Rainy nights in London, 1899.
Cỗ xe ngựa đưa Manvers Colin tiến về Holloway cách Islington khoảng 1,2 dặm theo đường chim bay, phóng xuyên qua màn mưa trắng xóa mịt mù; thời tiết của Luân Đôn mấy ngày này đều đổ những cơn mưa nặng hạt thất thường, thật khiến con người ta cảm thấy ủ ê xen lẫn với khó chịu.
Ngồi trong xe, Manvers nghe rõ tiếng mưa rơi đập mạnh vào lớp mái bằng gỗ phía trên đỉnh đầu, ở hai bên vai và lưng; mùi ẩm ướt hoà lẫn vào không khí cùng cái lạnh bao trùm lấy thân thể nóng hổi của Manvers khiến ông không nén được từng cơn run bần bật như người bị sốt. Nặng nề và choáng váng, dù đã bọc kín thân thể bằng ba lớp áo dày cùng với áo choàng tránh mưa, ông vẫn cảm thấy những giọt nước vô hình đang thấm vào người mình. Tiếng mưa lạnh lùng át đi tiếng bánh xe gõ lọc cọc trên mặt đường lát đá xám, ông chỉ biết cỗ xe ngựa vẫn di chuyển dựa vào cảm giác tròng trành và lắc lư khi ngồi ở bên trong. Manvers hoàn toàn không thích ra ngoài vào thời tiết xấu như thế này. Nhưng ông không thể chần chừ mãi được, bởi lẽ những cơn mưa cứ diễn ra liên tiếp chẳng mấy khi nào ngừng kể từ sau đám tang của Freud.
Sau một cơn rung lắc dữ dội, cuối cùng cỗ xe cũng dừng lại. Manvers ngồi im ỉm không vội bước ra ngoài, thay vào đó ông giữ chặt chiếc túi may bằng da đặt ở dưới bụng mà mình mang theo, ẩn sau lớp áo choàng dày. Dù đã được bọc kỹ càng cho tiết trời mưa gió nhưng Manvers vẫn cảm thấy có chút lo lắng. Ông biết món đồ này rất quan trọng. Nếu không vì nó, ông đã không tới đây.
Bên ngoài, tiếng của người xà ích rời rạc thét lên giữa âm thanh cuồng nộ của cơn mưa lớn. Manvers nghe loáng thoáng tiếng của một người khác đáp lại, ông mím môi, cân nhắc đưa mắt nhìn về lớp cửa kính mờ bên tay phải. Nước mưa đọng thành từng vệt lớn rồi trượt dài trên ô cửa nhỏ, nối tiếp nhau như kéo dài đến vô tận. Vài giây sau, một loạt tiếng gõ lên thành cửa vội vàng cất lên, Manvers không nén được rùng mình khi cánh cửa bên phải bỗng nhiên bật mở, một làn hơi nước lạnh lẽo từ bên ngoài tạt thẳng vào người ông. Ẩm ướt. Ầm ĩ. Suýt chút nữa Manvers đã nổi cơn thịnh nộ với người xà ích vì hành động đầy quýnh quáng của anh ta khiến ông không kịp chuẩn bị; nhưng chợt thấy anh ta đang nhắm mắt nhắm mũi dầm mưa chìa ô cho ông, Manvers liền thấy tắc nghẹn trong cổ họng, không nói được lời nào. Gật đầu thông cảm với người xà ích đang gánh thay thứ thời tiết cực đoan cho mình, Manvers cẩn thận ôm gói đồ thật chặt, sau đó mới khom người bước ra khỏi xe. 
***********
Bên trong dinh thự của Bá tước Lascelle Craven, mọi thứ đều yên tĩnh và ấm áp đến lạ lùng.
Manvers cởi áo choàng có dính vài giọt nước mưa bên ngoài, ngay lập tức một người hầu liền tiến tới và cầm lấy nó, treo lên một cây cột được đặt sát bức tường ngay lối ra vào. Khi Manvers bắt đầu tháo găng tay, một người có vẻ là quản gia của dinh thự đột nhiên tiến tới, cúi gập đầu chào ông. Người đó tự giới thiệu tên của mình là Richard. Manvers chỉ gật đầu không nói gì, bởi do nơi này quá xa lạ và tĩnh lặng khiến ông cảm thấy không yên tâm khi cất tiếng. Thêm nữa là, ông cũng chẳng được coi là có quen biết với Bá tước Craven. Một cuộc ghé thăm đột ngột trong tiết trời xấu xí. Manvers không rõ mình có được chào đón ở đây không.
“Tôi đã thông báo cho Bá tước, và thật bất ngờ - ngài ấy đã đồng ý gặp ông.” Vị quản gia tên Richard nói, không rõ là do vui mừng hay là khó hiểu nên giọng của ông ta có chút run run. “Ngài ấy vẫn đang chờ ông ở trong phòng khách, xin mời.”
Manvers nghe vậy liền thở ra một hơi nhẹ nhõm. Ông không hề biết rằng nếu mình không lấy lý do là vì Freud, Bá tước sẽ chẳng bao giờ chấp nhận cuộc hẹn gặp này.
Vị quản gia cung kính đi trước dẫn đường, Manvers liền nối bước theo sau. Dinh thự cũng không lớn và không gian bên trong được trang trí theo tông màu trầm ấm, nhìn vào có cảm giác phóng khoáng nhưng không đến mức cầu kỳ phô trương, chứng tỏ chủ nhân của nơi này có vẻ là người khá trầm tính và khiêm tốn. Hành lang có phần hơi hẹp, trên các bức tường treo đầy những bức tranh sơn dầu đủ mọi thể loại và kích thước, vài tấm phù điêu bằng đồng được đính song song ở hai bên lối đi. Phía trên chiếc bàn thấp giữa hành lang được đặt một bình hoa bằng sứ, nhành hoa huệ tây trắng muốt đưa một mùi hương thoang thoảng, lan tỏa cho đến cuối hành lang vẫn còn cảm nhận được.
Những gì Manvers biết về Bá tước Lascelle Craven chỉ thông qua lời rỉ tai của những người trong giới thượng lưu mà ông có cơ hội tiếp xúc, còn Freud thì chẳng bao giờ thốt ra nửa lời về mối quan hệ của mình với Bá tước. Giữa Freud và Lascelle có một mối thâm tình bí mật mà chỉ hai người mới hiểu rõ, và Manvers cũng chỉ biết nhờ những lời đồn đầy ẩn ý lan truyền trong giới quý tộc. Việc Bá tước đã ngoài ba mươi nhưng vẫn chưa kết hôn và thường xuyên xuất hiện trên con đường nối liền Holloway với Islington, sau đó là biến mất trong một ngôi nhà nhỏ trên phố Rothery khiến người ta đặt ra nhiều nghi vấn. Trong đó nổi bật nhất vẫn là việc Lascelle đang có một tình nhân bí mật ở ngôi nhà đó. Dù mọi chuyện diễn ra liên tục trong thời gian dài nhưng Bá tước chẳng bao giờ đề cập hay xác nhận điều này. Những lời đồn đoán cứ thế mà lớn dần. Còn kẻ tò mò thì được thêm một câu chuyện phiếm, dù không được Bá tước thừa nhận nhưng họ vẫn ngầm hiểu rằng ngài đang thực sự có người tình trong mộng ở Islington.
"Gần hai tuần nay, Bá tước không hề bước ra ngoài và cũng chẳng muốn gặp ai, dù là cha của ngài ấy từ nơi xa đến thăm." Richard bỗng nhiên cất tiếng phá tan sự im lặng giữa hai người. “Ngài suy sụp và ngã bệnh khiến cho đám gia nhân chúng tôi rất sốt ruột và lo lắng. Mới hôm qua thôi Bá tước còn đột ngột lên cơn sốt cao, thật may là sáng nay ngài ấy đã đỡ hơn. Nhưng trông Bá tước vẫn còn yếu lắm, rất dễ bị xúc động bởi những chuyện cỏn con. Hy vọng ông hãy lưu tâm và để ý tới ngài ấy giúp chúng tôi. Xin cảm ơn ông rất nhiều.”
Trước những lời dặn dò đầy cẩn thận của ông quản gia, Manvers bất giác cảm thấy có chút lo lắng, nhưng sau đó ông lại thấy đồng cảm với những gì Bá tước đang phải trải qua. Hơn ai hết, đặc biệt là ở thời điểm này, ông hiểu cảm giác của Lascelle Craven như thế nào. Không khác gì địa ngục. Sự ra đi đột ngột của Freud khiến Manvers không thể tin vào mắt mình, huống chi là Lascelle Craven - người có mối quan hệ đặc biệt với Freud. Manvers biết nỗi lo của ông quản gia là không dư thừa. Đến ngay cả Manvers cũng như đang phát bệnh - cái chết của Freud là một cú sốc lớn đánh thẳng vào tâm trí ông, khiến ông không khi nào ngừng ám ảnh. Manvers nghĩ rằng cho đến khi mình chết đi, ông vẫn sẽ không thể quên được tất cả những gì về Freud, về máu, về những trang giấy đỏ rực nằm vương vãi khắp phòng.
Sau khi nói xong, người quản gia trao cho Manvers một ánh nhìn đầy sự trông cậy rồi rời đi. Manvers bị bỏ lại ở ngay ngưỡng cửa phòng khách, ông lưỡng lự, nửa muốn bước tiếp, còn nửa kia thì muốn dừng lại. Bá tước đã đau đớn đến mức ngã bệnh mà ông vẫn còn gieo rắc cho ngài thêm nỗi giày vò nữa sao? Manvers vô thức nắm chặt chiếc túi trong tay mình, nóng rẫy, cảm giác như đang giữ một mối nguy hại khôn lường. Nếu không thể trao thứ này cho Bá tước, ông cũng chẳng có lý do giữ lại bên mình. Thật nặng nề làm sao. Đáng ra ông nên để thứ này ở lại với Freud, tất cả những gì về Freud đều phải được chôn vùi thật chặt, thật sâu dưới lớp đất dày, như bí mật mà chỉ mình Freud và Lascelle đã cố gắng giữ kín bấy lâu nay.
Vài tiếng ho khan đầy nặng nề vang lên khiến Manvers bị giật mình, ông vội vàng đánh mắt nhìn về phía căn phòng. Sự chần chừ làm ông giảm bớt niềm tin và mục đích của mình khi tới đây, Manvers liền nhắm mắt hít một hơi thật sâu rồi bước vào bên trong thật nhẹ nhàng, cố gắng không gây ra một tiếng động nào. Thứ thu hút Manvers đầu tiên là ô cửa kính lớn cao sát với trần nhà, rộng gần như bao trùm toàn bộ bức tường đối diện với lối vào, tấm rèm nhung màu ô liu được kéo sát qua hai bên và trông thấy rõ khung cảnh xám xịt giông bão ở bên ngoài. Phía bên phải căn phòng là một cái tủ búp phê cùng với giá sách nhỏ được kê sát tường, còn bên trái là bộ bàn ghế sa lông màu xanh đậm đặt quây vào với lò sưởi. Trên chiếc bàn tròn ở giữa phòng, cây vĩ cầm được để hờ hững bên cạnh một tập báo, như thể nó vừa được mang ra chơi nhưng chưa kịp cất vào.
Bóng người trên ghế động đậy. Manvers căng mắt nhìn nửa phần vai đổ lên phía trên của người đàn ông đang ngồi gần cửa sổ, đối diện với ngọn lửa đang thổi bập bùng trong lò sưởi. Một sự im lặng đủ khiến người ta e dè và ngần ngại. Trước khi Manvers kịp lên tiếng, người đàn ông như biết được sau lưng mình có gì, ngài liền chậm rãi quay đầu nhìn sang vai, nâng ánh mắt bình thản hướng về phía Manvers. Dù vẫn chưa gặp trực tiếp Bá tước Lascelle Craven lần nào, nhưng Manvers vẫn không thể tin nổi người ở trước mặt mình chính là vị Bá tước mà ông đang muốn gặp.
“Chắc ông là Manvers Colin?” Lascelle cất một giọng khàn khàn như người bị hen suyễn, cơn bạo bệnh đã lấy đi sức khỏe của ngài và để lại một cơ thể yếu ớt và rời rạc không khác gì lá mùa thu. 
“Vâng, chính là tôi.” Manvers lúng túng cúi đầu chào, hành động của ông có phần vội vàng và gọn lỏn quá mức. Bá tước nhoẻn miệng cười.
"Thứ lỗi cho tôi vì không thể đón tiếp ông một cách tử tế được." Lascelle chậm rãi xoay người về phía Manvers. "Chắc ông cũng nghe quản gia của tôi nói về bệnh tình của tôi rồi. Thú thật là tôi không muốn ai nhìn thấy tình trạng của mình thế này. Có phải trông tôi giống như một người sắp chết phải không?"
Manvers không coi đó là một lời nói đùa, mặc dù Lascelle đã thốt ra bằng một giọng thản nhiên và khuôn mặt của ngài vẫn bình tĩnh không hề suy suyển, vô tình tạo cho ông có cảm giác câu nói dường như sắp trở thành sự thật. 
“Tôi không muốn mình trở thành một kẻ có tội, thưa Bá tước.” Manvers bỗng nhẹ giọng đáp. “Tôi chỉ biết là nếu Freud còn sống, cậu ta sẽ không muốn trông thấy ngài mang dáng vẻ như thế này.”
Bờ vai của Lascelle chợt thả lỏng, Bá tước giương đôi mắt xanh xao lên nhìn Manvers một vài giây rồi khẽ chuyển ánh nhìn qua chỗ khác. Manvers tiến đến gần ghế sa lông và ngồi ở vị trí đối diện, tâm trạng của ông cũng phức tạp không kém Lascelle là bao. Sự ra đi của một người bao giờ cũng là nỗi đau cho người ở lại. Nhưng nỗi đau của Lascelle - dù ở thể xác hay tâm hồn - cũng thật sự khó diễn tả được bằng lời. 
Lascelle Craven thực sự đang mang dáng vẻ của người sắp chết. Manvers không thể phủ nhận điều này, dù nó khiến ông cảm thấy tức giận và ghê tởm với chính bản thân mình. Nhưng nhìn Bá tước mà xem, làn da tái nhợt bao trùm lấy thân thể gầy guộc trông như sắp nứt toác ra, hai bên má hóp lại khiến khuôn mặt gần như bị biến dạng. Mái tóc ngắn màu nâu được rẽ đầu ngôi về bên trái, vài lọn tóc ở trên đỉnh bị bồng lên và rối tung, trông vẻ hơi luộm thuộm. Còn đôi mắt xanh mờ mịt và hốc mắt trũng sâu, dù cố gắng quan sát đến cỡ mấy ông vẫn chẳng thể cảm nhận được một chút tia sáng nào ở trong. Ngay từ đầu khi trông thấy Lascelle đã tạo cho Manvers một cảm giác không ổn. Đó là hình ảnh của một con người đang suy sụp và khắc khoải trong nỗi bất hạnh hơn là dáng vẻ uy nghi thường thấy của một vị Bá tước chức cao vọng trọng.
"Vậy là ông đã biết chuyện của tôi với Freud?" Sau một hồi im lặng Lascelle bỗng hỏi. "Là Freud đã nói cho ông biết à?"
“Không, Freud chưa bao giờ nói điều gì với tôi cả.” Manvers đáp. “Cậu ấy rất im lặng và kín kẽ. Với lại tôi cũng không phải là người quá thân thiết với Freud...” Ông ngập ngừng trong giây lát, đưa mắt nhìn lên Lascelle. “...giống như ngài.”
Lascelle không biểu lộ nét mặt gì nhiều, ngài im lặng nhìn lại Manvers.
“Tôi chỉ làm công việc biên tập và chỉnh sửa cho sách của Freud, nói nôm na là người đỡ đầu cho những tác phẩm của cậu ấy.” Manvers nói tiếp. “Tôi luôn coi Freud là một người bạn thân thiết, và có lẽ cậu ta cũng vậy.”
“Ồ, hình như Freud cũng có một lần kể cho tôi nghe về ông,” Lascelle bỗng nhiên nhớ ra, ngài gật đầu nhè nhẹ. “Rằng Freud rất tin tưởng và coi trọng những gì ông đã làm cho cậu ấy. Freud luôn nói tác phẩm của mình sẽ không thể hoàn hảo được nếu không đi qua tay ông, bởi vì ông là người thấu hiểu một cách trọn vẹn và sâu sắc những gì Freud muốn truyền tải thông qua câu chuyện của mình. Bây giờ tôi mới có cơ hội được gặp, thật là vinh dự làm sao, ông Colin.” 
Manvers chợt mím môi, đôi mắt của ông hơi cụp xuống. “Cảm ơn ngài, nhưng tôi thấy năng lực của mình không đến mức như ngài vừa nói. Dù sao Freud cũng là một nhà văn, cậu ấy có đủ khả năng để diễn tả những gì cậu ấy thích, những gì cậu ấy nghĩ; suy tư và cảm nhận của mình cho người khác biết. Cậu ấy hiểu bản thân mình là ai. Đó là thế giới riêng của Freud. Tôi không thay đổi bất cứ điều gì trong thế giới ấy, tôi chỉ giúp Freud làm nó sống động, và có chăng là gần gũi với người đọc hơn thôi...” Hầu hết tác phẩm của Freud đều mang một vẻ chân thực, tuy cầu kỳ nhưng lại mỏng manh, tràn đầy xúc cảm tan vỡ như chính con người Freud. Khi Manvers đọc những gì cậu ta viết, trong lòng ông cứ trào lên một cảm giác đau lòng cùng nỗi buồn khó diễn tả, nó mách bảo ông rằng Freud đang mang một tâm trạng bất ổn và sẽ làm một điều gì đó - không ai có thể đoán trước được - trong một tương lai xa hay gần. Nhưng nào đâu ông biết được nó lại đến sớm như vậy! Freud đã biến nỗi lo sợ của ông thành sự thật.
Giá như Manvers có thể quên đi khung cảnh kinh hoàng của buổi sáng hôm ấy, khi mà Freud đã hẹn ông đến lấy bản thảo của chương cuối cùng vào tối hôm trước. Ngôi nhà nhỏ màu nâu gồm hai tầng cùng một phòng áp mái nằm lọt thỏm giữa con phố Rothery nhỏ hẹp, phía sau lưng là nhà thờ Thánh Mary. Manvers đứng bên ngoài gọi cửa và mong chờ được lấy sớm vì ông còn phải đi tới tòa soạn báo; ông gõ cửa liên tục nhưng không hề nhận được một âm thanh nào đáp lại. Freud chưa bao giờ để ông phải đứng chờ lâu đến thế. Nhưng cũng có thể cậu ấy quá mỏi mệt nên ngủ say, hoặc là ông đã ghé thăm quá sớm, bởi vì bây giờ vẫn chưa là lúc bắt đầu làm việc buổi sáng. Manvers cũng chẳng lạ gì Freud, ông nhún nhún bên vai tỏ vẻ thản nhiên như đang đứng trước cửa nhà mình, sau đó vặn nắm đấm và bước vào bên trong.
Lần theo cầu thang dẫn lên trên tầng, Manvers vừa đi vừa réo gọi Freud nhưng cậu ta vẫn không hề lên tiếng trả lời. Bước ngang qua vài cánh cửa mở hờ không có ai, Manvers lững thững đi đến cuối hành lang, trong lòng ông bỗng nhiên có cảm giác lạ lùng khó diễn tả, như thể ông đang đón chờ một điều gì đó. Nỗi lo lắng bất thường từ từ dội lên khiến sắc mặt Manvers không còn vẻ tươi tỉnh như trước. Ông bỗng ngửi thấy một mùi gì đó. Ông cảm thấy hô hấp của mình như ngừng lại khi bước gần tới gian phòng cuối hành lang...
“Nhưng giờ thì tất cả đều biến mất.” Mắt của Manvers bỗng đỏ hoe khi nhớ lại hình ảnh tang thương của Freud ở đằng sau cửa phòng. “Sẽ không ai còn được trông thấy Freud và những tác phẩm khác của cậu ấy nữa.” Không một ai.
Manvers nói xong liền im lặng. Dáng người to lớn của ông bỗng đổ về phía trước, hai bàn tay nắm chặt vào với nhau rồi đưa lên trước miệng; ông nhắm mắt lại và khẽ lẩm bẩm, giọng nhỏ đến mức ngay cả chính ông cũng không nghe thấy. “Cầu Chúa thương xót cho linh hồn tội nghiệp của Freud. Amen.” Manvers cảm nhận được mi mắt mình ướt đẫm và nhòe nhoẹt khi ông mở mắt ra.
Mưa vẫn rơi rả rích bên ngoài. Cách một bức tường, bầu không khí ngột ngạt tù túng đè nặng lên những người đang có mặt trong phòng. Hơi ấm từ lò sưởi vờn quanh hai thân thể rệu rã vì suy sụp của Manvers và Lascelle, không đủ ấm để xoa dịu hai trái tim lạnh buốt và đau đớn ở tận sâu trong lòng. Manvers đưa hai tay ôm lấy mặt cố che đi những giọt nước mắt nóng hổi đang chực chờ rơi; khi ông vẫn còn có thể biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài thì Lascelle Craven hoàn toàn ngược lại. Vẻ lãnh đạm đến tiêu cực cố hữu trên gương mặt xanh xao của vị Bá tước, như thể mọi xúc cảm đơn thuần của con người Lascelle đều tiêu biến, chẳng còn gì đọng lại trong thân thể mục ruỗng và đọa đày. Giữa không gian u uẩn và kìm nén, hình bóng hai con người bất động đối xứng nhau tạo thành bức tranh đơn sắc đầy tẻ nhạt và buồn rầu, gợi lên một nỗi đau lòng khó tả.
“Vậy ra từ trước tới nay, Freud vẫn luôn giữ kín bí mật giữa tôi và cậu ấy.” Lascelle nhìn về phía lò sưởi và đột ngột lên tiếng, chất giọng đều đều vô cảm của ngài khiến Manvers đang im lìm bất giác phải ngẩng đầu lên. Ông trông thấy đôi mắt của Lascelle như có lửa, và ánh nhìn vô định như thể đang nhớ về một ký ức xa xăm nào đó. “Freud không nói một lời nào với ông thì tôi có thể hiểu, bởi đến ngay cả tôi cũng thường gặp khó khăn khi bảo cậu ấy nói ra những suy nghĩ của mình. Nội tâm của Freud là một thế giới bí ẩn mà tôi không tài nào khám phá ra được, bây giờ lại càng không, vĩnh viễn là như vậy. Nỗi niềm của Freud chất chứa nhiều đến mức cậu ấy phải dùng đến ngòi bút để giãi bày, chắc là ông cũng biết.” Lascelle khẽ chuyển ánh mắt về phía Manvers, ngài nói tiếp. “Tôi cũng chẳng giấu giếm gì ông, ông Colin, tôi cứ lầm tưởng rằng ông đã biết hết mọi chuyện về chúng tôi, cho nên ông mới tới đây để tìm gặp tôi. Nhưng theo tôi thấy thì ông cũng đoán ra được một vài phần về mối quan hệ giữa tôi và Freud rồi, có phải không?”
“Tôi chỉ dựa theo những lời đồn thổi từ bên ngoài, dẫu rằng nó chẳng hề tốt đẹp gì.” Manvers cau mày, nghiêm túc đáp. Những tin đồn về mối quan hệ đầy lạ lùng và bí ẩn của Lascelle và Freud chưa bao giờ dừng lại, ngay cả khi đám tang của Freud đã qua đi. Sự thay đổi đột ngột cùng biến mất của vị Bá tước luôn được người ta quan tâm đã dẫn đến hàng loạt những câu chuyện phù phiếm đầy ác cảm, thậm chí là ghê tởm và ô nhục được thêu dệt xung quanh. Rằng Lascelle đang có sự thân thiết quá mức đối với một chàng trai sống trên phố Rothery nọ, sau này họ mới biết được đó chỉ là một nhà văn không hề có tên tuổi. Họ cũng bắt đầu ngờ ngợ ra rằng đó là mối quan hệ ngoài luồng thiếu đứng đắn, vô đạo đức, và nguy hiểm, đi ngược với tự nhiên và vượt quá với chuẩn mực của xã hội. Chính vì thế mà Lascelle đã cố sống cố chết che giấu không cho bất kỳ ai được biết. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra, giờ đây họ đang vui vẻ cười cợt rằng Lascelle đã trở nên suy sụp và đau buồn trước cái chết của người tình trong mộng đó. “Freud cũng có lý do chính đáng để cậu ấy không tiết lộ cho người khác biết về mình đang có mối tương giao với Bá tước; quả thực điều này là không phải phép và dễ sinh ra những phản ứng trái chiều, Freud không hề thích như vậy. Freud là người như thế nào chúng ta đều hiểu rõ - cậu ấy hiền lành, rụt rè và khiêm tốn, một con người chẳng thể nào gây hại được cho ai, và cũng chẳng có ai tàn nhẫn tới mức có thể căm ghét cậu ấy được. Trong suy nghĩ của tôi, Freud luôn xứng đáng có được hạnh phúc. Nhưng cuộc đời lại thật bất công với cậu ấy, đến bây giờ tôi vẫn chưa thể hiểu nổi tại sao Freud lại ra đi một cách đột ngột và đau đớn như vậy.”
Lascelle không thôi nhìn chằm chằm vào Manvers, ánh lửa ở phía trước hắt lên khuôn mặt trắng bóc của ngài tạo thành những vệt sáng tối đan xen kỳ quái. Cảm giác tội lỗi cứ lớn dần theo từng câu nói mà Manvers thốt ra, dù là vô tình hay hữu ý, vẫn khiến trái tim yếu ớt của Lascelle đau nhói không thôi. 
“Tôi e là mình có liên quan tới cái chết của Freud, hiển nhiên là cậu ấy đã không thể chịu đựng thêm được nữa.” Lascelle bỗng cúi đầu, bần thần nhìn xuống đôi tay khẳng khiu và gầy guộc của mình. “Dù chúng tôi có quan tâm, đồng cảm hay thấu hiểu lẫn nhau nhiều tới cỡ nào, thì trong lòng Freud vẫn luôn có cảm giác lo sợ. Cậu ấy nhạy cảm đủ điều, luôn lo lắng và trách móc, rồi tự giày vò bản thân trong im lặng, ngay cả tôi cũng không hề hay biết. Cậu ấy sợ phải trải qua những điều tan vỡ. Bởi vậy khi Freud nhận ra được kết cục của bản thân, thì… cậu ấy liền đi tới quyết định dại dột...” 
Lascelle chẳng thể nói hết câu, ngay lập tức ngài liền vùi đầu vào hõm tay của mình, bờ vai bỗng chốc rung lên bần bật. Lascelle đau khổ nhận ra mình chẳng thể rơi nổi một giọt nước mắt nào, nhưng đó lại là điều tệ hại nhất, trái tim của ngài thực sự đã chết lặng kể từ lúc Freud ra đi. Mọi thứ bên trong đều trống rỗng, lý trí kiên cường mà ngài cố xây dựng đều đang sụp đổ một cách tàn nhẫn; trong đầu Lascelle âm ỉ vang lên những tiếng thét gào vô vọng, lặp đi lặp lại không ngừng, rằng Freud đã chết, rằng Freud đã không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Hãy tưởng tượng mà xem, làm sao có thể quên đi được một người mới đây còn ở bên cạnh quấn quýt không rời, hai bàn tay nóng ấm đan chặt, hứa hẹn với nhau đủ thứ để rồi chìm vào quên lãng. Ánh nhìn say mê và nồng ấm không khi nào ngừng trao cho nhau, dù chỉ là lướt qua hay một cái chạm mặt đầy vội vàng - cũng đủ khiến đối phương cảm thấy hạnh phúc. Từ cái chạm nhè nhẹ lên làn da trần nhạy cảm, cho đến nụ hôn được coi là màu nhiệm và tràn đầy yêu thương, không chứa đựng chút dục vọng xấu xa nào, tình cảm giữa hai người hoá ra chỉ đơn giản và thuần khiết như thế. Đã có lúc họ nghĩ rằng không có điều gì là ngăn cách họ được. Mặc cho nỗi niềm hoan hỉ phải giấu giếm và chôn vùi vào bóng tối, xúc cảm mơ hồ dày vò qua những cử chỉ kín đáo và thầm lặng; rốt cuộc vẫn không thể tránh khỏi những niềm đau thương mất mát.
Manvers vừa trông thấy dáng vẻ sụp đổ của Lascelle thì liền đứng bật dậy, ông vội vàng đi tới đứng ngay cạnh vị Bá tước. Với vẻ bồn chồn lo lắng, Manvers hoang mang không biết có nên cho gọi người hầu vào không thì đột nhiên cánh tay ông bị nắm chặt, thân hình của Lascelle từ từ ngồi thẳng dậy như thể tìm ra được điểm tựa. Vẻ mặt trừng trừng đau xót của Lascelle hướng thẳng về phía Manvers, vị Bá tước như đang truyền đi cảm giác hiện tại của mình sang cho ông, khiến ông chẳng mấy chốc mà phải đau lòng theo. 
“Có phải tôi đã giết Freud phải không, có phải chính tôi đã khiến Freud ra nông nỗi đó?” Giọng của Lascelle cất lên khản đặc và đầy giục giã. “Hãy nói cho tôi biết đi Colin, ông là người đầu tiên trông thấy cậu ấy, ông cũng hiểu cậu ấy rất rõ, vậy tại sao Freud lại làm như vậy?”
“Xin ngài hãy bình tĩnh, Bá tước Craven, đừng khiến bản thân xúc động thêm nữa, nếu không ngài sẽ sụp đổ mất!” Manvers khom người, vội vã khuyên nhủ. “Không, ngài chẳng làm điều gì sai cả, là tự Freud quyết định, là cậu ấy suy nghĩ không đúng, Freud đã trở nên hẹp hòi và ích kỷ đối với ngài. Nhưng cậu ấy cũng vì lo cho Bá tước nên mới làm như thế. Theo những gì tôi nghĩ, trong thâm tâm Freud luôn sợ mình trở thành gánh nặng cho Bá tước.”
“Gánh nặng ư?” Lascelle sững sờ trong giây lát, chợt buông tay Manvers ra và há miệng thở một hơi mạnh. Lồng ngực phập phồng đầy vẻ chới với, Lascelle quẫn trí ôm lấy hai bên đầu, miệng lẩm bẩm như đang tự nói với bản thân mình. “Nếu chỉ vì những lời đồn đại đầy cay nghiệt và ác độc từ bên ngoài… thì nó chẳng khác gì mồ chôn của hai chúng ta.”
“Tôi e là như vậy.” Manvers nghe rõ hết tất cả những gì Lascelle nói, ông buồn rầu đáp. “Freud có thể đã bị tác động bởi những điều đó khiến cậu ấy trở nên rối trí và suy sụp tinh thần. Dẫu sao thì giữa ngài và cậu ấy bình sinh đã có một khoảng cách quá lớn… về địa vị, về quyền lực, và một xã hội đầy những định kiến phi lý và trái chiều, không thể thay đổi và cũng chẳng thể làm gì được." 
Manvers đang nói bỗng nhiên dừng lại. Ông trầm ngâm như thể mình vừa thốt ra một câu nói đầy đao to búa lớn, tự hỏi tư tưởng của mình đã biến đổi và trở nên khác biệt từ lúc nào. Manvers chỉ nghĩ đơn giản là mình đang cảm thông cho số phận đầy bi đát của Freud, nhưng giờ đây ông lại cảm thấy mình đang thực sự đau buồn và tức giận với thế giới đầy khắt khe và hủ bại này - chúng đã cướp đi một con người thật thà tốt bụng, và để lại một con người đang đau khổ và dằn vặt đến mức chết đi sống lại.
"Bá tước Craven, thực ra tôi nghĩ ngài sẽ tìm thấy câu trả lời hợp lý hơn...” Chưa buông hết câu, Manvers chợt đi vòng về chỗ sa lông mà mình vừa ngồi, ông lấy trong túi ra một món đồ rồi cẩn thận đặt lên bàn, ngay trước mặt Lascelle. “...Ở đây.”
Lascelle nhìn về phía trước như bị thôi miên, nét mặt của ngài bỗng nhiên trở nên tê dại, trong lòng nửa hoảng hốt nửa mong chờ. Có một cảm giác nhói ở tim ngăn cản Lascelle chạm lên món đồ đó, dù ngài biết rõ nó là gì. Một cuốn sổ tay nhỏ, bọc bên ngoài bằng lớp da thuộc, mềm mại và tỉ mỉ, từng chứa đựng không biết bao nhiêu nỗi niềm riêng tư của một người. Nhưng giờ đây nó đã trở thành một di vật, lưu trữ những kỷ niệm về một con người đã không còn nữa. 
“Có thể ngài sẽ thấy quen mắt với nó.” Manvers khẽ thở dài rồi lên tiếng. “Freud đã cất nó trong hộc tủ ở bàn làm việc của cậu ấy, như thể Freud muốn giữ nó thật cẩn thận và không muốn bị xây xước gì.” Ông nhìn về phía Lascelle với một thái độ đầy nuối tiếc và cảm thông. “Tôi biết Bá tước sẽ cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy di vật của Freud, và giả chăng ngài không cần đến bởi vì nó càng khiến ngài cảm thấy khổ sở hơn. Thú thực tôi cũng đã rất cân nhắc khi tới đây để trao thứ này lại cho ngài - một người mà Freud vô cùng trân trọng và yêu quý, không còn người nào khác ngoài Bá tước có đủ lý do để giữ lại di vật của Freud. Hy vọng những gì cậu ấy viết ở bên trong sẽ giúp ngài tìm thấy câu trả lời hiện tại của mình.”
Lascelle chẳng còn tâm trí để nghe hết những gì Manvers nói, ngài lặng lẽ vươn tay cầm lấy cuốn sổ của Freud. Một tay giữ lấy cuốn sổ mỏng manh, nhẹ nhàng như đang giữ một báu vật, tay còn lại Lascelle rờ lên lớp da mềm bao bọc bên ngoài, ngài vẫn chưa có đủ can đảm để mở nó ra. Cảm nhận như hơi ấm của Freud vẫn còn sót lại, vương vấn như sợi tơ mỏng cuộn chặt không rời ở lòng bàn tay, Lascelle dần chìm đắm vào nỗi niềm thương tiếc; ngài còn nhớ hình ảnh Freud ngồi viết lên cuốn sổ này, khi cả hai đang ở trong phòng làm việc của Freud. Đó đã từng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của hai người. Lascelle thậm chí còn tưởng tượng ra rằng tất cả mọi thứ trên thế giới này dường như đang thu hẹp lại và chỉ xoay quanh trong căn phòng nhỏ nơi có mình và Freud. Lúc ấy, cả hai người đã hạnh phúc, và gần gũi biết bao nhiêu. Lascelle ước mình có thể kéo dài khoảnh khắc này mãi mãi.
Ngôi nhà của Freud từng chứa đựng rất nhiều kỷ niệm đẹp của họ. Chẳng nơi nào hơn thế, nó gần như là chỗ trú ẩn an toàn cho mối tình thầm kín và sâu sắc của Lascelle và Freud. Từng bức tường, từng ngóc ngách và khoảng không của căn nhà đã in dấu những thời khắc tươi vui và hạnh phúc nhất của hai người. Nơi những thói quen cũ kỹ luôn được duy trì, hành động ngọt ngào và tình tứ được bật ra trong vô thức mà không phải kìm nén, ấm áp và tràn đầy xúc cảm. Cũng là nơi duy nhất mà Lascelle cảm thấy thời gian trôi thật là mau, dù ngài nhớ mình đã từng đón ánh nắng đầu tiên chiếu rọi vào căn phòng, và cũng là người đứng chờ ánh sáng bên ngoài vụt tắt rồi mới sực nhớ ra rằng đã đến lúc phải rời đi. Freud vẫn duy trì nếp sống của một nhà văn thực thụ ngay cả khi Lascelle có mặt ở nhà cậu. Căn phòng làm việc của Freud tràn đầy ánh sáng từ ô cửa sổ lớn rộng bằng một sải tay, bao quanh là những giá sách cao ngang đầu xếp dọc theo các bức tường, chỉ chừa mỗi cửa sổ và lối ra vào. Giữa phòng là chiếc đi văng màu đồng có một tay vịn cùng chiếc bàn gỗ dài nằm đối diện với ô cửa sổ, phía bên trái là bàn viết lách - nơi Freud đã dành phần lớn thời gian ngồi im lìm ở đó để tạo ra những câu chuyện thấm đẫm nỗi buồn của riêng cậu. Trong khi Freud đang đeo đuổi từng con chữ thì Lascelle ngồi lặng lẽ ở một góc đi văng, tay cầm cuốn sách mà mình vô tình nhặt được trên bàn, giữa đống sách mà Freud đã bày bừa trong công cuộc tìm kiếm tư liệu không bao giờ là đủ của mình. Mùi rượu vang Cabernet Sauvignon mà hai người vừa thưởng thức ở bữa sáng vẫn còn đọng lại trong khoang miệng, thơm lừng và tạo cảm giác bồng bềnh nâng nâng, Lascelle đắm đuối nhìn vào trang giấy ngả vàng và buồn phiền nhận ra mình chẳng thể nhập tâm nổi điều gì. Mọi suy nghĩ của ngài như mọc thêm đôi cánh, vươn qua ô cửa mở rộng và bay đi mất. Lascelle bất giác nhìn về phía Freud, hai đôi mắt lạ lùng và ngạc nhiên chợt va vào nhau, đầy tình cờ. Lascelle nở nụ cười khoan khoái, bỗng biết mình không phải là người duy nhất thiếu tập trung.
Freud có đôi mắt nâu hiền hòa ẩn đằng sau cặp kính màu bạc, gương mặt tròn mang một vẻ sáng sủa và ưu tú, trán hơi rộng, gò má nhô cao, đôi môi mỏng lúc nào trông cũng hơi hé mở, và làn da có phần trắng nhợt nhạt bất thường, nhiều lúc làm cho Lascelle có cảm giác rằng Freud dường như sắp sửa tan biến vào hư vô mỗi khi cậu đứng giữa luồng sáng tràn vào từ ô cửa. Mái tóc đen mềm mại được chải ngược ra đằng sau và dài quá ót, cả người Freud lúc nào cũng tỏa ra một mùi cỏ Vetiver dịu ngọt thoang thoảng, một mùi hương luôn khiến Lascelle cảm thấy dễ chịu vô cùng. Mọi cảm giác về cậu đều được ngài ghi nhớ đến từng khoảnh khắc, từng chi tiết, từng cử chỉ cho đến nét mặt, dù chỉ là nhỏ nhặt và đơn thuần, Lascelle vẫn không sao quên được. Những ký ức vẫn còn vẹn nguyên trong đầu đang vụt qua trước mặt, nhưng niềm vui và hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, thì còn lại đều là bi kịch và đau đớn đến xé lòng. 
"Tôi đã không thể quay lại ngôi nhà đó dù chỉ một lần kể từ sau cái chết của Freud." Lascelle cắn môi, nặng lòng lên tiếng. "Thật tồi tệ làm sao, tôi cứ bị ám ảnh và day dứt suốt. Những ngày vừa qua, không đêm nào tôi có một giấc ngủ ngon mà không bị tỉnh dậy giữa chừng. Tôi đã nằm mơ thấy Freud. Rất nhiều lần, đến nỗi tôi tưởng cậu ấy đang sống trong giấc mơ chập chờn hằng đêm của tôi. Vẫn dáng vẻ đó, hình hài đó, chỉ là ánh hào quang sau lưng Freud khiến tôi có cảm giác không chân thực. Cậu ấy luôn luôn mỉm cười, một nụ cười bình thản và hạnh phúc như cậu ấy đã từng làm khi còn sống. Tôi đã tưởng điều đó là thật và bước đến thật gần Freud như bị thôi miên, để rồi trông thấy hình dáng của cậu dần tan nát và vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ, lấp lánh như những vì sao sa và rơi vụt xuống ngay trước mắt mình. Vả chăng nỗi đau đủ lớn mạnh để quật ngã lý chí của một con người, thì nó đã thắng thế tôi rồi đấy; tôi đã thua, tôi chẳng còn đủ sức để chống chế thêm được nữa. Sự ra đi của Freud gần như đã rút cạn nguồn sống trong tôi. Nếu có thể chết, tôi nghĩ nó đang đến rất nhanh, chẳng còn bao lâu nữa đâu.”
"Ngài đang dần bi quan quá rồi, Bá tước Craven." Manvers nói với điệu bộ không vui và có phần trách mắng. "Chẳng ai có thể đoán trước được điều gì cả, tại sao ngài lại giữ lối suy nghĩ tiêu cực như vậy?"
"Không, tôi không hề bi quan hay tiêu cực, tôi chỉ đang nói sự thật đang diễn ra trước mắt chúng ta thôi ông Colin." Lascelle đánh mắt về phía ông một cách nóng vội và thực sự nghiêm túc. "Phải chi Freud hiểu được cảm giác hiện tại trong tôi vào lúc này thì liệu cậu ấy có thay đổi suy nghĩ của mình hay không? Không!” Lascelle gắt gỏng bật ra một tiếng kêu rồi lắc đầu. “Cậu ấy không hề. Bởi vì tôi biết, tôi đã tận mắt trông thấy Freud đã chết như thế nào. Nếu Freud chịu chấp nhận ra đi một cách đau đớn như vậy thì sẽ không có lý gì cậu ấy còn lưu luyến tôi, lưu luyến với thế giới này.”
“Vậy ngài đã thực sự trông thấy rồi?” Manvers không tránh khỏi cảm giác rùng mình khi Lascelle vừa nói xong. Ông đã vùng chạy ra khỏi ngôi nhà khi nhìn thấy Freud ở gian phòng đó. Nỗi kinh sợ và khiếp đảm làm ông gần như ngất đi và phải mất một lúc lâu sau mới hồi tỉnh lại được.
“Đúng vậy.” Lascelle run run đáp. “Tôi đã trông thấy hết. Mọi thứ rõ như in. Tôi không thể quên được.”
Hiện trường thật tàn khốc. Cả Lascelle và Manvers đều không thể tin nổi những gì đã xảy đến với Freud. Nó vượt quá tầm tưởng tượng và suy nghĩ của hai người; về Freud, về nỗi đau từ từ gặm nhấm thể xác và tinh thần mà cậu đã phải chịu đựng. Làm sao một người có thể điên rồ tới mức dùng dao khắc từng vệt lên cổ tay mình, vết này đè lên vết kia, lởm chởm và nát tươm với máu cùng da thịt; rồi chờ cho dòng máu đỏ chảy xuống và hứng từng giọt vào trong lọ mực, sau đó lại dùng thứ mực kỳ quái đó để hoàn thành những trang bản thảo cuối cùng? Làm sao một người có thể chịu đựng vết thương đang giày vò quằn quại và biết được cái chết của mình tới rất gần mà vẫn bình thản ngồi viết tiếp, và khi dấu chấm cuối cùng được đặt xuống cũng là lúc cái chết được bắt đầu? Làm sao Freud có khả năng chịu đựng được những điều ấy, và tại sao cậu lại làm như vậy? Không ai có thể giải thích được, và cũng chẳng còn người nào có thể hiểu. Mọi thứ như bị một màn sương dày che phủ, dù cố gắng đến mấy ta cũng không thể nhìn thấu được.
“Tôi không biết là ngài cũng có mặt ở đó." Chẳng còn điều gì kinh khủng hơn khi phải chứng kiến người mình yêu thương chịu thảm cảnh đau đớn như vậy.
“Tôi đã đến ngay khi nghe được tin.” Lascelle nhắm mắt lại một vài giây trước khi mở mắt ra và nói tiếp. “Tôi bị mất trí và hoảng loạn, cảnh sát đã cố ngăn cản tôi bước vào bên trong. Tôi đã hối hận, nhưng rồi tôi nghĩ, nếu không được trông thấy Freud thì tôi sẽ càng cảm thấy hối hận hơn. Dù nó có ám ảnh tôi một cách nặng nề thì tôi vẫn cần phải biết Freud đã chết như thế nào. Chỉ có như thế tôi mới bớt được cảm giác day dứt trong lòng.” 
Lascelle chợt đưa mắt nhìn xuống cuốn sổ trên tay, ánh mắt bỗng hóa nhẹ nhàng và tràn đầy xúc cảm. Sau vài giây ngập ngừng, ngài tiếp tục nói. “Tôi biết những gì Freud đã viết bên trong. Nó gần như là cuốn hồi ký của chúng tôi vậy; những gì chúng tôi đã trải qua, những gì đáng nhớ đều được Freud ghi chép hết vào đây. Nhưng Freud lại là một người có nhiều tình cảm, cậu ấy hẳn đã viết hết những tâm tư của mình vào bên trong. Chắc là ông cũng đã…"
Manvers lúng túng gật đầu. "Quả thực là tôi đã quá tò mò, thưa ngài." Ông thành thật đáp. "Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là cuốn sổ ghi chép công việc thường ngày của Freud nên mới mở ra xem. Tôi không biết nó lại đặc biệt như vậy."
"Không sao, tôi cũng chẳng trách gì ông cả." Lascelle bình thản nói, đôi môi khẽ nhếch lên tạo thành nụ cười nhẹ nhõm. "Không được ông mang đến thì có lẽ tôi cũng đã quên mất đến sự tồn tại của nó rồi. Xin cảm ơn ông rất nhiều, ông thật là một người chân thành và tốt bụng. Freud thật sự may mắn khi có một người bạn như ông.”
“Tôi chỉ muốn làm những gì mình có thể để khiến Freud được yên lòng.” Cả gương mặt của Manvers bỗng toát ra một vẻ mãn nguyện dễ thấy. “Phải chi cậu ấy đủ sáng suốt hơn thì mọi chuyện chắc sẽ không đi quá xa như vậy. Âu đó cũng là số phận rồi.”
Trong thoáng chốc, cả hai người cùng nhau đưa mắt nhìn về phía cửa sổ. Mưa cũng đã tạnh, và đâu đó trong tâm trạng u ám bị dồn nén của hai người cũng như vừa mới được giải thoát, vội tan biến cùng với cơn mưa ngoài kia. Thở ra một hơi nhẹ nhõm, Manvers bỗng quay đầu lại, ông bám tay vào thành ghế và đứng lên, dáng vẻ bất khuất và mạnh mẽ tựa như một người vừa mới hoàn thành nhiệm vụ cao cả của cuộc đời. Trước khi ông kịp rời đi, Lascelle đột nhiên hỏi, như thể ngài đã thắc mắc từ lâu và chưa có dịp lên tiếng.
“Và còn một điều nữa, tại sao ông lại giúp đỡ cho chúng tôi, ông Colin? Liệu đó có phải là đồng cảm, thương xót, hay là một tấm chân tình nào khác mà tôi không thể biết?”
“Tôi chỉ nghĩ đó là điều đúng đắn.” Manvers cúi đầu thay cho lời chào, sau đó ông mới đáp lại. “Một tình cảm chân thành, đẹp đẽ và tinh tế, được đối xử công bằng và tạo ra niềm hạnh phúc giữa hai con người với nhau, tại sao lại bị ngăn cấm và chia cắt? Tôi không có trái tim sắt đá để làm như vậy.” 
***********
Hơn mười ngày sau, Bá tước Lascelle Craven bỗng nhiên đổ bệnh nặng, và trong vòng một tuần sau đó, ngài qua đời trong sự đột ngột, đau xót và tiếc thương của nhiều người.
Hôm ấy Manvers Colin cũng đến dự đám tang. Mưa đã không còn, nhưng bầu trời vẫn đen ngòm xám xịt, không gian ngập trong làn sương mù dày đặc nhớp nhúa, tạo nên một vẻ tăm tối và u buồn. Đứng trước ngôi mộ của Lascelle, nếu như nói về nỗi buồn, thì Manvers cảm thấy xót xa và tiếc nuối nhiều hơn. Thể theo di nguyện của Bá tước, dù phần lớn chẳng ai đồng tình nhưng họ cũng chẳng thể lên tiếng phản đối, phần mộ của Lascelle được chôn cất ngay bên cạnh Freud. Hai nấm mồ vẫn còn thơm mùi đất mới. Hai trái tim đồng điệu và đau khổ khi bị chia cắt cuối cùng cũng được yên nghỉ ở cạnh nhau, từ bây giờ cho đến mãi mãi.
Nhiều ngày tiếp theo, Manvers đột nhiên giam mình ở trong thư phòng, ông làm việc liên tục không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Một buổi tối muộn, bên ánh đèn măng sông tù mù, tiếng máy đánh chữ lách cách vang vọng cuối cùng cũng chịu dừng lại. Ông vừa hoàn thành xong trang bản thảo cuối cùng của mình. Manvers nhẹ nhàng gỡ tờ giấy ra, tay trái của ông bỗng luồn xuống bên dưới, mở rộng chiếc ngăn kéo. Bên trong là một cuốn sổ bằng da thuộc, ông cúi xuống và cẩn thận nhấc lên. Đặt lên trên bàn, Manvers khẽ thở dài khi nhớ lại lý do vì sao cuốn sổ này lại lọt vào tay mình. Ngay khi kết thúc đám tang, vị quản gia Richard đã đưa cho ông, chẳng nói gì nhiều ngoài mong Manvers hãy nhận lấy. Ông đã hỏi Richard rằng Bá tước Craven có trăn trối lại điều gì không, nhưng ông ta chỉ liên tục lắc đầu. Vị quản gia bảo rằng: “Bá tước chỉ nói hãy đưa cuốn sổ này lại cho Manvers Colin, và ông ấy sẽ tự biết.” Manvers nghĩ mình có thể hiểu được tâm ý của Lascelle khi để ông giữ lại cuốn sổ này. Nó là bằng chứng cho một tình yêu bị người đời ghét bỏ, lên án, thậm chí là gông cùm, ghê tởm và muốn xóa sổ nó. Đáng ra thứ họ nên làm là sự thông cảm, thấu hiểu và bao dung hơn. Nếu mọi chuyện được chấp nhận thì ít ra Freud vẫn còn sống, và Lascelle sẽ không buồn bã, dằn vặt tới mức đau khổ mà lìa đời. 
Manvers hít một hơi sâu rồi thở ra, ông bỗng thấy sống mũi và khóe mắt mình cay cay. Tờ bản thảo được ông xếp gọn gàng vào phía dưới cùng của xấp giấy, đoạn ông cầm hết lên, đưa mắt xem xét qua một lượt. Cho đến khi cảm thấy hài lòng ông liền bỏ xuống, sau đó đem cất vào bên trong hộc tủ mà mình vừa mở ra. Manvers nhìn chằm chằm lên dòng chữ ở giữa trang bìa một vài giây, rồi cầm cuốn sổ ghi chú lên. Ông đặt lên phía trên xấp giấy, che đi hai chữ “Tình Nhân” ở trang bìa. Manvers khóa hộc tủ lại trước khi bước ra khỏi căn phòng.