Đúng vào ngày cuối cùng của Tháng Tự hào năm 2023, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra một phán quyết mà về căn bản là cho phép các doanh nghiệp nước này từ chối phục vụ những người thuộc cộng đồng LGBTQ. Án lệ này tiếp tục châm ngòi cho một “cuộc chiến văn hóa” đang được dự đoán sẽ trở thành tâm điểm cho mùa bầu cử Tổng thống.
(Bài viết từ ngày 01 tháng 07 năm 2023)

Tự do ngôn luận và quyền của người đồng tính trên cùng một bàn cân

Thứ sáu ngày 30.06.2023, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, với tỉ lệ biểu quyết 6-3, đã trao phần thắng cho Lorie Smith, chủ một doanh nghiệp thiết kế website có tên là 303 Creative tại bang Colorado, người cho rằng quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp cho phép cô từ chối thiết kế website đám cưới của các cặp đôi đồng tính.
Luật pháp của bang Colorado cấm các doanh nghiệp phục vụ công chúng phân biệt đối xử đối với khách hàng dựa trên xu hướng tính dục của họ. Bà Smith, một người theo Đạo Tin lành, cho rằng đức tin của mình bắt buộc bà phải từ chối các cặp kết hôn đồng tính tìm dịch vụ thiết kế website. Bà đã đâm đơn kiện Bang Colorado để thách thức những quy định trên, cho rằng nó vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng của mình.
Smith khẳng định bà vẫn sẵn lòng phục vụ mọi khách hàng, bất kể xu hướng tính dục của họ, nhưng sẽ phải từ chối thiết kế website kỉ niệm cho các đám cưới đồng tính. Thực tế là bà Smith chưa từng được yêu cầu để làm một website đám cưới nào cho khách hàng đồng tính. Công ty của bà Smith được cho là thậm chí còn chưa từng thiết kế một website đám cưới nào. Phiên tòa về cơ bản đã ra phán quyết dựa trên một tình huống hoàn toàn là tưởng tượng.
Nhóm đa số của Tòa bao gồm 6 thẩm phán theo xu hướng bảo thủ nhìn nhận quyết định này là một chiến thắng nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận của những người nghệ sĩ. Thẩm phán Neil M. Gorsuch, người từng điều trần trước Thượng viện khi được đề cử vào tòa rằng “hôn nhân đồng tính được bảo vệ bởi Hiến pháp”, đã viết bài cho phe đa số lập luận rằng chính quyền không thể ép buộc những người cung cấp dịch vụ mang tính trình diễn phải đưa ra những quan điểm trái với niềm tin của bản thân.
Các nhà hoạt động về quyền của người đồng tính cảnh báo về những hậu quả của phán quyết này khi sự mơ hồ và chung chung của việc vận dụng quyền tự do ngôn luận sẽ mở đường cho các doanh nghiệp từ chối phục vụ nhiều nhóm khách hàng thiểu số khác mà không chỉ dừng lại ở cộng đồng LGBTQ. Họ cho rằng quan điểm của Tòa án Tối cao cũng không phản ánh được nguyện vọng của người dân Mỹ ở thời điểm hiện tại, khi các khảo sát năm 2022 cho thấy có đến từ 61% đến 71% người Mỹ ủng hộ hôn nhân đồng tính.
Chỉ mới vài thập niên trước, người da màu tại Mỹ vẫn còn bị từ chối và phân biệt đối xử khi sử dụng các dịch vụ công cộng. Phát biểu sau phán quyết của Tòa án Tối cao, Tổng thống Joe Biden phát biểu thận trọng ngay sau khi phán quyết được đưa ra: “Tuyên bố hôm nay làm suy yếu các quy định lâu đời nhằm bảo vệ tất cả người Mỹ chống lại sự phân biệt đối xử trong các dịch vụ công cộng - bao gồm người da màu, người khuyết tật, người theo tín ngưỡng và phụ nữ.”
Ba thẩm phán theo xu hướng Tự do, đại diện bởi Thẩm phán Sonia Sotomayor, đã đưa ra ý kiến phản đối phản quyết này và cho rằng nó đã định nghĩa hành vi phân biệt đối xử chống lại cộng đồng LGBTQ như những phát ngôn cá nhân cần được bảo vệ, thay vì là những hành vi thù địch nên bị ngăn cấm. Theo bà, việc trao quyền hiến định để các doanh nghiệp từ chối phục vụ người LGBTQ cũng đồng nghĩa với việc Tòa đã đặt người LGBTQ vào nhóm công dân “hạng hai”.
Thẩm phán Gorsuch đã trả lời trực tiếp những ý kiến phản đối khi cho rằng hai bên đang nhìn vào những vấn đề khác nhau trong cùng một vụ án. Ông lập luận rằng khi Tòa án Tối cao đồng ý xem xét vụ án này, Tòa chỉ đồng ý ra phán quyết cho một câu hỏi duy nhất là "những quy định của luật yêu cầu dịch vụ công cộng bắt buộc người nghệ sĩ phải đưa ra phát biểu hoặc giữ im lặng có đang vi phạm điều khoản tự do ngôn luận trong Hiến pháp hay không". Ông cũng nhấn mạnh rằng vụ án không liên quan đến "những bước tiến của người Mỹ đồng tính trong việc đảm bảo quyền bình đẳng hợp pháp của mình".
Cộng đồng LGBTQ tại Hoa Kỳ có thể bị từ chối cung cấp dịch vụ vì xu hướng tính dục của mình.
Cộng đồng LGBTQ tại Hoa Kỳ có thể bị từ chối cung cấp dịch vụ vì xu hướng tính dục của mình.

Tâm điểm mới của cuộc chiến văn hóa tại Mỹ

Phán quyết vừa rồi là một trong những chiến thắng pháp lý liên tục trong thời gian qua với các nhóm tín đồ tôn giáo, đặc biệt là nhóm Kitô giáo bảo thủ. Án lệ 303 Creative L.L.C. v. Elenis ở trên cũng được coi là một cột mốc mới nhất trong "cuộc chiến văn hóa" – thuật ngữ được phổ biến bởi nhà xã hội học James Davison Hunter vào những năm 1990 để mô tả cuộc đấu tranh giữa một xã hội Mỹ có xu hướng ngày càng tự do và cởi mở với các nhóm cực hữu bảo thủ luôn cố gắng định hình thế giới dựa trên các giá trị trong kinh thánh.
Đối với các “chiến binh văn hóa” cánh hữu, giai đoạn này thật sự là một thời kì “Phục Hưng” cho phong trào bảo thủ. Vào năm 2015, Đảng Cộng hòa đã phải giật mình trước sự thay đổi nhanh chóng trong quan điểm của xã hội về cộng đồng LGBTQ, đặc biệt là sau khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính dưới thời Obama. Giờ đây, sau 4 năm nhiệm kì của Trump và 6 thẩm phán bảo thủ trong 9 ghế của Tòa án Tối cao, phe cánh Hữu đã nhìn thấy một cánh cửa mới cho mình.
Sau khi những phong trào dân sự cấp tiến như Me Too (phản đối tình trạng lạm dụng tình dục phụ nữ tại nơi làm việc) hay Black Lives Matter (phản đối các hành vi phân biệt chủng tộc có hệ thống trong lực lượng cảnh sát) phát sinh nhiều vấn đề, cũng như sự phổ biến đến "ngợp" của các nội dung giải trí đề cao đa dạng giới, đa dạng chủng tộc được thúc đẩy bởi Hollywood và truyền thông đại chúng, các chính trị gia Đảng Cộng hòa đã nhạy bén nhận ra ngay được những sự hoang mang và phản ứng tiêu cực của một bộ phận dân chúng về các khái niệm cấp tiến như đa dạng giới (gender diversity) hay chủng tộc phê phán (critical race). Cánh hữu bắt đầu xây dựng chương trình nghị sự và các thỏa luận chính sách của mình xoay quanh cuộc chiến văn hóa, lên án cái gọi là “văn hóa thức tỉnh” (woke culture) của cánh tả với hệ giá trị cấp tiến như là những trào lưu đang phá hủy những hệ giá trị truyền thống của nước Mỹ.
