Truyện ngôn tình: Thế giới xám hay thế giới hồng?
Khi bạn đọc tiêu đề bài viết này và nhìn vào cách tôi đặt tiêu đề, chắc bạn sẽ nghĩ đây lại là một bài viết một chiều, phản đối truyện...
Khi bạn đọc tiêu đề bài viết này và nhìn vào cách tôi đặt tiêu đề, chắc bạn sẽ nghĩ đây lại là một bài viết một chiều, phản đối truyện ngôn tình, rằng đó là thứ không nên đọc, là thứ sách xám ám tâm hồn. Chắc bạn cũng sẽ nghĩ người viết thật cổ hủ và có một cái nhìn không khách quan, chỉ nhìn mọi thứ thật phiến diện và không nhìn vào mặt tốt mà truyện ngôn tình đem lại. Thật ra thì suy nghĩ của bạn cũng đúng một phần, nhưng đúng với phiên bản tôi của ngày hôm qua.
Tôi của trước đây luôn cho rằng ngôn tình là thứ sách mà muôn đời tôi sẽ không bao giờ động đến, là thứ sách khiến đầu óc con người ta mụ mị đi. Dưới ngòi bút tài hoa của các nhà văn, những câu chuyện tình yêu đôi lứa hiện lên thật đẹp, thật thơ, với nhân vật nữ chính luôn được chăm sóc, được yêu và được si mê bởi một chàng trai soái ca nào đó, với những lần vô tình chạm mặt rồi yêu em từ cái nhìn đầu tiên, hay chuyện đóng giả rồi thành tình nhân thật của nhau. Những câu chuyện này đánh trúng tâm lý mộng mơ của người đọc, đặc biệt là những người trẻ, vì ở độ tuổi này người ta hay mơ về một cuộc sống viên mãn với hạnh phúc đủ đầy, rằng mình sẽ gặp được một chàng trai yêu thương mình suốt đời. Có thể nói, truyện ngôn tình như vẽ ra một thế giới khác mà hoàn toàn thoả mãn nhu cầu và mong muốn của người đọc, khiến người đọc càng muốn rời xa thực tại mà đắm chìm vào những trang truyện lung linh, huyền ảo. Có những bạn thức đến 5 giờ sáng để đọc xong một cuốn tiểu thuyết ngôn tình, rồi lén đọc truyện trong giờ học, rồi có những người mải mê đắm chìm rồi lâu dần thành nghiện, mà đã nghiện thì chẳng thể nào dứt ra nổi. Tôi của trước đây đã từng nghĩ, ngôn tình gây ra một tác hại không hề nhỏ tới sức khoẻ tinh thần, khiến bạn có xu hướng thu mình lại, sống xa rời và không dám đối mặt với thực tế. Cuộc đời lắm chông gai khiến bạn không muốn gục ngã, chuyện tình không như mơ khiến bạn thất vọng và tự hỏi rằng tại sao không giống như truyện. Và cứ mỗi lần bạn muốn đứng lên đối mặt thì áp lực, khó khăn trong cuộc sống lại khiến bạn sợ hãi và nhút nhát, lại cuộn tròn và gửi gắm lòng mình qua những trang sách ấy, và ngày qua ngày, ngôn tình dần trở thành hơi thở, thành một phần trong cuộc sống của bạn, như liều thuốc mê khiến người ta ngất ngây cả ngày.
Đó là tôi của hai, ba năm về trước. Còn tôi của bây giờ, có lẽ bạn nghĩ chắc tôi lại bị ngôn tình làm cho mê muội rồi phải không? Thật ra thì vẫn không, tôi của bây giờ vẫn chưa động vào một cuốn ngôn tình nào cả. Nhưng lý do của việc này thì không phải là do tôi có quan điểm cực đoan với ngôn tình, chỉ đơn giản là nó không phù hợp với một đứa sống thực tế như tôi. Tôi của bây giờ lại nghĩ ngôn tình không hẳn là xấu, cũng chẳng đến cực đoan đến mức bị cho là thứ sách xám ám tâm hồn. Nói vậy thì chẳng khác nào vứt bỏ và phủ nhận hết chất xám của các tác giả khi để viết nên một tác phẩm, họ cũng phải đầu tư chất xám, nghiên cứu để xây dựng nên một thế giới, một cốt truyện thoả mãn người đọc. Hơn nữa, không thể phủ nhận truyện ngôn tình, ở một mức độ nào đó, như viên kẹo ngọt làm phong phú đời sống tâm hồn ta. Nó giống như ly cafe nhiều sữa ta vẫn nhâm nhi để lấy lại cảm xúc và tìm niềm cảm hứng cũng như niềm tin trong cuộc sống. Những câu chuyện tình với cái kết đẹp cho ta cái nhìn lạc quan hơn về tình yêu, rằng cứ sống tốt thì mình cũng sẽ gặp được người thương mình thật lòng. Những hình tượng anh chàng đẹp trai, tài giỏi đôi khi ở một góc độ nào đó là hình mẫu truyền cảm hứng để ta phấn đấu và vươn lên. Đọc truyện ngôn tình, nhìn theo góc độ tích cực, chính là nơi mà ta gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và mong ước của mình về một cuộc sống tốt đẹp. Đó là ước muốn ngàn đời của con người, mà đã là ước muốn thì chẳng có gì là sai cả. Ta có quyền mơ, có quyền mong muốn về một thế giới tươi đẹp, mà ở đó những cặp đôi yêu nhau sẽ về với nhau, hoàn toàn không có chuyện tiểu tam, vũ phu hay ngoại tình. Đó hoàn toàn là mong muốn chính đáng và đáng được trân trọng, không đáng bị lên án hay phản đối một cách gay gắt.
Nhưng truyện ngôn tình cũng giống như bao thứ khác, nó cũng có hai mặt, tốt và xấu, trắng và đen. Việc ta lựa chọn nhìn và bị ảnh hưởng bởi mặt nào, phụ thuộc vào chính bản thân ta. Điều này không chỉ đúng với truyện ngôn tình, mà còn đúng với những vấn đề khác trong cuộc sống. Giống như việc có những người lên án hacker là những kẻ xấu, chuyên đi lấy cắp thông tin mạng, nhưng lại có những người nhìn nhận đó là những bậc thầy về IT, hay có những người cho rằng Tấm trong truyện Tấm Cám cũng ác độc, ghê gớm chứ không hiền thục, nết na, thì có những người lại cho rằng hành động đó chỉ là tức nước vỡ bờ, con giun xéo lắm cũng quằn. Muốn bản thân vẫn tiếp nhận được cái tốt mà không bị ảnh hưởng bởi cái xấu thì chính ta phải biết dung hoà, phải biết phân biệt đâu là truyện, đâu là đời. Bạn có quyền chọn cho mình một cuốn ngôn tình, có quyền mơ về một tình yêu đẹp, nhưng cần dừng lại ở mức độ vừa phải, và hãy lấy nó làm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Cuộc sống đâu giống như trong truyện, cuộc sống đòi hỏi bạn phải nỗ lực hết mình rồi mới nhận được quả ngọt, và trong quá trình nỗ lực ấy, bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi hay chênh vênh, có thể thử đọc một cuốn ngôn tình, rồi lấy những điều tốt đẹp ở đó mà tự tin bước tiếp. Cái gì cũng cần vừa phải, và quan trọng là ta biết điều chỉnh chính cảm xúc của mình, cực đoan quá thì không nên và mơ mộng quá thì cũng không được. Lựa chọn bị ảnh hưởng bởi mặt nào của truyện ngôn tình và cho rằng ngôn tình là thế giới xám hay thế giới hồng, phụ thuộc vào việc bạn chọn, rồi đọc và suy nghĩ về truyện như thế nào.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất