Mùa hạ năm đó, tôi sống suốt mấy tháng trên một hòn đảo, đến khi năm học sắp bắt đầu mới quay trở về đất liền.
Khi ấy, năm lớp mười một đã kết thúc, nhưng học kì tới tôi sẽ không phải là học sinh lớp mười hai. Tôi bị bệnh tim từ nhỏ, đến năm thứ hai trung học thì tình hình sức khỏe trở nên tồi tệ, thậm chí tôi còn phải trải qua một cuộc phẫu thuật tim để có thể tiếp tục sống sót. Vì vậy mà lớp mười một của tôi trở nên dở dang, và trong khi các bạn cùng lớp tiến về năm cuối, về kì thi tốt nghiệp thì mùa thu tới tôi kẹt lại với một lớp học hoàn toàn xa lạ và các bạn cùng lớp kém mình một tuổi.  Bỗng dưng tôi trở thành một kẻ ngồi bên lề của đường chạy, trong lúc bạn bè tôi dần dần lướt qua và tiến về phía trước. Vài ngày sau lễ tổng kết, tôi ra sân bay, lên đường đến hòn đảo nơi bác tôi sinh sống. Bố mẹ tôi khá lo lắng trước chuyến xa nhà lần đầu của đứa con trai mười bảy tuổi, nhất là khi đứa con ấy không được khỏe mạnh như người thường.
“Nhỡ có chuyện gì xảy ra ở đó thì sao?” Mẹ tôi buột miệng nói ra trên đường tới sân bay, mắt mẹ chăm chăm vào lồng ngực tôi nơi trái tim đang mải miết đập.
Khi máy bay băng qua biển, lời mẹ nói nổi lên trong tâm trí tôi như cái gàu bập bềnh trên mặt giếng nước. Thú thực, tôi cũng có phần bất an khi nghĩ đến hòn đảo xa xôi kia. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu rằng mình cần chuyến đi này, như một cuộc chạy trốn. Quên mùi bệnh viện, kim tiêm và những chai truyền dịch đi, quên cả khoảng sân trường nơi tôi đã ngất xỉu. Trước mắt tôi chỉ là một mùa hạ.
***
Mùa hạ trên hòn đảo này dường như là vô tận. Ngày nào tôi cũng thức dậy trong luồng ánh nắng rực rỡ và đi ngủ khi sóng biển rì rào cùng bầu trời đêm chi chít ánh sao ngoài cửa sổ. Sống giữa biển khơi, tôi dần cảm thấy mình đang biệt lập với phần còn lại của thế giới và cũng lơ đễnh hơn với sự trôi chảy của thời gian. Ngày mai, ngày kia, ngày kìa là ngày bao nhiêu, thứ Hai hay Chủ nhật, tôi không cần biết. Ngày mai chỉ là ngày tiếp theo của hôm nay. Thế giới ngoài kia có biến động thế nào, ai là thủ phạm của vụ án mạng đang gây chấn động, các hãng công nghệ có cạnh tranh khốc liệt đến đâu… thì ở trên hòn đảo này, chỉ có tôi và mùa hạ tưởng như không bao giờ chấm dứt. Dù hơi lẻ loi nhưng ở đây, tôi được một mình với bản thể còn nhiều thiếu sót, dễ tổn thương và vẫn đang định hình.
Bác tôi dành cho tôi một căn phòng rộng rãi và vô cùng thoáng đãng. Công việc chính của bác là cung cấp vật liệu xây dựng và điều hành khách sạn nên hầu hết thời gian trong ngày, tôi và bác chỉ gặp nhau vào bữa sáng và bữa tối. Bác sống độc thân sau khi vợ mất vài năm trước, con cái hiện đang định cư ở nước ngoài, chỉ về thăm vào kỳ nghỉ. Trong mắt tôi lúc ấy, bác là kiểu người độc lập, tháo vát, phóng khoáng và có ý chí sắt đá. Khi rảnh rỗi, bác thích lái xe motor Kawasaki màu xanh lá dọc con đường ven biển. Có lần tôi từng ngồi sau xe của bác vào một chiều hơi âm u, hai bên tai tôi chỉ nghe thấy tiếng gió thổi.
Thỉnh thoảng, tôi lại đứng trước tấm gương trong phòng, nhìn sâu vào phản chiếu trong đó. Tôi đưa tay lần theo vết sẹo mổ, rồi quan sát cơ thể mình hồi lâu. Có rất nhiều điểm tôi muốn mình khác đi, cả về mặt thể chất, lẫn trí tuệ và tâm hồn. Dẫu vậy, đây chính là tôi, với những khiếm khuyết không thể nào chối bỏ, và tôi sẽ tiếp tục mang vác cơ thể và linh hồn này mà sống tiếp. Lẽ ra tôi phải thấy vui và đầy năng lượng vì đã vượt qua cuộc phẫu thuật sống còn, thì khi đứng trước gương, đối diện với chính mình và trái tim đang cần mẫn bơm máu đi khắp cơ thể, tôi chỉ thấy một nỗi muộn phiền đang âm thầm tràn lan như loài cỏ dại. Hiện tại tôi đang sống khoẻ mạnh, nhưng lỡ một ngày, tim tôi đột nhiên ngừng đập mà không có bất kì dấu hiệu cảnh báo nào trước đó thì sao? Không có gì đảm bảo rằng trái tim tôi sẽ không hỏng hóc thêm lần nữa. Tôi nhìn vào khuôn mặt mình trong gương và nghĩ đến cái bóng ảm đạm của sự chết đang treo lơ lửng trên đầu. Mười bảy tuổi mà điều tôi ám ảnh nhiều nhất lại là cái chết.
Không lập tức xua ngay được nỗi ám ảnh ấy, tôi đành tạm cất nó vào một ngăn kéo trong lòng mình. Dù sao thì Thần Chết vẫn chưa tới, còn tôi có cả một mùa hạ, và có thể là hàng bao mùa hạ sắp tới để đi qua, tôi vẫn phải đưa mình nhích về phía trước. Dẫu vậy, đôi lúc tôi vẫn cảm thấy chới với như đang ở sâu dưới đại dương và không sao vươn tới được những con thuyền đang lướt trên mặt nước. Cứ như thế, trong lúc tôi xoay vòng giữa những rắc rối của chính mình, hạ cứ trôi qua, tuổi mười bảy chính thức đến lúc nào không hay.
Tôi đón sinh nhật thứ mười bảy trên đảo, cùng bác và Yên – người bạn hàng xóm tôi mới quen sau một buổi sáng cả hai tình cờ cùng dắt xe ra khỏi nhà và đạp về phía bờ biển. Yên tặng tôi chùm vải thiều ngọt lịm được thuyền chở ra từ đất liền. Sau bữa tiệc nhỏ, tôi và Yên ra bờ biển ngồi. Mặt Trăng như chiếc lồng đèn trăng trắng giăng ra giữa trời. Cách đây một năm, hẳn tôi không thể ngờ rằng có lúc mình lại đón sinh nhật trên một hòn đảo xanh ngắt với một cô gái ngồi bên cạnh. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, từ cây tuyết tùng, bệnh đậu mùa, vũ khí hủy diệt, những vở kịch câm, một truyện ngắn có nhân vật chính là con chuột đói khát, cho đến món sò huyết nướng ở phía bên kia hòn đảo. Đứng trước biển đêm và vầng trăng tròn, với những mẩu chuyện vụn vặt cùng Yên, bỗng dưng tôi thấy nhớ thành phố, con đường buổi tối nơi xe cộ qua lại như muôn vàn đốm sáng chảy tràn, tiệm kem luôn đầy khách vào mỗi buổi chiều, những con ngõ nhỏ trồng đầy hoa giấy. Tôi nhìn sang Yên, dưới ánh trăng trông cô như đóa hoa cúc trắng. Một đóa cúc với trái tim bí ẩn. Tôi ít khi nào đoán được cô đang nghĩ gì.
“Cậu đã bao giờ nghĩ về cái chết chưa?” Tôi hỏi Yên. Có lẽ ít ai lại đi nói về cái chết vào ngày sinh nhật mình, tôi hẳn là một kẻ bất thường.
“Rồi, nhiều lần là đằng khác”. Không hiểu sao câu trả lời của cô ít khiến tôi ngạc nhiên. “Tớ đã quyết tâm rồi, tớ có thể sống ở thành phố nào đó trên đất liền, hoặc bay nhảy khắp nơi, nhưng khi chết đi, tớ muốn qua đời ở hòn đảo này, hoặc ít nhất là một nơi có biển. Nếu sau này tớ có mắc bệnh nan y, thì tớ cũng sẽ không phí sức chạy chữa đến kiệt quệ ở bệnh viện làm gì, tớ sẽ chơi bời cho thỏa thích rồi ra đi trong tiếng sóng và gió biển.” Yên vốc một nắm cát và để nó trôi qua kẽ tay.
“Cậu quả là một người kì lạ.”
“Chắc vậy.”
“Cậu không sợ sao, cái chết ấy?”
“Đằng nào nó cũng sẽ đến thôi. Chết có đau không thì tớ không biết, tớ chưa chết bao giờ. Nhưng chắc cũng chỉ như một sợi dây đứt phựt, rất nhanh. Trong khi những con rùa biển hàng năm vẫn về hòn đảo này đẻ trứng trên bãi cát, những quán sò huyết vẫn nườm nượp khách ra vào mỗi mùa nghỉ lễ, thì mình chết đi, vậy thôi. Cũng không phải điều gì quá khủng khiếp.” Yên nói.
Cuộc trò chuyện bên bờ biển vẫn tiếp diễn nhưng tôi không nhớ được thêm chi tiết nào, trong đầu cứ nghĩ đến những cái trứng rùa động đậy dưới ánh trăng. Nếu bây giờ có một con rùa biển bò lên bờ chúc mừng sinh nhật tôi, thì tôi cũng sẽ vui vẻ mà cảm ơn nó, tôi đã có suy nghĩ kì quặc như thế đấy, không hiểu là do ánh trăng quá sáng đêm ấy, hay do Yên.
*
Vào một ngày thứ Sáu như bao thứ Sáu khác, chuông điện thoại của tôi reo ầm ĩ. “Cậu có thời gian không?” Đầu dây bên kia, giọng Yên vang lên rõ mồn một. “Có, rất nhiều là đằng khác.” Tôi đáp, vân vê mép áo. Vậy thì đi với tớ!