Sau khi việc lật ngược án lệ Roe v. Wade để gián tiếp loại bỏ quyền phá thai như một quyền Hiến định đã gián tiếp khiến Đảng Cộng Hòa nhận thất bại nặng nề trong mùa bầu cử giữa kì vào năm ngoái. Các chính trị gia cánh hữu hiểu rằng tấn công trực diện vào quyền kết hôn đồng tính hoặc quyền của người đồng tính sẽ có thể gây phản tác dụng. Do đó, các chính sách hạn chế quyền dân sự của người LGBTQ thường được xây dựng một cách gián tiếp thông qua cơ sở về quyền tự do tín ngưỡng hay tư do ngôn luận. Và cộng đồng những người chuyển giới (trans) nhanh chóng trở thành nhóm mục tiêu được ưa thích nhất.
Một ví dụ điển hình là việc Thống đốc bang Florida Ron DeSantis vào tháng 3 năm ngoái đã kí ban hành luật cấm việc giảng dạy về bản dạng giới và xu hướng tính dục trong lớp học, với tên gọi dân dã là "Luật Đừng Nói Về Người Đồng Tính" (Don’t Say Gay Bill). Những người bảo thủ lập luận rằng luật này cho phép phụ huynh giám sát tốt hơn việc học và thảo luận của con em mình tại trường, nhấn mạnh rằng các chủ đề liên quan đến LGBTQ nên để cho gia đình tự thảo luận tại nhà. Một phần của luật cũng cho phép phụ huynh khởi kiện dân sự đối với trường nếu họ vi phạm, đưa giáo viên trở thành những mục tiêu pháp lý nếu họ thảo luận về vấn đề đồng tính và bản dạng giới với học sinh.
Phe chỉ trích buộc tội Đảng Cộng hòa tại bang Florida đã xây dựng một chiến dịch bẩn thỉu để hạ bệ cộng đồng LGBTQ khi gắn liền cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới với những quan ngại về vấn nạn “mời gọi tình dục”, “dạy dỗ tình dục” và “gạ gẫm” trẻ em. Phe cấp tiến cũng trích dẫn Dự án nghiên cứu Trevor cho thấy "thanh thiếu niên LGBTQ có quyền tiếp cận những không gian chấp nhận định hướng tình dục và định hình giới tính của mình - bao gồm các trường học - có tỉ lệ tự tử thấp hơn so với những thanh niên không có quyền này". Disney, một trong những nhà tuyển dụng và cũng là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất ở Florida, sau nhiều sự phản đối từ chính nhân viên của mình, cũng đã tham gia vận động cho việc huỷ bỏ luật này, châm ngòi cho những căng thẳng kéo dài sau đó mà đỉnh điểm là một vụ kiện giữa Tập đoàn này với ông Thống đốc DeSantis.
Những nghệ sĩ trình diễn ‘drag queen’ cũng đã bất đắt dĩ trở thành công cụ chính trị của cuộc chiến văn hóa của Đảng Cộng Hòa. Các nhà lập pháp tại bang Tennesse, nơi được coi là thủ phủ giải trí của miền Nam Hoa Kỳ, vào tháng 4 vừa qua cũng đã thông qua một luật cấm những nghệ sĩ biểu diễn cải trang hoán đổi giới tính nam và nữ (hay gọi được biết đến rộng rãi với tên gọi là drag) trình diễn tại các không gian công cộng với lý do là lo ngại về việc gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức của trẻ em. Một ngày trước khi được áp dụng, một thẩm phán liên bang khác đã tạm thời chặn luật cấm này vì cho rằng nó vi Hiến. Dù vậy, nối tiếp theo Tennessee, ít nhất 10 tiểu bang khác cũng đang tìm cách để tội phạm hóa việc biểu diễn drag trước mặt trẻ em.
Số lượng dự luật bài trừ LGBTQ đã tăng kỉ lục trong năm nay tại Mỹ với hơn 120 dự luật đã được nộp từ tháng 1 năm 2023, theo ghi nhận từ Hiệp hội Quyền công dân Hoa Kỳ (ACLU). Trong số đó, hơn hai chục dự luật nhắm vào quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người chuyển giới ở 11 tiểu bang, hầu hết là các tiểu bang ở miền Nam thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng Hòa. Các dự luật và thảo luận quanh chủ đề về LGBTQ và văn hóa thức tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục thống trị mùa bầu cử Tổng thống vào năm 2024 thay vì những chủ đề truyền thống như kinh tế, nhập cư, quyền sở hữu súng đạn.
Đối phó với xu hướng này, phe cấp tiến cũng đã có nhiều động thái củng cố quyền cho người LGBTQ qua những đạo luật ở cấp liên bang. Trước những lo ngại rằng tòa tối cao có thể lật ngược phán quyết hợp pháp hóa hông nhân đồng giới, Thượng viện Mỹ vào cuối năm ngoái đã thông qua Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân, một đạo luật có sự ủng hộ của cả hai đảng quy định chính phủ liên bang Hoa Kì phải công nhận mọi cuộc hôn nhân (bất kể là đồng giới hay khác giới, đồng chủng hay liên chủng) miễn là nó diễn ra hợp pháp ở bất kì tiểu bang nào trong liên bang.

Người LGBTQ vẫn sẽ ở đây và sẽ không biến mất

Trường phái bảo thủ trong chính trị Hoa Kỳ, thay vì đưa ra những diễn ngôn và đề xuất cách tiếp cận đề cao các giá trị bảo thủ đối với vấn đề về quyền dân sự của người LGBTQ, lại lựa chọn một cách tiếp cận là lờ đi sự tồn tại và thậm chí là thách thức sự tồn tại của cộng đồng này trong các khái niệm pháp lý. Đổ lỗi và cô lập những nhóm thiểu số để xây dựng nền tảng ủng hộ đến nay là một chiêu bài dân túy kinh điển của các nhóm chính trị cánh hữu.
Quay trở lại với phiên tòa vừa qua cũng như một loạt những phán quyết gây nhiều tranh cãi gần đây, có thể thấy được rằng Tối cao Pháp viện ở thời điểm hiện tại có xu hướng đặt những giả thuyết pháp lý lên trên hệ quả thực tế của các án lệ. Về nguyên tắc thì Tòa vẫn đang thực hiện đúng chức năng và quyền hạn của mình của mình trong việc diễn giải Hiến pháp. Song, việc một thẩm phán đã từng phát biểu rằng những quyền của người LGBTQ “không phải là các quyền truyền thống trong Hiến pháp” và cần được xét lại về tính hiến định cũng cho thấy rằng các nhóm thiểu số như LGBTQ sẽ khó lòng trông chờ vào Tòa Tối cao để củng cố cũng như bảo vệ các quyền dân sự của mình, giữa làn sóng bài trừ mạnh mẽ từ các nhóm bảo thủ.
Không thể phủ nhận rằng quyền tự do ngôn luận chính là nền móng của nhân quyền cũng như của bất kì xã hội dân chủ nào. Người viết đồng ý với lập luận rằng chính quyền không nên điều chỉnh hành vi và phát ngôn của một người trái với niềm tin cá nhân của họ, dù cho niềm tin đó có sai trái hay thậm chí là ghê tởm theo quan niệm của số đông. Chính sự tự do và tương phản giữa các hệ thống lý luận và niềm tin cùng tồn tại song song chính là yếu tố cấu thành nên một xã hội dân sự sống động như tại Hoa Kỳ.
Phán quyết vừa qua có thể là một sự thất vọng với cộng đồng LGBTQ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, án lệ này cũng đã củng cố tầm nhìn về một xã hội tự do lý tưởng, nơi không tồn tại những tiêu chuẩn nhị phân theo kiểu đúng hay sai, truyền thống hay phi truyền thống, đạt chuẩn hay lệch chuẩn, được định nghĩa bởi bất kì ai. Tầm nhìn đó, theo quan điểm của người viết, mới thực sự là chiến thắng lớn nhất và lâu dài nhất cho các phong trào dân sự cấp tiến.