CHƯƠNG XI
Cre: Quinn
Rewrite: Miso, Huy

Ngay ngày hôm sau, tôi qua nhà chị Trúc.
Tôi đến vào lúc mặt trời đã lên cao, bầu trời thì không còn một quầng mây. Đi ra đường tôi dù đã cố đi dưới bóng của những cái cây nhưng không tránh được hết những tia nắng gay gắt làm đỏ rực cả một cung đường tôi đi.
Đúng ra thì tôi có thể sang nhà chị sớm hơn nhưng tôi đã mất tới hơn một tiếng để tính xem mình sẽ nói những câu gì để không biến thành một thằng ngốc trước mặt chị. Bao nhiêu câu nói đẹp đẽ, mơ mộng nhất mà tôi có thể nghĩ ra, tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại trước gương.
Thế mà tôi lại chẳng nói được câu nào.
Tôi mới đẩy cổng đi vào đã thấy chị Trúc đang ngồi nhặt rau trước hiên. Có lẽ lâu ngày không thấy chị nên giờ khi một lần nữa được chiêm ngưỡng nhan sắc đẹp đến tuyệt trần của chị, tim tôi lại bồi hồi. Lại xao xuyến.
Thấy tôi cứ đứng đực ra ở đó, đầu trần, mặc mặt trời ra sức khạc lửa lên mình, chị tưởng tôi ngại nên nở một nụ cười khiến tôi suýt chết ngất rồi mời tôi vào :
-Vào đi em, không phải ngại đâu.
Tất nhiên là tôi không ngại người nhà chị. Tôi chỉ ngại chị. Tôi ngại rằng nếu tôi tiến gần thêm một bước nữa, tim tôi sẽ lập tức lôi ra một đống nhạc cụ và thể hiện “tài năng thiên bẩm” của mình.
Nhưng khi chị đã mời rồi thì tôi không thể không vào.
Tôi bước tới hiên, ngồi xuống bên trái chị, khép nép như gái mới về nhà chồng.
Tôi vừa ổn định chỗ ngồi, đang định nói ra câu văn hoa đầu tiên trong hàng loạt câu mà mình đã nghĩ ra thì bỗng quên mất. Tôi không nhớ đầu tiên mình phải nói gì. Sự lúng túng xuất hiện, từ từ quét sạch những câu còn lại. Kết quả là tôi quên hết. Mồ hôi bắt đầu chảy khắp hai bên thái dương tôi.
Thấy tôi ngồi yên, câm như hến mà lại chảy mồ hôi khi ngồi trước quạt, chị mở miệng nói chuyện :
-Thế em..
Đúng lúc này tôi nghĩ ra một câu cực đúng để hỏi. Quá vui mừng, tôi cướp luôn cả lời của chị :
-Thế chị thi đại học thế nào ? Chị làm bài tốt chứ ?
Chị tôi ngây người nhìn tôi khoảng một giây khiên tôi nhận ra mình ngu ngốc đến thế nào. Tôi thật chỉ muốn tát cho mình một phát.
-Ừ, chị làm bài cũng tốt. Chắc là sẽ đỗ thôi.
Bỗng một cơn gió từ đâu thổi qua khiến tôi thấy mát mẻ quá. Phải đến lúc này tôi mới thấy mình căng thẳng thế nào. Mà đúng ra tôi chẳng có gì phải căng thẳng. Tôi từng qua nhà chị mấy lần, nói chuyện với chị như không đấy thôi ! Nghĩ tới chuyện đó, tôi sực nhớ ra để hỏi chị :
-À, chị đã tìm ra thêm chút gì về chuyện của bố mẹ chị chưa ?
Từ khi về quê, tôi hoàn toàn bẵng đi chủ đề này.
Chị Trúc không nói gì, chỉ lắc đầu chán nản.
Đúng lúc đó thì có một người bác của chị Trúc từ trong nhà đi ra. Tôi lễ phép chào bác. Bác “ừ” một cái cho có rồi sốt sắng hỏi :
-Các con vừa nói cái gì mà chuyện bố mẹ đó ?
Nhìn khuôn mặt vốn đã bị thời gian vẽ lên đó những nếp nhăn giờ lại càng thêm nhăn, tôi hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra. Tôi không biết chị Trúc có hiểu gì không. Vì vậy, khi chị định mở miệng đáp lời người bác, tôi liền đánh khẽ một cái vào cái bắp chân nõn nà của chị, mắt vẫn không rời khỏi vẻ lo lắng của người bác. Chị Trúc quay sang nhìn tôi, dường như đã hiểu ra, chị liền ngậm miệng lại.
Tôi nói với người bác, vẻ rầu rầu rất đạt :
-Bọn cháu..vừa tìm ra sự thật về..ừm...bố mẹ chị Trúc.
Tôi biết thừa đây là một câu chuyện buồn nên cố làm cho vẻ buồn rầu hiện lên rõ nhất lên gương mặt tôi. Đúng như tôi dự đoán, người bác vô cùng ngạc nhiên :
-Con... n..nói thật đó hả ?
Tất nhiên là tôi nói dối. Nhưng đời nào tôi lại tự thú cơ chứ.
-Dạ thật ạ. Con biết đó là câu chuyện buồn. Bác ở quê nhưng chắc cũng biết chuyện người đàn ông mỗi tháng đến nhà chị Trúc chứ ạ ?
-Ừ, ừ, có...bác có biết.
-Vậy chắc người bác ở thành phố đã kể cho bác nghe ông ta đến để làm gì chứ ạ ?
-Tất nhiên là bác biết. Sao con lại hỏi vậy ?
Tôi ngạc nhiên nhận ra mình không hề nao núng chút nào. Tôi lập tức bịa ra một lý do :
-Cháu e rằng bác bị kể sai. Người bác kia giấu rất nhiều người về chuyện này. Cháu không biết bác có bị vậy không ? Bác được kể là ông ta tới để làm gì ?
-Để..đòi nợ. Có phải vậy không ?
Trời ơi ! Người đâu mà thật thà dễ sợ. Cái bẫy tôi giăng ra trẻ con thành phố chưa chắc đã mắc mà tôi lại lừa được một người đàn bà đã đứng tuổi ! Người quê phải công nhận là họ chất phác, mộc mạc hơn người thành thị nhiều.
Tôi rất vui mừng vì đã có được câu trả lời đầu tiên. Tuy nhiên tôi chưa có ý định dừng lại. Tôi tiếp tục giăng bẫy :
-Vậy thì bác bị kể sai rồi. Sao bác lại nghĩ rằng ông ta đến để đòi nợ ?
Người bác càng thêm rụt rè khi tôi nói rằng bác đã sai.
-Thì chú Khoa, bố Trúc, cờ bạc nhiều quá rồi thua nợ..đến mức phải tự tử cùng mẹ nó còn gì nữa ! Không phải vậy sao ?
-Vậy theo bác là người đàn ông kia đến đòi món nợ mà bố chị Trúc để lại ư ?
Cái giọng kênh kiệu của tôi thật nghe khó chịu quá thể.
-Ph...Phải..
Tôi thở dài, kết thúc cái bẫy của mình :
-Thật ra bọn cháu chẳng tìm ra điều gì cả, tất cả thì bây giờ bác đã nói rồi. Bọn cháu biết rằng có những điều bí mật gì xung quanh chuyện này nhưng không ai chịu kể cho bọn cháu cả. Giờ bác đã kể thì cháu bọn cháu mới biết được.
Người bác như sốc nặng, ngồi bệt xuống :
-Ra là con lừa ta ? Phải vậy không ?
-D..Dạ..
Bác nhìn trời, kêu gào :
-Trời ơi,mày..mày dám lừa cả bác sao ? M..m..mày..
Bác còn lắp bắp vài từ nữa nhưng tôi không nghe được.
Thế rồi giọng bác bắt đầu ra chiều tâm sự :
-Bố mẹ con Trúc..họ..đã viết trước một bản di chúc..Họ không cho bọn ta, tức là những người họ hàng và những người hàng xóm xung quanh được kể chuyện cho bọn con gái của họ. Bọn ta cũng vì nể họ mà giấu kín chuyện này suốt bao năm trời. Bây giờ ta lại đi kể cho các con nghe..Ta có đáng tội không chứ !
Rồi bác khóc. Tôi quay sang nhìn chị Trúc cũng thấy chị đang khóc. Nước mắt chảy thành dòng trên hai bên má chị. Chúng trong như những hạt pha lê mỏng manh, dễ vỡ. Chị cứ để mặc chúng rơi xuống rổ rau bí mà không bận tâm lau đi hay làm bất cứ điều gì. Có lẽ chị đang khóc vì bị cảm xúc đánh chìm. Chị khóc cho số phận của mình.Chị khóc cho lỗi lầm của người cha của chị...
Ngay cả tôi cũng không nghĩ mọi chuyện lại xảy ra như vậy. Giờ thì mọi chuyện đã được làm sáng tỏ. Mọi chuyện. Từ chuyện bố mẹ chị lại ngồi lên trước buổi tối định mệnh ấy đến chuyện những người hàng xóm xì xào bàn tán những lời không hay về bố mẹ chị nhưng lại không kể cho bọn trẻ con tôi.
Ngọn nến đã được thắp lên trong cái không gian mà chị Trúc lẫn tôi đã luôn tò mò tìm hiểu. Nhưng đau đớn thay, khi bóng tối đã bị quét đi, chúng lại chỉ để lộ ra những điều đáng quên, những điều xót xa không ai muốn thấy. Bóng tối có thể chở che và đồng lõa với những tội ác như ta thường thấy nhưng có lúc nó lại giấu kín những điều cần giấu kín và che khuất những điều cần che khuất. Bóng tối, nghe tên nó ta đã thấy xấu xa, ác độc, nhưng đâu ai biết, bóng tối chỉ trở thành tên phạm nhân nếu nó bị lợi dụng, trái lại, nếu tận dụng tốt được nó, đó sẽ là một tấm màn che tốt hơn cả thời gian, sẵn sàng che đi những điều không hay, ví dụ như câu chuyện của bố mẹ chị Trúc...
Tôi xin phép về khi đã tới trưa.
Trên đường về, chỉ khi những cơn gió nồng thổi qua mặt, tôi mới hay mình đã rơi lệ
Ngày hôm sau, tôi không qua nhà chị Trúc. Tôi muốn quên đi chuyện kia. Tôi đi chơi với lũ bạn.
-Mấy hôm nay đi đâu vậy mày ?
-Dạo này không thấy chơi với tụi này nữa là sao ?
Bọn nó nói giống hệt bọn ở lớp tôi khiến tôi chỉ biết cười trừ. Trong cả bọn chỉ có thằng Hải là không nói gì. Nó chỉ nhìn tôi với ánh mắt vô cùng nghi ngờ khiến tôi thấy lo lắng vô cùng. Chơi với lũ này đã nhiều, tôi chẳng mất công để nhận ra rằng Hải là thằng lanh lợi nhất bọn. Lanh không thua gì Hoa.
Sáng đó chúng tôi chia phe chơi bóng đá. Tôi và thằng Hải cùng chơi bóng rổ nên cao hơn lũ còn lại. Cũng chính vì vậy mà bọn tôi được làm thủ môn của hai bên.
Dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của lũ chim trên cây, trận đấu diễn ra vô cùng khốc liệt và gay cấn. Bọn tôi chơi ở sân đất nên mỗi khi có một pha tranh bóng căng thẳng nào là đất cát lại bụi mù trời.
Trận cầu của những tuyển thủ quốc gia tương lai không ngớt những lời hò hét, chỉ đạo lẫn nhau :
-Thằng này đứng tránh ra tao còn nhìn thấy bóng mà bắt chứ !
-Chuyền dài đi ! Thằng Quang đang trống kìa !
-Mày ngu thế thằng này ! Lần sau như thế mày phải lao ra phá bóng hiểu không !
Khi trận đấu kết thúc với tỉ số 3-2 nghiêng về đội tôi thì cầu thủ cả hai bên mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo.
Tuy áo đã ướt sũng, tôi vẫn không về nhà ngay. Tôi trốn lũ bạn ra đồng ngồi. Tôi chọn ngồi dưới một gốc cây to, bóng râm rộng cả một vùng. Cũng may là ở đó không có ai ngồi.
Tôi ngồi, chỉ ngồi mà thôi. Tôi ngồi nghĩ về chị Trúc, về bố mẹ chị. Tôi thật không hiểu điều gì lại có thể khiến một người làm ăn thành đạt như bố chị mắc phải một sai lầm lớn như vậy. Và hơn nữa, tại sao ông và người vợ của mình tính đến chuyện bỏ lại hai đứa con gái của mình như vậy..? Ngay cả tôi, tôi cũng thấy xót thương cho số phận của không chỉ chị Trúc mà còn số phận của Hoa nữa.
Tôi bận ngồi nghĩ và nhìn ra cánh đồng nên không thấy rằng thằng Hải đi tới.
Nó ngồi xuống ngay trước mặt tôi khiến tôi giật cả mình.
-Làm gì ở đây vậy mày ?
-Tao mới phải là người hỏi mày câu đấy.
Tôi cau mày đáp. Hải bứt một ngọn cỏ dưới đất, phe đi phẩy lại rồi mới nói tiếp :
-Tao thấy mày không về nhà mà ra đây nên mới đi theo. Tao quan sát mày một lúc rồi mới tới. Vậy mày ra đây làm gì ?
-Hóng gió.
Hải cười ha hả rồi chỉ tay vào mặt tôi :
-Mày ra đây hóng gió ? Thằng Nghĩa biết đi hóng gió bà con ơi !
Nó dừng lại để cười một lát rồi mới nói tiếp :
-Nói thật đi ! Thằng Nghĩa tối dạ mà tao biết không đi hóng gió, chưa kể hôm nay toàn gió nóng, hóng với hớt cái gì ?
Tôi nghe nó nói mà sôi cả ruột. Tôi chỉ muốn cầm ngay chiếc dép bên cạnh mình đập cho nó một phát vào mặt.
-Sao ? Trả lời tao đi chứ ?
-Đã bảo ra đây hóng gió mà mày cứ hỏi lằng nhằng nhỉ !
Thấy tôi có vẻ bực bội, nó dừng cái giọng châm chọc lại nhưng vẫn nói được một câu bóng gió :
-Mày không còn là thằng Nghĩa bọn tao biết nữa rồi !
Tôi không nói gì. Vì nó nói đúng rồi. Tình cảm tôi dành cho chị Trúc khác tình cảm tôi dành cho Hương. Tôi không rõ khác như thế nào, chỉ biết là khác. Có lẽ là cao quý hơn, đậm sâu hơn,...?
-Nói tao nghe ai vậy mày ?
Tôi tiếp tục im lặng.
-Ai mày ?
Ơ thằng này, buồn cười nhỉ ! Tôi không muốn trả lời vậy mà nó vẫn còn cố gặng hỏi, vô duyên hết sức.
Thấy tôi nhìn nó bằng ánh mắt có chút ghê tởm, Hải đứng dậy và bỏ về. Trước khi về, nó còn vỗ vai tôi :
-Chuyện thường thôi mày ạ !

Tôi ngồi lại một lát rồi cũng quay về. Trên đường về tôi có đi qua nhà chị Trúc nhưng tôi không vào. Tôi chỉ lắc lắc đầu rồi đi tiếp.
Hình như lúc tôi mở cổng là lúc ve bắt đầu kêu...