hoạn lạc và phân ly, giữa đau khổ tột cùng và con đường tìm sự giải thoát cho mỗi cá nhân.

Trịnh Công Sơn đã ra đi khá lâu, nhưng tư tưởng của ông vẫn còn đó - thấm đẫm trong từng câu hát. Với tôi, đã từng có một thời gian dài coi nhạc của Trịnh như một thứ tôn giáo. Nó làm mê hoặc lòng người hay thức tỉnh lòng người, cũng chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng nhạc của Trịnh tuy đơn giản mà mênh mang, tuy mộc mạc mà sâu lắng, và hơn hết thảy, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy góc tối của tâm hồn mình bên trong những ca từ đa nghĩa của những bản tình ca gửi lại cho đời của Trịnh.

Tôi đã từng nghĩ rằng chút khả năng hạn hẹp và quá nhỏ bé của mình không xứng và không dám thử đến với nhạc của Trịnh, cho dù trong lòng cũng có những xốn xang đối với một vài ca từ nào đó. Và, nếu có chăng, khi cảm hứng dâng tràn mà can đảm cầm mic, thì cũng chỉ dám xuất hiện ở một không khí thật bình dị, thật quần chúng, nơi mà chỉ có những trái tim hồn nhiên và những tâm hồn giản đơn thấu hiểu cho nhau.