Tư duy "hướng đến giải pháp": Con đường giải thoát bạn khỏi bế tắc khổ sở
Ngoài tư duy phát triển (growth mindset) thường được bàn tới, một tư duy khác mà mình thấy mỗi người nên tạo dựng cho bản thân là tư...
Ngoài tư duy phát triển (growth mindset) thường được bàn tới, một tư duy khác mà mình thấy mỗi người nên tạo dựng cho bản thân là tư duy luôn hướng đến giải pháp (solution-oriented mindset), đối ngược với tư duy đào bới vấn đề (Problem-oriented mindset). Bởi vì sự thực, cuộc đời luôn là một chuỗi vấn đề, hết vấn đề này đến vấn đề khác nảy sinh, nếu bạn không giữ cho mình một tư duy hướng đến việc giải quyết vấn đề, thì bạn sẽ bị ngập chìm trong mọi thứ rối ren của cuộc sống, và bị kéo xuống hố sâu, không thoát nổi.
There is no more neutrality in the world. You either have to be part of the solution, or you're going to be part of the problem.Trên thế giới này chẳng có gì trung lập cả. Hoặc bạn là một phần của giải pháp, hoặc bạn sẽ là một phần của vấn đề.- Eldridge Cleaver
Nếu bạn không tạo ra giải pháp, thì bạn sẽ là vấn đề. Thế thôi.
Ví dụ nhé: Nếu bạn đang bị vướng phải một công việc mà bạn căm ghét, thì bạn có hai lựa chọn:
1. Là tiếp tục chấp nhận ở lại trong công việc mà bạn chán đến phát rồ đấy, chỉ vì "bạn còn gia đình để chăm lo, lương lậu ở đây ổn, già rồi không dám nghỉ việc", bla bla - nói chung là kiếm 1001 cái cớ để không nghỉ việc, chấp nhận cái công việc bạn chán đến phát rồ, mỗi sáng phải cố bò ra khỏi giường để lết người đi làm.
2. Thành thực với bản thân: "Cái công việc này như shit! Mình sẽ phải tìm công việc khác, con đường khác, không thì mình sẽ chết dí ở trên cái bàn làm việc này thêm mấy năm cuộc đời mất thôi." Ok, tìm việc khác sẽ khó, đặc biệt là trong tình hình tài chính kinh tế hậu Covid này, nhưng nếu bạn là người có tư duy luôn "hướng đến giải pháp", bạn sẽ có những lựa chọn khác: Học thêm kỹ năng mới để tìm công việc ưa thích, lên sẵn kế hoạch, chuẩn bị nguồn vốn để kinh doanh riêng,... Dù rằng bạn có thể phải làm thêm ở cái công ty nhàm chán này thêm vài tháng, thậm chí vài năm, để chuẩn bị nguồn tài chính, kiến thức để đi làm riêng, nhưng khi bạn đã có sẵn kế hoạch thực thi, và cam kết với bản thân là sẽ tìm đường thoát khỏi sự đày đoạ của công việc này, thì kiểu gì cũng có lối ra.
Đấy, hai cách suy nghĩ, hai lựa chọn, và đưa ra cho bạn hai con đường khác nhau. Mình nhắc lại, sự thực là cuộc đời luôn có vô vàn vấn đề, và nếu bạn luôn tập trung chăm chăm vào vấn đề, thì bản chất, bạn đang dùng những vấn đề đấy để bao che cho sự lười nhác, không dám đối mặt với vấn đề, với bản thân, với nỗi sợ của chính bạn mà thôi.
Việc áp dụng lối suy nghĩ "hướng đến giải pháp" còn mang một ý nghĩa tích cực, đấy là tư duy này giúp bạn thay đổi vị trí của bản thân trong cuộc đời: từ một kẻ vô vọng, đau khổ, cùng cực vì "cuộc đời đưa đẩy", thì bạn sẽ thay đổi thái độ, rằng "chính bản thân mình mới là người cầm tay lái chiếc xe cuộc đời, shit có thể rơi trên đầu, nhưng mình có thể gội sạch được". Tối tăm đến đâu cũng vậy, đau khổ đến đâu cũng vậy - điều gì cũng có giải pháp, nếu bạn chịu động não, chịu tự đứng ra chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, hạnh phúc của mình, niềm vui của mình. Không tìm ra được giải pháp? Thì đi hỏi người khác, hoặc là hỏi bác Google - thời đại Internet này lại càng là một lý do để bạn không thể ngồi một chỗ mà than vãn khi có biến xảy ra.
