CHƯƠNG XV
Cre: Quinn
Rewrite: Huy, Miso
  Những ngày sau đó tôi không đi chơi bóng vì mặt vẫn còn bầm và sưng. Hơn nữa, tôi không muốn phải giáp mặt thằng Hải sau trận đánh nh… à nhầm, trận nó đánh tôi.
Trong những ngày tháng vô cùng tẻ nhạt đó, tôi nhận ra chẳng mấy mà mình lại phải về lại thành phố. Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa.
Sau một tuần tôi không qua nhà chị Trúc, chị có qua bên nhà tôi. Tôi nhìn thấy chị qua thì rõ ràng là tim cứ đập rộn hết cả lên nhưng trong thâm tâm tôi vẫn biết chị chỉ qua vì chị không muốn tỏ ra là một người thiếu quan tâm. Chị chỉ muốn ở bên cạnh thằng Hải kia chứ không phải tôi.
Căn cứ vào vẻ mặt của chị sau khi bước qua cánh cổng, tôi tin là chị đang có những ngày tháng đẹp nhất đời mình với một trong những thằng xấu tính nhất mà tôi từng biết.
Ngay khi chị bước vào nhà và nhìn thấy khuôn mặt không lấy gì làm đẹp đẽ của tôi, sự hốt hoảng hiện rõ lên gương mặt chị.
- Trời ơi! Em làm sao vậy, Nghĩa?
Tôi cố trì hoãn thật lâu rồi mới đáp, để tỏ ra rằng mình vẫn còn giận chị lắm. Mà tôi cũng chẳng đáp lại hẳn hoi:
- Chị qua đây làm gì?
Chị Trúc có lẽ hơi bất ngờ với câu hỏi của tôi.
- Chị… qua chơi với em… 
- Vậy hả…?
Tôi đáp với sự hờn giận thấy rõ trong giọng nói. Phải đến bây giờ chị mới thấy được tôi đã phải trải qua điều gì trong những ngày vừa qua, có lẽ vậy.
- Ừ, phải… Mà điều đấy không quan trọng. Quan trọng là em bị sao vậy?
- Mặt em ấy hả?
- Ừ…?
Tôi rất muốn nói ra rằng đó là hậu quả khi để đôi tay giận dữ của thằng Hải ở gần mặt tôi nhưng tôi lại không thể. Tôi không hiểu tại sao. Thay vì nói rằng đó là vì Hải, tôi lại nói dối chị:
- Hôm nọ em đánh nhau với thằng… 
- Hải…, phải không?
Tôi chưa dứt lời thì chị đã chen vào. Thậm chí chị còn không để tôi được nói dối.
Khi quay sang nhìn chị, tôi phát hiện có chút gì đó không hài lòng khi phải nói đến tên Hải.Đương nhiên rồi, chẳng ai lại muốn biết rằng người yêu của mình đi đánh bạn thân của em gái mình đến bầm dập cả.
- Đúng vậy không Nghĩa?
Chị hỏi lại nhưng tôi không nói gì, chẳng lắc hay gật. Chị nhìn vậy thì thừa biết tôi đang nghĩ gì và chị biết chắc mình đã đúng.
Tôi không muốn bàn về chuyện này nữa. Tôi trải qua nhiều đau đớn rồi, cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Vì vậy, tôi chuyển chủ đề:
- Thế chị có kết quả thi chưa? Chị có đỗ trường mình muốn không?
Nghe tôi nói tới chuyện này, mặt chị Trúc rạng rỡ hẳn lên và tôi lại thấy trái tim mình được sưởi ấm.
- Có, chị đỗ trường mình muốn rồi. Khoảng giữa tháng Tám chị sẽ bắt đầu vào học.
Cuộc trò chuyện bắt đầu rơi vào im lặng. Chị Trúc rụt rè hỏi, tôi cũng không hiểu sao chị lại hỏi câu đơn giản như thế này:
- Sao hai em lại đánh nhau?
Tôi tặc lưỡi nhưng không trả lời.
- Ai là người chủ động?
Tôi cười, cười đúng kiểu khinh đời:
- Em chấp cái thằng trẻ con ấy làm gì… 
Tôi đang điên thằng Hải nên mới nói vậy chứ sự thực là tôi chẳng làm gì được nó.
Hai chị em nói chuyện thêm một lát nữa rồi chị Trúc về. Tôi không biết chị có đề cập chuyện này tới thằng Hải hay không.