Vậy là tôi đi cùng cô. Chỉ một lát sau, tôi đã đứng cạnh một bức tường loang lổ, dưới ánh nắng thiêu đốt của mùa hạ. Nắng tràn lan khắp tường, khắp cơ thể tôi, khắp cả khoảng sân trống, không có nơi nào thoát khỏi ánh nắng. Yên đi cách tôi một đoạn, cô đội chiếc mũ trắng vải mềm, im lặng. Người ta gọi đây là “phòng tắm nắng”, nơi các tù nhân từ thế kỉ trước từng phơi sương, phơi nắng ở đây cả ngày. Tôi đi tiếp, dọc theo bức tường của nhà tù thời thực dân. Yên tĩnh quá! Từng có một thời, ở đây hẳn rất đông đúc, đầy những tù nhân, lính canh, xiềng xích, máu, nước mắt, thống khổ, căm hờn. “Còn lại bây giờ, chỉ là tịch mịch vô biên”, tôi bất giác lẩm nhẩm trong đầu một câu thoại hình như trong kịch của Shakespeare.
“Cậu nghĩ gì mà từ nãy đến giờ im ắng thế?” Yên đã đi bên cạnh tôi từ lúc nào.
“Không, tớ có nghĩ gì đâu. Mà này, sao hôm nay cậu lại muốn đến đây?”
“Tự dưng sáng nay ngủ dậy, tớ muốn đi thôi.” Yên đáp. “Tớ đã sống ở đây từ bé, mà chưa từng đặt chân vào nơi này, cậu thấy có lạ không? Mà tớ lại không thích đi một mình, nên mới rủ cậu.”
“Nơi tớ sống cũng có những địa điểm tớ chưa từng ghé qua, như bờ sông chẳng hạn.” Tôi hình dung ra con sông và những bãi bờ của nó.
Khi chúng tôi bước đi, những bức tượng tù nhân gầy guộc lặng lẽ quan sát từ phía sau song sắt. Yên tiến lên phía trước tôi một chút. Trong chiếc váy xanh nhạt dài quá đầu gối, trông cô như một bóng ma hư ảo sắp sửa tan đi giữa ánh sáng. Mồ hôi tôi không túa ra chút nào dù trời đang rất nóng.
“Này, tớ nghĩ là một thành phố, một hòn đảo hay một con người cũng có rất nhiều khuôn mặt. Cậu có cho rằng càng biết thêm nhiều khuôn mặt thì bọn mình sẽ càng trở nên khác đi không?” Yên ngoảnh lại, nheo nheo mắt nhìn tôi.
“Khác như thế nào?”
“Thì, khác theo nghĩa tích cực, như là tỉnh táo hơn, cởi mở hơn, đại loại thế. Cô xoay xoay chỉnh lại vành mũ.
“Ừm, cũng có thể. Nhưng tớ cũng có những mặt mà nếu cậu biết, chưa chắc cậu còn muốn làm bạn với tớ.”
“Cậu ví dụ xem nào?”
“Ví dụ như, tuần nào tớ nói chuyện với một con rùa biển.” Tôi thì thầm.
“Về chuyện đó thì tớ không sửng sốt lắm.” Yên cười.
Chúng tôi tiếp tục bước đi trong lặng lẽ, cho đến lúc dừng lại bên một cái máy chém. Tôi ngước nhìn lên lưỡi đao sắc lẹm đang sừng sững trên cao, bỗng thấy như có ai đang lần lượt rút hết những phích cắm ra khỏi người mình, chỉ còn lại cảm giác trống rỗng và tê liệt. Hình như trong người tôi có thứ gì đó vừa văng ra và lăn lông lốc vào bóng tối. Cứ thế, tôi đứng im như chôn chân vào đất, không rời được mắt khỏi cái máy chém, khung gỗ dài, lưỡi đao lạnh lẽo và sợi dây thừng đang mủn dần, cho đến khi Yên lay lay vào vai và kéo tôi ra khỏi nhà tù.
Không khí và cảnh sắc bên ngoài ngay lập tức khiến tôi dễ chịu trở lại. Tôi hít căng đầy lồng ngực khi gió ào ạt thổi qua. Trên mặt, trên gáy tôi, mồ hôi lấm tấm thấm vào vành mũ và cổ áo. Suốt chặng đường về nhà, cái máy chém vẫn lẳng lặng đứng ở một góc trong tâm trí tôi. Nó đã giết bao nhiêu người rồi, theo cách thức tàn bạo ấy? Cái chết, với những người đó, có đau đớn không, có dữ dội không? Hẳn trong số những người từng đổ máu dưới lưỡi đao cao vút ấy, cũng có người trạc tuổi tôi. Anh ấy, hay cô ấy là ai, liệu trước khi chết đi đã kịp lần nào đi trên bãi cát dài, ngồi trên con thuyền giữa lòng biển, hay ăn một trái vải căng mọng, hay nắm tay người họ thương? Tôi không thể biết. Tôi chỉ biết rằng, trong nhà tù đó có thứ khiến tôi sợ hãi. Nỗi sợ ấy là có thật, nó lẩn quất mãi trong lòng tôi như con rắn nhỏ cuộn tròn và ngủ sâu ở đó. Có lẽ bởi tôi đã ngửi thấy mùi cái ác tù đọng giữa các bức tường ẩm mốc và song sắt han gỉ.
*
Anh không nói gì khi nghe tôi kể về chuyện cái máy chém, chỉ nhìn tôi trong thoáng chốc bằng đôi mắt trong và phẳng lặng như nước hồ, rồi hướng tầm nhìn ra hàng hiên đầy hoa cỏ. Tôi định lên tiếng, nói về các chủ đề khác, nhưng rồi lại thôi, bèn rót trà chanh từ chiếc bình mang theo và uống một cốc đầy. Ngoài kia, khu rừng dội về phía chúng tôi những tiếng chim hót lao xao. Một lát sau, anh thôi trông ra ngoài và quay trở lại bên khối đá cẩm thạch trắng nằm giữa căn phòng.
Đó là một buổi sáng cuối tháng Bảy, nắng nhẹ và nhiều gió. Tôi ngồi bên chiếc bàn gỗ gần cửa sổ, quan sát anh làm việc. Ngoài hiên nhà, chiếc xe đạp màu vàng của tôi dựng trên lối đi, gần những vạt cỏ mới xén. Ngôi nhà của anh nằm trong một khu rừng, trong một lần đạp xe thám hiểm tôi đã tình cờ phát hiện ra. Sau vài lần trò chuyện, anh trở thành người bạn thứ hai của tôi trên đảo, sau Yên.
Lúc này, anh đang tỉ mỉ chạm khắc từng chiếc lông vũ trên đôi cánh của bức tượng cẩm thạch – một thiên thần có đôi cánh rộng lớn, đứng thẳng người, hai tay chắp sau lưng. Từ giữa căn phòng vuông vức, thiên thần nhìn ra khoảng rừng lấp lánh ánh nắng đằng sau những mảng kính lớn chạy dọc cả mảng tường, với dáng vẻ đầy suy tư. Tôi nghiêng đầu, dựa vào cánh tay đang chống trên bàn, ngắm nhìn khối cẩm thạch trong dáng hình một cậu thiếu niên, các đường nét hãy còn mảnh khảnh chứ không vạm vỡ như nhiều bức tượng nam mẫu mực của điêu khắc thế giới tôi vẫn thường gặp trong sách vở. Khi nắng hắt qua những ô cửa sổ, bóng anh đổ xuống mặt sàn thành một vùng xam xám, còn bức tượng, bức tượng bình thản đứng đó giữa dòng chảy của thời gian, đôi mắt vẫn hướng mãi về phía khu rừng.
“Anh đã đặt tên cho tác phẩm chưa?” Tôi bất giác lên tiếng.
“Vẫn chưa, anh định làm xong rồi mới nghĩ đến.” Anh đáp, tay vẫn đặt trên chiếc cánh phía bên trái.
Vậy thì tôi sẽ gọi nó là Thiên Sứ. Thật may vì Thiên Sứ chỉ là một bức tượng, bởi cậu ta sẽ không bao giờ lớn lên, già đi, sẽ không bao giờ cau mày hay sụp đổ, sẽ cứ mãi quan sát thế gian này trong hình hài trắng trong như ngọc, đẹp đẽ, thuần khiết và không khi nào phải tự hỏi liệu cái ác có phải là phần đã được cấy sẵn trong mỗi con người từ lúc sinh ra. Chàng Pygmalion trong thần thoại Hy Lạp xưa kia hẳn đã sai lầm khi ao ước bức tượng chàng khắc biến thành một con người bằng xương bằng thịt để chàng yêu thương. Một bức tượng chỉ nên là một tác phẩm, hiện thân của sự toàn mỹ và vĩnh hằng, để người ta đứng từ xa mà chiêm ngưỡng và tự vấn, suy tưởng và khao khát.
Ở đằng kia, là anh đang say sưa với tác phẩm. Còn ở phía này, là tôi, với bình trà chanh đã vơi một nửa. Anh đã luôn say sưa như vậy kể từ khi tôi đến, và hẳn sẽ vẫn như vậy sau khi tôi đi và mùa hạ của tôi chấm dứt. Tôi chỉ là chiếc lông vũ dạt vào hiên nhà của người nghệ sỹ trẻ tuổi tài hoa, một ngày kia sẽ lại theo gió mà biến mất khỏi cuộc đời anh, không chút dấu vết. Hẳn là cuộc đời này cần số ít những người như anh – những người có khả năng nắm bắt các ý niệm vô hình và cho chúng một vóc dáng, một sức mạnh. Vậy cuộc đời này có cần đến tôi, đã bao giờ tôi dồn hết tâm sức vào một việc gì đó, như cách anh làm tượng, hay tôi sẽ trở thành ai, thành cái gì? Tôi hỏi, nhưng không tìm được lời đáp. Xung quanh tôi chỉ là một khoảng không mịt mùng.
“Em vẫn đang nghĩ đến cái máy chém à?” Anh đã nghỉ tay và đến ngồi trước mặt tôi từ lúc nào.
“À, không, em…” Tôi ấp úng, tránh ánh mắt anh. Bỗng dưng tôi không muốn anh xem tôi là cậu nhóc yếu đuối và đa cảm, cứ ám ảnh mãi bởi chuyến thăm quan di tích.
“Lần đầu thấy cái máy, anh cũng sợ.” Anh vẫn chưa quên chủ đề vừa được khởi xướng. “Cứ nghĩ đến hòn đảo đẹp thế này mà lại có một thứ như cái máy chém là anh rùng hết cả mình.”
“Vậy bây giờ anh còn sợ không?”
“Cũng không thể nói là đã hết. Nhưng cái máy ở đó, còn anh ở đây. Nếu muốn nhắc đến nỗi sợ thì trên đời này có ti tỉ thứ làm người ta sợ hãi, máy chém và nhà tù chỉ là hai trong số đó. Tuy vậy, ngoài những thứ ấy ra, anh còn có khu rừng, căn nhà và những tác phẩm của mình, và anh cũng chỉ cần có thế.”
“Còn em không có gì.”
“Rồi em sẽ có. Cho đến lúc ấy, mỗi khi lo lắng, em cứ nghĩ đến bức tượng của anh.”
“Em sẽ thử làm thế.”
