NGÀY 8: HÃY KỂ CÂU CHUYỆN VỀ EM "THÚ CƯNG" CỦA BẠN
#30dayswritingchallenge #ngày8
Từ hai năm nay nhà mình chẳng nuôi thêm một chú chó nào nữa.
Tuổi thơ của mình và anh trai lớn lên cùng một em chó tên là Lasi. 
Nhớ ngày đầu mẹ bảo hai anh em đạp xe lên bác bắt chó về, hai đứa đã háo hức đến mức bỏ cả cơm. Còn sung sướng hơn là bắt về tận hai bạn chứ không chỉ một. Hồi ý chó ta có cho cũng chẳng mấy ai thèm nuôi. 
Vừa về đến nhà là màn thủ tục chào hỏi các thành viên của hai em ý. Nét mặt sợ hãi trông vừa thương vừa buồn cười. Đến phiên chị Mèo, ả ta quắc mắt, miệng khè khè có vẻ nguy hiểm lắm. Hai em được mẹ cho cúi đầu chào chị Mèo không may bị chị vả cho mấy phát, thế là biết lễ độ. Em về nhà mình vào năm 2007. Nuôi được một thời gian thì mẹ mình trả lại bác một em chó vì không nuôi được. Mẹ bảo, thôi giữ lại một đứa thôi, cơm người còn thiếu thì lấy đâu nuôi hai. Vậy là chỉ có mình Lasi được giữ lại. 
Ngày đó hai anh em cứ cãi nhau suốt cái chuyện đặt tên. Đến độ, mỗi tối mẹ cho Lasi ăn cũng đều bảo: “Con Lasi là thằng Sơn còn con Bé (tên ở nhà của mình) là con mèo vì suốt ngày cãi nhau tao không nói được chúng mày.” 
Lasi sống với nhà mình tận 8 năm, cùng mình lớn lên, chứng kiến bao chuyện trong nhà mình. Mình xem trên mạng người ta tính trung bình tuổi đời của em cũng tầm 60-65 tuổi, thật sự biết ơn sự đồng hành của em trên hành trình trưởng thành của mình. 
Em là giống chó cỏ, có bộ lông vàng mượt nhưng cả năm mới tắm một lần :))))) Có thể mình chẳng nhớ nổi khi anh mình lớn và hồi bé trông như nào vì tốc độ lớn của con người chậm hơn với động vật. Nhưng được chứng kiến Lasi già đi, bộ dạng hốc hác, đôi chân huyền đề cứ quẹt quẹt xuống mặt đất, đến bộ râu mép trụi đi vì già, mình thấy xót xa vô cùng. 
Nhà mình được cái ai cũng yêu động vật, coi em như một thành viên trong gia đình, dạy dỗ bảo ban như con út vậy. Mẹ mình bênh nó còn hơn cả bênh mình nữa. Có lần, vì chạy sủa người đi đường mà bả nhảy một phát qua mâm cơm cả nhà đang ngồi ăn ngon lành, bát nước mắm văng tung tóe. Trời ơi lúc ý ông anh mình điên quá cầm dép vả cho một phát rõ đau. Bả co rúm người chạy ra ổ nằm không dám ho he gì, trông tội nghiệp lắm nhưng vì hư ai cũng giận. Sau lần đấy, cũng thêm một lần làm hành động y như thế nữa, cứng đầu thiệt chứ. Nhưng vì bản tính hiền lành nên tầm hai lần là từ đấy trở đi không dám tiếp diễn nữa.  
Con người ai cũng phải trải qua bốn giai đoạn sinh lão bệnh tử, chó cũng không ngoại lệ. 
Lasi mắc bệnh đường ruột cấp tính, hồi đó kiếm một bác sĩ chuyên về chó mèo là một điều gì đó khó hơn cả câu “hôm nay ăn gì”. Thường bác sĩ thú y chỗ mình sẽ chữa mọi bệnh cho động vật, bao gồm cả lợn, gà, chó, mèo,... Sau hơn một tuần vật lộn với đống thuốc cả tiêm, em cũng đỡ hơn chút, nhưng anh bác sĩ nói hy vọng ít lắm, bởi nếu không ăn uống được thì không có sức. Chẳng biết có hiểu không nhưng mắt em cứ nhìn thăm thẳm buồn bã. Mình và mẹ cứ mất hy vọng dần vì em không chịu ăn, có đút kiểu gì cũng vựa hết nước cháo ra, đau lòng mà không đành lòng nhìn em như vậy. 
Tối ý bác sĩ có dặn là không được cho uống nước vì bệnh này uống nước lã là bục ruột không chữa được nữa. Hôm ý em ăn được chút mà mình và mẹ cũng mừng lây. 
Nhưng…
Thật ra mọi nỗ lực của chúng ta không vô nghĩa, chỉ là không tránh khỏi những thứ vô tình đến quặn thắt tim gan. Tối hôm bác sĩ đến tiêm xong mình đã khóa em trong bếp phòng trường hợp chạy ra giếng uống nước, đinh ninh là không có chuyện gì xảy ra.
Sáng hôm sau, buổi sáng mùa hè như bình thường vẫn có mùi khói rơm từ bếp vì mẹ hay dậy sớm để đun cám cho lợn, tầm 5h kém, mẹ có lay mình dậy, mình đã có dự cảm chẳng lành rồi, mắt nhắm mắt mở theo mẹ ra đống rơm đầu ngõ…
Em nằm đó…
Mẹ vuốt mắt cho em và dặn mình đừng nói, cũng đừng khóc, chuẩn bị quần áo ăn sáng rồi đi học. Mẹ biết mình thương em lắm. Mẹ nói, nhà mình đã cố hết sức, em cũng đã già, em phải ra đi thôi.
Trưa đó mình về, mình khóc nấc lên vì kìm nén quá lâu, mẹ kể:
“Lúc sáng tao dậy thấy nó chạy ra mừng, rồi nó lao ra ngõ nằm cạnh đống rơm, chắc nó chờ tao ra sao ý nó nấc lên một tiếng rồi đi.”
Hóa ra tối đó vì nóng ruột, em cào cửa chẳng được nên cắn hết chân cửa bếp để kiếm lỗ ra ngoài, vừa vặn ở giếng có một xô nước, chẳng ai nghĩ đêm hôm trước lại là lần cuối được xoa đầu em. 
Thực sự mình hụt hẫng lắm, phải mất một thời gian mình mới tin là em đã không còn bên cạnh nữa. Có lúc mình cũng tự dằn vặt, nếu mình để ý kĩ hơn và nghĩ sâu hơn thì có lẽ mình đã đổ xô nước đi để không còn mối nguy hiểm nào cạnh em nữa. 
Hầu hết chúng ta sẽ phải trải qua những cái chết khác trong cuộc sống: mất gia đình, bạn bè và người thân vì bệnh tật, tuổi già, tai nạn hoặc hoàn cảnh bi thảm khác… Sự mất mát của em có thể là một trải nghiệm để bản thân mình trở nên sâu sắc. Sau nhiều năm, mình hiểu rằng, trong quá trình mình lớn, sẽ có những người bạn đến để lắng nghe, vỗ về những cô chủ, cậu chủ; khi sứ mệnh đã hết, các em sẽ tự ra đi thanh thản trong vòng tay của mình. 
Những mất mát này giúp mình hiểu giá trị của sự yêu thương nhiều hơn. Dường như nó là trải nghiệm cho những người nhạy cảm như mình, mất đi một phần tuổi thơ, nhận về một cú sốc những năm đầu đời quả thực là một điều tồi tệ biết nhường nào. Nó thúc đẩy mình tiến về phía trước, động viên mình vượt qua, muốn mình tin tưởng rằng mai này đây, nếu không phải là chúng, thì sẽ có những điều đẹp đẽ như vậy sẽ đến bù đắp cho mình. 
Thế mới biết, tình yêu thương có thể giúp cho một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc như thế nào. Cảm ơn em đã luôn chở che những lúc mình yếu lòng nhất…
Nếu bạn hứng thú theo dõi đầy đủ #30dayswritingchallenge của mình tại Page : Vẽ một tâm hồn
còn nếu muốn nghe vớ vẩn mình nói những gì tại Youtube: Recording to heal the soul
Cảm ơn mọi người đã xem!