Đọc báo cáo tài chính quý 1/2021 của Vietnam Airline (VNA) và nhìn con số lỗ 5.000 tỷ, nâng tổng lỗ lũy kế lên 14.218 tỷ đồng thì thấy rằng, trong thế giới tiềm ẩn nhiều biến động như hiện nay không có gì an toàn và rất khó đoán định.
Quay trở lại quý 1/2019, với thể trạng khỏe mạnh, VNA công bố mức doanh thu 26.000 tỷ và lợi nhuận là 1.500 tỷ đồng. Khi đó ngành hàng không vẫn được đánh giá triển vọng phát triển tốt, với mức tăng trưởng hai chữ số hàng năm. Thành quả này đạt được bởi Chính phủ đã mạnh dạn phá bỏ thế độc quyền của ngành hàng không, cho phép thành lập các hãng bay khác như Vietjet, Bamboo. Nhờ sự cạnh tranh của các đổi thủ mới này đã giúp cho chính VNA – kẻ độc quyền trước kia phải tự mình tăng cường nội lực để cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ mới.
Nguồn: vietnamairline.com
Ấy vậy mà … Covid-19 đến thật bất ngờ và đã quật ngã “gã khổng lồ” của ngành hàng không Việt Nam. Tính đến hết quý 1/2021, VNA có tổng số nợ vay vượt 36.000 tỷ, tức đã âm hơn 13.000 tỷ vốn chủ sở hữu. Như vậy, khoản cứu trợ 4.000 tỷ không tính lãi của Chính phủ cho VNA coi như nướng hết trong vòng chưa đầy 3 tháng. Bầu trời phía trước của VNA có lẽ vẫn còn nhiều giông bão.
Từ câu chuyện của VNA và ngành hàng không nhìn sang thực trạng của ngành điện hiện nay quả thật đáng lo ngại. EVN vẫn là “ngáo ộp” độc quyền gần như tuyệt đối từ sản xuất, truyền tải tới phân phối điện. Dù cho trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đề phát triển thị trường điện cạnh tranh, tuy nhiên thực tiễn triển khai các chính sách này đang có rất nhiều bất cập và không thực chất. Mặc dù không còn là đơn vị duy nhất tham gia sản xuất điện, nhưng EVN (gồm nhiều tổng công ty trực thuộc) vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trên thị trường phát điện lên tới 61,4% toàn hệ thống. Đồng thời EVN vẫn là đơn vị duy nhất mua từ các nguồn phát điện khác và bán buôn điện cho các tổng công ty điện lực và các đơn vị bán lẻ. (Nguồn tapchitaichinh.com)
Nguồn: evn.com
Do không phải là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nên không biết EVN làm ăn lời lỗ thế nào, nhưng có thể khẳng định rằng, sự độc quyền sẽ như con sâu làm mục ruỗng EVN và ngành điện của nước nhà. Lịch sử cho thấy rằng, sự độc quyền sẽ khiến doanh nghiệp không chịu đầu tư, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, vì không có ai cạnh tranh nên thiếu động lực phát triển. Trong bối cảnh thế giới mới, sự lạc hậu về công nghệ và cơ chế quản lý quan liêu chính là gót chân Archiles dẫn tới sự sụp đổ của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Với vai trò của EVN đối với ngành điện hiện nay, những nguy cơ đối với EVN sẽ là nguy cơ của toàn ngành điện. Nếu những chính sách về thị trường điện cạnh tranh của Chính phủ không được triển khai có hiệu quả trong thực tế, nếu không có sự cạnh tranh thực chất để EVN có động lực cải cách, thì sẽ còn rất lâu người dân mới được sử dụng điện với giá cả hợp lý và được phục vụ theo đúng nghĩa là “thượng đế” khi sử dung (mua) điện.
Vietnam Airline cùng ngành hàng không dù đã mạnh dạn cải cách nhưng vẫn đang đứng bên bờ vực nguy hiểm do những tác động của yếu tố ngoại cảnh không thể lường trước. Vậy, nếu ngành điện không chủ động và kịp thời cải cách có đứng vững trước những biến động của thế giới bất định trong thời gian tới hay không? Liệu rằng khi EVN “hắt hơi xổ mũi” như Vietnam Airline trong giai đoạn dịch bệnh thì Chính phủ cần bao nhiêu gói 4.000 tỷ để cứu trợ? Quả thực là những câu hỏi lớn và khó giải đáp.