Series Netflix Sex Education đình đám
Series Netflix Sex Education đình đám
Mỗi vật đều có một tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua, ngọt, mặn, đắng, cay; năm vị điều hoà, cùng tồn tại hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế.
Đề thi Đại học môn Ngữ Văn của tỉnh Giang Tô - Trung Quốc
Đề thi Đại học môn Ngữ Văn của tỉnh Giang Tô - Trung Quốc
Ta đã từng tấm tắc trước lời khẳng định ấy, về vẻ đẹp tự tính vốn có nơi vạn vật, được tạo tác bởi nền văn chương phong phú giàu triết lý Trung Hoa. Ta cũng đồng cảm, mến thương với mỗi nhân vật, cá tính vô cùng độc lập bộc lộ trên màn ảnh của Sex Education 3. Mà ở đó, nhà làm phim đã mượn chuyện giáo dục giới tính để truyền tải thông điệp xuyên suốt: chấp nhận sự khác biệt. Hai loại hình nghệ thuật, hai nền văn minh Đông - Tây khu biệt bỗng chốc đồng điệu, giao hòa, cùng xướng lên một đạo lý thường hằng. Mỗi vật đều có một tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Con người cũng vậy, mỗi người mỗi tư tưởng, tính cách, đặc điểm,... không ai giống ai.

Bài toán định hình, định lượng bản dạng.

Có thể thấy, tư tưởng Đông phương chủ trương nhấn mạnh sự tiết chế của cá tính. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Cái sự "thêm" đó với tư tưởng phương Đông như chẳng đem lại điều gì tốt đẹp. Vì thế mà cần: Chua, ngọt, mặn, đắng, cay; năm vị điều hoà, cùng tồn tại hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Để cuối cùng đi đến một kết quả vừa khác biệt lại hài hòa.
Nhưng rõ ràng nước thêm nước mới thành cốc nước, muối thêm muối mới thành hũ muối. Khi chưa định hình, định lượng được bản dạng mà đã phải hòa trộn thì sao có thể tạo nên vị điều hòa? Huống hồ, hòa hợp mà không hòa tan lại khó chồng thêm khó. Sợ rằng mỗi cá tính khi chưa tìm được chính mình đã bị hòa tan vào tổng thể mất rồi. Đó chính là yếu điểm của nền triết học phương Đông. Mà ở đây là Đạo Lão, Đạo Giáo của Trung Quốc.
Bằng góc nhìn thế giới quan, bản thể luận, tư tưởng phương Tây lại tách cái tôi ra khỏi cái chung, từ đó dễ dàng giải thích, khai phóng bản dạng, theo đuổi lý tưởng của bản thân, thỏa mãn nhu cầu tò mò, tự do, thích độc lập và trải nghiệm tích cực. Mà không có bất cứ ràng buộc nào. Đó cũng chính là lý do mà chủ nghĩa cá nhân ra đời ở phương Tây và ngày một thịnh hành trên toàn thế giới. Nhất là trong thời đại kinh tế phát triển, công nghệ thông tin, dịch bệnh khiến con người càng ít phụ thuộc vào nhau, liên kết xã hội trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ.
Ta cũng thấy rõ vai trò của chủ nghĩa cá nhân trong việc bành trướng, phát triển và hoàn thiện bản dạng của chính mỗi nhân vật trong Sex Education 3. Nhưng ta cũng không thể chối bỏ một sự thật rằng, các mối quan hệ trong phim đầy những bất cập, mẫu thuẫn, rời rạc, trường trung học Moordale thì đi đến bờ vực giải thể. Đó cũng chính là yếu điểm của tư tưởng triết học phương Tây.
Chúng tôi làm việc để chống lại sự xấu hổ. Không sao cả khi được là chính mình, được sống với chủ nghĩa cá nhân.
Eric (Ncuti Gatwa ) trả lời phỏng vấn.
Có thể thấy ekip Sex Education đã cố gắng truyền tải trường phái triết học này vào trong tác phẩm của họ một cách tích cực. Đồng thời cũng cho thấy mặt trái của chủ nghĩa tập thể, rõ nhất là sự tổn thương ở nhân vật Lily. Không chỉ đề cập đến chủ nghĩa cá nhân, Sex Education cũng cố gắng đề cập đến nhiều hệ tư tưởng khác. Là tư tưởng Phật giáo qua cuộc đối thoại của Jackson và Hope. Một Roland Matthews (bố của Ruby ) phê pha điếu cỏ, lải nhải về chủ nghĩa hư vô. Một Kyle khủng hoảng hiện sinh khi nhìn thấy những người lính chết trẻ, nhận ra giá trị của hiện tại “living in the moment”. Tất cả góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của bộ phim.
Không chỉ thể hiện tính nghệ thuật qua triết lý nhân sinh, Sex Education còn cho thấy mình là một series vô cùng đáng gờm. Những hình ảnh, thước phim đầy tính điện ảnh. Thứ nhạc phim sôi động mà sâu lắng, như ứng với sự trưởng thành qua từng ngày của các nhân vật. Những tình tiết đóng mở nút thắt nhẹ nhàng, tròn trịa khiến người xem không thể rời mắt. Hay những cá tính tưởng chừng xấu xí dần biểu lộ góc khuất đầy cảm thương khiến ta cứ muốn đồng hành cũng họ mãi. Nói về tình dục mà chẳng dục tẹo nào.