Mình được học về tư duy "hướng đến giải pháp" là nhờ vào quãng thời gian 2 năm làm việc trong tổ chức quốc tế AIESEC. Nếu bạn từng là AIESECer, bạn sẽ luôn được bốc hành ăn hàng ngày hàng ngày, hết chuyện này đến chuyện khác, nếu không có tư duy luôn tìm đến giải pháp để tìm được lối ra, thì thực sự là bạn sẽ không thể chịu đựng được lâu. Nhờ thời gian rèn luyện ở đây, mình bớt đi cái thói hay than thở, bỏ chạy khi có vấn đề xảy ra, và học cách nhận trách nhiệm, đối diện với đủ chuyện tào lao với thái độ bình tĩnh nhất có thể. Thực sự, tư duy hướng đến giải pháp này làm cuộc đời mình dễ thở hàng trăm lần. Dĩ nhiên, bạn có thể đổ lỗi cho người khác, vì nhiều khi lỗi không phải thuộc về bạn, mà vì đứa khác mà bạn ăn hành, nhưng hành là bạn đang nhai, bạn không nhổ ra thì bạn chịu ^^ Bởi thế, những người có tư duy luôn đổ lỗi cho người này người kia, có thể trong phút chốc, họ sẽ tránh được việc phải chịu trách nhiệm, nhưng sớm hay muộn, cuộc đời họ cũng sẽ luôn bị nhấn chìm trong đủ thứ vấn đề bám đuôi, cho đến khi họ chịu đứng dậy và gánh lấy phần việc của bản thân.
Một số ví dụ về Tư duy "hướng đến giải pháp" và tư duy "hướng đến vấn đề" (dựa theo cuốn “Cha giàu, cha nghèo” của Robert Kiyosaki):
Tư duy "hướng đến vấn đề": Giá mà mình có thể làm "X", nhưng mình không thể vì vấn đề "Z"
Tư duy "hướng đến giải pháp": Mình cần làm gì để giải quyết "Z", để mình có thể làm "X"
Tư duy "hướng đến vấn đề": Ôi mình bế tắc quá. Thôi số mình khổ vậy rồi...
Tư duy "hướng đến giải pháp": hmm, mình đang bế tắc. Cần làm gì để vượt qua giai đoạn này? (Ngồi xuống bàn và viết ra giải pháp)
Còn vô vàn ví dụ nữa, nhưng nói chung, những người có tư duy hướng đến vấn đề thì luôn bới ra vấn đề để lấy lý do che đậy cho sự đau khổ, thất bại của họ. Thậm chí, họ còn tạo cho mình những ảo tưởng để tránh phải đối diện với sự thất bại thực sự của bản thân: "Công việc không đến nỗi tồi, vẫn trả lương cho mình đều đặn" - nhưng thực chất, mỗi ngày đi làm bạn lại bò ra khỏi nhà như một cái xác, chỉ muốn ngủ mãi khỏi đi làm. "Thực ra anh ấy/ cô ấy vẫn yêu thương mình lắm, nên anh í/ cô í mới ghen tuông như thế. Sẽ không thể tìm ai yêu mình hơn anh ấy/cô ấy" - dù rằng mối quan hệ toàn cãi vã vớ vẩn, yêu thương thì ít mà chửi bới nhau suốt ngày, nhưng bạn sợ dừng mối quan hệ mệt mỏi này vì không tìm được ai nữa. Vân vân và mây mây, có đủ 1001 cái ví dụ cho những con người luôn thích tự chuốc lấy đau khổ, và kiếm đủ 1002 cái cớ khác để tránh cho bản thân đối mặt với thực tế, với vấn đề, để giải thoát bản thân khỏi sự khốn khổ đó.
Một lợi ích nữa của tư duy "hướng đến giải pháp" là tư duy này giúp bạn sống thoải mái hơn, bớt nghĩ nhiều. Một câu chuyện nhỏ, mình cùng đứa bạn đi chơi, và nó quên mất cái ô ở quán ăn, lúc quay lại để hỏi tìm lại cái ô thì quán ăn đã đóng, chủ quán không ở đấy nữa. Thế là bạn khổ sở, than vãn cả buổi, không còn tinh thần đi đâu nữa. Nhưng bạn mình có thể chọn cách khác, là tìm ra phương pháp giải quyết cho vấn đề, ví dụ: ghi lại địa chỉ quán ăn, tìm số điện thoại chủ quán, để ngày mai gọi hỏi xin tìm ô. Không tìm ra số chủ quán thì ngày mai đến thẳng quán để tìm ô. Thế thôi! Vấn đề nhỏ, và nếu giữ cho bản thân tư duy "hướng đến giải pháp", thì ít ra, bạn đã có thể giữ cho bản thân niềm vui bên trong, không để chuyện cái ô làm bạn mất đi cả một ngày đẹp trời như thế.
Với mình, tư duy hướng đến giải pháp cũng giúp mình có đầu óc rõ ràng hơn, cuộc sống dễ thở hơn, bởi mình cũng là đứa khá cảm xúc. Mới hôm trước, mình cũng có chút drama trên trời rơi xuống, và đủ loại vấn đề vây quanh, đặc biệt còn là chuyện dính đến tiền bạc - rất dễ làm con người ta phát rồ =))) Lúc đấy, mình lựa chọn ngồi xuống, hít vào, thở ra thật sâu, để giữ cân bằng bên trong nội tâm, sau đó mới cầm máy điện thoại ra, ghi lại các phương án để giải quyết vấn đề trong thời gian nhanh nhất, không để mọi chuyện kéo dài hơn. Nhờ tư duy giải quyết vấn đề, mà một ngày của mình trôi qua vẫn trọn vẹn, bởi vì mọi chuyện bên ngoài có thế nào, thì nội tâm bên trong mình, niềm vui của mình là do mình làm chủ, không thể để mọi thứ làm loạn, rối tung cả thế giới bên trong của mình được. Tư duy hướng đến giải pháp giúp mình giữ cân bằng bên trong, giữ một đầu óc tỉnh táo, để đưa ra được quyết định đúng đắn nhất, không bị cảm xúc xen vào làm rối tung mọi việc.
Để áp dụng tư duy "Hướng đến giải pháp này", đặc biệt khi có những vấn đề xảy ra bất ngờ, mình khuyến khích các bạn thực hiện hai bước: 1. Giữ bình tĩnh; và 2. Lên giải pháp hành động.
Bước 1, giữ bình tĩnh, là hết sức quan trọng. Bởi nếu không có sự bình tĩnh, rõ ràng trong nội tâm, thì bạn sẽ rất dễ bị loạn, khó mà lên được những giải pháp đúng đắn, hiệu quả để giải quyết vấn đề được, thậm chí bạn sẽ càng loạn lên, chìm sâu trong đống chuyện vừa xảy ra. Một cách để giữ bình tĩnh, như mình bàn ở câu chuyện trên, là bạn có thể sử dụng phương pháp "thở sâu": Hít vào, thở ra. Bạn có thể vừa hít thở vừa nhẩm trong đầu: "Hít vào, mình có được sự bình yên trong đầu. Thở ra, mình có phương pháp giải quyết vấn đề. Hít vào, mình bình yên trong thực tại này. Thở ra, mình giải quyết được mọi chuyện". Cứ thế, hít vào, thở ra, cho đến khi bạn giữ được sự cân bằng, rõ ràng, bình yên trong thực tại.
Bước 2, lên giải pháp. Mình rất khuyến khích các bạn viết ra giấy, hoặc ghi chú trên máy điện thoại các giải pháp để giải quyết vấn đề. Việc viết ra giúp thanh lọc các suy nghĩ bên trong bạn, giúp bạn có thể nhìn nhận rõ bản chất vấn đề, từ đó tìm được cách giải quyết hiệu quả nhất, thay vì bị cuốn theo những suy nghĩ, lo lắng trong đầu. Sau khi có giải pháp rõ ràng rồi, thì bạn cứ thế mà thực hiện thôi, đừng để những lo lắng, sợ hãi trong đầu cản trở, cứ thế mà làm, và tin tưởng vào khả năng giải quyết vấn đề của bản thân.
Sau cùng, cuộc đời không phải luôn tươi đẹp, sẽ có đủ vấn đề xảy ra, có những chuyện trời ơi đất hỡi bạn không phải là người tạo ra, nhưng hậu quả thì bạn vẫn phải gánh chịu. Mình chỉ có thể chốt hạ bằng một câu nói quá quen thuộc của Nietzsche: "Điều gì không giết bạn thì chỉ làm cho bạn mạnh mẽ hơn." Hãy tập cho bản thân thói quen biết ơn, biết ơn cả đống chuyện vớ vẩn từ trên trời rơi xuống - bởi chúng dạy cho bạn cách giữ vững sự bình tĩnh trong mọi vấn đề, làm chủ thế giới nội tâm bên trong bạn, và rèn luôn cho bạn cả tư duy luôn hướng tới giải pháp, đối mặt với thực tại, dù thực tại có ra sao.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất