Bạn nghĩ mình là một người thiên về lý trí hay cảm xúc?
Nếu câu trả lời là lý trí thì bạn đã sai.
Còn nếu bạn nghĩ mình là một người sống thiên nhiều về cảm xúc, bạn cũng chưa đúng.
Bởi sự thật là bạn phức tạp hơn bạn nghĩ và theo Daniel Kahneman, sự phức tạp ấy xuất phát từ hai hệ thống 1 và 2 cùng vô vàn biến cố phát sinh từ hai hệ thống này.
Chọn con tim hay là nghe lý trí???
Chọn con tim hay là nghe lý trí???

PHẦN I: HAI HỆ THỐNG

Theo tác giả, trong mỗi người chúng ta luôn tồn tại hai lối tư duy hoạt động vừa độc lập vừa song song với nhau và ông gọi chúng là hệ thống 1 và hệ thống 2. Nếu hệ thống 1 đại diện cho xúc cảm, trực giác thì hệ thống 2 lại đại diện cho lý trí và sự tỉnh táo. Để làm rõ, hệ thống 1 có nhiệm vụ tiếp thu và xử lý thông tin với tốc độ cao và thường bị tác động nhiều bởi các yếu tố ngoại cảnh trong đó có cảm xúc, cũng chính vì điều này mà không ít lần nó mắc phải những sai lầm. 
Những lỗi này liên tục được tác giả bàn luận thông qua các ví dụ tình huống cùng các câu hỏi đánh đố liên tục sự hiểu biết của người đọc và thách thức niềm tin rằng con người là hoàn toàn duy lý. Một trong số câu hỏi đó là: 
“Liệu cuộc sống của bạn dạo này có hạnh phúc không?”
Ta thường hình dung một người lý trí sẽ đánh giá lại bản thân và tình hình hiện tại để đưa ra câu trả lời. Nhưng nếu trước câu hỏi đó, họ phải trả lời một câu hỏi khác như: 
“Số lần hẹn hò trong tháng vừa qua của bạn là bao nhiêu?” 
thì khả năng cao chính câu hỏi này sẽ tác động đến đánh giá của câu hỏi sau theo cách thức mà ta cũng không thể nhận thức được.
Đi từ ví dụ này sang ví dụ khác, tác giả càng lúc càng làm rõ quá trình nhận định của con người và dần mở ra một câu hỏi vô cùng thú vị nhưng cũng không kém phần băn khoăn:
Con người ta phi lý trí đến đâu?
Irrational Digital Art by Casey Kotas - Fine Art America
Irrational Digital Art by Casey Kotas - Fine Art America

PHẦN II: SUY NGHIỆM, SAI LỆCH VÀ SỰ TỰ TIN THÁI QUÁ:

Một trong những ví dụ rất hay trong sách nhằm chỉ ra sự suy nghiệm sai lệch của con người là việc chọn trường của cậu học sinh cuối cấp Tom. Dưới đây là phiên bản rút gọn về tính cách của Tom, hãy suy nghĩ xem với những đặc điểm này thì Tom sẽ theo học ngành nào:
Thông minh nhưng không sáng tạo.
Có kế hoạch và logic.
Thích sự gọn gàng và ngăn nắp.
Không thích giao tiếp.
Quan tâm đến bản thân nhưng có ý thức đạo đức.
Và đây là những chuyên ngành Tom có thể theo học:
1. Khoa học máy tính
2. Kỹ sư
3. Quản trị kinh doanh
4. Vật lý và khoa học đời sống
5. Khoa học thư viện
6. Luật
7. Y học
8. Khoa học xã hội nhân văn.
Trong khảo sát mà tác giả cung cấp, phần lớn người tham gia đều nghĩ Tom sẽ chọn khoa học thư viện hay “Khoa học xã hội nhân văn”. Nhưng điều ngạc nhiên là, cũng câu hỏi đó, nếu ta bỏ qua yếu tố tính cách và đánh giá tổng thể mặt bằng chung sinh viên hiện nay thì có khả năng cao Tom sẽ theo một ngành đại trà như quản trị kinh doanh hay luật. Đơn giản bởi đó là những ngành có tỉ lệ học sinh cao và sự thực rằng nét tính cách đó không quyết định 100% Tom sẽ học gì trong tương lai. Tất cả đều là một câu chuyện do hai hệ thống 1 và 2 thêu dệt nên và đó chính là một trong những sự suy nghiệm sai lệch mà tác giả chỉ ra trong quyển sách này.
Càng đọc, ta càng thấy bản thân mình mắc phải rất nhiều lỗi mà tác giả đã liệt kê và thật không khó để hình dung ra hệ quả mà nó kéo theo. Một điều chắc chắn rằng những lỗi lầm này đã và đang tác động đến sự lựa chọn hằng ngày trong cuộc sống, thứ mà ta luôn muốn tránh khỏi mọi sai lầm dù chỉ là bé nhất.
Những cánh cửa lựa chọn
Những cánh cửa lựa chọn

PHẦN III: NHỮNG LỰA CHỌN VÀ TIẾNG NÓI CỦA SỰ MẤT MÁT

Những phần tiếp theo của quyển sách, tác giả liên tục đưa ra các bài toán xác suất nhưng thay vì khô khan như cách cái tên gợi ra, những bài toán này lại gắn chặt với cảm xúc của con người, đặc biệt là cảm xúc của sự mất mát.
Con người thường có xu hướng tránh né rủi ro nhưng điều này không luôn đúng. Hãy xem xét hai bài toán sau:
Bài toán (1):
    Lựa chọn A: Chắc chắn nhận được 240 đô-la.
    Lựa chọn B: 25% cơ hội nhận được 1.000 đô-la và 75% cơ hội không nhận được gì.
Bài toán (2):
    Lựa chọn C: Mất chắc 750 đô-la.
    Lựa chọn D: 75% khả năng mất 1.000 đô-la và 25% khả năng không mất gì.
Nếu trong bài toán 1, đa phần ta muốn chọn phương án A để chắc chắn có lời thì trong bài toán 2, ta lại có xu hướng chọn phương án D với hy vọng né tránh tổn thất chắc chắn mặc cho rủi ro cao rằng ta sẽ mất một khoản thậm chí còn lớn hơn.
Một lần nữa, tác giả chứng minh rằng con người đưa ra lựa chọn không đơn thuần dựa hoàn toàn trên lý trí mà yếu tố cảm xúc, đặc biệt là nỗi sợ mất mát cũng diễn ra đồng thời, ảnh hưởng đến kết quả của lựa chọn.
Hơn một lần khi đọc sách, ta tự nhủ nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự, liệu bản thân mình có thể giữ được sự tỉnh táo như tác giả để đưa ra lựa chọn tối ưu? Thực chất chính tác giả, trong phần kết của cuốn sách cũng thừa nhận những lỗi trên rất khó khắc phục. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây: Đâu là giải pháp??
Giải pháp
Giải pháp

PHẦN IV: NGHĨ VÊ CUỘC SỐNG, HẠNH PHÚC VÀ ỨNG DỤNG

Sau khi khám phá ra bản thân không thực sự lý trí như mình nghĩ, ta bị thôi thúc tìm kiếm cách thức để giảm thiểu vag khắc phục sai lầm trong lựa chọn.
Trong chương cuối, tác giả cũng thẳng thắn thừa nhận bản thân vẫn thường xuyên mắc những lỗi lầm gây ra bởi hai hệ thống và rằng rất khó để cải thiện. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ: “Tôi chỉ cải thiện được duy nhất khả năng nhận ra các tình huống có thể xảy ra định kiến”.
Thật vậy, việc thường xuyên tiếp xúc với các lỗi lầm giúp ông nhận ra các mẫu hình và dấu hiệu nhận biết của chúng, từ đó giúp ông tìm ra cách tiếp cận mới khách quan hơn và cũng mở ra góc nhìn mới để trả lời cho những câu hỏi thời đại của loài người như:
”Liệu cuộc sống của ta có thực sự hạnh phúc?”
Để trả lời câu hỏi muôn thuở này, ta thường nghĩ về quá khứ và đánh giá dựa trên các sự kiện đã xảy ra. Nhưng thực chất để đánh giá bản thân có hạnh phúc hay không, sự hồi tưởng chỉ đóng một phần vai trò. Bên cạnh đó, bản thể trải nghiệm, thứ chiếm phần lớn thời gian và dẫn đến những kỉ niệm đó lại thường bị ngó lơ.
Một ví dụ trực quan được tác giả đưa ra như sau:
Bạn sẽ chọn đặt tay vào một xô đá lạnh đến mức cảm thấy đau đớn nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe trong vòng 60 giây rồi rút tay ra.
Hay bạn sẽ chọn đặt tay vào cũng xô đá ấy nhưng sau 60 giây bạn sẽ tiếp tục chịu đựng thêm 30 giây nữa với nhiệt độ tăng dần nhưng không đáng kể. 
Vậy đâu là câu trả lời của bạn? 
Liệu bạn sẽ hy sinh thêm 30 giây nữa để đổi lại một kí ức dễ chịu hơn khi hồi tưởng lại hay sẽ cắn răng chịu đựng trong 60 giây để kết thúc trải nghiệm đau đớn sớm hơn. 
Câu nói “Con người sống vì những khoảnh khắc” thật không sai nhưng có lẽ ta không nên tuyệt đối hóa những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy mà nên có cái nhìn bao quát hơn. Mục đích của tác giả khi đưa ra vấn đề bàn luận này là nhằm giúp ta hiểu được phần nào cách thức con người suy nghiệm từ đó đánh giá sự việc cũng như mức độ thỏa mãn bản thân một cách công tâm hơn. Bởi suy cho cùng, mọi sự đánh giá và lựa chọn đều hướng về hạnh phúc và hiểu rõ bản thân có nghĩa là ta đã tiến một bước gần hơn đến hạnh phúc thật sự.
Hạnh phúc là do bạn lựa chọn.
Hạnh phúc là do bạn lựa chọn.

TƯ DUY NHANH VÀ CHẬM: LIỆU CÓ ĐÁNG ĐỌC??

Nhìn chung, tác phẩm của tác giả Daniel Kahneman không phải là một cuốn sách dễ đọc. Nó đòi hỏi ta cần phải vận dụng một sức lực tinh thần đáng kể để có thể hiểu được “một đúc kết những nghiên cứu đẳng cấp Nobel”. Nhưng cũng chính vì vậy mà nó mang một giá trị to lớn có thể phá vỡ những lỗi tư duy thường thấy mà ai ai cũng đã và đang mắc phải.
Tựu chung lại, “Tư duy nhanh và chậm” là một tác phẩm đáng đọc cho mọi đối tượng và dù chỉ hiểu được một phần của quyển sách cũng đã có thể đem lại những thay đổi to lớn. Trích lời ông Jesse Signal của tờ Boston Globe: “ ...Cuốn sách này là một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Toàn bộ cuốn sách là một sự hấp dẫn khó tả và chúng ta hoàn thoàn có thể áp dụng những điều đó vào cuộc sống hằng ngày. Tất cả mọi người đều nên đọc nó.”