Vào khoảng thời gian này, sinh hoạt thường nhật của tôi bị đảo lộn. Đầu tôi chỉ có duy hình ảnh của chị Trúc. Nhiều khi tôi đi dạo lang thang trong làng tới mức quên cả bữa trưa. Đêm xuống tôi trằn trọc mãi không ngủ được nên lại bỏ ra lan can bầu bạn với trăng. Người thường mà nhìn thấy chắc họ kêu tôi bị thần kinh. Một tuần có bảy ngày thì có ba, bốn ngày tôi thức khuya tới tầm ba giờ sáng rồi mới vào ngủ và thức giấc ba tiếng sau đó.
Sức khỏe tôi bắt đầu diễn biến theo chiều hướng xấu. Người tôi trông tiều tụy hẳn đi, mặt lúc nào cũng xanh xao. Đầu óc tôi thì cứ như người mộng du, chẳng ra đâu vào đâu. Bên trong đó thì cứ như một mớ hổ lốn, bừa bộn, gần như không có thứ gì được sắp xếp vào chỗ của nó cả, nhìn xung quanh đâu cũng thấy hình ảnh chị Trúc.
Chị Trúc dạo này vẫn thường xuyên qua chơi với tôi khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Từng viên đá âu sầu cứ được dời đi một cách nhẹ nhàng bởi đôi bàn tay thiên thần của chị. Điều tuyệt vời nhất là trong những cuộc nói chuyện với tôi, chị chẳng bao giờ nhắc đến Hải. Chị chỉ quan tâm tới sức khỏe của tôi:
- Dạo này em bị làm sao vậy? Trông em ốm yếu quá thể vậy?
Tôi không biết chị hỏi vậy cho có hay vì chị không biết thật. Tôi chỉ mở miệng cười chứ không nói gì. Hai chị em chỉ suốt ngày nói mấy chuyện loanh quanh thường nhật chứ không có gì đặc sắc. Một hôm, không kìm được, tôi phải hỏi chị:
- Chuyện chị với Hải sao rồi?
Đấy, cái thói ăn nói vô duyên kinh niên của tôi lại bắt đầu nổi lên. Tôi hỏi chị như thể tôi là đứa bạn thân chị suốt ngày kể cho mọi chuyện không bằng. Tôi cứ mở miệng mà chẳng bận tâm xem có thể diễn đạt cái ý đó một cách tế nhị hơn không.
Nhưng chị Trúc chẳng bận tâm tới điều đó.
Chị chỉ nhún vai:
- Chẳng sao cả. Em quan tâm cái chuyện ấy làm gì… 
Tôi nghe rõ trong giọng chị có chút gì đó bực bội và hờn mát. Tôi thầm kết luận rằng đó là vì chị đang giận thằng Hải. Tôi khá chắc là mình đúng, vì vậy tôi không thể không mừng. Tất nhiên là không mừng ra mặt.
Còn một tuần nữa là tôi phải về lại thành phố. Trong những ngày cuối ấy, tôi phát hiện ra một điều không thể không sửng sốt. Hôm đó, tôi lại đi lang thang trong xóm như mọi hôm mà… tôi quên bữa trưa. Mặt tôi tất nhiên đã bớt bầm tím.
Tôi đang đi đến con khúc sông ở cuối làng, nơi thường là chỗ tắm của bọn trẻ con, định đi về thì bỗng nghe thấy tiếng trò chuyện. Thật sự tôi phải thấy mình rất có duyên với mấy cuộc trò chuyện bí mật của người khác.
Tôi không hiểu người ta ra đây làm gì vào cái lúc như thế này. Bình thường chỉ có bọn trẻ con ra đây vào buổi trưa mùa hè nóng nực để tắm chứ chẳng ai lại ra đây nếu không bị thất tình như tôi.
Ừ nhỉ, lỡ đâu người đó thất tình thì sao…? Hay là chị Trúc? Chị cũng… đang “bực” thằng Hải mà, theo như lần nói chuyện gần nhất giữa chúng tôi.
Tôi nghe thấy giọng con trai. Và rồi giọng con gái. Hai người họ ở sau đám cây chuối đầu tóc lòa xòa.
Tôi khẽ khàng tiến tới, cố gắng không gây ra tiếng động nào. Tôi phải bỏ dép lại và chạy chân đất. Nghĩ đến việc này, tôi bỗng thấy sao mà giống cái ngày xưa chơi trốn tìm quá! Nhớ lại cảnh đó, tôi bất giác cười một mình. Một nụ cười hiếm hoi của tôi trong những ngày gần đây.
Khi đã tới cái cây đầu tiên, tiếng nói chuyện vẫn còn rất nhỏ, tôi nghe chừng họ đang ở phía cuối đám cây, ngay gần bờ sông.
Tôi vén cái tàu chuối mơ ngủ qua một bên để xem đó là ai. Đây chính là đoạn mà tôi phải cảm thấy sửng sốt.
Thằng Hải. Đứng đối diện với nó, đang cầm hai tay nó không phải chị Trúc. Đó là Hà, con bé ở bên cạnh nhà tôi. Đúng vậy, con bé mà Hải từng chê xấu hoắc, trớ trêu thay lại đang là người cầm tay nó.
Tôi sốc tới mức phải khuỵu chân xuống nhưng vẫn cố đứng vững để nghe xem hai người họ nói những câu tình tứ gì với nhau. Tôi phải tập trung hết sức, tập trung hơn khi tôi làm bài kiểm tra Lý rất nhiều mới nghe thấy cuộc đối thoại.
- Vậy là… 
- Vậy là cái gì… em đâu cần phải e dè vậy.
- Vậy là anh… thích em…?
Hải cười cười mãn nguyện:
- Ừ, em nói đúng rồi đó.
Hà cũng cười ra chiều thích thú khi có người thích mình:
- Em có điểm gì đâu mà anh thích?
Tôi nhủ thầm, đúng đó, em chẳng có điểm gì cả, không bằng một phần chị Trúc.
Hải tặc lưỡi:
- Em mà lại không có gì… Nhà em có gương không đấy? Người đẹp ngời ngời như tiên thế này mà em bảo không có điểm gì… Riêng đôi môi của em đã ăn đứt thiên hạ rồi… 
Tôi phải ngừng lại một lúc để quỳ xuống áp chế cơn nôn sắp sửa trào ra. Tôi không hiểu thằng Hải bị cái bệnh gì liên quan đến thị giác mà nó lại nói được cái câu như vậy. Môi của Hà tôi không hiểu vì sao cứ thâm vào và khi nó cười, cái hàm răng không lấy gì làm ngay ngắn và trắng sáng của nó lại được dịp khoe ra với thiên hạ.
Vì phải trấn áp cơn nôn nên khi tôi đứng dậy, tôi chỉ được chứng kiến cảnh tiếp theo của vở kịch. Cái cảnh thằng Hải khen nức khen nở Hà qua mất rồi, tiếc tiếc thế nào ấy.
Bỗng tôi nảy ra một ý khi đang thoải mái chấm điểm sự ngây ngô của diễn viên Hà và sự mù mờ cùng với dối trá của diễn viên Hải. Đúng ra tôi phải nảy ra cái ý này từ lâu rồi.
Không còn thời gian để chần chừ, tôi đi khẽ vài bước ra xa, xỏ lấy đôi dép rồi chạy như bay. May là tôi chơi bóng rổ và bóng đá nên chạy khá nhanh.
Tôi không vào trong nhà mà đứng ngoài đập cổng. Tôi biết nếu mình làm vậy thì chị Trúc sẽ phải ra mở cổng và thế thì tôi sẽ kéo được chị đi nhanh hơn.
- Làm ơn đợi chút ạ!
Chị Trúc vừa vội chạy ra mở cổng vừa kêu lớn.
Khi mở cổng thấy tôi, chị có vẻ bất ngờ. Chị mừng rỡ nói:
- Em qua chơi đấy à Nghĩa? Vào nhà đi, sao hôm nay lại đứng ngoài vậy?
Tôi không trả lời câu hỏi của chị:
- Chị đóng cổng vào đi.
- Để làm gì vậy?
- Có chuyện gấp,em nói sau, giờ chị cứ đóng cổng vào rồi đi theo em.
Thấy chị định đi vào trong nhà, tôi liền níu cánh tay thon thả của chị lại. Ôi trời ơi, một cảm giác sướng đến tê người chạy khắp người tôi. Tôi không nghĩ có ngày mình lại được nắm tay chị, dù là trong hoàn cảnh thế này. Tim tôi lại chơi nhạc. Nhạc lần này lại dở rồi.
- Chị không cần khóa cổng đâu, làng này làm gì có trộm.
Chị có vẻ lưỡng lự rồi đồng ý đi với tôi. Tôi viện cớ chuyện gấp, mà thực ra đúng là thế, để nắm tay chị kéo chị đi. Mặc chị kêu la chậm lại, tôi vẫn cứ chạy thật nhanh khiến chị mấy lần phải tuột tay tôi. Cả đoạn đường đi tôi cứ như người trên mây, tâm trí bay bổng và vui sướng hết mức. Dẫu rằng tôi không thể đến với chị, được nắm tay chị đã là hạnh phúc lắm rồi. Tôi hạnh phúc đến mức suýt chút nữa đi sai đường.
Đến gần khúc sông, tôi kêu chị tháo dép ra rồi đi khe khẽ thôi.
Tôi dẫn chị tới cây chuối vừa nãy, hi vọng vở kịch vẫn chưa hết. Tôi vén tàu lá chuối sang một bên để chị được chứng kiến điều mà tôi muốn chị chứng kiến. May quá thằng Hải và con bé Hà vẫn còn ở đó, vẫn tiếp tục buông mấy lời tình tứ với nhau. Tôi không nói gì ý để chị Trúc thấm hết sự giả dối của thằng Hải.
Tôi quan sát nét mặt chị, bỗng thấy áy náy về hành động của mình. Dưới bóng râm mát rượi của tàu lá xanh rì, tôi thấy rõ sự đau buồn trên gương mặt chị Trúc. Trước đó là sửng sốt, rồi mới đến đau buồn. Có lẽ tới bây giờ chị mới nhận ra sự giả dối của thằng Hải… Chẳng thà chị nhận ra sớm hơn… 
Tới khi thằng Hải nói câu “Anh có lẽ đã không còn thích em nữa, mà là yêu” thì chị Trúc không còn chịu được nữa. Chị ngã ngồi xuống, tay che mặt khóc. Tôi nhìn chị khóc mà thấy mình cũng thảm thiết theo dẫu nước mắt chưa rơi. Tôi thực sự không biết phải làm gì. Tôi không còn dám cầm tay chị như lúc trước nữa. Tôi cũng không dám vỗ lên vai chị để an ủi, không, chính xác hơn là tôi có quá nhiều ưu tư trong tâm trí lúc này nên không thể làm vậy. Tôi cũng ngồi xuống bên cạnh chị, cúi mặt nhìn những ngọn cỏ dại dưới đất mà thấy đời không chỉ bất công đối với tôi mà với chị Trúc cũng vậy. Đây là lần thứ hai tôi phải thầm kêu câu ”Hồng nhan bạc phận”.
giọt nước mắt người con gái tôi yêu
Chị khóc được một lát thì tôi không chịu được nữa, đành kêu chị về. Tôi nghe những tiếng “hức hức” cố gắng phát ra thật nhỏ để không bị phát hiện kia mà thấy xót xa thay cho chị. Những tiếng kêu xé lòng… 
Trên đường về chị vẫn khóc còn tôi thì lặng lẽ đi bên cạnh, không nói một lời. Cảnh vật vẫn như mọi khi nhưng tôi thấy cái gì cũng nặng trĩu nỗi sầu trong đó. Dường như những giọt nước mắt của chị Trúc thay vì rơi xuống đất thì đã bay lên, vỡ ra trên những cành cây, hòa mình vào tiếng ve kêu, hóa thân vào tia nắng… 
Ngay cả khi chia tay ở nhà chị Trúc, chị cũng chỉ nói “chào em” rồi bỏ vào nhà với hai bên má ướt đẫm chưa kịp khô.
Trưa đó tôi không bỏ bữa nhưng cũng chẳng có hứng thú gì khi ăn. Tôi ăn cơm, gắp rau, gắp thịt như kiểu đó là một nghĩa vụ.
Lúc rửa bát, phần vì do nước nóng, phần vì do đầu óc quá nhiều muộn phiền, tôi đã đánh vỡ một cái bát và một cái đĩa.
Thực ra cả ngày hôm ấy tôi chẳng làm được việc gì ra hồn. Tôi quét nhà xong khoảng nửa tiếng sau thấy nhà bẩn liền lấy chổi ra quét. Quét được một lát tôi mới nhớ ra là mình đã quét rồi. Tôi nhặt rau phải đến gần nửa tiếng mới xong mà tối ăn vẫn còn đầy xơ. Chưa kể trong bữa cơm tôi cứ vừa ăn vừa ngắm trăng nên phải lâu gấp đôi bình thường.
Đêm đó tôi lại thức khuya. Tôi ngồi ngoài lan can, tự hỏi không biết giờ này chị Trúc đã ngủ chưa và chiều nay thằng Hải có đến chơi với chị không. Thực tình nếu bây giờ chị Trúc chia tay với nó tôi không còn quá vui mừng nữa. Tôi biết chị đã phải trải qua nhiều đau khổ. Tôi không dám chắc là nếu tôi đến được với chị thì tôi sẽ chấm dứt được điều này. Thực chất những điều đau khổ mà chị Trúc phải trải qua đều là do tôi: Chuyện của bố mẹ chị, chuyện của thằng Hải… 
Mai là thứ tư và tôi không chắc mình sẽ qua nhà chị Trúc.