Có phải chỉ là chủ nghĩa cá nhân?

Hope - đại diện cho chủ nghĩa tập thể
Hope - đại diện cho chủ nghĩa tập thể
Tuy nhiên, bộ phim có đang quá tô hồng chủ nghĩa cá nhân? Bởi ngay lúc này đây, trường phái triết học ấy chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới số người nhiễm và chết do covid ở các nước phương Tây. Với nhiều mặt trái khác, điển hình là sự bành trướng quá mức của cái tôi cá nhân, chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Tập thể vì thế mà suy yếu dẫn đến tan rã. Điều khiến tổng thể Sex Education vẫn dung hòa được cho đến hết mùa 3 rõ ràng là ở lòng vị tha, từ bi của mỗi nhân vật trong đó.
Nói đến vị tha, từ bi không thể không nói đến tư tưởng Phật giáo. Phật giáo nguyên thủy vốn không chủ trương giáo điều, tiết dục, lại đứng chính trung giữa 2 nền triết học Trung Quốc và Tây phương. Nhấn mạnh sự đồng nhất thế giới quan (triết học phương Tây) với nhân sinh quan (triết học phương Đông – Trung Quốc). Theo đạo Phật, mọi sự vật, hiện tượng đều phải xem xét đến cái chân tướng, cái thực tướng của chúng, phải gạt bỏ mọi mường tượng, tưởng tượng – nguyên nhân dẫn đến nhận thức sai lầm; phải như thị kiến và thực kiến.
“Mỗi vật đều có một tính!” Dừng lại ở đây, chính là Đạo. Mặn hay ngọt vốn không phải chân tướng thực tướng của muối đường, mặn hay ngọt là do nhãn dán của con người. Chỉ cần dừng ở đó, ta không còn phân biệt nhị nguyên, hiển nhiên ta chấp nhận khác biệt mà không cần tách rời cá nhân với tập thể. Từ đó, thấy rõ hòa hợp hay tan rã đều do duyên nghiệp mà thành.
Cuối cùng, hãy nhìn và để vạn vật được như nó chính là. Chấp nhận khác biệt từ bỏ phán xét, để nuôi dưỡng lòng từ bi cũng là để bình an trong chính nội tâm mình. Chẳng phải thế mà nhà thơ thiền Tô Đông Pha từng viết:
"Mù tỏa Lô sơn, sóng Triết giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi mới thấy không gì lạ
Mù tỏa Lô sơn, sóng Triết giang!"