Với nhiều nước, tự do là một giá trị mang tính tưởng tượng hơn là thứ có thể ứng dụng trong thực tiễn. Vì vậy, tự do được bàn tàn, tranh cãi và thảo luận về giá trị thực sự của nó. Việc thừa nhận hay sử dụng nó trên thực tế dường như là một liệu pháp xa xỉ trong hoạt động chính trị - xã hội. Tuy nhiên, "tự do" không phải chỉ dừng lại là biểu tượng bản sắc chính trị của nước Mỹ mà nó còn hơn thế đó là mạch máu được lưu dẫn sâu thẳm trong thâm tâm mỗi người dân Mỹ. Không phải ngẫu nhiên, nước Mỹ luôn tự hào là quốc gia tự do nhất thế giới và tự nhận trách nhiệm phải truyền đạt nó rộng rãi toàn cầu. Các nhà khoa học thực dụng bàn về "tự do" Mỹ là lời biện hộ đầy hoa mỹ cho những hành động chính trị khôn khéo nhằm tăng cường vai trò can dự không chính đáng. Mặt khác, giới chính trị Mỹ và một số người lạc quan nhấn mạnh "tự do" Mỹ chỉ là một niềm tin cao cả mà thế giới cần có vì tính cốt lõi chân chính cuối cùng mà nhân loại hướng đến cho nên nó phải phổ cập khắp nơi bất kể là Mỹ.
Nguồn ảnh: https://sps.ussh.vnu.edu.vn
Nguồn ảnh: https://sps.ussh.vnu.edu.vn
"Tự do" Mỹ nên hiểu ra sao và điều gì khiến "tự do" quan trọng với giới chính trị Mỹ đến vậy? Hơn nữa, "tự do" được Mỹ sử dụng như thế nào trong một thế giới cần tự do song không cần Mỹ? Những câu hỏi kiểu này đơn thuần chỉ là một vài thắc mắc nhỏ trong câu chuyên nước Mỹ và thế giới vô cùng huyền bí. Vì vậy, bài viết sẽ tập trung vào tìm hiểu "tự do" Mỹ bên trong và bên ngoài theo cách hiểu tích cực của Mỹ thay vì là gắn ghép hay đào sâu tính tiêu cực của nó.
Nhận thức về "tự do" bên trong nước Mỹ
Tự do vốn là một khái niệm hoàn toàn mơ hồ với cư dân bản địa Châu Mỹ. Khái niệm tự do Mỹ được biết ngày nay được du nhập từ những người di cư ở Châu Âu trong thời kỳ phát kiến địa lý. Tuy nhiên, mỗi dân tộc nhập cư lại có thái độ hoàn toàn khác với tự do. Chẳng hạn, Hà Lan chỉ nhìn vào “tự do tưởng tượng”, hay Tây Ban Nha là “tước đoạt tự do” chứ không hình thành giá trị riêng cho nó. Duy chỉ nước Anh có thái độ cởi mở hơn khi trở thành đế chế, cả khi tiếp cận “Tân thế giới” theo cách thoáng đạt đối với tự do. Ở Tân thế giới, nước Anh thử nghiệm nhiều trạng thái dân chủ, tự do từ các học thuyết đặc trưng như “tinh thần pháp luật”, “khế ước xã hội” và len lỏi trong đó là tinh thần của chủ nghĩa Thanh giáo với việc nhấn mạnh quyền tự do bình đẳng trước Chúa.[1] Mặc dù khác nhau do sự cai trị và cách hiểu giá trị tự do có nhiều khác biệt song chính sức mạnh tôn giáo đã gắn kết người dân thuộc địa tại Mỹ. Touqueville nhận định, “tôn giáo là cái nôi của tự do” và chính nhờ Thanh giáo, tự do bám chặt vào bản sắc Mỹ để trở thành giá trị cốt lõi kiến dựng và phát triển pháp luật, thể chế chính trị Mỹ theo khuôn mẫu về tự do.[2]
Nguồn ảnh: Colombo tìm ra Tân Thế giới, nghiencuuquocte.org
Nguồn ảnh: Colombo tìm ra Tân Thế giới, nghiencuuquocte.org
Henry Lee III (1756 – 1818)
Henry Lee III (1756 – 1818)
Người dân thuộc địa Mỹ bắt đầu tin tưởng tự do nhiều hơn như cách họ tin tuyệt đối vào Chúa, kinh Tân Ước phán rằng, “tinh thần Chúa ở đâu thì tự do ở đó”.[3] Với sự thừa hưởng tự do, người dân thuộc địa Mỹ biến khái niệm tự do thành của riêng mình và ý thức được bản chất tự do là không phụ thuộc vào tầm kiểm soát của bất kỳ thế lực nào. Các cuộc cách mạng đấu tranh đòi quyền tự do nổ ra ngày một nhiều hơn ở khắp 13 thuộc địa tại Mỹ. Lòng khao khát tự do cháy bỏng được hô hào qua khẩu hiệu chính trị bởi Pattrick Henry vào năm 1775, “hãy cho tôi tự do hoặc cho tôi cái chết”[4]. Hơn nữa, Richard Henry Lee, nhà lãnh đạo của cuộc Cách mạng Mỹ đã thể chế hóa nội hàm tự do không dành riêng cho từng cá thể mà là của số đông quốc gia tự do, “các thuộc địa châu Mỹ phải thống nhất và phải có quyền tương xứng như là các quốc gia tự do và độc lập”[5].
Đây chính là tâm niệm về “quốc gia tự do” làm động lực thôi thúc cho Thomas Jefferson viết bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 khẳng định: “Tạo hoá đã ban cho mọi người một số đặc quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[6]. Jefferson đã liệt kê những nội dung căn cốt nhất của tự do, mặc định cho dân tộc Mỹ một hình ảnh vĩ đại về mục đích sống và nhiệm vụ của họ với thế giới. Không dừng lại ở đó, tự do được cường hóa trạng thái không chỉ là một giá trị mang tính liệt kê đơn thuần mà được hiện hữu qua văn bản thành văn quan trọng nhất của nước Mỹ - Hiến pháp Mỹ. Hiến pháp ra đời đóng vai trò thừa nhận và bảo vệ giá trị tự do. Từ đó, giá trị này trở thành nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị, hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực hành xử quốc tế của nước Mỹ đối với thế giới rộng lớn.[7]
Tuy nhiên, tự do Mỹ vẫn chưa hoàn chỉnh khi số đông người dân vẫn chịu cảnh nô lệ. Vì vậy, Abraham Lincoln lên án chế độ nô lệ đã vi phạm trắng trợn các nguyên tắc tự do của Hoa Kỳ được nêu trong bản Tuyên ngôn Độc lập và đồng thời ông phê phán quyền tự do ở bản Hiến pháp. Lincoln tin rằng việc loại bỏ chế độ nô lệ như một chân lý nghiễm nhiên để Hoa Kỳ hoàn thành toàn diện nguyên tắc dân chủ và tự do từ đó giúp phổ biến chúng ra khắp thế giới một cách đáng tin. Các nhà nghiên cứu lịch sử cũng thấy rằng chế độ nô lệ đã can thiệp vào việc hoàn thành sứ mệnh vĩ đại của tự do Mỹ. Chính điều này đã “tước đi tấm gương tự do” và “ảnh hưởng chính đáng trên thế giới” của Mỹ dẫn đến các nước “chế nhạo nước Mỹ là đạo đức giả”.[8] Chính vì vậy, sự kết thúc nội chiến Mỹ dưới thắng lợi của Lincoln được so sánh như thắp sáng lại “ngọn đuốc tự do Mỹ” và trở thành cột mốc giai đoạn “đổi mới tự do” dựa trên nền tảng thượng tôn lý tưởng tự do nhân dân “của dân, do dân và vì dân”.[9]
nguồn: https://vietnamnet.vn
nguồn: https://vietnamnet.vn
Hành động ra bên ngoài của Mỹ về tự do cũng phần nào cũng cố sức sống cho giá trị này ở bên trong. Đối ngoại với thế giới của nước Mỹ trong suốt thế kỷ 20 cho thấy rõ hơn về giá trị tự do. Nước Mỹ luôn phô diễn giá trị tự do làm châm ngôn đi trước chuỗi hành động đối ngoại phía sau như một lời khẳng định lý tưởng, mục đích của quốc gia. Trên cơ sở đó, Mỹ tự nhận mình có trách nhiệm khai hóa và lan tỏa tự do khắp thế giới như con đường chính đáng biện hộ cho các hành động chính trị của mình. Năm 1941, tổng thống Franklin D. Roosevelt đệ trình 4 luận điểm tự do và giải thích “tự do có nghĩa là quyền tối cao của người dân ở khắp mọi nơi”.[10] Trên cơ sở này, Mỹ tuyên bố phải có trách nhiệm chính đáng về bảo vệ nền tự do đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa phát xít và đảm nhận vai trò lãnh đạo tự do của thế giới bằng việc thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc. Mỹ giương cao khẩu hiệu “bảo vệ các quyền tự do trên thế giới”, nhưng trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới tác động thảm khốc đến tự do của thế giới thì vai trò của Mỹ lại rất mờ nhạt. Nhìn chung, nước Mỹ tham chiến với tuần suất rất thấp mà tập trung tìm kiếm các nguồn lợi đặc trưng khác trong quan hệ quốc tế như là kinh tế, chính trị. Thậm chí, dù Mỹ đang là hình ảnh đại diện quan trọng của nền tự do trên thế giới nhưng quốc gia này vẫn không ngần ngại xâm phạm đến giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền. Điển hình là chính quyền Roosevelt thông qua chính sách vào năm 1942, qua đó hơn 110.000 người Mỹ gốc Nhật bị bắt và giữ ở các trại giam trong phần lớn thời gian của Thế chiến II. Đó là “sự vi phạm quyền tự do dân sự lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ XX”.[11] Rõ ràng, những thông cáo về nhận thức và hành động chuẩn mực tự do của Mỹ trong suốt giai đoạn từ chiến tranh thế giới đến chiến tranh lạnh giúp ta hình dung một cách trực diện hơn về tự do cả trong lý thuyết và thực tiễn. Không như những lời tuyên bố và bản chất hoa mỹ về tự do Mỹ, các hành động đối ngoại tự do của Mỹ trước hết bị chi phối bởi lợi ích quốc gia – dân tộc và tùy theo từng hoàn cảnh, nó buộc phải đánh tráo khái niệm, thậm chí là xâm hại giá trị nguyên bản về tự do.
Rõ ràng, nhận thức về giá trị tự do của Mỹ được ấn định sâu sắc trong tiềm thức lịch sử hình thành và phát triển dân tộc trở thành yếu tố cốt lõi trong lối hành xử đối ngoại của đất nước. Tự do trở thành khung cấu trúc và đích đến cho nước Mỹ hoạt động trôi chảy và chính đáng, mặc cho những tác động bởi các lợi ích chủ quan và khách quan từ hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, xét đến cùng, giá trị tự do vẫn là niềm tự hào của người dân Mỹ và các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn tiếp tục duy trì tiềm năng của nó trên bình diện chính sách đối ngoại với quốc tế.
