Từ GDP đến GPI và GNH
Ngày 24.02.2008 Bhutan [Photo credit Nick Walton ] Thế nào là thành công và phát triển? Những điều gì là cần thiết để tạo...
Ngày 24.02.2008
Thế nào là thành công và phát triển? Những điều gì là cần thiết để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp? Cuộc sống cũng như mục tiêu phấn đấu của đời bạn sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì bạn ưu tiên định hướng, những tiêu chí mà bạn chọn để đánh giá sự thành đạt và hạnh phúc.
1. GDP và mặt trái của tăng trưởng kinh tế
GDP từng và hiện vẫn được dùng rộng rãi trên thế giới như một chỉ số đánh giá sự phát triển kinh tế. Vấn đề đáng nói là, có lẽ do nó quá phổ biến và được ưa dùng đến nỗi người ta thường đánh đồng GDP với tiến bộ xã hội. Thực ra GDP cơ bản chỉ là tổng giá trị sản xuất (tiêu thụ) nội địa tính bằng tiền tệ. Trong khi đó, tiến bộ xã hội là một vấn đề nhiều mặt mà GDP chỉ là một chiều mang tính vật chất của nó. GDP không kể đến những dạng "vốn" con người và xã hội, sinh thái...rất nhiều thứ thật sự làm cho cuộc sống có ý nghĩa. GDP không thể bao hàm chất lượng cuộc sống và cũng không phản ánh được sự phân bố bình quân đầu người một cách trung thực ở những quốc gia có mức chênh lệch giàu nghèo cao. Vì thế, chiến lược phát triển quốc gia nếu chỉ dựa trên tiêu chí GDP sẽ dễ bị lạc hướng, bám vào phương tiện mà quên mất (thậm chí hy sinh luôn) mục đích!
Chặt cây phá rừng, khai thác tận lực tài nguyên tất nhiên xuất hiện tăng trưởng kinh tế ở khu vực đó nhưng cái giá phải trả cho môi trường và sức khỏe cộng đồng về lâu dài có được tính đến? Bạn đừng nghĩ môi trường là cái gì xa lạ, mà nó chính là sức khỏe, sức khỏe của chính cơ thể bạn, của cộng đồng và hệ sinh thái.
Buồn hơn, mặt trái của áp lực tăng trưởng kinh tế không chỉ là những suy thoái môi trường, mà đôi khi đó còn là những rạn nứt và khủng hoảng các giá trị tinh thần, văn hóa truyền thống, trong một xã hội bị chi phối bởi sức mạnh đồng tiền, tiêu dùng và cạnh tranh. Sự thừa mứa vật chất chưa hẳn đã đồng nghĩa với hạnh phúc.
2. Đi tìm thước đo mới cho sự phát triển
Trước những hạn chế của GDP như một tiêu chí để định hướng và đánh giá mức độ phát triển, đã có nhiều đề nghị về những chỉ số thay thế khác có tầm nhìn tổng quát và chính xác hơn, được biết đến nhiều nhất trong số đó là chỉ số phát triển con người (HDI) và chỉ số tiến bộ thực sự (GPI). Rõ ràng rằng một quốc gia được coi là phát triển trước hết phải bảo đảm những nhu cầu vật chất cần thiết cho người dân. GDP vẫn được dùng đến khi tính toán hai chỉ số này nhưng trong mối tương quan với các yếu tố khác nữa.
Chỉ số phát triển con người HDI hướng đến sự phát triển xã hội mang tính nhân văn, với con người làm trung tâm, đã được Liên Hiệp Quốc sử dụng để xếp hạng các quốc gia theo chất lượng cuộc sống, bao gồm những tiêu chí như tuổi thọ (sức khỏe), phổ cập giáo dục (tri thức), GDP bình quân (thu nhập). (Việt Nam đứng 105/177 nước về HDI, theo báo cáo LHQ năm 2007)
Chỉ số tiến bộ thực sự GPI được một nhóm nghiên cứu chính sách ở Mỹ cổ động giới thiệu và đề xuất cách tính. Theo đó, GPI được tính dựa trên GDP làm mức ban đầu, sau đó điều chỉnh bằng cách cộng thêm những yếu tố ảnh hưởng tích cực (công việc tình nguyện, chăm sóc trẻ em, kinh tế gia đình...) trừ đi những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực (khắc phục ô nhiễm môi trường, chi phí thuốc men, chi phí an ninh và tòa án cho các tội phạm, trớ trêu thay, những chi phí có thể làm tăng GDP nhưng rõ ràng không phải là chỉ thị của sự phát triển tốt) đến hạnh phúc con người và phúc lợi xã hội.
Các chỉ số mới giúp ta có cái nhìn chân thực, sâu rộng hơn về phát triển. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi chúng được xem như là thước đo, là tiêu chí để hoạch định những chính sách, chiến lược hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó chú trọng đến sức khỏe, môi trường và phúc lợi thật sự của người dân.
3. Chỉ số tổng hạnh phúc quốc dân
Thuật ngữ GNH (Gross National Happiness) –Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia được vua Bhutan Jigme Singye Wangchuck đặt ra khi ông lên ngôi năm 1972, đến nay đã được nhiều nước trên thế giới lưu ý và học tập. Nó cho thấy quyết tâm của ngài theo đuổi một con đường phát triển kinh tế chọn lọc và thận trọng để bảo vệ môi trường và gìn giữ nền văn hóa tâm linh độc đáo của một xứ sở thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Những giá trị đạo đức được đặt làm trọng tâm trong chiến lược kinh tế để bảo đảm nguồn lương thực, nhà ở và sức khỏe người dân. Trong triết lý định hướng phát triển của họ, tiêu chí ưu tiên là GNH chứ không phải là GDP, quan niệm đó định nghĩa lại sự thịnh vượng trong một tầm nhìn bao quát hơn, đo lường phúc lợi thật sự hơn là chỉ với sự tiêu thụ vật chất.
Vương quốc bé nhỏ dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn này là một trong số ít quốc gia mà con người sống một cách gần như bền vững và thanh bình, không có người thất nghiệp, nghiện rượu hay bất hạnh, không có bạo lực, tội ác. Mỗi gia đình đều có đất đai, gia súc để có thể tự cung cấp mọi thứ cần thiết cho mình. Giáo dục và chăm sóc y tế được miễn phí. Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm săn bắn hay đánh bắt thú hoang dã, cấm kinh doanh thuốc lá dưới mọi hình thức. Trong khi các nước đang phát triển bán rẻ nguồn tài nguyên của mình và tìm mọi cách thu hút du lịch nhằm tăng trưởng kinh tế, luật Bhutan ngược lại, rất chú trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên với 60% diện tích đất bao phủ bởi rừng và hạn chế du lịch (bằng cách thu phí rất cao) để ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến văn hóa địa phương.
Sự thật là Bhutan vẫn còn nghèo và không có nghĩa là mọi thứ đều tốt đẹp ở Bhutan hay vương quốc nhỏ bé này đã thành công với chỉ tiêu Tổng Hạnh Phúc Quốc Dân của mình, nhưng những kết quả đạt được là đáng kể. Bước tiến cuộc sống tuy chậm nhưng nhân bản và tiềm ẩn nguồn nội lực dồi dào.
Mặc dầu GNH giống như một nguyên tắc dẫn đường hơn là một chỉ số có thể đo đạc, khái niệm này mang tính cách mạng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Theo Frank Dixon, chuyên gia cố vấn về kinh tế và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp và chính phủ, GNH có thể là một bước tiến quan trọng trong lý thuyết kinh tế trong suốt hơn 150 năm qua, khi mà càng ngày người ta càng nhận ra cái giá phải trả đắt đỏ cho sự suy thoái môi trường và xã hội trước sự thống trị tràn lan của chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất