Thành tích học tập, hay nói cách khác là điểm số, bằng khen, chứng nhận hay bất cứ tờ giấy nào ghi kết quả của của bạn đều là những thứ có giá trị. Chúng thực sự có giá trị khi những con số trên giấy thực sự thể hiện được sự nỗ lực của bạn trong quá trình học tập, là những đêm thức trắng làm bài tập, là những lúc chảy nước mắt vì nhìn quá lâu vào màn hình hay là những lúc bạn cầm theo quyển vở ghi bài ra quán nhậu để học. Khi đó, bạn nên thực sự tự hào về thành tích học tập của mình. Trong trường hợp kể cả bạn có quay cóp trong giờ thi đi chăng nữa thì cũng nên tự hào, vì không phải cũng quay cóp chót lọt đâu. Tất cả đều là công sức của các bạn. Tuy nhiên:
Ngay từ khi đi mẫu giáo, thành tích học tập của chúng ta đã được đo bằng phiếu bé ngoan. Mình nhớ mãi có lần cô giáo phát đến lượt mình thì hết phiếu, mình khóc không ngớt và nằng nặc đòi, vì lúc mình có một bộ sưu tập phiếu bé ngoan dán ở góc tường và mình rất muốn bổ sung nó. Bố đã dẫn mình ra nhà sách nhân dân, mua một tập phiếu bé ngoan giá hình như có 5 nghìn thôi, sau đó về nhà cho mình tự cắt ra để dán vào góc tường. Sau đó lớn lên thì mình không tham vọng thành tích nữa mà bắt đầu xao nhãng vào những thứ khác. Kết quả sau 12 năm đi học thì mình chỉ có 2 năm là lớp 1 và lớp 5 là được học sinh giỏi, từ đó liên tiếp 6 năm bảo vệ thành công danh hiệu Học sinh tiên tiến. Mình học ở trường thường, có thi chuyên nhưng không đỗ. Thầy cô của mình cũng không đứng đầu ngành, không nổi tiếng nhưng được cái là cũng chả mến học sinh. Mình tất nhiên vẫn phải dành nhiều thời gian và công sức cho học thêm ngoài giờ mới bảo vệ được danh hiệu tiên tiến đó. Kết thúc học kỳ 12 năm, tưởng mình sẽ nhẹ nhàng bước chân vào cuộc sống ăn chơi ở đại học, không ngờ rằng đấy mới là bắt đầu của quãng thời gian feel du phía sau.
Năm mình thi đại học, may mà đề dễ nên điểm cũng đủ để không phải chạy chọt đồng nào mà mình được vào học ở Học viện Cảnh sát nhân dân theo nguyện vọng bố mẹ. Sau một năm học tập và hành xác thì mình hao mòn đi trông thấy ngoài thể xác nhưng ý chí thì quật cường, cùng với đó bị cắm sừng nên mình quyết tâm thi lại để chuyển sang học ở Đại học Ngoại ngữ. Có lẽ động lực lớn và đề lại dễ nên mình lại đỗ. Về nhà bảo bố mẹ xong thì sau màn lôi đình của bố mẹ mình thì cuối cùng mình cũng lần đầu được sống theo ý mình với một điều kiện là phải tự lo tiền học. Tưởng thế là dọa được nhưng mình đã tính hết rồi, mình đã đăng ký và đỗ vào ngành sư phạm, không phải lo tiền học. Cảm ơn Đảng và Chính phủ đã tạo điều kiện cho cháu! 
Với năng khiếu ngoại ngữ trời phú do tu luyện qua quá trình nhiều năm nghe nhạc của các rappers đến từ America và hài của Anh da đen, kết hợp với tư tưởng chính trị chuẩn chỉ và thấm nhuần triết lý của Các mác, Ăng ghen và Lê-nin, mình dễ dàng vượt qua năm nhất với GPA cao ngất ngưởng. Đó cũng là điều kiện để mình có cơ hội nhận được một học bổng du học toàn phần ở trời tây, và tất nhiên là mình quyết định nắm lấy rồi. 
Mình chưa bao giờ nghĩ là mình có cơ hội nhận học bổng, chứ chưa nói là học bổng du học toàn phần như thế. Kể cả bố mẹ cũng không nghĩ mình sẽ đạt được vì những điều mình thể hiện trong quá khứ. Có những người bạn, nhìn thấy cố gắng của mình, chính họ cũng chẳng hiểu là tại sao lại có một thằng hâm đến nỗi đi nhậu, đi uống nước, hay đi đá bóng cũng cầm theo quyển vở để đọc cái tiếng chả ai hiểu. Và rồi khi nhận tin mình đạt được thành tích như vậy thì cuối cùng cũng hiểu mục đích của mình. Mặc dù đối với nhiều bạn thì cái học bổng như thế có thể không phải là một thứ đáng để tự hào, tuy nhiên với một đứa chả ưa gì học hành như mình thì đó là thành tích khá đáng kể.
Mình nhận ra là cho dù bắt đầu ở đâu thì sau một quá trình nỗ lực hướng vào một mục tiêu rõ ràng thì rồi cũng sẽ có lúc nhận được kết quả.
(không được thì thôi)
Hiện tại mình đang là du học sinh tại liên bang Nga, chuyên ngành dịch vụ công nghệ số. Mình đi theo diện học bổng hiệp định giữa Nga và Việt Nam. Theo mình biết thì mỗi năm có khoảng hơn 100 suất học bổng toàn phần bậc đại học dành cho các bạn đủ điều kiện. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trên các trang web của Cục hợp tác quốc tế (VIED) thuộc bộ Giáo dục và đào tạo.
Đọc thêm: