[Truyện ngắn] Trái tim của Tỷ Can
Tỷ Can bước vội. Xe ngựa đưa ông tới trước cửa hoàng cung rồi dừng lại, đoạn đường từ cửa cung tới Lộc Đài ông phải đi bộ. Trụ Vương...
Tỷ Can bước vội. Xe ngựa đưa ông tới trước cửa hoàng cung rồi dừng lại, đoạn đường từ cửa cung tới Lộc Đài ông phải đi bộ. Trụ Vương có lệnh triệu gấp giữa đêm khuya khiến ông lo lắng. Băng qua Sái bồn và Bào lạc, ông không khỏi lắc đầu. Lũ rắn trong đêm cuộn tròn lại ngủ, xác mấy viên quan và nội thị vẫn ở đấy không ai dám xuống đem lên chôn cất, chẳng mấy nữa lũ rắn sẽ ăn thịt hết chỉ còn lại xương trắng. Bên kia Bào lạc, mùi cháy khét vẫn thoang thoảng luồn vào mũi, tiếng kêu thảm của Mai Bá như văng vẳng bên tai khiến mồ hôi lạnh chảy ra ướt tay ông.
Sau vụ Hiên Viên phần, Tỷ Can cáo bệnh ở nhà, muốn tĩnh tâm suy nghĩ cho đại nghiệp nhà Thương nhưng ngoài tiếng thở dài ra, ông chẳng tìm được điều gì cả. Sự mục ruỗng của triều chính khiến cho dân chúng cũng dần thay đổi. Nhiều thông tin giả được loan truyền, những tập tục dị đoan trở nên phổ biến, giáo dục suy đồi. Báo lá cải mọc lên như nấm, ba hôm trước Tỷ Can đọc được tin về đám tang của mình với ảnh thờ là khuôn mặt ông cắt ra từ bức ảnh chụp toàn bộ bá quan văn võ ngày Ân Thọ đăng cơ khiến ông vừa cười vừa giận. Chưa kể đến mục chiêm bốc đã đổi từ việc xem Nhị Thập Bát Tú Tứ Phương Thần Thú sang Mười hai chòm sao và dự kiến sẽ thành Mười ba chòm sao trong năm tới khiến ông ngán ngẩm. Có lẽ, mình nên cáo lão về quê, đã nhiều lần Tỷ Can nghĩ vậy nhưng không ra sức phò trợ Đế Tân thì sẽ có lỗi với Thành Thang và các liệt tổ liệt tông nhà Thương nên ông cắn răng ở lại.
Đang bần thần suy nghĩ thì ông đã bước tới cửa Lộc Đài. Trụ Vương đang đi đi lại lại trong điện chờ ông tới. Đưa mắt lên nhìn, Tỷ Can vẫn thấy thân hình vạm vỡ chín trâu hai hổ khi xưa nhưng đáy mắt đã trũng sâu còn ấn đường thì xám đậm, tửu sắc hại thân, ông thi lễ thì Ân Thọ đã khoát tay và nói.
- Hôm nay ta vời Hoàng thúc vào là có điều muốn nói riêng với ông, chỉ mong rằng sau khi ta nói xong ông sẽ không giận.
- Bẩm, cúi xin bệ hạ cứ nói.
- Chả là ái phi của ta mắc bệnh đau tim. Một năm ba bốn bận có cảm giác như có thiên quân vạn mã giẫm đạp lồng ngực, đau thấu trời đất, không thể ăn uống đi lại chỉ có thể nằm một chỗ. Ta đã cho vời ngự y chăm sóc nhưng Hoàng thúc biết đấy thời thế nhiễu nhương ngự y cũng chỉ có vài ba bài thuốc trong mình, chữ Giáp Cốt viết không nổi một câu thì sao có thể đọc sách y từ thời Hoàng Đế truyền lại được. Nuôi bao kẻ ăn không ngồi rồi há miệng đợi việc, nay có việc thật thì lại chẳng dùng được vào đâu, ta đã ra lệnh đem chúng vào Bào lạc thiêu sống hết cả rồi. Bao nhiêu bài thuốc chúng kê từ sừng tê, ngà voi, trầm hương, đồi mồi hay ngọc trai ta đều mài ra cho nàng uống thử nhưng chẳng có gì công hiệu. Ta cũng đã sai người ra biển Đông tìm thuốc tiên nhưng một đi không trở lại, nơi Bột Hải, Thái sư cũng đã sai người đem vây người cá để hầm tẩm bổ nhưng chẳng ăn thua.
Thương xót ái phi cứ gầy mòm trong đau khổ ta cũng mời hết thầy thuốc trong thành đến, nhưng lương y thì ít mà lang băm thì nhiều, bởi thế ta cũng băm chúng rồi. Chỉ có duy nhất một kẻ họ Thân tự xưng là Quỷ Tiên Thiên Khiển có nói rằng chỉ có Thất khiếu lung linh tâm mới có thể chữa được bệnh của quý phi thôi mà người có Thất khiếu lung linh tâm trong thiên hạ chỉ có mình Hoàng thúc. Ta nghe xong cả giận đã tống hắn vào ngục thất, quất trăm roi vì tội phạm thượng nói lời điêu ngoa. Nhưng hắn vẫn cứ khăng khăng nói rằng chỉ có tim của ông mới có thể chữa bệnh cho ái phi ta. Mọi cách ta đều đã thử, nay chỉ có cách này là chưa. Cúi xin Hoàng thúc cho ái phi ta một đường sống, dâng tim chữa bệnh. Ta xin đội ơn Hoàng thúc đời đời.
- Tâu bệ hạ, vốn từ xưa cứu người là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Chẳng những thế đạo quân thần, lấy chữ trung làm đầu. Quân bảo thần tử, thần bất tử bất trung. Tỷ Can là trọng thần nhà Thương, nếu cãi lệnh vua thì sau này Khổng Tử sao có chuyện để ghi vào sách được. Hơn nữa, ta từ nhỏ đã bệnh tật ốm yếu tất cả chỉ vì trái tim bảy lỗ này mà ra. Nay nghe được rằng tim mình có diệu dụng chữa bệnh cứu người, ta trộm mừng trong lòng, nguyện dâng tim cho quý phi. Chỉ cúi xin bệ hạ hỏi gã thầy thuốc kia cách phụng dụng tim của ta cho hiệu quả nhất. Bởi tim chứa đựng tâm can, quả tim thì đỏ chứ tâm can thì đen trắng khó lường. Người trên đời tâm đen, tâm trắng, tâm càng trắng tim càng cứng rắn thẳng băng. Tim ta lại có bảy lỗ tâm can chứa trong đó ngày ngày tỏa ánh sáng ra ngoài, khiến tim cứng rắn bất thường, ăn sống thì gãy răng mà nấu cũng không thể chín. Chẳng biết có cách nào khiến giúp quý phi phục dụng tâm ta chăng?
- Điều này gã họ Thân cũng đã nói với ta rồi. Tâm can của người trong trắng đến đâu cũng không thoát khỏi ba thứ tiền tài, danh vọng và sắc dục. Chỉ cần mang tim ông để lên ngôi cao, xung quanh chất đầy vàng bạc châu báu, ngày ngày cho mỹ nữ đến ca múa, đổ rượu ngon sau chín chín tám mốt ngày là có thể phục dụng.
- Lời của vị lang y kia thật đáng suy nghĩ. Vậy thần xin moi tim mình ở ngay đây để dâng cho bệ hạ.
Nói đoạn Tỷ Can, cởi áo để thân trần, rồi lấy tay bửa lồng ngực mình ra để lộ trái tim Thất khiếu lung linh, ánh sáng từ tâm can phát ra sáng lóa cả đêm thâu lu mờ hết mọi đèn nến trong cung điện. Trụ vương trên ngôi cao kinh hãi ngắm nhìn trái tim ấy. Tỷ Can mỉm cười giật mạnh quả tim ra rồi đóng lồng ngực lại, tiến đến gần Trụ Vương và quỳ xuống.
Ân Thọ mặt tái mét nhìn trái tim sáng lòa đang co bóp trên tay vị Hoàng thúc. Lập bập bước xuống từ ngôi cao, cầm theo chiếc đĩa làm từ hắc ngọc ngàn năm. Tỷ Can đặt trái tim lên đĩa ngọc, ánh sáng toát ra bị chiếc đĩa hấp thụ một phần khiến trái tim trở nên ảm đạm, ông cúi đầu thật thấp.
- Nếu không còn việc gì nữa, thần xin cáo lui.
Ân Thọ hết nhìn quả tim trên đĩa rồi nhìn Tỷ Can, mặt ông nghiêm túc, mắt sáng quắc, tâm rời người rồi mà bất động rung, bèn thở dài khoát tay.
Tỷ Can cúi đầu lạy tạ, bước lùi ra cửa lớn.
***
Ra đến ngoài cung điện, mặt trời phương Đông cũng đã ló dạng, nắng chảy tràn con phố lộ ra những đống rác trên đường do đội vệ sinh thành phố đêm qua mải nhậu say quên làm việc. Tỷ Can lấy áo che mũi vừa bước vừa để ý dưới chân vì hố ga mất nắp rất nhiều chưa kể đến việc do san lấp và nén nền ẩu nên có nhiều đoạn bị sụt lún khiến cho vỉa hè cũng có những ổ gà to tướng. Tỷ Can sờ lên ngực mình, tiếng thịch thình xưa nay vẫn đều đặn vang lên giờ không còn nữa. Bụng hơi quặn đau, chắc là do gói thuốc ông uống trước khi vào cung, bởi có mấy sợi mốc xanh lơ thơ trong gói chắc là do Khương Tử Nha không chú trọng khâu an toàn khi sản xuất thuốc mà ra. Bước chân ông xiêu vẹo, nặng nề mấy lần suýt tụt xuống hố ga nhưng né kịp. Đô thành sáng sớm người đi lại tấp nập, ô tô xe máy chen lấn nhau mà tiến. Đến ngã tư sau khi bị ba chiếc xe máy do không đợi được đèn đỏ mà phi lên vỉa hè nghiến vào chân, ông Tỷ Can của chúng ta quyết định rẽ vào một phố nhỏ hơn mong thoát khỏi đoàn người ùn tắc và tìm kiếm chỗ ngồi nghỉ bóp chân.
Phố ông rẽ vào là một cái chợ tạm buổi sáng cũng tấp nập không kém phố chính dù không có nhiều bóng dáng ô tô. Tiếng giao hàng, tiếng ngã giá, tiếng gà vịt sống quện rộn ràng, Tỷ Can thấy hơi lạc lõng vì bộ đồ ông mặc trên người. Áo thụng, giầy vải, trâm cài đầu lịch sự và kín đáo quá lệch tông giữa lố nhố quần jean, quần lửng, áo khoét nách và áo ba lỗ phóng khoáng lồ lộ thịt da. Ông cố gắng cư xử tự nhiên, đi dọc chợ, không nhìn quanh quất để tránh lỗi đạo quân tử mà sau này Khổng Tử dạy dân. Ông tự răn tiền nhân phải làm gương hậu thế mới noi theo được. Chợt có tiếng rao: Ai mua rau muống ao không? Rau muống ao 100% lá xanh, ngọn mập, luộc xào đều ngon đây.
Tỷ Can nghe thấy lạ bèn quay sang nhìn, một người đàn bà ngoài năm chục tuổi, đẫy đà béo tốt, mặc một bộ đồ vải lanh màu vàng chóe, trước ngực thêu hai đóa hoa hồng đỏ loét, mụ đánh phấn trắng toát, bôi son đỏ choẹt. Thấy Tỷ Can quay sang hết nhìn mình rồi lại nhìn rau, mụ liền đon đả:
- Mua rau đi anh ơi? Rau muống ao, ngọn mập, lá xanh, em vừa vớt sáng nay đấy. Rau này mà xào với thịt trâu thì hết ý, ngon hơn cả rau lang; không thì luộc vắt thêm ít chanh vào ăn vào mát thôi rồi…
- Rau muống rỗng ruột thì được. Thế người không tim thì sao?
Mụ đàn bà ngớ ra một lúc, rồi cười hô hố, váng cả một góc chợ. Mụ cười ngặt nghẽo, nước mắt nước mũi chảy dòng dòng, trôi tuột lớp trang điểm, lộ những lốm đốm tàn nhang trông đến kinh. Tỷ Can thấy mụ cười phật lòng hỏi lớn:
- Có chuyện gì mà chị lại cười như vậy? Tôi hỏi gì sai à?
Mụ cố gắng ngưng cười, vỗ vỗ vào bộ ngực phì nhiêu, thở gấp gáp nhưng tiếu ý nơi khóe mắt vẫn tràn trề. Mụ nói mát:
- Trời ơi! Ông anh âm lịch quá thể ông anh ạ. Người không có tim thì tất nhiên là sống khỏe như rau muống rồi, kiến thức sơ đẳng như vậy mà ông anh cũng không biết à. Hố hố… Nói đến đây thì mụ lại cười ngặt nghẽo.
Tỷ Can cáu giận hỏi người đàn bà:
- Thế cô còn tim không?
Người đàn bà càng cười to hơn: Tất nhiên là em không còn tim rồi. Tim với tâm gì chứ. Hố hố… Anh đi hỏi cả cái chợ này xem có ai còn tim không? Hố hố… Hỏi cả cái xã hội này mới đúng chứ. Thế ông anh còn tim không?
Tỷ Can lắc lắc đầu đầu, mặt buồn mênh mang.
- Anh đã không còn tim rồi thì hỏi mấy chuyện này làm gì? Em chưa thấy ai âm lịch mà lại ngớ ngẩn như ông anh đấy! – Nói đến đây người đàn bà lại bật cười ngặt nghẽo. – Ông anh không nhớ à? Mới tháng trước, triều đình ra chiếu chỉ toàn bộ người dân Triều Ca phải đi mổ tim, lính tráng đến từng nhà ép người vào bệnh viện mổ, nhoáng một cái mấy vạn dân Triều Ca chẳng còn ai còn tim cả. Không có tim càng tốt, từ ngày mổ tim, em thấy mình béo khỏe ra, ngực không bị chèn ép ngày càng lớn lên, không tin ông anh sờ thử xem này? Triều đình mấy năm nay tăng cao thuế má nhưng cái chiếu chỉ này thì đúng đắn lắm đấy ông anh ạ. À đây – mụ chỉ tay vào tờ cáo thị đã rách đến quá nửa, vẫn còn hình một lồng ngực mổ phanh với con tim run rẩy cùng chiếc dao mổ lấp ló – cáo thị đây này ông anh. Ông anh mất tim xong thành ra ngẫn à?
Tỷ Can nghe mụ nói nghệt mặt, ông không hề biết gì về chiếu chỉ này, báo chí cũng không nói một lời, có lẽ Đắc Kỷ một tay thao túng đã bưng bít hết vụ này. Nghĩ đến việc toàn bộ tim của dân chúng đã nằm trong dạ dày Đắc Kỷ ông lợm giọng.
- Mua giùm em mớ rau đi ông anh. Không thì mua em cũng được? Em thích mấy người âm lịch như ông anh lắm.
Tỷ Can lắc đầu, một tay bịt miệng, lảo đảo bước đi. Ông vừa đi vừa nghĩ về lời của mụ đàn bà bán rau. “Người không tâm thì tất nhiên là sống khỏe như rau muống.” Thật vậy sao? Lồng ngực bên trái của ông lại nhói lên. Một tiếng rao khác lại lọt vào tai ông.
-Tim đây! Tim đây! Ai mua tim không?
Tim gà be bé, mười nghìn một cân. Tim lợn to to, mười nghìn một quả. Tim bò đại tướng, hai chục vừa mua. Mua tim về xào hành tỏi thêm vào, hàng xóm lao xao, chạy sang xin miếng! Tim tươi đây! Tim mới nhập còn đập đây. Tim còn cười, tim còn mếu, cuống tim trắng hếu, chảy máu đỏ hồng!
Một người đàn bà tuổi suýt soát ba chục đang eo éo giữa khu bán thịt. Chữ ‘tim’ khiến Tỷ Can bị rúng động. Ông bước lại gần quầy hàng của ả. La liệt các loại tim được bày trên quầy hàng của mụ. Tim gà nho nhỏ bằng ngón tay cái trong túi nilon xanh loại 10 lít, tim lợn to bằng nắm tay nằm cạnh mấy quả tim bò đại tướng. Ả vừa phất phơ cái que đuổi ruồi tự chế vừa đon đả mời Tỷ Can.
- Anh gì ơi tim không anh? Sáng ra mua quả tim về xào nhắm với rượu là nhất anh ạ. Không thì anh mua quả tim nấu cháo tẩm bổ đi anh. Mặt anh tái thế kia chắc vừa ốm dậy đúng không? Mua quả tim về cho chị nấu cháo ăn vào khỏe lại ngay. Tim nhiều chất dinh dưỡng lắm anh ạ…
Ả vẫn đon đả mời nhưng Tỷ Can không nghe thấy, mắt ông dính vào chiếc túi đen mé tay phải ả bán hàng, ông thấy những chuyển động nhịp nhàng, ông nghe những tiếng thình thịch khẽ khàng vang lên xoáy sâu đâm thẳng vào lồng ngực trái.
- Cái gì kia?
Ả cười híp mắt lại. – Ông anh tinh mắt thật nhìn ngay ra hàng tốt. Tim người đó ông anh ạ.
Giọng ả thì thầm nhưng những lời đó như xoáy sâu vào lồng ngực trái trống rỗng của Tỷ Can. Ông nôn thốc nôn tháo xuống lề đường. Mụ đàn bà thấy vậy vội xẵng giọng xua đuổi.
- Cút ra chỗ khác mà nôn. Sáng sớm hãm quẻ. Tim người ta mới nhập từ viện về còn tươi còn mới. Ông nôn ở đây khác nào bảo đồ của tôi là đồ ôi đồ bẩn à? Nói cho ông biết nhá. Đây toàn là tim của người Thương, người Triều Ca đấy nhá chứ không phải là đồ nhập, đồ lậu bên Tàu về đâu. Vớ vẩn. Hãm quẻ. Thôi phắn đi cho người khác làm ăn.
Tỷ Can giờ chỉ còn nôn khan vội lảo đảo bước đi, cả thành Triều Ca giờ này chỉ toàn là những kẻ không có tim, không có tim, không có một trái tim nào cả !!!
***
Thằng bé cười cười chìa củ khoai nướng cháy quá nửa trước mặt Tỷ Can.
- Con tặng chú này. Mấy ngày nay, chú cứ nằm đây chẳng ăn uống gì cả. Con nghĩ chắc chú đói lắm. Chú có khát nước không con đi lấy nước cho chú nhé?
Tỷ Can gật gật nhìn thằng bé. Nó trạc mười tuổi, thân hình gầy còm, quần áo rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu nhưng đôi mắt tròn và sáng. Thằng bé lật đật chạy ra con suối gần đó. Nước suối đen đặc quánh như keo, nó lấy ống tre bên hông nó nhẹ nhàng gợn phần nước mặt vào ống.
Tỷ Can nhận củ khoai và ống nước từ tay thằng bé. Củ khoai nướng sai cách, một nửa sống còn một nửa cháy thành than, nước trong ống lại tanh mùi kim loại nặng do nước thải xí nghiệp xử lý quặng đồng của Phí Trọng thải ra nhưng Tỷ Can ăn uống rất ngon lành. Có lẽ do ông đói và khát, ông cũng không rõ lần cuối ông được ăn được uống là từ khi nào. Hôm đó, thay vì về phủ, Tỷ Can đi lang thang vô định, thần trí ông tỉnh mê hỗn loạn, vừa đi ông vừa lẩm bẩm “Không có tim! Không có tim!”. Ông ngủ bờ ngủ bụi, bới rác kiếm ăn. Chẳng ai biết ông là Tể tướng Tỷ Can – thúc phụ của Trụ Vương Ân Thọ, chính ông cũng không biết mình là ai.
Một ngày khi lang thang trên đường kiếm ăn, Tỷ Can bắt gặp một đám tang lớn, tiếng than khóc, tiếng kèn trống vang trời. Ông vội hòa vào dòng người lao tới cướp lộc, tấm ảnh thờ đập vào mắt ông một khuôn mặt quen thuộc. Đó chính là Tỷ Can, khuôn mặt ông cắt ra từ bức ảnh chụp toàn bộ bá quan văn võ ngày Ân Thọ đăng cơ. Đây là đám tang của Tể tướng Thương triều – thúc phụ của Đế Tân Tử Thụ – Tử Tỷ Can – con trai của Thái Đinh vua thứ hai mươi tám của nhà Thương. Ông đã chết rồi! Đúng Tử Tỷ Can đã chết rồi, chỉ còn đây một kẻ không có tim thôi.
Đám tang đi qua bỏ lại Tỷ Can đứng lặng với một cây oản trên tay. Ông cúi xuống nhìn cây oản, há mồm, nuốt trọn cây oản và lảo đảo bước đi. Từ đó tới nay, Tỷ Can chẳng ăn thêm gì cả.
Có một điều gì đó từ thằng bé khiến thần trí Tỷ Can tỉnh táo trở lại. Một cảm giác đặc biệt về sự toàn thiện, ấm áp và thơ ngây tỏa ra từ thằng bé. Thằng bé mang trong người một báu vật nào đó giúp thần trí ông tỉnh táo và đặc biệt nó lấp đầy khoảng trống bên ngực trái Tỷ Can. Ông vẫy tay gọi thằng bé lại gần, lấy tay chỉ vào ngực trái mình. Thằng bé cười khì lắc đầu, nó lấy tay chỉ vào lồng ngực bên phải. Thằng bé có trái tim ở bên phải. Những kẻ mổ tim của thằng bé hoặc đã quá máy móc chỉ để ý lồng ngực bên trái mà ngó lơ trái tim nằm phía bên phải, hoặc có một kẻ nào đó đã cố tình mở lối cho trái tim đặc biệt ấy được ở lại trong thân thể một con người.
Từ đó, Tỷ Can và thằng bé sống với nhau. Hai người dựng một túp lều nhỏ, sáng đi kiếm ăn tối về đó ngủ. Thằng bé cũng kể chuyện đời nó cho Tỷ Can nghe, nó là con hoang lớn lên trong trại mồ côi chưa từng biết mặt bố mẹ, năm tám tuổi nó cùng bạn bè nghe lời anh lớn bỏ trốn khỏi trại, ra ngoài kiếm ăn, lăn lộn đánh giày bán báo. Hai năm đổ lại đây, xã hội nhiễu nhương hỗn loạn, cũng chẳng còn ai thương tình tụi nó cơ nhỡ mà bố thí hay cho ăn. Bạn bè nó đứa bị bắt, đứa bị đánh chết, đứa bỏ Triều Ca theo nạn dân sang Tây Kỳ chỉ còn mình nó bám trụ. Nửa năm đổ lại, mọi thứ càng trở nên khắc nghiệt, nó phải đào trộm khoai, bắt trộm gà để sống, nhiều khi bị đánh tưởng chết nhưng vẫn trốn đi được. Chỗ Tỷ Can nằm vốn là chỗ nó hay trốn lúc trước. Nó cũng để ý ông nằm đó từ lâu. Hôm nay nó quyết định hỏi thăm ông một lần trước khi rời Triều Ca theo các nạn dân khác. Âu cũng là định mệnh.
Tỷ Can nửa điên nửa tỉnh nghe nó kể chuyện, cũng thương thay phận nó. Cũng thương thay vận mệnh Thương triều. Nhà Thương mạt vận rồi, xin lỗi tiên tổ, xin lỗi Thái Đinh, cơ nghiệp mấy trăm năm sắp bị hủy hoại rồi, Tỷ Can vô năng cản cơn sóng dữ, nay còn chui rúc ở đây, Tỷ Can có lỗi với liệt tổ liệt tông. Nước mắt ông hai hàng chảy trên khuôn mặt bẩn thỉu, thằng bé ôm ông vào lòng. Trái tim nó đập nhẹ nhàng tỏa ra hơi ấm bình ổn tâm hồn ông.
Thằng bé vốn là đứa lắm lời, chuyện gì nghe được nó đều về kể cho ông nghe. Nào là truyền đơn Mạnh Tân, Trần Đường phản Trụ, Đồng Quan bị phá, Văn Thái sư trận vong, Xuyên Vân bị phá… Một ngày, thằng bé thủ thỉ:
- Hay là nhân lúc nhà Thương thất thế, mình chém đầu vua Trụ rồi nộp cho nhà Chu để lĩnh thưởng bố nhỉ? Lúc ấy, thì nhà cao cửa rộng tiền vạn bạc ngàn, đầy tớ sai bảo, ta được ăn sơn hào hải vị, nằm giường nhung, đắp chăn lông ngỗng chứ không phải nằm đất lạnh ăn khoai nướng như này nữa.
