Từ chối kiến thức
Có nên tập trung thu lượm những mảnh kiến thức có ích với chuyên môn và cuộc sống của mình? Hay nên cởi mở với bất kỳ kiến thức nào mình tình cờ gặp được?
"Daffodil nghĩa là gì hả chị? À nó là "Hoa thủy tiên vàng" ấy mà. Ui từ này chắc chẳng bao giờ dùng đâu, em không ghi nhé."
Đây là một đoạn hội thoại với bé học sinh đã gợi lên cho mình một suy nghĩ: Chọn lọc kiến thức liệu có phải một điều nên làm hay không? Liệu nó có khiến vốn hiểu biết của bạn hệ thống và hữu ích hơn không?
Khi đọc Sherlock Holmes, có một câu nói làm mình rất nhớ, nguyên văn như thế này:
"The human brain is initially like an empty room, we will have to put the furniture we like in it. The fool piles on so many miscellaneous things that knowledge that can help him is squashed under a pile of other knowledge, so that when he needs it, it is difficult for him to draw it to use. Left, the skilled selector filtered carefully, ranking into the room." Bộ não con người ban đầu giống như một căn phòng trống, chúng ta sẽ phải đặt những đồ đạc mình thích vào đó. Người ngu ngốc chất đống bao nhiêu thứ hỗn tạp để rồi những kiến thức có thể giúp ích cho họ lại bị đè bẹp dưới một đống những kiến thức khác, khi họ cần, nó khó rút ra để sử dụng. Trái lại, những người khôn ngoan chọn lọc ra cẩn thận những thứ xếp vào trong gian phòng ấy.
Khoa học đã chứng minh nguyên lý "não bộ con người chỉ hoạt động 10% công suất" là sai. Vậy thì những gì Sherlock Holmes nói có vẻ có lý. Có lẽ nếu bạn là một lập trình viên, bạn nên học thêm về tiếng anh, hệ điều hành, terminal, quản lý dự án,... chứ không phải những thông tin như thị trường chứng khoán, cách chạy ad Facebook, các điều khoản thương mại quốc tế,...(đương nhiên là không tính đến mục đích giải trí nhé). Và thực tế là, nếu bạn tập trung vào một lĩnh vực và cố gắng kiên trì với nó, vốn kiến thức của bạn về lĩnh vực này sẽ có thể out trình phần lớn những người làm cùng ngành. Mình có một số người bạn theo chủ nghĩa này. "Tao làm tài chính thì tao tìm hiểu về code làm gì?", "Tao làm marketing thì cần biết về nghiệp vụ xuất nhập khẩu làm gì?"
Nhưng thực sự bộ não con người có quá đầy đến mức chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực?
Trước hết phải nói về việc từ chối kiến thức ở đây là gì. Mình không nói đến việc lười học, lười tiếp thu, không tìm kiếm và đổi mới đầu óc. Ý mình muốn nói đến việc học những thứ mà có vẻ chẳng liên quan gì đến bản thân ấy. Ví dụ như mình làm về mảng Supply Chain, mình sẽ chỉ tập trung vào những tin tức về cập nhật điều khoản thương mại quốc tế, tắc chuỗi cung ứng tòan cầu, thiếu container trong vận chuyển hàng hải,... mà không theo dõi những trang web như Tomorrow Marketer, Brands Vietnam hay CafeF, những bài viết như Thị trường chứng khoán bốc hơi 30 điểm, chia sẻ 7 phương pháp chốt deal,...
Một ví dụ tiêu biểu cho việc học những thứ giời ơi đất hỡi mà mình đã tìm thấy là một nhân vật rất quen thuộc.
Trong buổi lễ tốt nghiệp tại đại học Stanford, Steve Jobs kể câu chuyện về connecting the dots (kết nối những dấu chấm) và curiosity (sự tò mò) của mình. Sau khi bỏ học tại Stanford, ông tình cờ học một khóa học caligraphy của Reed College trong khi còn chưa nhìn thấy ứng dụng thực tiễn của nó. 10 năm sau, khi phát triển chiếc máy tính Macintosh, ông đã sử dụng kiến thức của khóa học để biến nó thành chiếc máy đầu tiên có typography đẹp và những font chữ được thiết kế đa dạng.
"You can't connect the dots looking forward. You can only connect them looking backward. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future"
Hay có một ví dụ gần gũi hơn: Shark Hưng. Không biết mọi người sao, nhưng mình thì thực sự phục khi xem tập Shark Hưng deal với start-up về cối xay gió cải tiến. Kiểu, làm thế nào mà một người có thể hiểu biết về nhiều lĩnh vực đến thế nhỉ?
Lạc lối giữa con đường sự nghiệp
Nhìn quanh một lượt, mình thấy bạn bè đã dần có được những khởi đầu nhất định với ngành nghề của chúng nó. Có đứa làm MT, có đứa đi thi đạt giải này giải nọ, có đứa đi du học thạc sĩ,... Tóm lại là hầu như tất cả đều có một thành tích gì đó rất đáng tự hào, CV nhiều chữ và một ngành cụ thể để tập trung vào. Trước khi vào đại học, mình không biết chính xác mình thích ngành nghề gì, trong khi học đại học, mình cũng chưa tìm ra, giờ đã ra trường đi làm một thời gian rồi, lạ lùng là mình vẫn chưa xác định được. Tại sao mọi người lại biết chính xác họ thích làm gì nhỉ? Tại sao có những người từ cấp 3 đã code dự án kiếm được tiền, có những người năm nhất đại học đã có kênh Tiktok về ngành nghề của họ rồi.
Nhưng đừng hiểu nhầm mình, mình không quá lo lắng về việc chưa tìm được ngành nghề yêu thích đâu. Mình vẫn luôn góp nhặt những kiến thức nhỏ nhặt hàng ngày, học cả những điều mà mình không nghĩ là sẽ có cơ hội dùng. Về cơ bản, mình không từ chối kiến thức và đang tạo ra nhiều dot nhất có thể để một lúc nào đó connect được một vài trong số đó.
Còn bạn thì sao? Có bao giờ bạn nghĩ rằng "cái này không dùng đến, không cần biết" không? Dù thế nào thì mình nghĩ rằng chúng ta nên cởi mở tiếp thu tất cả những kiến thức đến với chúng ta. Ai biết được, nếu hôm nay bạn ngồi đọc mấy bài viết vu vơ trên facebook (về cách chăm cây cảnh, cách nuôi chó mèo chẳng hạn), hôm sau lại có dịp thể hiện kiến thức đó trước đối tác thì sao? Miễn là bạn biết cách chọn lọc những kiến thức hay, đa chiều, những kiến thức không toxic thì mình nghĩ việc học mọi thứ luôn là điều đáng làm.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất