Trái Đất, ngày...tháng...năm...
Trước khi mở sách ra, tôi cứ nghĩ tác giả sẽ ngồi cặm cụi soạn hàng tá tá lá thư để gửi tới các hành tinh khác trong vũ trụ, những nơi chúng ta vẫn thèm khát ghé thăm, để cho cư dân ở đó biết tới lũ chúng ta, những con người, tại xứ con người này, vẫn mỏi mắt trông ngóng một dấu hiệu nào đó từ những thiên hà xa xôi, đáp lại tín hiệu chúng ta đã cố hết sức để phát đi. Với kì vọng nhận được một cú roẹt điện hay một quẹt sao băng thay cho lời chào, chẳng hạn. Tới khi đọc được 1/3, tôi lại cảm tưởng tác giả gửi những lá thư về quá khứ, về những ông bà già đã thiết kế rồi sáng tạo nên những công trình kiến trúc, gửi tới những ngọn gió, cơn mưa hay các yếu tố vật lý của tự nhiên một lời tri ân đã vì đã góp sức hình thành nên những hoang mạc và dòng sông, những cánh rừng và mỏm đá còn dính bọt biển.
Đó biết đâu là những bức thư gửi cho tuổi trẻ của người ta, rong ruổi trên những cung đường, nơi ta ghim lại những nụ cười và những mồ hôi, những lần trầm trồ trước sự bí ẩn của thiên nhiên, sự trần trụi của bao kiếp sống của người và không-người. Là nỗi hoài niệm khi một khắc nào đấy thấy mình đã già đi biết bao nhiêu, chưa buông xong một tiếng thở dài thì giọt nước mắt đã lăn xong một quãng đường từ khóe mắt tới không đâu. Để an ủi, tự mình xoa dịu, nghĩ rằng chỉ cần trái tim còn son trẻ, không thời gian nào có thể khiến nó lão hóa.
Ta được tạo nên từ rất nhiều tích tụ của đất đá. Lần sau có bước đi trên đường thì hãy rón rén hơn nhẹ nhàng hơn để không tự làm đau mình. Ta được đổ tới tràn đầy thứ chất lỏng không màu không mùi vị để bắt đầu sự sống này, nên từ sau có uống gì hãy nhấp từng ngụm nhỏ mà chẹp miệng thật lâu, khởi sinh của linh hồn ta đó. Và sinh tố Y, thứ kết tinh nên tình người, từ bao đời tiên tổ, xa hơn từ thuở trái đất sơ sinh, và giờ dội lại từ tim ta một nỗi nhớ cổ xưa, ta biết rằng mình đang được thừa kế tài sản khổng lồ được lưu lại qua vô số thế hệ: tình yêu. 
Có nhiều câu chuyện về nhiếp ảnh và điện ảnh được kể, mà tôi không quá ham mê những mảng này nên không có gì để bàn luận về chúng. Tôi chỉ nhớ anh chăn cừu, bỏ nghề kiến trúc để chuyên tâm tận hưởng những khoảnh khắc bình thường trong cuộc sống anh nương tựa vào tự nhiên bằng cách chụp lại chúng.
Trong Xứ Con Người, người phi công có viết: "Chúng ta là cư dân của một hành tinh lang thang." Chân cẳng không lang thang thì tâm trí lang thang suốt ngày, có khi suốt đêm. Lang thang là định mệnh của nhân loại  rồi. Một sự đồng điệu với trái đất thôi, nên chớ hoang mang và ngã lòng. Tôi đoán rồi thế nào cũng tới lúc người ta cạn kiệt sức lực và ham muốn lang thang kia, để ngồi phịch xuống xoa xoa đôi chân tê dại và lặng câm với tâm trí đã đủ chán chường rồi từ từ ngắm nhìn những gì mình thấy.
Mình đã thấy gì?
Những cuộc du hành đổ bộ lên mặt trăng, bay lượn quanh địa cầu, thám hiểm các hành tinh khác, những con tàu vút đi xa tít giữa các chòm sao, nghĩ tới khiến tôi chóng mặt ù tai nhưng nhắc nhở cực mạnh về sự vô nghĩa của những lắng lo thường nhật khiến mình chộn rộn không đâu ra đâu. Liệu là một phận người có hạn sử dụng vài chục năm, từ giờ tất cả những gì tôi mơ tưởng tới chỉ đơn thuần là mùa hè nằm nghiêng, mùa thu nằm ngửa, mùa đông nằm sấp, mùa xuân bay, thì người mẹ trái đất này vẫn sẽ sẵn sàng ôm tôi vào lòng nếu chẳng may tôi bị đau? Trái đất hàng tỷ năm tuổi, có quá già cho lũ nhóc người loi choi này?
Xin được trích lại chia sẻ vào ngày cuối, trước khi rời đi của học giả Lâm Thanh Huyền: “Khi băng qua rừng, tôi cảm thấy cái chết của chim sẻ cho tôi vài điều gợi mở, tuy chúng ta sống giữa lưới trần, nhưng mãi mãi đừng đánh mất cái tâm muốn bay, đừng quên tư thế bay lượn.
Chúng ta đã thấy gì?
Thấy trời đất, thấy chúng sinh, thấy mình. (LTH)
Ngàn năm làm chim sẻ chưa chắc đã thua kém một phút làm đại bàng, khi sẻ ta có thể hiểu hơn về mình sau mỗi cú đập cánh. Và tung bay.
Vì từng ngày, ở bên họ giúp chúng ta biết đang sống là như nào. -Thư từ xứ con người
Tạm biệt!