Đâu đó loanh quanh 1877
Vincent lẩn quẩn và hoang mang, anh lưỡng lự giữa việc bó mình trong bộ đồ mục sư hay giải phóng mình về phía ánh vàng tươi sáng của nghệ thuật đang mặc sức chiếu đến, chói lóa như ngày nắng ngon lành chìa ra khỏi vẻ trời u ám thường trực. Anh tản bộ cùng thầy mình là Mendes, nghe người nói về Rembrandt và ti tỉ điều làm nên một con người hay thứ cấu thành giá trị đích thực của anh ta.
Vincent lúc này đang chật vật học làm mục sư chuyên nghiệp và truyền đi hy vọng sống cho dân thợ mỏ vùng Borinage. Nhưng trớ trêu thay, để tỏ lòng kính với Chúa và cho "chuẩn" với giáo hội thì phải ăn mặc chỉnh tề mà thuyết giáo trong nhà thờ lớn chứ ai đời lại vận vào người trang phục rách rưới, đầu tóc rối bung, mặt mũi lấm lem vệt than đen hơn cả dân mỏ mà thuyết giáo trong cái run rẩy mà đói rét mang lại như Vincent.
Để tiếng nói hòa vào máu dân vùng này, để niềm tin lấn át khổ ải trong tâm hồn họ thì ta phải hiểu chí ít một phần nhọc nhằn mà họ phải chịu mỗi ngày. Thế nên Vincent cũng xuống hầm mỏ đen kịt than và bóng tối, với đường dài ầm vang sự im lặng, chỉ có tiếng lở đá của công nhân oằn mình khai thác. Vincent thấy sợ, hệt như nỗi sợ đeo đuổi mỗi giây của thợ dưới này, hệt như nỗi sợ oằn lên lưng ông thợ già Jacques dù ông lên xuống nơi ấy đã ba mươi năm. Nỗi sợ không biến chuyển, không khí bức bách dưới hầm đay nghiến cuộc sống họ, sức nóng và hiểm nguy như chực chờ lừa họ ngã nhào xuống lối dẫn sâu hơn.
@dandelam.sol
@dandelam.sol
Qua bao ngày đêm như thế, cậu trai Vincent đã nhận được tình thương và lòng cảm mến của cả vùng Borinage, nhưng theo lẽ thường tình, Vincent đã phải ngay tắp lự cuốn gói khỏi giáo hội với tư cách của một kẻ quái đản, báng bổ thánh thần. Chính khoảnh khắc từ bỏ giấc mộng nuôi bấy lâu, lần tìm trong vô vọng bước chân tiếp sau và được thầy Mendes tác động, Vincent đã lờ mờ chạm đến hội họa và lẽ sống cho cả quãng đời sau. Thầy Mendes dù được trả tiền để đưa Vincent theo đúng tiến độ của giáo trình nhằm giúp cậu trai lúc bấy giờ sớm trở thành mục sư chuyên nghiệp nhưng lại là người rộng mở về tư tưởng. Ta cũng có thể nói là thầy làm đúng bổn phận mình là gợi liên tiếp những câu hỏi để Vincent tự đáp lại ưu tư chính mình và trút ra được sự giằng xé trong tâm hồn.
Một cuộc tản bộ băng qua những phố dài bao gồm nhà cũ của Rembrandt ở Zeestraat, đến vịnh Y, ra cảng có nước kênh Zuider Zee nhuộm hồng màu hoàng hôn đang thắm dần về cuối ngày rồi lần theo mé đê đến Zeeburg.
Cuộc chuyện trò đủ hờ hững chừa lối cho sự thông suốt đến sau, đồng thời đủ sâu sắc để hé lối vào của nhiều quyết định lớn lao, như chuyện Vincent gác lại hoài bão được phụng sự cho Chúa mà thay vào đó chính thức ủy thác cho màu vẽ, bộ óc lạ lùng và đôi tay thô của mình hô biến nên một thế giới mới nhiệm màu. Dưới đây là một số trích dẫn của cuộc đối thoại ấy, nó nâng tôi dần khỏi cái hố của việc muốn làm điều gì đó quan trọng cho đời mình mà lưỡng lự. Mong rằng nó sẽ có ích cho một ai đó.
/220601, 221603/
Trích "Khát vọng sống" - Irving Stone, tr.52, NXB Văn học
Hình: Nursery on Schenkweg, April - May 1882; Two Women on the Peat Moor, October 1883; Poplars near Nuenen, 1885; Self-Portrait with Straw Hat, March - June 1887.
Đôi lời
Không ít người từng nghe về Vincent hay giá trị của những tác phẩm nổi bật tầm giữa và sau trong cả sự nghiệp Vincent, nhưng về hạt mầm gieo nên tư tưởng lớn hay chương đầu của cuộc đời trai trẻ của Vincent thì có lẽ chúng ta chỉ mới loáng thoáng nghe qua. Cuộc trò chuyện phía trên là bước đầu của quá trình hội họa của Vincent và tiền đề cho các xung đột nội tâm lẫn an tĩnh trong giai đoạn sáng tác nghệ thuật về sau. Tôi cảm thấy cuộc tản bộ trên đọng lại nhiều giá trị để dần phát triển bản thân nên đã viết theo trí nhớ mình và có thể có vài thiếu sót. Nếu được bạn tìm đọc "Khát vọng sống" và tài liệu thêm bên ngoài nhé.