[Bài dịch từ bản tiếng anh "Nature and Asian Pluralism in the Work of Miyazaki Hayao" đăng trên tờ Nippon vào ngày 4 tháng 6, 2015:
https://www.nippon.com/.../nature-and-asian-pluralism-in...

Tác giả bài viết là Sugita Shunsuke - nhà báo và nhà phê bình văn hóa, đã đóng góp nhiều bài bình cho các tờ tạp chí như Subaru, Shinchō, và Yuriika. Ông là tác giả của cuốn Miyazaki Hayao ron—kamigami to kodomotachi no monogatari (Miyazaki Hayao: Chuyện kể về trẻ thơ và thần thoại), xuất bản bởi NHK Books , 2004.]

Trong khi hoạt hình của Miyazaki Hayao được nhiều người đánh giá mang đậm tinh hoa Nhật, Sugita Shunsuke lại cho rằng di sản thực sự của Miyazaki chính là cách diễn đạt sáng tạo, vượt ra ngoài biên giới bán đảo, phá vỡ tính đồng nhất toàn cầu, đi theo một góc nhìn phức tạp, đa nguyên, đậm chất phương Đông về tự nhiên.
Đạo diễn Hayao Miyazaki 

Tại đất nước của mình, Miyazaki Hayao được coi như quốc bảo, cha đẻ của những thước phim hoạt hình thấm đậm giá trị văn hóa Nhật và ngợi ca góc nhìn thiên nhiên của người Nhật. Đây là một quan niệm thú vị, khi mà các bộ phim của Miyazaki lại hiếm khi khắc họa nội tại “nét đẹp của xứ Phù Tang”. Ngoại trừ tác phẩm Tonari no totoro (My Neighbor Totoro) năm 1988, với bối cảnh đồng quê xưa, thì hình ảnh vùng nông thôn đẹp như tranh cùng nước Nhật truyền thống hầu như vắng bóng. Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng đưa ra góc nhìn chân thực nhất về “cốt lõi của thiên nhiên” khắc họa trong tác phẩm của Hayao Miyazaki.

Khuynh Hướng Trái Lập Disney?


Miyazaki từng nhấn mạnh rằng, trong khi ông bị thu hút với đồ hoạ của Walt Disney, ông lại cảm thấy không thoải mái với cách minh họa thiên nhiên tinh khiết, ngọt ngào đến mức giả tạo của hãng. Đồng thời ông cũng bày tỏ thất vọng với việc “cường điệu hóa” trong khi thiếu hụt giá trị nội hàm, mà theo ông, đã đánh mất sức sống của những tác phẩm anime mainstream Nhật (*1). Từ đây, Miyazaki cùng đội ngũ của mình tại Studio Ghibli đã cố gắng định hình một ngôn ngữ hoạt ảnh mới, cách biệt khỏi phong cách của cả Disney và hoạt hình Nhật đương đại.
Thiên nhiên trong bộ phim Snow White and the Seven Dwarf  (1937) do hãng phim Walt Disney sản xuất

Miyazaki cũng khẳng định rằng điểm cốt yếu, đặc trưng riêng cho hoạt hình của Studio Ghibli là cách thiên nhiên được diễn họa. Như ông giải thích, “Chúng tôi không đặt tầm quan trọng của bối cảnh thiên nhiên dưới nhân vật...Điều này là bởi chúng tôi cảm thấy thế giới thật tươi đẹp. Con người cùng mối tương quan của mình không phải là điều duy nhất đáng chú ý. Chúng tôi cho rằng thời tiết, thời gian, tia sáng, cỏ cây, nước, và gió—các yếu tố tạo nên cảnh vật—đều tuyệt đẹp. Chính vì vậy, mà chúng tôi luôn nỗ lực để bao hàm được những yếu tố đó hết mức có thể trong tác phẩm của mình.”(*2) 

Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể nhận ra tính đặc trưng của thiên nhiên như đã được lột tả trong phim của Hayao Miyazaki? Câu trả lời khá phức tạp, chính xác là bởi quan niệm đa nguyên của ông về thiên nhiên. Để có thể bàn luận sâu hơn, tôi nghĩ rằng góc nhìn đa chiều này có thể chia về ba khía cạnh căn bản.

1. Thuần Khiết và Linh Thiêng


Miyazaki đã nhiều lần đề cập đến niềm tin tôn giáo thâm căn mà cho đến giờ vẫn hiện hữu trong xã hội Nhật. Trong đó có khái niệm về những nơi hoang sơ, thuần khiết ẩn khuất trong rừng - vùng đất cách biệt, yên bình nơi văn minh nhân loại không thể xâm nhập.

Hình tượng thiên nhiên như một nơi tôn nghiêm, thuần khiết và thanh bình xuất hiện thường xuyên trong phim của Miyazaki. Hãy nhớ đến không gian dưới lòng đất được bao phủ bởi pha lê xanh trong Kaze no tani no Naushika (Nausicaa of the Valley of the Wind, 1984); thành phố cổ ẩn dưới dòng nước kết tinh pha lê trong Tenkū no shiro Rapyuta (Laputa: Castle in the Sky, 1986), khu rừng yên bình trong Totoro; hồ nước lấp lánh huyền bí trong siêu phẩm Mononoke hime (Princess Mononoke, 1997); hay hồ nước giữa rừng bao quanh nơi nam chính và nữ chính gặp nhau trong tác phẩm Kaze tachinu (The Wind Rises, 2013).
Trích cảnh Khu rừng bên hồ nước lấp lánh từ bộ phim Mononoke Princess (1997) do hãng phim Ghibli sản xuất

2. Sức Mạnh Kinh Hãi


Hoạt hình của Miyazaki, cùng lúc, lại không ngần ngại lột tả sức mạnh khủng khiếp của tự nhiên. Trong Nausicaä, thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ với cuộc tấn công thảm khốc của hàng ngàn con côn trùng khổng lồ bị biến đổi gen. Trong Gake no ue no Ponyo (Ponyo)- 2008, cơn bão dữ tợn đã nhấn chìm cả thành phố ven biển dưới những ngọn sóng. Princess Mononoke lên đến đỉnh điểm khi mà linh thú gác đêm bị mất đầu (vốn là thần rừng tốt bụng vào ban ngày) biến hình thành con quái vật khiếp sợ, tuôn trào chất độc và phá hủy bất kể thứ gì ngáng đường nó trong cơn thức tỉnh.

Cảnh tượng tự nhiên hung dữ, tàn phá này có lẽ giống với hình tượng vị Thần cuồng nộ trong Kinh Cựu Ước (Kinh Thánh của người Do Thái) hơn là trong quan niệm về thiên nhiên của Nhật Bản. Nhưng người Nhật cũng đã quá quen với những cơn giận dữ của tự nhiên, khi mà họ sinh sống ở một trong những nơi núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới. Thiên nhiên, trong thế giới quan của người Nhật, không thuộc quyền sở hữu hay kiểm soát của con người. Nó có thể tước đi của cải, người thân, và mạng sống của chúng ta trong chớp mắt, bất tuân quy luật và lý do. Đây chính là khía cạnh thứ hai của tự nhiên được miêu tả trong phim của Hayao Miyazaki...

3. Hệ sinh thái đa dạng, tương tác, và phát triển


Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Hoạt hình của Miyazaki còn lột tả thiên nhiên như một tổng thể của đa dạng những nguyên tố bất đồng nhất, không ngừng tương tác, và vươn tới sự đổi thay liên tục. Hãy nhìn vào khu rừng ô nhiễm nơi được gọi là Biển Mục Rữa, miêu tả ở đoạn đầu của Nausicaa. Ở đây Miyazaki tạo ra một thế giới bí ẩn và kỳ lạ, nơi cư trú của rất nhiều loài thực vật, côn trùng, và động vật. Chúng đối đầu với con người, đồng thời đối địch lẫn nhau- nhưng lại cùng lúc tồn tại trong sự cân bằng sinh thái tuyệt vời. Theo thường thức của con người, Biển Mục Rữa không hề thơ mộng cũng chẳng đẹp đến kinh ngạc, tuy nhiên với Công Chúa Nausicaa, nó lại đẹp. Bởi trong quan niệm của Miyazaki, kỳ quan giới tự nhiên không chỉ có cỏ cây tươi đẹp. Từ nơi hoang tàn với phế liệu cả kim loại, phi kim và chất thải phóng xạ, mà Biển Mục Rữa vẫn sinh trưởng và phát triển, công chúa Nausicaa đã nhận thức sự ‘đẹp’ ở một tầng nghĩa cao hơn, tầng vĩ đại của tự nhiên với sức sống không ngừng vươn trào.

Và ở cách nhận thức này, không hề tồn tại sự phân tách giữa thế giới tự nhiên và thế giới nhân tạo. Bảy thế kỷ sau khi nhân loại biến mất khỏi pháo đài bay Laputa, rô-bốt, động vật, cỏ cây và cả khoáng sản đã tiếp tục cùng tồn tại, tương tác và cùng tiến hóa đến một hệ sinh thái đa dạng đến không tưởng. Trong Spirited Away, một công viên giải trí bỏ hoang đã trở thành vùng đất rộng lớn cho thế giới linh hồn, với rất nhiều những vị thần trong tự nhiên và cả những sinh vật siêu nhiên. Trong Totoro, con người dễ dàng tương tác với cánh rừng và cả những vị thần ở đây. Tuy nhiên, không như loài người, Totoro điềm tĩnh trong từng chuyển động, đã sống trong chiều thời gian được đo bằng cả nghìn năm. Đối với rừng già bạt ngàn này, những đứa trẻ như Mei và Satsuki xuất hiện và rời đi chỉ như một cái chớp mắt.

Cảnh thiên nhiên ở Biển Mục Rữa trong phim Nausicaa of the Valley of the Wind (1984) do hãng Ghibli sản xuất

Trên Nền Thuyết "Rừng Thường Xanh Lá Rộng" (*)

(*) (chú thích bởi người dịch) Rừng thường xanh là khu rừng gồm chủ yếu là cây thường xanh, gọi như vậy là bởi vì các loại cây này thường mang lá xanh quanh năm. Cây thường xanh lá rộng xuất hiện nhiều ở vùng xích đạo, nhiệt đới; phân biệt với cây lá kim ở vùng ôn đới.

Nhật Bản bừng tỉnh sau trận Đại thảm họa Động Đất phía Đông và sự cố hạt nhân ở Fukushima, cùng với đó góc nhìn đa nguyên của Miyazaki về thiên nhiên cũng mang một ý nghĩa mới. Các thảm họa thiên nhiên như sóng thần, cùng với ô nhiễm phóng xạ và các thảm họa nhân tạo khác đều được thể hiện rõ xuyên suốt những tác phẩm của ông. Những bộ phim của ông dạy ta rằng sự hủy diệt hiện diện qua Biển Mục Rữa là mảnh ghép không thể thiếu của tự nhiên, không kém cạnh gì so với cái nên thơ của khung cảnh đồng quê trong Totoro. Chúng thôi thúc ta nhìn lại và cân nhắc khả năng rằng, có lẽ đến cả các cuộc chiến và thảm họa hạt nhân cũng chỉ như những khung đoạn lướt qua trong lịch sử tiến hoá lâu dài của Trái Đất.

Các tác phẩm của Miyazaki thách thức ta phải suy nghĩ về bản chất cốt lõi của tự nhiên— cũng chính là, của sự sống—và ngẫm lại ý nghĩa cuộc sống của riêng mỗi người dưới góc nhìn siêu nghiệm này. Thiên nhiên là cội nguồn của hoà bình và an yên nhưng đồng thời cũng là khởi nguyên của huỷ diệt. Trên tất thảy, thiên nhiên là một thể phức tạp, đa dạng, luôn thay đổi của các nguyên tố khác nhau. Liệu ta có thể hồi sinh thuyết vạn vật hữu linh của tổ tiên và sống như một phần trong dòng chảy đồng nhất mà ở đó tồn tại cả con người và côn trùng, cây cối và linh hồn, thần thánh và rô-bốt không?

Hayao Miyazaki khẳng định rằng ông đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi học thuyết văn hóa “rừng thường xanh lá rộng” của nhà thực vật dân tộc học Nakao Sasuke (1916-1993), qua tác phẩm ông đã đọc khi mới tầm tuổi ba mươi. Học thuyết cho rằng vào thời tiền sử, những cánh rừng thường xanh lá rộng bao phủ phần lớn Châu Á, từ dãy Himalayas đến phía nam Trung Quốc, Đài Loan, và tây nam Nhật Bản, đã nuôi dưỡng một nền văn hóa chung. Tạo thành hình “lưỡi liềm Đông Á”, với trung tâm nằm ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc như là nơi khai sinh nền văn hóa. Đây cũng là cội nguồn chung cho rất nhiều những đặc điểm tìm thấy trong văn hóa Jomon phía tây Nhật Bản, bao gồm cả việc chuẩn bị những món ăn lên men đặc trưng của Nhật như súp miso và đậu natto. Miyazaki nhận thấy rằng, trước cả khi hình thành một nước Nhật, người Nhật Bản đã là một phần của hệ sinh thái và văn hóa cổ xưa này. Ông cực kỳ hứng thú khi phát hiện mình không chỉ là cư dân của nước Nhật, sống trong vùng hẹp và thường sóng gió của cả văn hóa và lịch sử quốc gia, mà còn thuộc về một phần rộng lớn hơn nhiều. Góc nhìn khu vực sâu rộng và hòa hợp này đã khai phóng ông trong việc thể hiện thiên nhiên và văn hóa Nhật Bản thông qua hoạt ảnh, như cách Miyazaki nhấn mạnh mối liên hệ với hình tượng miền thôn quê Nhật trong Totoro.

Vai trò độc đáo của sự lên men trong thuyết “rừng thường xanh lá rộng” bằng cách nào đó cho thấy sự liên quan trực tiếp đến góc nhìn khác biệt về tự nhiên hiện diện trong hoạt hình của Miyazaki. Một góc nhìn khẳng định vai trò thiết yếu của vi sinh vật và sự phân hủy trong chu trình sự sống. Biển Mục Rữa trong Nausicaa không chỉ là vùng đất phế thải độc hại. Nơi đây vẫn chứa đầy những dạng sống, bao gồm cả côn trùng và vi khuẩn, chính chúng đang thúc đẩy một chu trình tiến hóa mới. Sự phân hủy, hiện ra dưới con mắt người thường như sự chết chóc và hủy diệt, thực ra lại là quá trình phong phú và sáng tạo bậc cao dưới góc nhìn hiển vi. Biển Mục Rữa thu phóng lại hai nguồn lực tưởng đối nghịch, nhưng thực chất lại hòa quyện này của thiên nhiên. Với sự tương tác phức tạp này, Miyazaki đã nhấn mạnh một trong những triết lý chung cơ bản trong lối tư duy cùng văn hóa của người Á Châu...(còn tiếp)
Nguồn tham khảo trong bài viết gốc:
(*1) ^ Miyazaki Hayao, Starting Point 1979–1996. Bản dịch bởi Beth Cary và Frederik L. Schodt. (San Francisco: Viz Media, 2014), 90.
(*2) ^ Miyazaki Hayao, Turning Point: 1997–2008. Dịch bởi Beth Cary và Frederik L. Schodt. (San Francisco: Viz Media, 2014).