Mắt thằng bé long lanh, tim nó đập mạnh từng hồi. Trái tim ngây thơ thuần khiết của nó đang dần trở nên ngạo ngược càn rỡ, trái tim cuối cùng của Triều Ca, của Thương triều đây ư? Nó đã biết phản lại Thương triều để đi theo tiếng gọi của ngọc ngà châu báu, của nhà cao cửa rộng. Cũng phải thôi, giữa một xã hội không có trái tim thì trái tim nào thuần khiết cho nổi. Tỷ Can ôm thằng bé vào lòng nước mắt ông chảy ra. Ông phải làm điều gì đó để trái tim này thuần khiết mãi mãi.
Tới đêm khi thằng bé đã ngủ say, Tỷ Can lấy dao đâm mạnh vào cổ nó. Thằng nhỏ chết ngay tức khắc, nó không biết điều gì đã xảy ra, cũng chẳng thể hiểu nổi điều gì vừa xảy ra. Đó có lẽ là hạnh phúc nhỏ nhoi mà Tỷ Can đã mang lại cho nó. Nếu nó biết người nó cưu mang, yêu thương bấy lâu nay là người đâm chết nó thì không biết nó sẽ đau lòng cỡ nào. Ông xẻ đôi lồng ngực và nhìn thấy trái tim vẫn còn đập thoi thóp của thằng bé. Trái tim cuối cùng của nhà Thương, của Triều Ca đây rồi. Trái tim tỏa sáng lấp lánh, ánh sáng hiền hòa êm dịu, một trái tim làm bằng ngọc quý, là tinh hoa của con người, là sự vĩ đại cuối cùng mà Thương triều có được. Ông cất trái tim đó vào trong chiếc hộp bằng gỗ long não ông vô tình tìm thấy trong một lần ghé lại phủ đệ đã đổ nát của mình. Trái tim ấy phải được truyền lại cho thế hệ sau, triều đại sau, ngàn đời sau, để răn dạy, để nhắc nhớ rằng một con người phải giữ được trái tim thuần khiết, những trái tim thuần khiết sẽ tạo nên một xã hội đẹp đẽ, một vị vua với trái tim thuần khiết sẽ khiến muôn dân được no ấm.
Ông ôm chiếc hộp gỗ vào lòng và ngây dại nhìn cái xác của thằng bé. Thằng bé đã bị giết, đã phải hy sinh vì nghiệp lớn, vì ngàn đời sau, nhưng sẽ chẳng ai biết đến nó và chẳng ai biết có một kẻ ghê tởm vong ân bội nghĩa đã sát hại nó vì cái gọi là Thương triều vì cái gọi là báu vật, vì cái gọi là ngàn đời sau. Suy cho cùng Tỷ Can ông cũng chỉ là một kẻ mất trái tim.
***
Thành Triều Ca cháy lớn, lửa từ hoàng cung lan ra khắp nơi. Khắp nơi nhốn nháo, lính Tây Kỳ sục sạo mọi ngóc ngách tìm cho ra dư đảng của Thương triều. Tỷ Can nằm co ro một góc phía tây thành đầu gối tai áp sát vào hộp gỗ, tiếng thình thịch của quả tim vang dội làm ông dễ chịu, giữa khói lửa loạn lạc này, hình như vẫn còn những tồn tại đẹp đẽ, thân thương. Trái tim vẫn còn đập những ấp ủ hoài vọng còn đó. Người ngoài kia đang chém giết, người ngoài kia đang đốt phá, người ngoài kia điên cuồng nhưng trái tim vẫn ở đây, vẫn còn, vẫn còn.
Từ tinh mơ, đã có loan báo về việc Vũ Vương sẽ nhập thành. Lính Tây Kỳ sau một đêm gà bay chó chạy giết hàng trăm người vẫn phải xách giáo lên đi phong tỏa bốn phương, người ngáp dài, kẻ dụi mắt nhìn vầng mặt trời vàng vọt yếu ớt nhô lên từ phía hoàng cung vẫn đang cháy lớn. Giữa cơn ngái ngủ, tưởng như mặt trời không sáng bằng ngọn lửa vẫn đang hừng hực thiêu rụi cả thế gian kia. Tiếng nức nở vẫn thỉnh thoảng vang lên, không biết là vì niềm vui hay nỗi buồn. Tỷ Can cũng đón chờ ngày đó, ông dâng lên một báu vật, một lời răn, lời nhắc nhở của triều đại cũ gửi triều đại mới, một trái tim vẫn giữ được sự trinh nguyên, một trái tim không bị ai ăn mất, vẫn đập từng tiếng thình thịch nhẹ nhàng. Ông chen lấn giữa đoàn người đón chờ thời khắc trọng đại đẩy kẻ này, đạp người kia, tiếng nức nở ỉ ôi vẫn thỉnh thoảng vang lên. Người làm sao có thể hết khóc được dù là Trụ Vương hay Vũ Vương đi chăng nữa!
Kia rồi! Đoàn người tiến vào từ Tây Đại Môn. Cờ xí phấp phới, Chu Vũ Vương Cơ Phát cao lớn, ngũ quan đoan chính cưỡi con tuấn mã trắng toát đi ở giữa. Mắt chàng ta nhìn thẳng về phía trước, môi nở nụ cười đắc thắng, thỉnh thoảng chàng vẫy tay với người dân xung quanh. Bên phải Vũ Vương, cưỡi một con ngựa xám, mũ cao, trâm cài, đạo mạo nghiêm trang giữa ngày vui mà mày vẫn chau chính là Cơ Đán. Chàng đang nghĩ về việc cải cách ruộng đất, lập lại trật tự và luật lệ. Bên trái Vũ Vương, cưỡi một sinh vật kỳ lạ sừng giống hươu nhưng không phải hươu, mặt giống ngựa nhưng không phải ngựa, tiếng kêu giống bò nhưng không phải bò, đuôi giống lừa nhưng không phải lừa chính là Khương Tử Nha. Tỷ Can nhìn thấy đoàn người bèn chen lấn chui qua hàng rào lính tráng Tây Kỳ, chạy ra giữa đường lớn.
- Ta là Tỷ Can. Ta muốn dâng lên Vũ Vương một báu vật.
Tỷ Can vui sướng, mở chiếc hộp gỗ ra. Một trái tim đỏ rực vẫn còn đang đập được phô bày ra giữa ánh nắng. Ở cuống tim từng chùm sáng chảy ra hắt thẳng vào mặt Khương Tử Nha. Tử Nha lấy tay che mắt rồi hỏi lớn:
- Kẻ dưới kia là ai mà dám to gan chặn đường của Vũ Vương? Thứ ngươi đang cầm trên tay là tà thuật gì?
- Ta Tỷ Can đây! Còn đây là trái tim thuần khiết, trái tim không vướng bụi trần.
- Điêu dân to gan! Thừa tướng Tỷ Can bị Trụ Vương áp bức đã qua đời. Làm sao có một Tỷ Can thứ hai ở đây được. Còn tim là uế vật, người Tây Kỳ của bọn ta không có, sao ngươi dám bày ra trước mặt Chúa thượng của ta?
- Ta thật sự là Tỷ Can đây. Thương triều bại rồi, ta làm sao phải tự nhận mình là người Thương triều làm gì. Còn trái tim là thứ chứa đựng tâm can con người, trái tim càng trong trắng, tâm can càng ngay thẳng…
- Đúng là thằng điên. Người sinh ra vốn đâu cần tim, chỉ có người Thương các người sinh ra khuyết tật bị thừa tim mà thôi, tim là thứ cần phải cắt bỏ mới có thể tồn tại được.
Nói đoạn, Khương Tử Nha vung tay lên trời hô vang: Người không cần tim!
Quân sĩ và dân chúng hai bên đường cũng hò reo theo: NGƯỜI KHÔNG CẦN TIM! Sống không cần tim! SỐNG KHÔNG CẦN TIM! Quân bay đâu lôi thằng điên ra ngoài cho ta, đánh năm mươi trượng rồi đuổi ra khỏi thành.
Binh lính lao lên túm lấy Tỷ Can giải ra ngoài. Chiếc hộp gấm trong tay ông rơi ra, quả tim lăn lông lốc xuống dưới chân Tứ Bất Tướng. Con thú tròn xoe mắt nhìn dị vật rồi giơ chân dẫm nát. Đoàn ngựa xe lại tiếp tục tiến vào Triều Ca, mặc cho tiếng kêu đau đớn của Tỷ Can vang lên từ phía xa. Thỉnh thoảng đâu đó vẫn có tiếng nức nở.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất