Tự do (1) - Về tư duy
1. Để đáp ứng được với nhu cầu phát triển cũng như tiếp cận về tri thức như hiện nay. Con người trước hết phải tự giải phóng bản thân...
1.
Để đáp ứng được với nhu cầu phát triển cũng như tiếp cận về tri thức như hiện nay. Con người trước hết phải tự giải phóng bản thân mình khỏi những xiềng xích tư duy bấy lâu nay được đặt ra bởi chính bản thân hay bởi cộng đồng. Trường hợp cụ thể được nói đến sau đây là: họ tự gán mình vào những loại giá trị nhất đình và không muốn rời ra, hoặc tệ hơn, sống đúng theo những ám thị mà người khác hay xã hội áp đặt lên họ một cách bị động .
2.
Thay vì bàn về vấn đề này nhàm chán , hãy chọn cách tiếp cận gần gũi hơn. Ta có thể lấy thử một ví dụ cụ thể là tác phẩm "Tiếu Ngạo Giang Hồ" của Kim Dung.
Lệnh Hồ Xung sau khi tình cờ lãnh hội được tất cả những chiêu thức phá giải kiếm pháp của cả 5 phái Ngũ Nhạc được chép trên vách đá, tới một ngày sư phụ Nhạc Bất Quần và vợ lên núi thăm hỏi và thử sức Lệnh Hồ Xung để xem thử trong quá trình bị phạt trên núi công phu chàng có tăng tiến được thêm chút nào không. Sư nương Ninh Trung Tắc sau một hồi tỉ thí thì ra luôn chiêu kiếm mà bà ta hết sức tâm đắc, tới nỗi đặt tên nó là "Vô song vô đối Ninh thị nhất kiếm". Thế kiếm cực kỳ uy mãnh tới nỗi Nhạc Bất Quần phải xông lại cứu Lệnh Hồ Xung vì e rằng chàng khó mà toàn mạng. Ngờ đâu trong lúc nguy cấp, Lệnh Hồ Xung chỉ hóa giải nó bằng một chiêu duy nhất: lấy vỏ kiếm tra ngược và kiếm của sư nương - cũng chính là chiêu thức mà chàng đã học được trên thạch động.
Hậu quả việc ra chiêu đó của chàng là vài cái bợp tai nổ đom đóm của lão sư phụ rằng "đó là võ công bàng môn tà đạo". Cộng thêm việc cảnh cáo sẽ từ mặt, trục xuất khỏi sư môn,... Và buộc chàng phải hứa là từ nay cải tà quy chính, quay về hướng luyện công khí tông được cho là chính thống mainstream của phái Hoa Sơn. Lệnh Hồ Xung sau khi đã biết chuyện kiếm pháp không những của phái mình mà của cả 4 phái Ngũ Nhạc khác đều bị phá giải thì niềm tin về đỉnh cao võ học của chàng bị lung lay mãnh liệt cũng như không còn có sự tôn trọng như trước cho kiếm pháp Hoa Sơn nữa. Tuy vậy trong tình cảnh đó chàng buộc phải chấp thuận lời sư phụ vì hết sức kính trọng ông ta, cũng vì sợ sệt bị gán vào thứ gọi là "bàng môn tà đạo". Nhưng có một sự thật không thể thay đổi, trong tâm thức Lệnh Hồ Xung biết rõ rằng loại kiếm pháp nào là vượt trội.
3.
Nếu các bạn có xem hoặc đọc qua Kim Dung, ta dễ dàng nhận thấy được ngay: trước thời Tiếu Ngạo Giang Hồ này, trên võ lâm không có chia chính tà cho các môn phái, không chia chính tà cho các loại võ học mà tập trung vào tính cách của nhân vật. Vì vậy mà võ công của thời đó nở rộ và phát triển cực kỳ hưng thịnh. Thời Tiếu Ngạo Giang Hồ, Ngũ Nhạc Kiếm Phái tự xưng là chính phái, đối địch với Nhật Nguyệt Thần Giáo (Ma Giáo) là tà phái. Chẳng những vậy trong nội bộ một môn phái, cách luyện công cũng bị chia chính tà : "khí tông" là chính, " kiếm tông" là tà ( mà nguyên nhân chẳng qua do sự đấu đá thắng làm vua thua làm giặc).
Họ chấp chặt vào sự "chính thống" bên khí tông rồi gán mình vào đó để tự làm hạn hẹp về võ công của mình, phủ định hết về kiếm tông mặc cho cùng môn phái và võ học còn có phần vượt trội hơn. Còn Ma Giáo, được thể hiện trong truyện là những người trọng nghĩa khí, nhiều lần giúp đỡ Lệnh Hồ Xung, đoàn kết và gắn bó với nhau. Tuy vậy họ cũng không vượt qua được cái mác mà giang hồ đặt cho mình, vẫn cướp của, giết người, ra tay cực kỳ tàn bạo, kể cả Nhậm Doanh Doanh cũng không phải ngoại lệ, dẫu cho rằng có thể đó không phải là bản chất thật của con người họ, nhưng họ hành xử đúng với kỳ vọng của những người đã chụp mũ xấu xa cho mình, thì còn gì bào chữa được nữa? Ngũ Nhạc phái tuy mang danh chính phái, nhưng nội bộ thì lủng củng, đấu đá lẫn nhau, tranh quyền đoạt vị, võ công thấp kém, có một ngàn chuyện xấu xa trong phái, vậy mà đệ tử các phái cũng như chưởng môn luôn ngẩng mặt lên trời ngạo nghễ và thỏa mãn với danh hiệu chính phái của mình, có chỗ nào đáng tự hào trong đó?
Tất cả những cái mác này đều hão huyền và vô nghĩa, nhưng điều tệ nhất là con người ta lại sống mù quáng bám víu vào những niềm tin và các ám thị đó. Không những giới hạn tiềm lực của bản thân, mà trong quy mô lớn hơn, còn có thể kéo lùi - gây hại cho cả xã hội, cả cộng đồng.
4.
Nhân sĩ võ lâm phải sống trong trong chính cái ràng buộc về võ học - thứ tri thức của họ,cũng như chính kiến về môn phái thì mới được huynh đệ đồng môn, giang hồ công nhận. Dù cho đó có là thứ sỉ diện hão đi chăng nữa. Bởi vậy mà võ học thời điểm này trở đi càng ngày càng lụi tàn. Ta đều thấy được tự bản thân võ công không có ý nghĩa gì, quan trọng là nằm ở người sử dụng nó, việc đánh dấu và gán ghép ý nghĩa cho võ công hoặc môn phái là một chuyện hết sức nhảm nhí và vô nghĩa. Nhưng biết làm sao khi việc dán nhãn label này nằm ở những nhân vật to lớn, có thẩm quyền như Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần? Chỉ cần một việc làm nho nhỏ như chiết chiêu với sư nương mà Lệnh Hồ Xung, một nhân vật bé nhỏ cô thân cô thế, phải đối mặt với cảnh bị những người có nghĩa cha mẹ từ mặt, trục xuất khỏi sư môn, thân bại danh liệt, thiên hạ bất dung.
Một con người tri thức - hay một nam tử học võ trong bối cảnh này, khi được đắm mình trong đại dương kiến thức dù chỉ một lần thì cũng khó lòng bắt người ta bỏ chỗ hiểu biết đó để quay lại chỗ ngu muội như cũ nữa. Kim Dung để Lệnh Hồ Xung bị phạt 1 năm sám hối trên núi một mình, không bị bó buộc bởi ai, thể hiện cái thiên hướng tự nhiên của con người là vươn lên, luôn muốn trở nên tiến bộ và hướng thiện. Quan trọng là anh ta có được đặt vào một môi trường giáo dục tốt và hoàn toàn tự do để phát triển hay không, hay là bị quản chế và ràng buộc bởi các định kiến, luật lệ, hủ tục không cần thiết, thậm chí còn nguy hại.
5.
Cái giá của sự tự do không rẻ, kết cục của Lệnh Hồ Xung chắc nhiều người chúng ta đã biết: bị mất hết nội lực, luôn trong trạng thái yếu ớt, cầm kiếm không nổi, thập tử nhất sinh, cô độc phiêu bạt khắp giang hồ không có nơi nương tựa. Nhưng cũng chính nhờ cái duyên giải phóng mình khỏi các xiềng xích định kiến đó mà chàng có đủ chánh kiến để thấy bộ mặt thật của Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần hay Nhậm Ngã Hành. Cũng bởi sự tự do về tư duy võ thuật đó, chàng nhanh chóng lĩnh hội được " lấy vô chiêu thắng hữu chiêu" của Độc Cô Cửu Kiếm, môn kiếm pháp tuyệt định mà cũng đồng thời để đặc tả tinh thần tự do, phóng khoáng, bài trừ mọi xiềng xích muốn gửi gắm của tác giả. Ai đọc truyện cũng muốn mình là Lệnh Hồ Xung, nhưng thật sự có ai muốn đánh đổi những thứ mà mình vốn trân quý mỗi ngày như ăn no mặc ấm, tiền tài danh vọng hay những người thân yêu xung quanh mình, ra đi chỉ để tìm một thứ "tự do" quá mông lung và không chắc chắn?
6.
Nói nhiều như vậy rồi cũng chợt nhận ra: từ " Tự Do" thôi tự bao giờ cũng trở thành một từ nhạy cảm. Với vốn từ vựng mỗi lúc càng eo hẹp vì ngày càng nhiều từ bị gán mác cho nhạy cảm, có lẽ tôi nên tập nói chuyện bằng thủ ngữ luôn cho đỡ tốn năng lượng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất