Cũng lâu rồi mình không ngồi lại, trong một buổi tối đầu tháng 4 tĩnh lặng mà Hà Nội bỗng trở trời, để viết về cuốn sách mới đọc, bàn về những vấn đề xoay quanh nó, vả cả những sự kiện xảy ra gần đây...
Chủ đề xuyên suốt trong cuốn sách này – về bản dạng, về mối quan hệ giữa người trẻ với gia đình, bạn bè, về sự nghiệp, kéo theo đó là những áp lực vô hình – luôn là những vấn đề mà mình dành nhiều thời gian suy ngẫm. Và cho đến khi cầm cuốn sách trên tay, đọc từng câu chuyện có thật của các nhân vật có thật, mình mới thực sự choáng váng, thấu hiểu, và cảm thông. Đôi lúc, mình còn thấy bản thân mình trong đó, đặc biệt là trong thời điểm mà mình áp lực nhất.
Nguồn: Unsplash
Nguồn: Unsplash
Đầu tiên, thứ đã khiến cuộc sống của người trẻ, trong mắt người lớn, như một thế giới kỳ dị và không thể hiểu được, chính là sự khác biệt sâu sắc về thế hệ (quả thực rất đáng nói, vì hàm lượng khác biệt giữa hai thế hệ là rất lớn, dù xét về mặt thời gian, giữa chúng ta và bố mẹ lại không quá cách xa). Nếu chia nhỏ cụm từ “khoảng cách thế hệ”, thì sẽ dễ cho chúng ta nhìn thấy được những yếu tố để “điểm mặt chỉ tên" hơn, như hoàn cảnh gia đình, điều kiện xã hội, nhóm người mà người trẻ kết nối hay nguồn thông tin mà chúng tiếp xúc mỗi ngày...
Những điều kể trên đã tạo nên một hệ suy nghĩ, tư tưởng, nhận thức khác biệt về nhiều vấn đề mà người trẻ dần gặp phải trên con đường trưởng thành của mình. Nó khác so với bố mẹ chúng, và khác rất xa so với thế hệ ông bà. Ví như về tình dục, với thế hệ trẻ, không còn là sự ràng buộc về mặt hôn nhân; chúng cũng không phải đợi đến khi những điều kiện mà thế hệ trước coi-là-đủ, xảy ra đồng thời, thì mới được làm "chuyện ấy". Với chúng, tình dục như một nhu cầu sinh lý bình thường, xảy ra “đúng thời điểm” mà nó nên xảy ra, và đôi khi tình dục (tất nhiên là an toàn) cũng chỉ là một phương tiện hữu hiệu để chúng “xả” nỗi buồn, hoặc tìm đến làm niềm vui khi những vấn đề khác trong cuộc sống không đi theo đúng quỹ đạo chúng muốn. Tuy vậy, với một nhóm người trẻ đồng tính, tình dục lại là một vấn đề phức tạp hơn. Chúng bị mắc kẹt giữa việc thể hiện bản dạng giới của chính mình, với việc tránh khỏi ánh mắt dị nghị của xã hội, và trên tất cả, là hoàn thành trách nhiệm “cơ bản” đối với gia đình (để khiến họ "nở mày mở mặt") và xã hội: thành lập một gia đình nhỏ cho chính mình với đầy đủ các thành phần cấu thành truyền thống: gồm bản thân họ, vợ/chồng và con cái.
Đó còn là mối quan hệ với bố mẹ. Có những người trẻ không thể có sự liên kết bình thường với cha mẹ chúng. Có quá nhiều nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa chúng và bố mẹ gặp vấn đề đến nỗi mình cảm thấy nếu mối quan hệ này được bình thường, thì mới là có vấn đề. Nó cũng khiến mình dần đánh mất niềm tin (mà trước kia đã nghĩ là nó phải luôn như vậy) vào những viễn cảnh lí tưởng và tốt đẹp trong mối quan hệ cơ bản này của con người…
"Chúng tôi là một thế hệ bơ vơ. Có nhà mà sợ về, luôn chọn cho mình con đường dài nhất để nán lại phố xá bình yên dù thật sự cái phố đó đang phun bụi mù mịt vào phổi mình lúc cuối chiều."
Trích "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ"
Để cho chúng với bố mẹ cảm thấy gắn kết với nhau, quả thực rất khó. Nó đồng nghĩa với việc thật dễ để mối quan hệ tưởng như phải luôn bền chặt này, lung lay. Có quá nhiều nguyên nhân khiến nó rời rạc, tưởng như chỉ cần 1 vài trong số nhiều nguyên nhân đó xảy ra, là nó sẽ kéo theo một loạt các nguyên ngân khác có cơ hội được thành hình, cuối cùng khiến cho sợi dây liên kết giữa người trẻ và cha mẹ bị kéo căng, và dần bị đứt. Hậu quả là hoặc sẽ chuyển thành sự vô tâm lẫn nhau, hoặc ngôi nhà sẽ được bao trùm bởi sự căng thẳng tột độ. 
Về phía bố mẹ chúng, đó là sự đòi hỏi, mưu cầu con cái phải đạt đến độ hoàn hảo theo ý mình, đôi lúc hoàn hảo đến vô lý. Tất cả khiến cho người trẻ bị ngộp thở trong chính căn nhà, bởi chính những người thân yêu của mình. Nó như một lực cản ngăn cho họ tìm được bản dạng của bản thân, và nếu có tìm được, có lẽ họ cũng khó có cơ hội thể hiện nó. Và đáng buồn thay, cũng là một thực tế chung đã xảy ra, là người trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên ngoài: "Chúng tôi là một thế hệ bơ vơ. Có nhà mà sợ về, luôn chọn cho mình con đường dài nhất để nán lại phố xá bình yên dù thật sự cái phố đó đang phun bụi mù mịt vào phổi mình lúc cuối chiều."
Từ phía bên ngoài, đó có thể là những trục trặc trong quan hệ với người yêu, với bạn thân, hay những vấn đề đến từ việc học ở trường, việc định hướng… Chúng như những con quái vật nuốt hết năng lượng của người trẻ, khiến họ trở thành những sinh vật vô hồn. Thậm chí thứ khiến họ cảm thấy được là chính mình nhất, là việc nuôi dưỡng những sở thích như vẽ, hát, cũng bị chặn đứng và bị coi là vô bổ, tốn thời gian bởi chính người thân của mình. Tất cả những nguyên nhân kể trên, chỉ là một số trong vô vàn những yếu tố khiến cho mối quan hệ giữa chúng với bố mẹ, với gia đình trở nên căng thẳng, lỏng lẻo. Quả thực, trên đôi vai của một người vẫn chưa được coi là người lớn đang bị sức nặng của quá nhiều thứ đè lên. Chúng tước đoạt đi đặc quyền được thấu hiểu, được nêu ý kiến và thể hiện mình. Và khi những áp lực đó bóp nghẹt họ trong thời gian quá lâu, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về tâm lý, trầm cảm, tuyệt vọng khó có thể chữa lành.
Nguồn: Unsplash
Nguồn: Unsplash
Một lí do nữa khiến cuộc sống của những đứa trẻ thêm phần gánh nặng, đó là chúng phải bất đắc dĩ làm “bạn”, hoặc tồi tệ hơn, là “bố mẹ” của chính bố mẹ chúng. Hiện tượng này như một sự đảo lộn vai vế trong gia đình, dẫn đến sự biến chất trong vai trò của nó. Những đứa trẻ lúc này phải là người hứng chịu những hậu quả mà tuổi thơ bố mẹ chúng phải trải qua, hay những vấn đề trong cuộc sống hiện tại mà bố mẹ chúng phải đối mặt. Điều đó khiến cho quá trình lớn lên và khám phá bản dạng của chúng bị gián đoạn, thậm chí lệch hướng. Từ đó chúng sẽ không thể tìm kiếm được mình, biết được “mình là ai, vai trò, giá trị mình đem đến thế giới là gì?”.
Có thể thấy, nhiều người trẻ đang phải sống một cuộc sống tạm bợ, đối mặt với những vấn đề của bản thân, gia đình và xã hội. Nói cách khác, chúng như bị cả xã hội quay lưng trên chặng đường trở thành người lớn. Nguyên nhân cho những vấn đề đó thì rất nhiều, từ xã hội nói chung, từ gia đình, người thân, và đôi lúc, là từ chính bản thân chúng. Tất cả khiến cho cuộc sống của người trẻ như một cái mê cung, và chúng thì đang loay hoay, lần mò để thoát khỏi mê cung đó trong vô vọng… Cũng có những thời điểm chúng muốn bay lên khỏi mê cung đó, khát khao thoát khỏi những cung đường rối rắm, những vấn đề như kéo dài vô tận để tự giải thoát cho chính mình. Nhưng khi bất giác nhìn lại, chúng thấy xung quanh mình chẳng có ai muốn và/hoặc có khả năng giúp đỡ mình cả.
Khi đọc cuốn sách này, thực sự mình rất đồng cảm với những nhân vật, câu chuyện trong đó. Sự đồng cảm này không chỉ đến từ sự thấu hiểu lẫn nhau của những con người đồng thế hệ, mà còn từ những điều mà mình đã trải qua. Mình cũng từng phải chịu đựng những vấn đề về định hướng, về việc duy trì mối quan hệ bình thường giữa cha mẹ, bạn bè, và đặc biệt, là vấn đề về bản dạng. Mình từng rất vô định với bản thân và không có chút hình dung, mường tượng nào (dù là nhạt nhòa nhất) về hình tượng mà mình muốn trở thành, và giá trị cốt lõi mà mình sẽ theo đuổi. Thế nhưng giờ đây, dù rất trầy trật và vẫn còn đang đau rát vì những vết thương, vết sẹo chưa lành, thì mình cũng đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó. Thực ra cũng nhờ quãng thời gian mình trầm cảm và áp lực này, mà bản thân đã trưởng thành hơn, cứng rắn hơn, tạo được nhiều thói quen tốt, cũng như nhận ra được tầm quan trọng của việc yêu và hiểu chính mình.
Qua cuốn sách này, điều mình mong muốn, cũng là tinh thần mà mình tin là bác Đặng Hoàng Giang muốn gửi gắm, chính là những hạt nhân của xã hội, bao gồm gia đình, người thân, bạn bè của mỗi người trẻ, hãy là chỗ dựa tinh thần cho chúng. Hãy luôn cố gắng để hiểu người trẻ trong khả năng của mình. Dù biết rằng với khoảng cách thế hệ lớn như thế, thì việc thấu hiểu và ngăn chặn những vấn đề trong mối quan hệ với con cái mình là rất khó, nhưng mình tin rằng chỉ cần mỗi bên cùng cố gắng, chia sẻ với nhau những suy nghĩ với một trái tim biết lắng nghe và một góc nhìn cởi mở, thì mọi vấn đề đều có thể trở nên dễ dàng hơn. Biết đâu, dù những vấn đề vẫn còn đó, nhưng nếu người lớn kiên nhẫn hơn để tìm ra cách giao tiếp hiệu quả nhất với con cái, thì những mối bất hòa có thể được giải quyết, và ngọn nguồn của những cuộc xung đột dẫn tới những điều không mong muốn, có thể được chặn đứng kịp thời thì sao? Người trẻ, nhờ đó có thể trưởng thành một cách toàn diện, hay ít nhất có điều kiện để trở thành người lớn, đạt được những thành công trong cuộc sống, và tìm được bản sắc riêng cho chính mình.
"Mong tất cả chúng ta, bất kể tuổi tác, có cơ hội để tìm mình, được sống cuộc sống của mình, trong tình yêu thương vô điều kiện và sự sum vầy với người thân".
Trích "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ"
Nguồn: Unsplash
Nguồn: Unsplash
P/S: Khi viết bài này, mình nhớ đến bài báo vừa đọc về ảnh hưởng của covid lên 2 năm tuổi trẻ đối với sinh viên. Thay vì cuộc sống họ (và mình) sẽ là những ngày được gặp bạn bè, tổ chức party, vui chơi cùng nhau, bên cạnh đó là đi làm một công việc part time hoặc full time trực tiếp ở văn phòng, thì giờ đây, thứ còn lại trong ký ức của họ là những trải nghiệm với máy tính và các thiết bị điện tử, tất cả đều xoay quanh 4 bức tường. Đại dịch đã lấy đi 2 năm nhiệt huyết và máu lửa mà đáng lẽ mỗi người trẻ phải có. Điều đó khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy bí bách và trầm cảm. Từ đó mình cũng tự nhủ bản thân phải sống hết mình, phải trải nghiệm, học thêm cái mới, có nhiều bạn mới, đi đây đi đó để không phải tiếc nuối những năm tháng tuổi trẻ của chính mình, khi mọi việc đang dần trở về trạng thái bình thường.
01/04/2022 - ngồi xuống và viết, sau những sự kiện khiến mình đau xót và ám ảnh.