Hành động đối ngoại "tự do" của Mỹ
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn gắn liền với khẩu hiệu “tự do”. Lối viện dẫn giá trị “tự do” giống như chìa khóa quan trọng để nước Mỹ hiện thực hóa khát vọng mở chiếc cổng thịnh vượng cho toàn bộ thế giới. Mỹ tự nhận vai trò là chủ thể chính nắm giữ giá trị cốt lõi này và phải thực hiện gìn giữ, bảo vệ cũng như tích cực thực hiện khai sáng “tự do” cho các quốc gia khác. Giá trị “tự do” không những là một luận điểm then chốt trong lịch sử khởi nguồn của người Mỹ mà nó còn đại diện cho ngọn cờ đấu tranh và phát triển xuyên suốt của nước Mỹ.
Trong suốt thế kỷ XX, vai trò tự do Mỹ luôn hiện hữu khắp nơi gắn chặt với những lời tuyên bố can thiệp chính đáng. Nhận định chung về vai trò của Mỹ thời gian này, nhiều học giả khẳng định rằng “tự do là mục đích của nước Mỹ”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Mỹ thừa cơ quảng bá sức mạnh đơn cực của mình với thế giới qua lời khẳng định là “ngọn đuốc tự do đủ thắp sáng cả thế giới”[12]. Thậm chí sau khi bị khủng bố tấn công vào năm 2001, nước Mỹ cho thấy quyết tâm lấy “tự do như một cách chữa trị cho sự bất an của người Mỹ”. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ giải thích “Hoa Kỳ phải bảo vệ tự do và công lý vì nguyên tắc tự do là đúng đắn cho tất cả mọi quốc gia”.
nguồn ảnh: bienphong.com.vn
nguồn ảnh: bienphong.com.vn
Tuy nhiên, đứng trước lý lẽ hoa mỹ về tự do, nước Mỹ không tránh khỏi những dao động mạnh mẽ bởi những nguồn lợi ích phong phú khác. Điển hình món lợi kinh tế trong sự kiện can thiệp của Mỹ tại Trung Đông trước thềm cuộc chiến Vùng Vịnh. Khi mà, giếng dầu Kuwait tại Iraq đã làm gia tăng đáng kể sức hút của quốc gia này trên trường quốc tế về kinh tế. Chính điều này đã khiến Mỹ “làm ngơ” và thậm chí ra tay giúp đỡ gián tiếp trong sự kiện Iraq tấn công Iran năm 1980. Nghiêm trọng hơn, việc Saddam Hussein thảm sát hàng nghìn người làm dấy lên làn sóng phản đối từ Quốc hội Mỹ vì đã vi phạm giá trị bản sắc tự do, dân chủ và nhân quyền. Thế nhưng, những yêu cầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iraq đã bị ngăn cản bởi nhiều thế lực từ chính quyền đến các công ty tư bản tầm cỡ. Đôi khi nước Mỹ còn đem giá trị tự do Mỹ đổi chác để được tiếp cận lợi ích kinh tế hoặc trao đổi ảnh hưởng chính trị. Nhất là sau những cải cách kinh tế toàn diện của Đặng Tiểu Bình, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hàng đầu thế giới, khi trao đổi lợi nhuận ròng với các công ty Mỹ cán mốc 100 tỷ USD một năm. Trước một nguồn kinh tế phong phú như vậy, các tổng thống Mỹ cũng bị chi phối và lấn át mất các giá trị “tự do” theo như các tuyên bố đối ngoại. Tổng thống Bush (cha) thường xuyên phải đứng ra phủ quyết những đề xuất của Đảng đối lập về tình trạng đàn áp tự do, nhân quyền tại sự kiện Thiên An Môn. Kể cả sau đó, tổng thống kế nhiệm Cliton tỏ ra “dè dặt” đối với các vấn đề tự do tại Trung Quốc mặc dù có những tuyên bố chung được nêu ra nhưng thực chất đó chỉ là cách “chọc giận” các lãnh đạo Trung Quốc để họ có thêm tín nhiệm trên phương diện bài trừ Mỹ và phương Tây nói chung.
Nhìn rõ các lời lẽ về hành xử đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn này đều cho thấy sự không đồng nhất đối với hành động của đôi bên. Nói chung, ta vẫn thấy lợi ích quốc gia hiện lên trở thành điểm chung cốt lõi trong nguyên tắc của Mỹ và Trung Quốc, lấn át các giá trị bản sắc trong đối ngoại của hai nước. Rõ ràng, với cách thức sử dụng giá trị cốt lõi trong đối ngoại làm hình thức, hai quốc gia đều biện minh và giải thích hợp lý cho các hành động đi ngược với tuyên bố của mình.
Giá trị tự do trong chính sách đối ngoại của nước này đang dần được hiểu rộng hơn trước lực hút mạnh mẽ của trò chơi cạnh tranh quyền lực. Thực tế cho thấy, quyền lực Mỹ trong thế kỷ XXI đang đi xuống tương quan với chủ nghĩa can thiệp tích cực tại Châu Á. Do đó, những cam kết tự do cũng bắt đầu nhạt nhòa trước những biến động to lớn về cán cân quyền lực đang chĩa sự ảnh hưởng đối với Mỹ. Từ Obama đến Trump và Biden đều cam kết tự do riêng biệt không đồng nhất và thực hiện giá trị tự do Mỹ chỉ dừng ở dạng vỏ bọc cho bản chất hành động.
Tổng thống Obama tự nhận trách nhiệm của Mỹ “phải giải quyết vấn đề bất công và bình đẳng” và “chúng ta [Hoa Kỳ] phải bảo đảm các quyền tự do bẩm sinh cho tất cả mọi người”[13]. Sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, Obama đã để lại di sản nhiệm kỳ khá thành công trong những cam kết đạt được tự do ở Trung Đông khi thực hiện rút quân Mỹ khỏi Afganishtan và tiêu diệt thành công thủ lĩnh khủng bố. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển dần vai trò “tự do” Mỹ ở Trung Đông của chính quyền Obama là để tập trung chiến lược “xoay trục Châu Á – Thái Bình Dương” nhằm kiềm chế sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc.[14] Rõ ràng, tự do Mỹ dưới thời Obama đang cho thấy dấu hiệu phơi bày tính hiện thực trong hành động ngoại trừ giá trị tự do. Thậm chí sau đó, tổng thống D.Trump còn suy nghĩ thực dụng hơn về tự do khi mà đối ngoại chủ yếu về kinh tế theo quan điểm “nước Mỹ trên hết” đề cao vai trò “Mỹ ủng hộ thương mại tự do, nhưng cần phải công bằng”[15].
Chính sách thực dụng này của D.Trump có thể nguy hại đến bản chất nền tự do trên thế giới. Bởi vì, nền dân chủ và quyền tự do được lựa chọn tiếp cận khác nhau từ các thể chế kinh tế và xã hội của từng quốc gia. Việc Mỹ thúc đẩy tự do thương mại bằng cách gia tăng sự cạnh tranh kinh tế với các cấu trúc nhà nước khác sẽ khuyến khích sự trỗi dậy của các loại chủ nghĩa cực đoan, điển hình là chủ nghĩa dân tộc.[16] Tiếp đến tổng thống J.Biden, tự do được sử dụng nhuần nhuyễn như tấm bình phong của Mỹ để thuận tiện ban hành chính sách đối ngoại “ưu việt về chính trị và quân sự” nhằm “phục hồi giá trị Mỹ”[17]. Chính quyền ông Biden quyết định chấm dứt hoàn toàn chiến tranh tại Afghanistan với giải thích là “sai lầm khi ở lại và chiến đấu lâu dài trong một cuộc xung đột không vì lợi ích quốc gia của Mỹ”[18]. Rõ ràng, đi ngược lại về những tuyên bố vai trò, trách nhiệm Mỹ về truyền tải tự do khắp thế giới, phát biểu của ông Biden cho thấy rõ lợi ích quốc gia là căn cơ nền tảng nhất mà giá trị tự do là hình thức bao bọc đầy hoa mỹ.
Có thể thấy, tự do của Mỹ đã trải qua một bề dầy lịch sử vừa cũ lại vừa mới bởi vì sở dĩ tính cập nhật của nó luôn biến động mỗi ngày tại Mỹ. Các nhà khoa học suy xét "tự do" Mỹ phải lý luận nhưng số khác lại kìm chặt sử dụng trong thực tiễn. Nó khiến cho tự do lúc thì mập mờ khó hiểu lúc thì sáng tỏ chân thực. Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng qua phân tích, nhận thức "tự do" của Mỹ là một tiến trình dài song kiên định trong giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do đầy hoa mỹ. Còn sử dụng trong đối ngoại trở thành công cụ đầy khôn lường trước thế giới biến động. Vì vậy, "tự do" Mỹ đã thay đổi phần lớn trong các hành xử đối ngoại tỏ rõ sự suy yếu và rời xa dần giá trị cốt lõi về “tự do” khi quyền lực và lợi ích quốc gia đang có dấu hiệu thuyên giảm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bài viết này đã được đăng trên tạp chí Châu Mỹ ngày nay số 2 - 2022.
[1]Eric Foner. (2019). “Give me Liberty!: An American History”, Publisher by W.W. Norton & Company, New York, p. 87 – 108.
[2] Alexis de Tocqueville. (2020).Nền dân trị Mỹ, NXB Tri thức, Hà Nội, tr.91.
[3]Eric Foner. (2019). “Give me Liberty!: An American History”, Publisher by W.W. Norton & Company, New York, p.57.
[4]Smithsonian. (2016). “The American Revolution: A Visual History”, DK Publishing, New York, p.53.
[5] NCC Staff. (2021). “On this day, the name “United States of America” becomes official”, https://constitutioncenter.org/blog/today-the-name-united-states-of-america-becomes-offici
[6]The Declaration of Independence, https://www.ushistory.org/declaration/document/
[7] Nguyễn Cảnh Bình (biên soạn). (2018).Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.16.
[8] Eric Foner. (2017). Battles for freedom The Use and Abuse of American History, Published by I.B.Tauris & Co. Ltd and The Nation Company, New York, p.77.
[9] John Mcgowan. (2007). American Liberalism An interpretation for Our time, The University of North Carolina Press, p.167 – 168.
[10] Andrew Clapham. (2016). Human Rights: A very Short introduction, Oxford University Press, USA, p. 43 – 44.
[11]Eric Foner. (2019). “Give me Liberty!: An American History”, Publisher by W.W. Norton & Company, New York, p.1221.
[12] Geogre Bush. (1992). “Remark on Presenting the President Medals of Freedom”, (https://www.presidency.ucsb.edu/documents/remarks-presenting-the-presidential-medals-freedom
[13] The White House Office of the Press Secretary. (2016).“Presidential proclamation – National African American History Month” https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/2016/01/29/presidential-proclamation-national-african-american-history-month-2016
[14]Michael Pillsbury. (2015).The Hundred – year marathon, China’s secret strategy to replace america as the global superpower, Pulished by henry holt and company, Newyork, p.231.
[15] Thao AP. (2018). “Tổng thống Mỹ khẳng định ủng hộ tự do thương mại công bằng”, http://www.baodongnai.com.vn/thegioi/201801/tong-thong-my-khang-dinh-ung-ho-tu-do-thuong-mai-cong-bang-2879101/
[16] Jacques Sapir. (2017). “President Trump and free trade”, Real – world economics reviewJournal, issue no.79, p.72 – 73.
[17] Joshua Shifrinson – Stephen Wertheim, (2021). “Biden the Realist: The president’s Foreign Policy Doctrine has been hiding in Plain sight”, https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2021-09-09/biden-realist
[18] The White House. (2021). “Remarks by President Biden on Afghanistan”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/08/16/remarks-by-president-biden-on-afghanistan/