Tôi định nói thêm câu gì đó thì trời bỗng đổ mưa. Rất nhanh, anh chạy ra ngoài sân mang xe đạp của tôi vào trong hiên cho khỏi ướt. Xem ra tôi chưa thể về nhà khi mưa chưa tạnh. Tôi ra ngoài cửa, dựa vào thanh cột gỗ, trong lúc anh phủi những giọt mưa còn vương trên tóc. Nhiều năm sau này, trong kí ức tôi, buổi chiều hôm đó vẫn sắc nét đến từng chi tiết, như mùi mưa, những tán lá nhòa nhoạt trong màn nước, thanh gỗ trắng ở hiên nhà anh, như màu vàng của chiếc xe đạp, bức tượng chưa hoàn chỉnh, như tôi khi ấy hãy còn là một kẻ non nớt, tóc anh hơi ướt và cách anh cười trước một câu nói đùa. Tất cả đều chân thực và tỉ mỉ như một cảnh phim mà mỗi khi xem lại, tôi đều có thể nói rằng, quả thực năm ấy đã từng có sự tồn tại của anh và tôi.
*
Giữa tháng Tám, mẹ gọi điện nhắc tôi đặt vé máy bay về lại thành phố. Tôi nhẩm tính những việc cần làm trước khi rời khỏi hòn đảo, nhận ra rằng ngoài đặt vé và xách quà bác tôi chuẩn bị cho thì cũng không còn việc nào đáng kể. Nghĩ đến năm học mới, tôi hơi bồn chồn. Dù chưa rời xa hòn đảo nhưng tôi đã biết rằng, sẽ có một lúc nào đó tôi ngồi giữa lớp học, ở bến xe bus hay giữa quảng trường thành phố mà nhớ về ngôi nhà trong rừng, bãi cát và những đêm đầy sao. Dẫu sao, tôi luôn có thể trở lại đây bất cứ khi nào tôi muốn để gặp lại mọi người, nghĩ vậy nên tôi có thể vui vẻ tạm biệt bác, anh và Yên.
Thứ Bảy cuối cùng trên đảo, tôi đạp xe tới khu rừng. Cửa nhà anh vẫn để mở như mọi khi, nhưng anh không có ở nhà, chỉ có bức tượng thiên sứ đang trầm lặng đứng giữa phòng. Tôi chầm chậm đi quanh khối cẩm thạch lộng lẫy ấy, chạm khẽ vào đôi cánh hoàn hảo, tưởng chừng như ngay đây thôi cậu thiếu niên sẽ vỗ cánh và bay về phía ánh nắng đang xiên xiên qua những tầng lá trong rừng. Một tác phẩm tuyệt đẹp và tinh tế, xứng đáng có mặt ở những triển lãm, sự kiện nghệ thuật hàng đầu. Tự dưng, tôi lại chỉ muốn bức tượng cứ mãi ở đây, trong căn nhà nhỏ giữa rừng, cứ giấu vẻ trong sáng và thánh thiện ấy khỏi những con mắt trần gian. Có như vậy, bức tượng sẽ không bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của bất kì ai khác, trừ tôi và anh. Ngoài ra, còn có Yên. Anh đã đồng ý để tôi dẫn Yên đến đây, khi anh đã tạc xong tác phẩm.
“Em đến rồi à?”
Tôi ngoảnh lại, anh đã đứng ở cửa ra vào, với mái tóc mới được cắt ngắn. Ngắn hơn trước rất nhiều.
Chúng tôi tản bộ trong rừng. Mặt đất khô ráo, trong không khí dìu dịu mùi cỏ cây. Đi cạnh anh, tôi cứ huyên thuyên như một gã hề liến thoắng.
“Hôm trước khách sạn của bác em có mấy vị khách mới đến hay lắm. Họ đến từ tận Nam Mỹ. Sau khi gặp họ em liền xoay quả địa cầu trong khách sạn, tìm xem đất nước của họ ở đâu giữa châu Mỹ.  Trời ơi, chắc là phải đến lúc em đặt chân tới được Nam Mỹ thì em mới tin là trên đời có một khu vực như thế, quá xa xôi mà.”
“Khi anh đến thành phố của em thì em sẽ dẫn anh đi chơi, đi ăn, được không?”
“Em cũng không biết vì sao nhưng mà em chỉ muốn bức tượng cứ ở đây mãi. Chắc là em ích kỉ rồi, khi nào tượng được mang đi triển lãm thì anh báo cho em biết nhé?”
“Em nghĩ là anh rất có tài, và anh sẽ sớm thành công thôi.”
Còn anh chỉ cười, dưới những tán lá như chiếc ô xanh.
“Hay là em ở lại đảo thêm một tuần nữa? Dù sao thì năm học cũng chưa bắt đầu…” Tôi nói, tay vung một nhành cỏ.
“Em đã đặt vé rồi đúng không? Vậy thì đừng để lỡ chuyến bay. Đến lúc phải đi thì em cứ đi.” Anh đáp, ôn tồn và rành mạch.
Tôi hình dung ra chiếc máy bay băng qua mặt biển, trong chốc lát hòn đảo và mùa hạ này sẽ khuất lấp dưới những tầng mây. Chết tiệt, tôi làm sao vậy, ngay cả một lời chào tử tế cũng không thốt ra được, chỉ biết đi, đi mãi, giấu lời nói vào khoảng trống giữa các thân cây cao vút và những hạt nắng trôi trong rừng.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã vòng lại về phía nhà của anh. Tôi dắt xe ra khỏi cổng, đạp về phía bìa rừng đón Yên. Cô đã hẹn sẽ gặp tôi vào 4 giờ chiều, khi cô trên đường trở về từ nhà bà ngoại. Khi tôi ngoái đầu lại, anh đang đứng ở cổng, vẫy tay với tôi. Cái vẫy tay của anh lưu dấu vào những cụm mây trên nền trời xanh sáng.
