Hãy tưởng tượng bạn đến một nhà hàng fine dining tọa lạc ở quận 1 và thưởng thức một bữa tối cao cấp trong không gian rực rỡ ánh nến. Bữa ăn này không chỉ thể hiện khả năng tài chính vững vàng của bạn, mà còn chứng tỏ bạn biết cách tận hưởng cuộc sống mà không vướng bận bởi những áp lực công việc (ít nhất là trong đêm đó). Bạn là người có gu thẩm mỹ và khả năng ứng xử tinh tế trong môi trường sang trọng và xa hoa. Khi kết hợp với một chai rượu đắt tiền, những đặc điểm này càng được làm nổi bật, tôn lên hình ảnh thời thượng, đẳng cấp của bạn.
Những phân tích trên có thể đúng, cũng có thể sai, nhưng không thể phủ nhận rằng ẩm thực từ lâu đã trở thành biểu tượng quan trọng đối với bản sắc cá nhân.
Câu nói “You are what you eat” (Bạn là những gì bạn ăn) hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Khái niệm này lần đầu xuất hiện vào năm 1826 trong tác phẩm Physiologie du goût của tác giả người Pháp Anthelme Brillat-Savarin. Trong đó, tác giả đã viết: “Hãy cho tôi biết bạn ăn gì và tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào.” Ý nghĩa của nó không chỉ được hiểu ở việc những gì chúng ta ăn, giá trị dinh dưỡng hoặc lượng calo mà thức ăn cung cấp, sẽ được phản ánh trên cơ thể và tâm trí của chúng ta. Hơn thế nữa, từng món ăn còn tiết lộ những khía cạnh kinh tế, lối sống, trải nghiệm và sở thích cá nhân của chúng ta.
Trong thời đại Internet, "bạn là những gì bạn ăn" dường như đã chuyển dịch sang "bạn là những gì bạn đăng." Các hình ảnh về thực phẩm không chỉ đơn thuần làm kích thích vị giác, mà còn định hình bản sắc cá nhân của chúng ta và cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh.
Ví dụ, một người đam mê thể hình có thể chia sẻ hình ảnh về những bữa ăn giàu protein, thể hiện sự cam kết về sức khỏe và kỷ luật. Trong khi đó, một người ăn chay sẽ chia sẻ những bữa ăn thuần thực vật, thể hiện lối sống lành mạnh và gắn kết với thiên nhiên.
Mỗi bức ảnh được chia sẻ đều là một nét chấm phá góp phần tạo nên một danh tính độc đáo trên bức tranh mạng xã hội. Đồng thời, việc ghi lại và chia sẻ những khoảnh khắc ẩm thực độc đáo cũng góp phần lan tỏa những giá trị mang tính độc bản và các câu chuyện truyền cảm hứng đến cộng đồng xung quanh.
Ở một góc độ khác, sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa mạng ảo và thực tế. Dù ở thế giới thực hay thế giới ảo, giao tiếp giữa con người thực chất là quá trình thể hiện bản sắc cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu bản sắc cá nhân này có phản ánh con người thực sự hay chỉ đơn thuần là một phiên bản lý tưởng của họ?
Hình ảnh: <a href="https://www.dailymail.co.uk/femail/article-3734747/Parents-share-candid-messy-reality-perfect-Instagram-shots-make-feel-LOT-better.html">Dailymail</a>
Hình ảnh: Dailymail
Trước đây, con người dường như chỉ có thể thông qua những sự kiện đặc biệt như cưới hỏi, lễ lạc để “flex” lối sống cũng như tình trạng tài chính của mình. Nhưng ngày nay, mạng xã hội đã mang đến cho chúng ta một sân khấu để tự do thể hiện bản thân hàng ngày. Nếu trước đây, việc tổ chức một bữa tiệc lớn để chiêu đãi người thân và bạn bè có thể khiến bạn nghèo cả tháng, thì hiện tại, chỉ cần vài bức ảnh lung linh (thậm chí không phải của bạn) trên thế giới ảo cũng đủ để phác họa một bức tranh về cuộc sống mà bạn mong muốn trong mắt mọi người.
Những gì ta chia sẻ trên mạng không phản ánh toàn bộ cuộc sống thực sự của chúng ta, mà là phiên bản được lựa chọn và tô điểm qua những tấm màn lọc. Tiến thêm bước nữa, chúng ta đang chia sẻ một cuộc sống mà ta mong muốn bạn bè của mình nhìn thấy.
Hình ảnh: <a href="https://vnexpress.net/cam-canh-mam-com-cuoi-thang-cua-sinh-vien-3788984.html">VNExpress</a>
Hình ảnh: VNExpress
Tuy nhiên, những chia sẻ trên mạng xã hội đang trải qua sự dịch chuyển để phản ánh những thay đổi trong xã hội. Hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19, như giảm thu nhập, thất nghiệp, và sự không ổn định của thị trường chung, đã làm gia tăng nhu cầu về những nội dung mang tính “đời” hơn, nhằm an ủi, khuyến khích lối sống đơn giản, cũng như bình thường hóa việc sống tiết kiệm, thậm chí có phần chật vật.
Trước đây, những hình ảnh này vốn không thiếu, nhưng thường bị đặt trong bối cảnh hài hước hoặc bị lu mờ trong dòng chảy phô trương đặc quyền và thể hiện sự giàu có vật chất. Nhưng hiện nay, hình ảnh về những bữa ăn chỉ có mì gói của một sinh viên đại học, hay bữa sáng chỉ có chiếc bánh kếp mua ở quán hàng rong vệ đường của một người làm công ăn lương, hay các bữa ăn thắt lưng buộc bụng của một bà mẹ toàn thời gian, đang trở nên ngày càng phổ biến trong bối cảnh xã hội hiện đại.
Qua sự phát triển của mạng xã hội, ẩm thực không chỉ là một phương tiện để giao tiếp và chia sẻ giữa con người mà còn trở thành một nền tảng để chúng ta thể hiện giá trị và bản sắc cá nhân. Mặc dù câu hỏi về tính chân thực của những chia sẻ trên mạng xã hội luôn hiện hữu, nhưng sự biến đổi và thách thức của thời đại cũng tạo ra cơ hội để chúng ta tìm ra những cách khác biệt để chia sẻ giá trị độc đáo thông qua những mẩu chuyện về ẩm thực.