Khi một anh chàng người châu Âu ngồi hút điếu thuốc lá cuộn giấy mang từ Tân thế giới về, cô chủ quán nước đã nhanh chóng ụp ngay xô nước lạnh lên đầu anh ta để “chữa cháy”, vì cô thấy “khói từ trong não” tuôn ra qua lỗ mũi của anh ấy…
            100 năm sau, ngành công nghiệp thuốc lá của phương Tây đã bao trùm, ám khói toàn bộ thế giới…
            Con người phương Đông của chúng ta cũng thông minh chẳng thua kém gì phương Tây. Trong lịch sử, người phương Đông đã từng chế tạo ra “trâu gỗ, ngựa máy”, phát minh ra thuốc súng, la bàn… để người phương Tây có thể bắt chước và phát triển. Vậy mà, như nàng công chúa ngủ say giấc trong lâu đài, mấy trăm năm sau, nàng tỉnh dậy, nhìn thấy cái máy chiếu phim của người phương Tây, cả triều đình Mãn Thanh kinh hoàng và sợ hãi … cái “máy nhốt ma”.
            Không thua kém gì triều đình Mãn Thanh, vương triều nhà Nguyễn ở Việt Nam thì lại mắt tròn mắt dẹt khi nghe chuyện kể và không thể nào tin nổi về cái gọi là “ngọn đèn treo ngược” trong một bản điều trần mô tả về cái bóng đèn điện ở phương Tây.
            Liệu rằng do người Trung Hoa tự phụ về khả năng bản thân (Trung Quốc – quốc gia ở trung tâm thiên hạ) hay do lối học của người phương Đông ta chỉ quan tâm về thi, thư, lễ, nghĩa mà quên đi khoa học kỹ thuật ? Hay phải chăng do bản năng của người phương Tây, họ giỏi khảo sát thực nghiệm và chú trọng về phương pháp phân tích lượng ?
            Cuộc sống hiện nay, chắc hẳn chúng ta vẫn còn “mắc nợ” các nhà phát minh phương Tây, ta “nợ” họ từ chiếc máy ảnh đến cái máy chiếu phim, “nợ” từ chiếc xe ô tô đến cả những con tàu vũ trụ, “nợ” từ chiếc máy in đến cái máy vi tính và còn “nợ” cả chiếc máy rửa bát đến cái lò vi sóng…
            Nhà bác học Nguyễn Trường Tộ đã từng nói rằng: “Các nước phương Đông tuy là thuỷ tổ của bách nghệ, nhưng họ có tính đam mê an lạc, không thích thực hành canh cửi”. Có phải chính vì thế mà người phương Đông đã để lỡ mất cơ hội hiện đại hoá đất nước ở thế kỷ XIX, trừ Nhật Bản ?
            Mãi cho đến đầu thế kỷ XXI, khi ta đã “cải cách” mảnh vải buộc bằng chiếc khuy bấm trong trang phục của người phụ nữ, vậy mà chàng thi sĩ vẫn còn “ngại khó sợ khổ”, thốt lên lời than thở: “Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi”. Mà chiếc khuy bấm nào có khó sử dụng gì đâu cơ chứ !
            Thế giới nay đã khác xưa, thời đại Tin học khiến cho biên giới giữa khoa học và công nghệ xích lại gần nhau hơn nữa. Cơ hội công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước đã mở ra những cơ hội và không hiếm thách thức để chúng ta xây dựng nên những giấc mơ lớn, ước mơ dân giàu, công bằng, dân chủ, văn minh, khát vọng đóng góp chút ít công sức nhỏ nhoi của mình cho sự rạng danh của cả non sông. Để biến những ước mơ ấy thành hiện thực, bản thân ta cần biết làm giàu chính mình bằng tri thức của nhân loại. Hãy ứng dụng khoa học công nghệ phương Tây với một tâm hồn nhân văn phương Đông để phát triển một nền kinh tế “nhân bản”, chứ không phải “tư bản”. Nền “kinh tế nhân bản” mang đậm chất con người và giàu bản sắc dân tộc, liệu rằng đó sẽ trở thành xu hướng của loài người ngày nay ?