Hôm qua Google tôn vinh ca trù, thế là tôi muốn đọc lại ngay Chùa đàn, nhất là cái đoạn Lãnh Út cầm chầu, Bá Nhỡ gảy đàn còn Cô Tơ thì hát. Với tôi, đó vẫn là một trong những đoạn toàn bích nhất mà Nguyễn Tuân từng viết ra:
Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lí của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tuỷ. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm vô danh hiu hiu ngọc vàng so le. Nó là cái oan uổng nghìn đời của chỉ tơ con phím. Nó là một chuyện vướng vít nửa vời.

Tiếng đôi lá con cỗ phách Cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên dậm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên. Tay phách không một tiếng nào là nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều. Và gõ đến như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre cho trúc và tạo cho thảo mộc một tấm linh hồn. Dưới mười ngón tay hoa múa dẻo quánh, tre trúc bật nảy lên vì thoả thích. Đàn và hát dắt nhau mà lướt bổng. Cậu Lãnh Út mềm tay roi, càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran. Chưa hồi tỉnh cuộc rượu của ấp, Cậu lại tự bồi thêm trận rượu của đêm nhạc. "Đàn ai đàn…"

Nắn những đường gân ngang nó gò cong mình xuống đàn nó day thịt da tê cóng trên dây sắc buốt như cật nứa, mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ đang chịu một nhục hình bá đao tùng xẻo. Nghe phách Cô Tơ, ở những khổ rung thưa rồi mau, Bá Nhỡ say sưa trong cái nhận thức là mình đang chết dần giữa đàn hát và mỗi một tiếng trúc tiếng tơ đánh thêm lên là mình lại càng lả dần về cõi chết. Có người tự tử bằng mùi hoa ngát, có người tự tử bằng hơi nhạc. Người đang luyện phím khảo dây bỗng nở một nụ cười héo sững trên hai môi tái.
Mà về sau được đạo diễn Việt Linh dựng lại cũng không kém phần tài tình trong Mê thảo thời vang bóng. Lựa chọn bài Tống biệt của Tản Đà quả là một lựa chọn chứa nhiều ý tứ.

Tôi đọc lại đoạn viết đó của Nguyễn Tuân, nhưng cũng đồng thời đọc lại kỹ hơn phần Dựng. Như một người đã viết, Chùa đàn là tác phẩm tiêu biểu cho "sự lưỡng trị giữa văn học và thời đại, văn học và chính trị". Với riêng Nguyễn Tuân, đó là câu chuyện tự hủy diệt để tái sinh của một con chim phượng hoàng.
Lịnh, tức tù nhân số 2910, tức Lãnh Út của nửa đời sau, đã cho thấy quá rõ hình ảnh của một con người lý tưởng trong mắt Nguyễn Tuân là thế nào. Đó phải là một tù nhân chính trị với những chiến công kinh người mà, quan trọng hơn là, còn cái vẻ phong lưu: Biết chăm một củ thủy tiên đến khi khai hoa, biết thưởng trà cùng mứt sen trần, yêu chữ nghĩa, quảng giao, nhiều thư từ, nhiều yêu thương. Tinh thần cách mạng phải đồng thời tồn tại cùng với những nét tài hoa ở một con người: Lịch duyệt, uyên bác, biết vẽ tranh truyền thần, biết chữ Nôm chữ Hán, biết tiếng Anh tiếng Pháp, chăm đọc báo và nắm bắt tình hình chính trị thế giới rất sát sao, tìm hiểu cả Kinh Dịch và liên hệ nó với Biện Chứng Pháp Duy Vật, đọc Pearl Buck và biết cả việc André Malraux tập viết chữ Hán theo lối thiệp nào. Tính cách thì ít nói nhưng lại không u uất mà có vẻ tươi sáng, hội tụ mọi đức tính của cần lao và kiến thiết.
Nguyễn Tuân hiển nhiên khinh thị con người xấu xí - con người với những thói hư tật xấu - như ta đã thấy trong Một chuyến đi. Dựng đã tạo ra một hình ảnh đối lập hoàn toàn với con người xấu xí - Lịnh chính là con người tuyệt mỹ. Bằng việc xây dựng hình ảnh con người mới mà Lịnh là đại diện đầy đủ nhất theo ý Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân đã ra xa khỏi Balzac và ngả về phía Victor Hugo (chỗ này tôi lại thuổng ý của NL, tôi bị ảnh hưởng bởi NL quá nhiều), đã tạo ra những con người lẽ ra phải là, thay vì là những con người thực là.
Nhưng bất chấp mọi nỗ lực lột xác, Nguyễn Tuân không thể trở thành Lịnh, cũng như không một ai trong đoàn thể có thể trở thành Lịnh. Con người muôn đời vẫn đủ đầy tốt lẫn tồi. Tuy nhiên, đã từng có những con người tuyệt mỹ như vậy. Đó chính là những con người trong Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng. Có lẽ, biết đâu, những người có khả năng trở thành Lịnh nhất chính là những con người của Tự Lực. Tiếc thay, câu chuyện của Tự Lực là một bản ca ngâm quá ngắn.
Không biết, liệu ở Dựng, có phải Nguyễn Tuân đang giả vờ lạc quan hay không. Tình cảnh Nguyễn Tuân sau 1945 giống như tình cảnh của một blogger chuyển sang làm copywriter vậy. Nhưng Nguyễn Đình Thi đã nói rất đúng về Nguyễn Tuân khi dùng cụm từ "người đi tìm cái đẹp, cái thật". Chưa bao giờ trong văn nghiệp của mình, Nguyễn Tuân thôi tìm cái đẹp cái thật để yêu, dù là trong kháng chiến hay trong lao động. Chính vì vậy mà việc có được Nguyễn Tuân trong hàng ngũ những chiến sĩ cầm bút là một vinh hạnh lớn.
Trở lại đề tài ca trù. Hôm nay, thử đọc Chùa đàn trong mối tương quan với vận mệnh lắm nỗi truân chuyên của ca trù, chúng ta có thể diễn giải cái chết của Bá Nhỡ và sự phân hủy của cây đàn đáy ông Chánh Thú vào năm 1945 là một tiếng cáo chung cho nghệ thuật ca trù, bởi sau đó là thời kì thịnh trị của một thứ diễn ngôn gắn chết ca trù với sự tha hóa do phong kiến và thực dân. Cái chết của một tồn tại văn nghệ phong lưu tiền chiến.
Tất nhiên đó chỉ là tiên đoán, chứ Nguyễn Tuân hãy còn lạc quan lắm. Ông còn muốn Cô Tơ đi hát lại mà: "Trước hát cho dăm bảy kẻ nghe trong một khung cảnh ích kỉ ốm yếu. Giờ hát cho cả một quê hương đang vi vu gió mới và lồng lộng một trời cao rộng chói loà", bởi vì "Cho tới ngày nay, chưa có cuộc Cách Mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát, Cô Tơ ạ".
Nguyễn Tuân đã không biết là, ca trù sẽ bị khai tử cùng với nhiều thứ khác của tiền chiến. Cô Tơ đã không thể hát lại vào năm 1946, càng không thể hát lại vào năm 1954. Cô Tơ đã không thể đóng vai trò người nghệ sĩ cách mạng như Kenji Endo trong 20th Century Boys
Cô Tơ của những năm 1954 đang làm gì? Theo tôi, chắc khi ấy Cô Tơ cũng giống như đào Khuê, kép Chản của nhà họ Thẩm ở làng Vân Cốc [1], sẽ lại phải "cạo bỏ đi" tiếng đàn, tiếng hát như cạo đầu đi tu lần thứ hai. Và nếu Cô Tơ có mảy may chống chế rằng mình không chỉ đi hát cửa quyền mà còn đi hát cửa đình, một nét đẹp văn hóa, thì Cô Tơ sẽ nhận ngay một tràng phỉ nhổ vào mặt là mê tín dị đoan. Để rồi mãi sau này, nếu bà Lê Thị Bạch Vân có tìm Cô Tơ để học ca trù, sẽ nhận thấy ngay trong mắt Cô Tơ hằn lên nét sợ của một thời quá vãng. [2]
Phải chờ đến năm 1976, mới có một người chiêu tuyết cho cái nghiệp của Cô Tơ. Người đó là Trần Văn Khê. Nhưng sự chiêu hồi ca trù với một thứ diễn ngôn mới - đi kèm mỹ danh "di sản văn hóa phi vật thể" - đã làm ca trù nghèo nàn đi rất nhiều. Bởi những gì trở lại không còn thực sự là ca trù của tiền chiến nữa [3], cũng như ca trù của tiền chiến không phải là ca trù của thế kỷ 18, 19 [4].
Ca trù của ngày nay là một viện bảo tàng mà Victor Vũ ghé thăm để lấy cảm hứng làm phim Người bất tử. Cô Jun Vũ không cần biết đổ hột con kiến là kỹ thuật hát thế nào, vì cô chỉ cần hát nhép là đủ. 

Những nhà làm phim không chịu sự dày vò của tính xác thực như những nhà sử học. Trong phục dựng quá khứ, họ không nhất thiết phải tái hiện không khí cổ trang đúng hoàn toàn với thực tế. Điện ảnh được phép lách mình khỏi tiêu chuẩn của xác thực lịch sử và xóa nhòa ranh giới giữa ảo và thực. Từ phía người xem, cũng không ai đi xem phim chỉ vì một bài học lịch sử. Những thứ thuộc về đại chúng, lắm khi còn phải lệ thuộc vào cái nghĩa thống soát của đại chúng. Như là, nhạc cũ thì phải có hissing, cũng như phim cũ thì phải có noise.
Nhưng nếu có ông đạo diễn nào đó - thật sự đủ tâm huyết tìm tòi để thôi than vãn rằng Việt Nam thiếu kịch bản hay mà phát hiện ra một tác phẩm hư cấu quý báu như Chùa đàn, tôi vẫn hy vọng ông ta sẽ có tâm trong việc phục dựng từng chi tiết một của sân khấu ca trù. Sân khấu ca trù đẹp ở sự cân đối của bộ ba đào nương - quản giáp - quan viên. Victor Vũ đã tận dụng rất đắc lực kết cấu mỹ thuật này trong tạo hình.
Còn những nhà soạn nhạc, nếu đi tiếp con đường tìm về nhạc liệu truyền thống như Cung Tiến, Ngọc Đại hay Kim Ngọc đã đi, hãy biết rằng, chất Việt trong âm nhạc không hề nghèo nàn, bởi vì chúng ta có một thứ nghệ thuật như ca trù, hay hát ả đào.
"Nghiên cứu lối hát ả đào không phải cốt để làm sống lại một hiện trạng xã hội quá thời, mà cốt để tìm những cái đẹp, cái hay trong cổ nhạc Việt, cái dân tộc tính trong cách chuyển giọng bắt hơi, gõ phách đánh chầu để có thể dùng nhạc liệu ấy mà phổ biến ra, cho Việt nhạc thêm giàu mà không có tánh cách ngoại lai" [4].
[1] Phùng Cung, Mộ phách
[2] "Lê Thị Bạch Vân: Người lội dòng lịch sử", YouTube. Available: https://youtu.be/RLdQy5IzpeI
[3] Norton, Barley, “Music Revival, Ca Trù Ontologies, and Intangible Cultural Heritage in Vietnam”, in The Oxford Handbook of Music Revivals, 2014.
[4] Trần Văn Khê, "Hát ả đào", Bách khoa, số 81-82-83.