Yên đã đợi tôi ở bìa rừng. “Đi thôi!” Tôi nói, và Yên cùng tôi đạp xe xuyên vào trong rừng. Khuôn mặt cô không cất giấu nỗi háo hức, như con sóc nhỏ sắp sửa tìm được một vốc hạt dẻ thơm lừng. Tôi chuẩn bị tiết lộ với cô bí mật lớn nhất của mình trong suốt mùa hạ. Hình như trong lồng ngực, tim tôi đang đập nhanh hơn một chút.
“Giữa rừng lại có căn nhà đẹp thế này, cậu biết một nơi hay như thế mà giấu tớ suốt mấy tháng qua hả?” Yên thốt lên ngôi nhà hiện ra sau những tán lá.
Rồi cậu sẽ còn bất ngờ hơn nữa khi thấy bức tượng và số tranh vẽ trong căn nhà ấy, và cả anh, tôi vừa nghĩ vừa tủm tỉm cười. Tôi như một đứa trẻ con kiêu hãnh chia sẻ kho báu với bạn bè, dù những thứ trong kho báu ấy chưa bao giờ thuộc về tôi. Dựng xe ở ngoài cổng, tôi dẫn Yên vào bên trong.
Bình đựng trà chanh của tôi vẫn ở đó, trên bàn gỗ. Nhưng căn nhà lại rỗng không. Ở chỗ lẽ ra là của bức tượng thiên sứ và số tranh vẽ, bảng màu, dụng cụ điêu khắc thì chỉ có mặt sàn đang hấp thụ luồng ánh sáng hắt vào từ mảng kính thủy tinh. Cách đây chưa đầy nửa tiếng, bức tượng vẫn còn đứng đó, nhìn vào cuộc đời với đôi mắt hơi u buồn, khiến người ta phải dừng lại ngắm nhìn mà bỗng chốc quên đi sự khắc nghiệt của thời gian, vậy mà giờ đây cả một vết tích cũng không còn.
Tôi chạy khắp nhà, mở mọi cánh cửa. Biết đâu, biết đâu đấy, sau một trong những cánh cửa là anh đang ngồi đó, anh chỉ đang muốn tạo bất ngờ cho tôi và Yên. Hy vọng của tôi cứ lịm dần sau từng bước chạy. Mọi căn phòng, ngóc ngách đều trống rỗng, không có đồ đạc hay vật dụng nào trong nhà chứng tỏ đang có người sinh sống. Căn nhà vẫn sạch sẽ, không chút bụi bặm hay mùi ẩm mốc, chỉ có anh và bức tượng đã biến mất như những bông tuyết tan đi vào mùa xuân.
Không thể nào, tôi lắc đầu, ngồi thụp xuống sàn gỗ. Suốt cả mùa hạ, hầu như tuần nào tôi cũng đến đây, cũng gặp anh, cũng ngắm bức tượng cho đến khi nó được hoàn thành. Rõ ràng, tất cả vừa mới đây còn sống động như thế, bức tượng còn đẹp đẽ như thế, cái vẫy tay của anh còn nhiệt thành, vậy mà trong chớp mắt đã hóa thành hư không.
“Cậu sao thế?” Yên lo lắng nhìn tôi. Chỉ có cái vỗ vai của cô là thật giữa căn nhà hoang đường như giấc mơ này.
Tôi nhìn cô, nhưng không thể trả lời. Cổ họng tôi khô khốc như sa mạc, và ý thức cứ vùi mãi trong một căn hầm trắng xóa, cứ đi mãi cũng không tìm thấy cửa ra. Cho đến khi có tiếng đẩy cửa ra vào, tôi mới lần mò tìm thấy chốt cửa căn hầm trắng ấy mà gắng gượng thoát ra, ngước đầu lên nhìn gương mặt người đàn ông đang đứng đó.
Không phải là anh, đó là một người đàn ông trung niên có đôi mắt như ánh sáng chập chờn của những con đom đóm ẩn nấp giữa rặng cây ven sông.
“Yên, là cháu đấy à?” Vẻ nghi hoặc và cảnh giác ban đầu nơi ông đã không còn.
“Vâng. Đây… là nhà của bác ạ?” Yên lúng túng.
Sau đó, tôi mới biết người đàn ông này sống gần nhà bà ngoại của Yên.
“À, không phải nhà bác, bác chỉ trông coi hộ chủ nhà thôi. Mà sao hai đứa vào được đây? Hôm trước bác nhớ là đã khoá cửa trước khi về mà nhỉ? Không lẽ bác quên?” Ông ta cũng bắt đầu lúng túng.
“Bác có biết chủ nhà này là ai không ạ?" Tôi hỏi người đàn ông với tất cả sự tỉnh táo.
“Có chứ, chủ nhà là người quen của bác. Ông ấy cũng trạc tuổi bác, làm công việc kinh doanh hải sản. Từ hồi đầu hè ông ấy chuyển đi chỗ khác sống nên có nhờ bác trông coi, dọn dẹp nhà cửa cho đến lúc có người mới dọn đến.”
“Tức là suốt mấy tháng qua, nhà này không có ai thường xuyên đến ngoài bác ạ?”
“Đúng rồi, chỉ có mình bác hay ra vào đây thôi. Nhà bỏ không thường hay mốc meo, dễ hỏng lắm, nên bác hay phải dọn cỏ, lau chùi. Mà sao cháu biết nơi này? Cháu cũng quen chủ nhà à?”
“Không, không, cháu không biết. Cháu cũng chỉ tình cờ đi qua đây thôi.” Tôi không nói dối, tôi chỉ giữ một sự thật khác dưới hố cát của riêng mình.
Tạm biệt người đàn ông, tôi và Yên đạp xe ra về trên con đường mòn. Những thân cây im lìm trong nắng chiều, kẻ vào không gian những vạch thẳng đứng. Nhanh, nhanh, nhanh nữa lên, tôi tự hối thúc mình vượt qua khu rừng. Yên cố nói với tôi vài câu, nhưng bên tai tôi chỉ bập bùng những thanh âm yếu ớt và vô nghĩa.
Ra đến bờ biển, tôi nằm ở bãi cát, nhìn mãi vào mảnh trăng trên nền trời xanh. Một cảm giác trống trải lạ kì ào tới khi tôi trông vào khoảng cách giữa mình và vầng trăng xa xôi ấy. Rốt cuộc thì mọi thứ có nghĩa là gì đây? Có phải tôi đã dành cả mùa hạ để mơ một cơn mơ kì lạ? Nước biển đã chạm đến người tôi, còn tôi để mặc mình lung lạc vào khoảng không trước mặt, cố tìm kiếm một câu trả lời.
*
Ngày hôm sau, tôi một mình quay lại khu rừng. Ngôi nhà vẫn im ắng như một bảo tàng quạnh quẽ. Cổng vào đã được khóa chặt chứ không mở toang như mọi lần tôi đến. Tôi đạp xe lòng vòng quanh những hàng rào trắng, rồi dừng lại một lúc lâu trước bức tường kính, chỉ để đối diện với phản chiếu đầy hoang mang của chính mình. Cứ thế, mặc cho thời gian trôi, tôi cứ đứng nhìn mảng kính, nhìn sâu vào bên trong con người tôi, không thấy gì khác ngoài một nỗi đơn độc lặng thầm. Tôi đã quay lại đây để xác nhận điều mình vẫn canh cánh trong lòng, vậy mà khi hiện thực đã bày ra trước mắt, rõ ràng và trần trụi, tôi lại khuỵu xuống, hai tay ôm lấy đầu, chạy trốn vào kí ức, nơi anh và bức tượng của anh cứ ngây thơ và vĩnh cửu đứng trong nắng hè. Co ro như một con nhím biển, tôi vùi mình vào những ảo ảnh đã vụt tắt như pháo hoa bên bờ biển, về một nơi trú ẩn dịu dàng tôi đã nương náu suốt mấy tháng qua. Vắng anh, khu rừng trở nên yên tĩnh đến mức tôi nghe được cả nhịp tim buồn bã của mình.
Một cơn khó thở bỗng chốc ập tới như đang rút cạn nguồn không khí ra khỏi người tôi. Nếu ngay bây giờ trái tim đột nhiên ngừng lại, tôi sẽ nằm lại đây, không ai hay biết, có khi phải đến tuần sau, tháng sau người ta mới phát hiện ra. Và kể cả, nếu vậy, thì cũng có làm sao? Sẽ không còn chuyến bay nào về lại thành phố, không còn năm học nào nữa, không còn nỗi sợ hay ám ảnh, và biết đâu tôi cũng sẽ có một chốn trong một khu rừng, nơi tôi miệt mài tạo tác những thứ của riêng tôi? Hơi thở tôi không đều. Tôi từ từ nhắm mắt lại.
Không rõ thời gian đã qua được bao lâu, khi tôi tỉnh dậy khu rừng vẫn sáng và xào xạc tiếng lá. Vẫn chỉ có mình tôi và chiếc xe đạp vàng nằm bên rìa ngôi nhà. Một con vẹt có bộ lông sặc sỡ từ đâu bay tới, đậu trên một nhành cây, chăm chú nhìn tôi. “Xin chào! Bạch đậu khấu! Đồ lười! Cá quả!” Nó cứ thốt lên mãi những từ ngữ lạ lùng ấy với tôi, rồi bay đi mất. Tôi dõi theo vệt màu xanh biếc trên đôi cánh nó cho đến khi sắc xanh ấy chỉ còn là hư ảnh, sau đó đạp xe ra khỏi rừng, không hề quay đầu lại.
Vừa ra khỏi rừng, tôi đã nghe tiếng động cơ quen thuộc phía sau. Quả đúng là bác tôi, trên chiếc Kawasaki màu xanh lá đang nhẹ nhàng lướt tới.
“Bác tìm cháu suốt từ nãy đến giờ. Sao cháu không nghe máy? Bác lo lắng hỏi, khác với vẻ tự chủ mọi khi.
Tôi sực nhớ ra cuộc hẹn với bác ở nhà hàng bên bờ biển, cứ ngây người ra. Suốt thời gian ở trong rừng, điện thoại tôi để trong túi quần không hề đổ chuông dù chỉ một tiếng, như thể mọi tín hiệu và sóng đã bị chặt đứt khi cố len lỏi giữa các tầng cây.
“Thôi đi nào, bác gọi món rồi đấy.” Bác vỗ vào cánh tay tôi.
Từ trong nhà hàng, tôi có thể trông thấy những con sóng vỗ vào bờ cát mịn, xóa đi dấu chân của những người vừa để lại trước đó. Bất cứ một hạt cát nào ở đây cũng có tuổi đời lâu hơn tôi, bởi cát sinh ra từ sự cọ xát và xô đẩy giữa các khối đá lớn qua bao thế kỉ. Đối diện tôi, bác cũng đang ngắm bờ cát trắng. Chúng tôi vừa ăn súp cua, mực chiên, hàu nướng, vừa ngắm biển, thỉnh thoảng nói với nhau vài câu.
“Hè năm tới, cháu về đây chơi nhé, bác sẽ để cháu lái chiếc Kawasaki.” Bác nói.
Tôi gật đầu, uống một ngụm nước chanh. Lời hứa hẹn của bác quả là hấp dẫn, nhưng tôi vẫn chưa biết sẽ đối mặt với những kí ức của mùa hạ này ra sao khi về đến đất liền, chứ chưa nói tới việc sẽ trở lại đây vào mùa hạ năm tới.
“Mà sao lúc nãy bác lại biết cháu ở trong rừng?”
“Bác đợi một lúc ở đây không thấy cháu đến, gọi điện thoại cũng không được nên đi tìm. Yên nói cháu không đi cùng nó, bác nhớ ra có lần cháu từng bảo vào rừng chơi nên đi tìm thử, không ngờ cháu ở đó thật.”
“Vậy ạ… Trước đây bác đã từng vào trong rừng chưa ạ?”
“Hồi xưa bác từng vào vài lần với mấy người bạn. Cháu biết không, khu rừng đó từng là nơi trú ẩn của các tù nhân vượt ngục. Nghe nói mỗi lần phải vào rừng kiếm củi, họ còn đóng cả thuyền, giấu ở trong rừng để sau đó vượt biển. Nhưng không phải ai cũng trốn thoát thành công.” Bác vừa kể vừa nhìn về phía những tia nắng cuối cùng trên mặt biển, trông bác như đang bơi về một phía xa xăm trong quá khứ.
“Những người không trốn được thì sao hả bác?”
“Họ bị xử phạt rất nặng, hoặc tệ hơn nữa là bị giết để răn đe những người tù khác.”
Hình ảnh cái máy chém bỗng xộc tới trong tâm trí tôi. Trong giây lát tôi như thấy lại mình đang đứng dưới cỗ máy tàn sát hàng loạt đó, trân trân ngó lên lưỡi đao sắc lạnh, chân tay tê cứng trong khi mùi sắt và mùi máu lẩn lút trong không gian. Tôi lắc lắc đầu, và màu xanh của rừng dần xua đi những hình dung tăm tối. Khu rừng đó là nơi tôi đã gặp anh, và nghe anh nói rằng “Hồi ở trong quân ngũ anh từng mơ làm một nghệ sỹ”.
Sau cùng thì, tôi đã gặp ai trong khu rừng ấy? Suốt mùa hạ, tôi thường xuyên đến một ngôi nhà trống, ngồi một mình hàng giờ liền trong đó, chỉ để gặp gỡ một linh hồn lưu lạc từ thế kỉ trước? Có phải, ở mặt biển ngoài kia, vào một không gian khác, thời gian khác, con thuyền của anh từng lênh đênh dưới ánh trăng? Hay vào một ngày nọ, anh đã lìa đời trước khi rời xa được hòn đảo, và từ đó anh có lại được tự do để đeo đuổi ước mơ tạo ra cái đẹp?
Tôi thả hàng loạt suy nghĩ vào mặt biển đêm rì rầm, trong lúc ban nhạc của nhà hàng chơi những giai điệu Tây phương. Ở một góc rừng sâu thẳm nào đó trên hòn đảo này, có lẽ anh vẫn đang miệt mài làm ra những bức tượng, chỉ có điều tôi sẽ không bao giờ có lại được tuổi mười bảy này để thấy chúng lần nữa. Khi người phục vụ mang món kem tráng miệng ra, tôi quệt nhanh vệt nước mắt trên má trước khi bác tôi để ý.
***
Yên đứng cạnh tôi trên bến tàu. Tóc cô thoảng hương quýt chín. Cô không hỏi han gì thêm về buổi chiều ở ngôi nhà gỗ. Có những chuyện tốt nhất nên được giữ bên dưới đường hầm trong lòng và không bao giờ nói ra, cả tôi và Yên đều hiểu điều đó. Gió lồng lộng thổi, tôi nhìn về phía con tàu màu đỏ đang sắp sửa đưa tôi về với đất liền, và từ đất liền tôi sẽ đáp máy bay về thành phố nơi gia đình tôi đang chờ đợi.
“Sao tớ lại có cảm giác tụi mình sẽ không bao giờ gặp lại nữa nhỉ?” Yên nói, vừa giữ cho mũ của cô khỏi bị gió thổi bay.
“Chỉ là cảm giác thôi.”
“Sau này nếu tớ đến chỗ cậu, cậu sẽ gặp tớ và dẫn tớ đi chơi chứ?”
“Chắn chắn.”
“Cậu… có đang ổn không?”
“Tớ không sao.” Tôi đáp và mỉm cười, sau một thoáng im lặng.
Một lát sau, tôi chào tạm biệt bác và Yên rồi lên tàu. Từ bên cửa sổ, tôi cứ ngắm mãi hòn đảo cho đến lúc những giấc mơ mùa hạ xuôi vào dĩ vãng. 
Việt Anh
Nguồn ảnh: Pexels.com