Bắt đầu câu nói mà một người thầy, một luật sư và cũng là một người anh nói với tôi...
"Khi đã làm nghề luật, em phải xác định: Kiến thức là thứ em tích lũy cả đời, nhưng tư duy là thứ phải có trong những năm hành nghề đầu tiên. Ví đó là thứ sẽ cố định trong đầu em suốt cả chặng đường, cũng là thứ sẽ quyết định giàu nghèo sướng khổ của em"
Bài viết ngày 19/11/2020.
Chưa biết là may mắn hay là một sự yếu kém, nhưng ngay từ hồi còn học trên ghế nhà trường, tôi luôn không thể suy nghĩ một cách vắn tắt các vấn đề. Mọi thứ đều phải đến với tôi từ những tiên đề, những định lý. Sau đó bằng các phương pháp, quy trình xử lý dài cả mấy trang giấy thì tôi mới nặn ra được một cái kết quả, chưa biết đúng sai như nào :) Có lẽ bởi vậy mà tôi thấy thoải mái hơn khi học môn Toán, vì giáo viên thường bằng đầu với những công cụ thầy gọi là cái rìu đá, phạc nên mọi phương pháp tư duy, lý luận.
Nhưng đen cho tôi, năm ấy đề ra theo phương pháp trắc nghiệm, đề bài có nhiều câu với phương pháp giải nhanh nhất là làm ngược bằng cách thử các đáp án. Done, thế là tư duy chậm là mất thời gian, mất thời gian thì không làm được hết mà không làm được hết thì toang ...
Sau này, khi đã học luật xong và bước vào nghề, tôi mới thấy lối tư duy ấy có nhiều điều thú vị.
Giống như nghề y, mỗi lập luận, quan điểm đưa ra điều có thể khiến khách hàng lên voi xuống cún, bản thân nên danh hay thành cháo. Bởi vậy, mọi thứ đều phải có căn cứ, phải có cơ sở - và đồng nghĩa với việc đó là chẳng ai giục mình tư vấn nhanh lên, trả lời đúng vào cả.
Tuy nhiên, theo như lời Luật sư Nguyễn Ngọc Bích - Tiến sĩ luật Harvard trong cuốn "Tư duy pháp lý của luật sư" thì lối đào tạo Luật ở Việt Nam là để đào tạo nên các bộ pháp chế, chúng ta nhìn mọi vật, nhìn cuộc đời qua lăng kính của Luật pháp. Điều đó là không nên, không phù hợp với những người theo định hướng Luật sư.
Bởi vậy, tôi nhanh chóng viết những dòng này, để nhắc nhở mình, nhắc nhỡ những người đi sau rằng:
"Nếu muốn nghiêm túc với nghề luật, hay thay đổi cách bạn đc tư duy ở trường đi. Như vậy không có nghĩa là chối bỏ phương pháp giáo dục ở VN, mà là nhìn mọi vật một cách rộng mở hơn"
Xét cho cùng, các nhà làm Luật xây dựng Luật từ một trong hai phương pháp:
- Cách thứ nhất, quy định những điều có sẵn, những thói quen, lề thói trong văn hóa khu vực, vùng miền. Giống như chế định về quyền bề mặt, quyền hưởng dụng trong Luật dân sự 2015 tiếp thu từ nền pháp luật Nhật Bản; các quy định về tội phạm, hình phạt từ pháp luật của Pháp, các nước châu Âu và cả hệ thống pháp luật thời kì đầu của Việt Nam thời hiện đại xây dựng theo hệ thống pháp luật Xã hội chủ nghĩa.
- Cách thứ hai, những điều sắp có, hoặc chưa có, các nhà làm luật sẽ đặt ra vấn đề của nó, sau đó quy định trong các quy phạm pháp luật. Điều này thường thấy ở Luật sở hữu trí tuệ thời kì đầu, sẽ thấy rõ những quy phạm đi trước sự phát triển của quốc gia. Quy định cả những điều mà người ta chưa cần tới.
Từ đó có ta thấy, bản chất của pháp luật là sự phản chiếu những nguyên tắc của cuộc sống. Điều đó có nghĩa là khi nhìn nhận một vấn đề, ta nên nhìn nhận từ sự kiện, sự việc trong cuộc sống trước khi tìm hiểu xem quy định về nó trong luật là như thế nào.
Đây là một sơ đồ tôi đang tập áp dụng trong thời gian gần đây: Thay vì nghe khách hàng kế lể, đưa ra yêu cầu và chạy theo yêu cầu đó:

Bước 1: Thu thập thông tin về vụ việc, lưu lại các diễn biến quan trọng, mang tính cốt yếu.

Đến đây các bạn thường hỏi, làm sao để xác định nó, hay những vụ việc đó có phải là sự kiện pháp lý trong các bài giảng hay không. Thì tôi xin phép trả lời luôn: Chúng ta phải luyện tập, lần đầu tiên sót 1-2 sự kiện cũng chẳng sao cả, đọc lại và xác định lại nó. Xác định cho đến khi nào mà ta bước vào việc phân tích không cần phải đọc lại toàn bộ nội dung vụ việc thêm một lần nào nữa thì lúc ấy là ta đã thành công.
Còn về sự kiện pháp lý, ừ thì mọi thứ sẽ trở nên pháp lý khi ta gắn nó với những quy phạm pháp luật mà thôi. Từ tư duy pháp lý, sự kiện pháp lý, vấn đề pháp lý, rủi ro pháp lý,...

Bước 2: Đưa ra các tiêu chí đánh giá, đánh giá sự việc theo các tiêu chí đó.

Ở bước này tôi thường sử dụng sơ đồ 5W-1H: 
What: Đối tượng ở đây là gì? Quyền sử dụng đất, Chiếc oto, Tiền hay giấy tờ có giá,...
Who: Chủ thể gồm những ai? Trong vụ án hình sự và bị cáo, bị can, bị hại, bị tạm giam tạm giữ,... Trong vụ án hành chính là bên bị kiện với người khởi kiện; Trong vụ án dân sự và Nguyên đơn với bị đơn,...
Where: Ở đâu? Thường thì cái này để xác định thẩm quyền theo khu vực của Tòa, nhưng cũng là căn cứ để tính Công tác phí, phí di chuyển,...
When: Thời gian? Chúng ta phải áp dụng luật năm nào, Tranh chấp xảy ra từ đâu? Vụ việc còn thời hạn, thời hiệu không ...
Why: Có thể nhiều người bỏ qua nhưng câu hỏi này hết sức cần thiết, vì nó trả lời cho động cơ, hành đồng của tội phạm, là căn nguyên của các tranh chấp, và lý do để một người bỏ qua tất cả mà hết sức bảo vệ.
How: Như thế nào? Có lẽ để hỏi về cách chúng ta giải quyết, cách chúng ta nhìn nhận vấn đề theo luật hành chính, dân sự hay hình sự.

Bước 3: Lập luận, phân tích, tư duy để xác định những yếu tố cần làm rõ, những quy định hướng dẫn, những vấn đề về thẩm quyền, thủ tục và nội dung. Từ đó, đưa ra các phương án giải quyết vụ việc, và đánh giá ưu nhược điểm của từng phương án đó.

Bước 4: Và cuối cùng, đây mới là lúc chúng ta xem yêu cầu của giảng viên là gì? Khách hàng đòi hỏi ra sao? Mình báo giá như thế nào?...

Tóm lại, bạn cần chốt lại một câu: Tư duy theo kiểu "Vi phạm luật - vì đã gây thiệt hại" khác với tư duy theo kiểu "Gây thiệt hại - Và vì thế vi phạm luật" (Tư duy pháp lý của luật sư - Nguyễn Ngọc Bích, trang 46 dòng thứ 8 từ dưới lên)
----------------------------------------------------------------------------------
Sau cùng, có 3 điều tôi muốn nói sau hàng tá những dòng lan man ở trên:
- Thứ nhất: Việc bạn tư duy mọi thứ nhanh hay chậm không quyết định việc bạn học giỏi như thế nào, nhưng nó quyết định tư duy hành nghề sau này của bạn.
- Thứ hai: Làm bất cứ việc gì, cũng hãy nhìn một cách bao quát; Đừng chạy theo những mục tiêu không rõ ràng mà quên mất nhìn lại khả năng của mình.
- Cuối cùng: Nếu làm luật hãy tư duy từ sự việc đến pháp luật chứ đừng làm điều ngược lại.
Đây là những gì tôi cũng chỉ vừa mới nghiệm ra trong thời gian qua, khi mà mới tiếp xúc với nghề, với những đề bài ngoài sách vở.
Hy vọng thời gian tới sẽ chiêm nghiệm thêm được nhiều điều. Và sớm có một tư duy pháp lý vững vàng cho đủ ăn đủ mặc :3