Mỗi cá nhân, mỗi cầu thủ, đều tự hào khi được gọi là người hùng. Tôi cảm thấy vinh dự khi được gọi là người hùng. (Salih Sadir, tiền vệ Iraq trong giai đoạn 2001-2016)
(Bài này là phần 1 của series "Những câu chuyện kỳ vĩ trong lịch sử bóng đá")
Năm 2007, vòng chung kết AFC Asian Cup lần thứ 14 được đồng tổ chức tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam.
Giải vô địch châu Á năm ấy hội tụ 16 quốc gia, chia làm bốn bảng, tất cả đều có một mục đích chung duy nhất: chiến đấu hết mình và bước lên đỉnh vinh quang châu lục. 
Năm ấy, thế giới chứng kiến một thánh tích trong lịch sử túc cầu.

Tấn thảm kịch nhà Hussein

Năm 2003, Hoa Kỳ xâm lược Iraq trên cơ sở cáo buộc quốc gia này hỗ trợ khủng bố và sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. 
Lúc bấy giờ, Saddam Hussein, một nhà độc tài máu lạnh, kiểm soát đất nước này. Kể từ lúc nắm quyền vào năm 1979, Hussein giữ chức Tổng thống Iraq bằng mọi cách, bao gồm cả việc hạ sát bất kỳ ai cản đường mình. Hussein, một người thuộc nhóm thiểu số Sunni, ra sức đàn áp nhóm đa số Shia (chiếm 63% dân số Iraq).
Với quân lực khổng lồ, Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq dễ dàng. Chỉ có điều, họ không biết phải làm gì với quốc gia Trung Đông này. Hoa Kỳ bỏ ngỏ Iraq, nhưng vẫn để lại một phần quân lực. 
Nhóm đa số Shia, vốn bị đàn áp trong suốt giai đoạn cầm quyền của Hussein, nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát đất nước và đàn áp ngược lại nhóm thiểu số Sunni. Cộng đồng Sunni khởi nghĩa chống lại nhóm Shia, và các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda đồng loạt nhảy vào một Iraq hỗn loạn.
Năm 2006, nội chiến nổ ra tại Iraq. Bom đạn, súng ống, máu, người chết là những gì người ta nhìn thấy về Iraq trên Internet. Cuộc nội chiến giữa các nhóm quân sự Sunni, Shi’ite, quân đội Iraq (cộng đồng Shia) và các tổ chức quân đội đồng minh của Hoa Kỳ kéo dài mãi đến năm 2009.
Đội tuyển Quốc gia Iraq đã phải sống và ăn tập trong hoàn cảnh như thế.
Nhìn lại thời điểm ấy, tiền vệ Hawar Mulla Mohammed, cầu thủ chơi trọn vẹn 6 trận của giải đấu năm 2007, không thể diễn tả nổi cảnh tượng hung bạo của quê nhà lúc bấy giờ.
Trụ sở chính an ninh quốc gia nằm ngay sát chỗ tôi ở. Mỗi khi có đánh bom ở đó, nhà tôi rung lắc qua trái rồi qua phải. Không thể tả được, chúng tôi đã từng tập giữa một trời bom rơi. (Mohammed, Tiền vệ)
Theo lời Mohammed, khoảng 50 - 60 người của tộc họ anh, bao gồm 5 người anh em họ, đã bị giết trong giai đoạn xung đột đẫm máu của Iraq.
Nền bóng đá Iraq, nhìn về trước năm 2007, cũng nhuốm màu bạo lực không kém. 
Trong những năm thập niên 90, bóng đá Iraq nằm trong tay một người duy nhất: Uday Hussein, con trai của Saddam Hussein. Lịch sử Iraq nhắc về Uday như một gã đồ tể bạo lực hơn là hậu duệ một nhà lãnh đạo đất nước. Vào năm 1988, Uday giết chết người hầu riêng của Saddam giữa thanh thiên bạch nhật, ngay tại bữa tiệc dành cho phu nhân Tổng thống Ai Cập. Trong cơn say xỉn, Uday dùng một con dao cắt thịt tự động tùng xẻo người hầu xấu số. 
Sau khi bị giam 3 tháng (bản án ban đầu là tử hình), Uday được xác định ngầm là không thể nối nghiệp cha lãnh đạo đất nước. Nền thể thao Iraq trở thành cung điện của ông ta. Uday trở thành Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia kiêm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Iraq. 
Những gì xảy ra sau đó với các vận động viên thể thao Iraq, bao gồm tuyển thủ bóng đá, là cơn ác mộng khủng khiếp nhất trong cuộc đời họ.
Uday Hussein áp dụng hàng loạt các biện pháp tra tấn lên vận động viên, từ nhẹ gồm đánh đập đến cạo đầu, đến vô nhân tính như bỏ đói trong tù và nhúng người vào chất thải. Khi đội tuyển quốc gia không vào được Vòng Chung kết World Cup 1994, Uday bắt tuyển thủ đá tập bằng một quả bóng bê tông. Khi họ bị loại khỏi vòng bảng Asian Cup 2000, 3 tuyển thủ bị nhốt và đánh đập dã man trong một phòng tra tấn nằm dưới Trụ sở chính Olympic Iraq. 
Sau khi Uday bị giết vào năm 2003, quân đội Hoa Kỳ tìm thấy căn phòng tra tấn cùng với hàng loạt các phương tiện hành hung, gồm giường điện, đinh, và thậm chí cả dụng cụ xẻ hậu môn. 
Cái chết của Saddam và Uday không làm dập tắt bạo lực ở Iraq. Trái lại, nội chiến bùng nổ và tình hình còn tệ hơn.
Một số dụng cụ của Uday được tìm thấy

Nỗi thống khổ của tuyển thủ Iraq

Trong suốt một thời gian dài, Đội tuyển Quốc gia Iraq phải sống trong bạo lực, tập trong bom đạn, và nhìn huấn luyện viên bỏ chạy trong khiếp sợ.
Năm 2004, Đội tuyển Iraq đi đến Thế vận hội Olympic ở Hi Lạp. Nhà cầm quân của họ, Bernd Stange, bỏ việc ngay trước giải đấu. Sau này, Stange kể lại rằng tài xế của ông bị giết trong quá trình chuẩn bị cho thế vận hội, và ông đã tháo lui để giữ mạng mình. Iraq xếp thứ tư giải đấu năm đó. 
Năm 2007, tỉ lệ người chết do súng đạn ở Iraq đạt mức 100 người một ngày. Vì lẽ đó, không có trận quốc tế sân nhà nào được tổ chức tại Iraq. UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) được tính là sân nhà cho các trận vòng loại Asian Cup của Iraq. Iraq dành vé vào vòng chung kết dù trước đó thua 0-2 trước Singapore.
Công tác chuẩn bị của họ năm đó không thể nào hỗn loạn hơn.
Đội tuyển Quốc gia Iraq bị các tổ chức phiến quân thù ghét bởi họ bao gồm người Shia, Sunni, và Kurd, cũng như bị các nhóm tội phạm dọa giết liên tục. Tất cả các cầu thủ phải đi lưu vong ở nước ngoài, mỗi người một kiểu riêng. Tiền vệ Hawar Mullah Mohammed phải cầm súng máy đi tập. Thủ môn Noor Sabri nhận tin anh vợ bị giết ngay trước giải đấu. Tiền vệ Haitham Kadhim chứng kiến đồng đội bị giết ngay trong trận đấu.  
Đội tuyển tập trung ở Amman, thủ đô Jordan, không có huấn luyện viên, và tất cả đều bị sang chấn tâm lý. 
Huấn luyện viên người Brazil Jorvan Vieira vào cuộc hai tháng trước giải. Ban huấn luyện và toàn tuyển thủ Iraq bước vào Asian Cup 2007, trong tình thế chỉ thắng 2 trong 8 trận trước giải đấu.
Không ai mong đợi gì vào một đội tuyển như Iraq lúc này cả.
Chúng tôi chỉ trông vào tham gia cho nhanh rồi rút khỏi giải thôi. (Salih Sadir, Tiền vệ công)
Vài cầu thủ đã mất người thân do xung đột. Chỉ có 6 cầu thủ xuất hiện trong buổi tập đầu tiên. (Vieira, Huấn luyện viên)

Nhà cầm quân Jorvan Vieira

Chủ trương của Vieira ngay từ lúc cầm đội tuyển đã rạch ròi: không đặt nặng chiến thuật, mà là làm thế nào để gần gũi với toàn đội, giành tình cảm và tín nhiệm từ họ. Ông tập trung vào việc giải tỏa tâm lý cho cầu thủ, cũng như tạo sự gắn kết trên sân cỏ và trong phòng thay đồ.
Ông ấy rất gần gũi với anh em tuyển thủ, đó là nghề của ông ấy. (Sadir, Tiền vệ)
The Lions of Mesopotamia were rank outsiders for the event but would go on to shock the world.
Đội tuyển Quốc gia Iraq 2007
Dưới bàn tay của Vieira, những cầu thủ Sunni, Shia, và Kurd khi phục vụ cho màu cờ sắc áo chưa bao giờ xảy ra xung đột như đồng hương của họ ở quê nhà. Toàn đội bỏ mọi vấn đề tôn giáo và sắc tộc lại ở phía sau. Vieira nhấn mạnh liên tục với đội rằng họ là đội tuyển quốc gia Iraq, và rằng họ ra sân để chiến đấu cho người dân Iraq. 
Tôi bảo cầu thủ mình, chúng ta ở đây để thắng giải này, chiến thắng cho người dân Iraq, và chiến đấu cho nụ cười trên môi họ. Tất cả các anh, tất cả, đều lãnh trách nhiệm này. Và các anh phải hiểu rằng, ở đây, chúng ta phải xây dựng một gia đình. Chúng ta phải chiến đấu cùng nhau, nhưng ở trên sân, vì người dân của các anh: cười. Điều này là vô cùng quan trọng. (Jorvan Vieira, Huấn luyện viên)
Theo lời của Vieira, chuyên viên trị liệu của đội tuyển bị giết trong một vụ bom xe. Trước đó, anh xin phép về nước thăm vợ đang sinh con. "Nghe tin một người đồng nghiệp, từng ăn cùng ngủ cùng với tập thể, ra đi một cách thảm khốc như vậy là vô cùng khó khăn với toàn đội", Vieira kể. Với tư cách là huấn luyện viên, ông tìm cách giữ bình tĩnh cho bản thân, từ đó thúc đẩy tuyển thủ vượt qua những bi kịch như thế này. 
Nhiều lúc anh chẳng biết phải khóc chung với họ, hay động viên họ mạnh mẽ lên nữa. (Vieira, Huấn luyện viên)
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Vieira tâm sự rằng tuyển thủ đã phải chịu tin người thân, bạn bè chết do xung đột tại quê nhà trong giải đấu. Những lúc như vậy, ông động viên cầu thủ bằng việc nhắc nhở họ rằng họ đang cống hiến cho quê nhà, và họ chiến đấu để mang lại niềm vui cho người dân Iraq, bao gồm những người họ yêu quý.
Trên cả, Vieira quyết rằng tuyển thủ không được cầu nguyện cùng nhau trong phòng thay đồ trước trận hay trong giờ nghỉ giữa hiệp, một thông tục Hồi giáo các cầu thủ Trung Đông hay làm. Những biện pháp cầm quân tinh tế như này đã viết nên câu chuyện cổ tích vượt trên cả "hành trình Premier League của Leicester City" (theo James Montague, "When Friday Comes: Football, War and Revolution in the Middle East").

Tiếng gầm vang của đàn Sư tử Lưỡng Hà

Iraq được xếp vào Bảng A cùng với Úc, Thái Lan, và Oman.
Vieira bố trí đội hình theo sơ đồ 4-5-1, trong đó Mohammed và Munir được trao quyền băng lên ở 2 cánh để chuyển thành 4-3-3 khi tấn công. Tiền đạo Younis Mahmoud được trao băng đội trưởng, đảm nhiệm trọng trách ghi bàn chính của toàn đội. Tiền vệ trung tâm Akram đảm nhiệm vị trí phân phối bóng với các vệ tinh xung quanh và phục vụ bóng cho đối tác chính Mahmoud.  
Ngày 7 tháng 7, họ chơi trận đầu tiên đối đầu Thái Lan. 
Phút thứ 4, Kiatisuk bị phạm lỗi trong vòng cấm Iraq. Sutee ghi bàn thắng sớm trên chấm 11m. Anh cũng là cầu thủ xuất sắc nhất trận đó. Phút thứ 30, Iraq được hưởng một quả đá phạt ở khá xa bên trái khung thành. Tiền vệ trung tâm Akram treo bóng vào vòng cấm, và Mahmoud bật cao hơn tất cả ấn định tỉ số 1-1. Ít ai ngờ, trận hòa ấy cũng là điểm bắt đầu cho chuỗi kì tích của Iraq, Akram và Mahmoud sau đó.
Ngày hôm sau, Iraq đối đầu với ứng cử viên vô địch Úc. 
Phút thứ 22, Akram ghi bàn đầu tiên cho Iraq từ tình huống đá phạt rất xa. Bóng được treo vào lưới Úc mà không chạm cái đầu nào cả. Đầu hiệp 2, Úc gỡ hòa sau một tình huống tạt cánh đánh đầu điển hình. Hơn 10 phút sau, nhận đường chuyền từ Mahmoud, Akram thực hiện một đường chọc khe đầy tinh tế cho Mohammed dứt điểm. Phút 85, Karim dứt điểm sau sai lầm từ hàng phòng ngự Úc, bóng bật ra cho Jassim đệm vào dễ dàng, kết thúc một cơn địa chấn 3-1. 
Sau trận hòa 0-0 trước Oman, Iraq xếp đầu bảng A và gặp chủ nhà Việt Nam ở tứ kết. Mahmoud hóa thánh ở trận đấu này với một cú đúp: một bàn đánh đầu từ pha đá phạt của Akram và một bàn sút phạt trực tiếp ở rìa vòng cấm. Vào bán kết, sau khi cầm hòa 0-0 trong 120 phút, họ tiếp tục đánh bại Hàn Quốc trên chấm luân lưu cân não (4-3), qua đó tiến thẳng vào chung kết gặp Ả Rập Saudi.
Đội tuyển Iraq càng đi sâu vào vòng trong, người dân Iraq càng cảm thấy vui sướng. Họ ăn mừng tập thể, la hét ầm trời, vẫy cờ tổ quốc lần đầu tiên sau hàng chục năm. Xe cộ chớp nháy đèn, còi kêu inh ỏi. Nụ cười đã nở trên môi người Iraq, đúng như thầy trò Vieira hằng mong mỏi. 
Trong lúc người dân Iraq đổ xô ăn mừng, bi kịch đã xảy ra...
Tại thủ đô Baghdad, một kẻ đánh bom liều chết tiếp cận đám đông ăn mừng, kích nổ làm 30 người chết và 75 người bị thương. Không lâu sau đó, ở đông nam Ghadir, một quả bom xe phát nổ, làm 20 người chết và làm thương tối thiểu 60 người. Trong cùng diễn biến, đạn lạc do dân chúng bắn chỉ thiên ăn mừng làm 5 người chết. 
Tin dữ làm náo động toàn đội. Họ rụng rời khi biết chiến thắng của đội tuyển đã vô tình gây ra cái chết của đồng bào. Họ tổ chức một buổi họp khẩn, xem xét rút khỏi giải đấu. Các cầu thủ không thể chịu nổi cảnh máu chảy đầu rơi chỉ vì một chiếc cúp bóng đá. Bỗng, TV chiếu một đoạn phỏng vấn ngắn...
Người được phỏng vấn là một phụ nữ vừa mất con. Con trai bà, Haider, đã chết sau vụ tấn công đẫm máu. Thay lời con trai, bà thề trước truyền hình trực tiếp sẽ không chôn con mình cho đến khi đội tuyển mang chiếc cúp về cho quốc gia, và cầu xin đội bóng tiếp tục chiến đấu cho con trai bà.
Điều tiên quyết tác động lên nhuệ khí, lòng kiên trì, và sự tự tin của chúng tôi để tiếp tục chơi cho đội tuyển... là khi tai nạn đó xảy ra, người phụ nữ có con trai bị chết. Đó là lúc mọi thứ bắt đầu xoay chuyển. (Sadir, Tiền vệ)
Huấn luyện viên Vieira xúc động, khóc nức nở trong cuộc phỏng vấn với CNN khi ông hồi tưởng lại cảnh tượng các cầu thủ nghe lời thỉnh cầu từ người mẹ mất con. "Chúng tôi đã quyết định tiếp tục thi đấu, rằng chúng tôi phải thắng bằng được giải này.", ông tâm sự. 
Ngày 29 tháng 7 năm 2007, Iraq tiến vào chung kết gặp Ả Rập Saudi, đối thủ nặng kí từng 3 lần vô địch Asian Cup.
Hôm ấy, Mahmoud chơi trận đấu hay nhất trong sự nghiệp của mình. Anh làm tất cả mọi thứ một tiền đạo có thể làm ngày hôm ấy: Dứt điểm, đánh đầu, vô lê, qua người, sút xa,... Tuy vậy, mãi đến phút 72, bàn thắng mới đến với Iraq. Từ pha phạt góc phía bên phải khung thành của Mohammed, bóng bay vòng về phía cột dọc trái. 
Mahmoud thực hiện một pha chạy chỗ về phía đó. Một pha chạm đầu hiểm hóc làm tung lưới thủ môn Yasser Al Mosailem của Ả Rập Saudi. 
Iraq ride wave of support to lift Asian Cup - Reuters
Bàn thắng quyết định của Mahmoud
Đội trưởng Iraq chạy điên cuồng, nhảy băng qua biển quảng cáo, rồi phi mình về hướng khán đài. Đồng đội anh chạy theo, băng qua đường chạy điền kinh tìm đến Mahmoud. Họ ôm nhau trong hạnh phúc tột cùng. Cầu thủ dự bị Iraq quậy tung nóc ở băng ghế dự bị. Vieira như kẻ điên mất trí ở hàng chỉ huy. Khán đài sân Gelora Bung Karno như vỡ òa trong vui sướng. Indonesia vang vọng tiếng gầm của bầy Sư tử xứ Lưỡng Hà. 
Hơn hai mươi phút sau, trọng tài Mark Shield thổi tiếng còi kết thúc trận đấu: Iraq lên ngôi vô địch châu Á lần đầu tiên trong lịch sử.

Sau đêm chung kết

Hàng trăm ngàn người Iraq đổ ra đường ăn mừng, dù vài ngày trước đó đã xảy ra khủng bổ.
Đội tuyển quay về thủ đô Baghdad diện kiến thủ tướng và Umm Haider, người mẹ mất con trên truyền hình. 
Tiền đạo Mahmoud sử dụng nền tảng truyền thông để chỉ trích việc Hoa Kỳ đóng quân: "Tôi muốn Mỹ rút khỏi đây. Hôm nay, ngày mai, hoặc mốt, rút khỏi đây đi..."
Tôi ước giá như Mỹ chưa từng xâm lược Iraq và tôi muốn chuyện này kết thúc càng nhanh càng tốt. (Mahmoud, Tiền đạo)
Với 4 bàn thắng tại Asian Cup 2007, Mahmoud giành danh hiệu vua phá lưới kiêm cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Anh xếp thứ hai trong cuộc đua quả bóng vàng châu Á và đứng hạng 29 trong cuộc đua Ballon D'or, trở thành cầu thủ Iraq đầu tiên được ứng cử vào giải thưởng này. Anh nhận hàng loạt các giải thưởng cá nhân trong khu vực, bao gồm Cầu thủ xuất sắc nhất Iraq. 
Mahmoud sau đó muốn đến châu Âu, nhưng không thể thực hiện ước mơ do gia đình anh bị từ chối visa.
Chắc chắn rồi, tôi muốn chơi ở Anh. Nhưng gia đình tôi là trên hết và nếu như tôi ký hợp đồng với một đội châu Âu, tôi không mang gia đình theo được. Ở Qatar thì không thành vấn đề. Họ bảo: "Mang cả nhà qua đi!". (Mahmoud, Tiền đạo)
Tiền vệ Akram tiến xa hơn một bước. Anh ký hợp đồng với Manchester City, nhưng bị chính quyền Anh từ chối cấp phép lao động với lý do Iraq không được xếp hạng đủ cao trong thang FIFA để cấp phép. Akram sau đó chơi bóng tại Hà Lan. Cũng đến châu Âu, Mohammed gia nhập Anorthosis Famagusta ở Cyprus, trở thành người Iraq đầu tiên ghi bàn tại UEFA Champions League (vào lưới Panathinaikos).
Còn Jorvan Vieira thì sao?
Ông bỏ việc. Lý do là ông không thể tiếp tục được nữa và công việc huấn luyện Iraq đã làm ông hóa điên. 
Sau tháng Bảy năm 2007, quân đội Hoa Kỳ thống kê số dân thường chết tại Iraq giảm từ 26000 đến còn 10000 vào năm 2008. Mặc dù về sau với sự trỗi dậy của các tổ chức phiến loạn như ISIS, quốc gia này lại trở về hỗn loạn và bạo lực như trước, nhưng những giây phút vĩ đại của các chiến binh trên sân cỏ Jakarta năm ấy sẽ không phai mờ trong tâm trí của thế hệ Iraq năm nào.

Tham khảo: