Ve đã ngừng kêu từ lâu, trời không còn vương chút nóng ẩm của ngày hè. Tôi có một ngày để tận hưởng tiết thu ở thành phố xa lạ này trước khi về nhà. Chuyến công tác đã kết thúc từ hôm qua. Trong quán cà phê có thiết kế như một khu vườn cầu kì, tôi để mặc nắng, gió, mùi hương chảy tràn qua mọi giác quan, trong lúc tận hưởng bữa sáng.
Ngoài đường, vòm lá cây xanh rực lên dưới nắng, tỏa bóng xuống các học sinh trung học đang đạp xe. Tôi quên mất hôm nay là ngày khai giảng trên cả nước. Những em học sinh kia hẳn vừa bước ra sau hồi trống trường, màn biểu diễn văn nghệ, hoặc là thêm một vài tiết mục chào năm học mới mà tôi không rõ. Đã hơn mười năm kể từ lễ khai giảng cuối cùng của tôi thời trung học. Nhắm mắt lại tôi cũng có thể mường tượng ra sân trường với những cái cây còi cọc, cùng âm thanh rì rào phát ra từ hơn hàng trăm con người xung quanh hồi ấy. Hồi tưởng rời rạc như từng cụm rong trôi dạt được sóng biển đưa vào bờ, chợt làm dậy lên trong lòng tôi từng dao động mơ hồ.
Vừa uống cà phê, tôi vừa nghĩ về cuộc đời mình như một bản danh sách đầy các gạch đầu dòng chờ được đánh dấu tick. Theo thời gian sống, tôi như cái cây làm đầy thêm số vòng gỗ ở thân mình, dày dặn và cứng cáp hơn, nhưng cảm xúc cũng theo đó mà khó lòng thấm sâu vào bên trong. Một cái cây trơ trọi giữa đồng cỏ cháy.
Cho đến khi cô ấy xuất hiện. Ở bên kia đường.
Người phục vụ đã đặt bánh táo nướng lên bàn lúc nào mà tôi chẳng hề hay biết. Mùi vị bánh cũng trôi tuột qua miệng, không chút ấn tượng. Tôi như bị ném vào một khoảng trống nơi mọi âm thanh, ánh sáng đều nhòa đi, chỉ còn lại duy nhất một bóng dáng trước mắt. Cô ấy vừa vào quán cà phê bên kia đường, ngồi lại ở chiếc bàn ngoài trời, rút một quyển sách trong túi xách vải ra và bắt đầu đọc. Đường khá nhỏ nên từ bên này tôi quan sát cô khá rõ. Cô mặc váy kẻ ca rô vàng dài qua đầu gối, hai cánh tay trần sáng mịn lên dưới nắng. Mái tóc dài quá vai đôi lúc lại bay vài sợi lòa xòa trước mặt, cô đưa tay vén chúng lại vào sau vành tai. Trông cô như một loài chim xinh đẹp nào đó vừa đến thành phố này sau chuyến thiên di, chỉ ở lại vài tuần rồi dang cánh bay mất.
Tôi ngồi ở một góc hiên ngắm cô. Bên kia đường, cô ấy vẫn say sưa lật giở từng trang sách. Tìm được điểm giống nhau của cô mười năm trước và bây giờ còn thử thách hơn là chỉ ra những khác biệt. Dẫu vậy, tôi vẫn nhận ra cô từ cái nhìn đầu tiên. Cô ấy đang đọc sách gì mà chăm chú đến thế? Tôi sẽ biết được nếu đứng dậy, qua đường chào cô và trực tiếp hỏi. Nhưng con đường nhỏ lúc này hệt như dòng sông sâu thẳm, còn tôi không tìm được con thuyền nào.
*
Có một thời tôi từng chưa đầy mười sáu tuổi. Hết học kì I năm lớp Mười, tôi chuyển đến trường trung học ở một thành phố khác. Kế hoạch đổi chỗ làm đã được bố tôi lên trước cả năm, và khi bố mẹ sắp xếp xong xuôi, việc tôi nhập học tại trường mới sẽ hoàn thành bước cuối cùng của dự định, dù tôi có thật sự muốn đi hay không.
Trường trung học mới tạo ấn tượng kì cục với người nhìn rằng nó được xây dựng một cách thật ngẫu hứng. Những tòa nhà được đặt so le hoặc chéo nhau chứ không thẳng hàng hoặc vuông góc, giữa sân trường lại mọc lên một công trình hiện đại với kiến trúc không ăn nhập gì với các khu còn lại. Hệt như người thiết kế đã quá nhàm chán với lối xây dựng trường học thông thường mà quyết làm một cuộc cách tân nhưng hơi thiếu thành công. Thỉnh thoảng, giữa khoảng sân trường với số cây non mới trồng, vào trước giờ học, lại xuất hiện một hàng ngang các học sinh đi học muộn, vai đeo ba lô, không mặc đồng phục, cùng thầy phụ trách đi qua đi lại nhắc nhở về nội quy của trường. Có lần tôi vừa đeo ba lô lại vừa đi học trễ, nhưng may sao, vào lúc thầy quay lưng lại phía cổng trường, tôi đã kịp men theo lối đi khuất tầm mắt thầy. Trong lúc chạy hết tốc lực từ nhà để xe lên tới bậc thềm hành lang, tôi còn có sự cổ vũ từ mấy anh chị lớp Mười Hai đang ngó ra từ cửa sổ tầng ba, hệt như tôi là vận động viên Olympic môn chạy cự ly 400 mét.
Về sau, chủng loại cặp sách trong trường phong phú trở lại, từ cặp đeo chéo, ba lô cho đến cả cặp nhựa. Cảnh dàn hàng ngang buổi sáng trên sân cũng không còn. Quy định vẫn nằm im lìm trên giấy, nhưng có lẽ thầy phụ trách đã mất kiên nhẫn với việc tóm gọn lũ học sinh tinh quái lại hay lý sự, hoặc trường tôi vốn cũng không quá khắt khe trong vấn đề đồng phục. Tôi đã dùng ba lô trong suốt ba năm học. Tôi cũng không phải là kẻ cứng đầu coi mọi nội quy sinh ra là để phá vỡ, hay thích gây sự chú ý bằng việc phá luật, chỉ đơn giản là tôi không thích tuân theo quy tắc bất hợp lý. Tại sao tôi lại phải dùng cặp đeo chéo trong khi ba lô rộng rãi hơn và không gây đau vai?
Thỉnh thoảng, trong nỗi nhớ về thời trung học của tôi, kỉ niệm tức cười với chuyện ba lô này lại hiện lên. Không phải lúc nào tôi cũng có được vẻ kiên quyết làm theo những gì mình cho là đúng như hồi đó. Nghĩ lại, tôi thấy mình như quả chôm chôm non đeo ba lô đi giữa sân trường. Hồi ấy, tôi chưa va chạm với cuộc đời để có nhiều trải nghiệm, nhưng tuổi thiếu niên lại mãi cất giữ vẻ vị kỉ, có phần ngông nghênh và bất cần mà giờ đây tôi không tìm lại được. Gần ba năm học ở ngôi trường mới trôi qua trong yên bình. Tôi có vài người bạn để cùng chơi bóng rổ và qua nhà nhau chơi khi rảnh rỗi. Điểm số của tôi khá ổn dù không phải xuất sắc. Những chuyến đi chơi xa được diễn ra vào cuối tháng Năm. Với một học sinh chuyển trường như tôi, trường mới là một nơi không hề tệ. Tuy vậy, mỗi khi nhớ về nó, trong tôi lại ứ đọng hệt như có một cái đập nằm chặn dòng chảy lại. Tôi không thể hoàn toàn yêu quý ngôi trường, bởi tôi đã thấy được một khía cạnh tàn nhẫn của nó, trong cách nó đối xử với Vy.
Lần đầu tôi gặp Vy, cô ấy đang ngồi bàn cuối, dãy trong cùng của lớp. Một mình. Sau khi giới thiệu ngắn gọn với lớp, tôi lẳng lặng đi xuống bàn trống nằm cuối dãy giữa. Khi tôi đi ngang qua bàn Vy, cô ngẩng đầu nhìn tôi bằng đôi mắt đen cất giấu vẻ hiếu kì xen lẫn mơ hồ rồi nhanh chóng cúi xuống trang vở trước mặt. Tôi vào chỗ, mắt dừng ở khoảng nắng đang chiếu trên bàn Vy. Nếu đưa thước kẻ nhựa trong vào giữa khoảng nắng ấy, nghiêng nghiêng thước, trên tường sẽ xuất hiện mấy vệt sáng phản chiếu. Vy không làm trò nghịch ngợm ấy, cô chỉ dùng những ngón tay mũm mĩm ghi bài vào vở. 
*
Tôi thuận tay trái. Đó là sự thật mà các cô giáo tiểu học, bố mẹ, những cái thước kẻ vụt vào bàn tay hay hàng tá lời đe nẹt, chỉnh đốn đủ kiểu không thể nào thay đổi được. Cho đến khi vào cấp Ba và cả bây giờ, tôi vẫn viết, cầm dao gọt hoa quả, chơi cầu lông bằng tay trái mà ít gặp phiền phức gì đáng kể trong một thế giới đa số thuận tay phải. Việc tôi nằm trong 9% dân số thế giới không thuận tay phải đã trở thành đề tài nói chuyện đầu tiên với Vy.
Hôm đó, lớp được nghỉ một tiết. Tôi nảy ra ý định vào thư viện, trong khi không đứa bạn nào hứng thú với ý tưởng này. Bước vào phòng đọc vắng vẻ trên tầng ba của tòa nhà mới xây, tôi mới ngỡ ra mình không phải là học sinh duy nhất ở đó. Từ góc bàn tận cuối phòng, Vy đang ngồi đọc một quyển sách dày. Cách cô chọn chỗ hẻo lánh nhất ngay tại một nơi yên tĩnh như thư viện như thể muốn trở nên vô hình trong mắt người khác. Vy đã rời khỏi lớp lúc nào tôi chẳng rõ, cô ấy luôn lặng lẽ hệt như một cái cây, với vẻ thu mình và căng thẳng đến khó hiểu.
Tuy vậy, giữa hàng trăm quyển sách, dường như Vy còn thoải mái hơn cả khi ở giữa con người. Từ phía giá sách, tôi cứ đứng quan sát Vy đang chìm sâu trong vương quốc của riêng cô, với vẻ mặt tôi chưa từng bắt gặp trước đây. Vào giây phút Vy bật cười, hẳn là vì một tình tiết hài hước nào đó trên trang giấy, tôi như kẻ phiêu lưu vừa khám phá ra bí mật ẩn giấu giữa rừng già. Có phải lớp học đang cất giữ một lời nguyền quái gở biến cô thành cái cây không bộc lộ cảm xúc? Sau này, khi trò chuyện nhiều hơn với Vy, tôi mới biết được hồi đó cô đọc rất nhiều sách. Giấy trắng và chữ đen hấp thụ phần nào tâm sự của cô, âm thầm giữ cô không đổ gục xuống suốt ba năm học.
Ngồi ở bàn gần cửa ra vào, tôi vừa đọc sách, vừa ghi chú vào tờ giấy bên cạnh, chốc chốc lại dõi về phía Vy. Bao kiến thức về sao siêu mới và tro sao của Mặt Trời cứ trộn lẫn hết vào nhau, bởi tôi bị phân tâm bởi bàn cuối dãy. Chỉ một lúc nữa thôi, khi trống vang lên, vẻ sinh động vừa rạng lên nơi Vy sẽ lập tức lặn sâu hút xuống lớp vỏ kín quen thuộc. Cô như loài ốc hiếm bị dạt vào thế giới loài người, chỉ rụt rè lộ mình ở chốn kín đáo và an toàn nhất. Vậy nên, nhân lúc sắp hết giờ, tôi mở lời khi chạm mặt cô ở giá sách. Một cuộc nói chuyện không đến nỗi gượng gạo như tôi đã e ngại. Đúng như tôi đoán, tách khỏi lớp học là Vy như thoát được một cái áo choàng u ám.
 “Huy thuận tay trái à?” Vy hỏi.
“Sao cậu biết?” Tôi hỏi dù đã phần nào biết câu trả lời. Trên lớp, hẳn có lúc cô quay sang bất chợt và thấy cách tôi viết bài.
“Vì trên lớp và cả lúc nãy ngồi đây cậu đều viết tay trái mà.” Cất sách xong, Vy mỉm cười đáp.
Vy thừa biết tôi cứ chốc chốc lại ngẩng đầu lên nhìn cô? Tai tôi nóng dần lên. Hay là cô ấy không biết, tôi tự trấn an, cứ xem cách cô ấy vô tư nói với tôi thì rõ. Như một tên ngốc, tôi đi sau Vy, vừa nhìn dây buộc tóc của cô, vừa băn khoăn với loạt câu hỏi. Hiển nhiên Vy không nghe được cuộc độc thoại nội tâm vòng vo ấy, nên cuộc nói chuyện về tay trái – tay phải vẫn tiếp tục trên đường ra khỏi thư viện. Cho đến khi chúng tôi bước ra ngoài bóng đổ của tòa nhà và được bao phủ bởi ánh nắng, Vy đột ngột tách ra, chào tôi và đi về phía canteen.
Trên lớp, Vy vẫn duy trì trạng thái ẩn mình như vậy. Nhưng mỗi khi gặp tôi ở ngoài, nhất là ở nơi ít người, cô đều cười và trò chuyện với tôi theo cách không hề xã giao. Như một quy tắc ngầm cô tự đặt ra và tôi phải tự hiểu, lớp học là nơi cô muốn co mình lại, và tốt nhất là tôi đừng nên bước qua hàng rào ẩn giật mà cô tự dựng nên, vì sự an toàn của cả hai.
*
Thật lạ khi một địa điểm đồng thời là giấc mơ với người này và ác mộng với kẻ khác. Điểm số, thành tích, ngoại hình, tính cách đều không còn mấy sức nặng ở trường học, một khi sự tồn tại của bạn không được thừa nhận bởi tập thể. Không mất quá nhiều thời gian để tôi nhận ra sự phân biệt trong cách đối xử của mọi người với Vy. Cô không tự nguyện biến thành cái bóng mờ nhạt, mà chính lớp học đã từ chối lắng nghe tiếng nói của cô. Sự ghét bỏ vô căn cứ có tính lây lan như dịch bệnh. Từ một nhóm nhỏ tẩy chay Vy, những lời đồn thổi giăng mắc chằng chịt khắp trường, dù chưa đến một phần trăm trong đó là sự thật. Khi tôi nhập học vào kì II năm lớp mười, Vy hầu như không còn mấy người bạn. Tới giờ, tôi vẫn rùng mình khi nghĩ về sự lạnh lùng thản nhiên của những đứa trẻ chưa đầy mười tám tuổi khi chúng nhanh chóng cô lập một người bạn, chỉ vì Vy là con gái một phạm nhân đang thụ án trong tù. Hoặc có thể chẳng vì lý do nào cụ thể.
Dẫu vậy, mùa hè tuổi mười sáu và mười bảy của tôi vẫn luôn có Vy.
Hè đến, tôi không còn cầm chìa khóa lớp và phải luôn đến trường sớm để có thêm vài phút trò chuyện cùng cô. Chúng tôi gặp nhau ở nhà sách, lớp học Toán, quán ăn Vy làm thêm. Đôi khi cô cho tôi xem quyển sổ đầy hình vẽ, tranh vẽ bằng chì, màu nước. Một trong số những quyển sổ đó hiện còn ở lại với tôi, là chứng cớ về việc con người ta có thể bay bổng trong thế giới riêng của họ như thế nào. Vy là một trong những người bạn tài năng nhất tôi từng có. Mặc cho sự kì thị xấu xí từ lớp học luôn chảy tràn lênh láng như vũng bùn chỉ chực nhấn chìm bất kì nạn nhân nào, Vy đã cầm cự để giữ lấy sắc màu của riêng cô. Ngoài đọc sách, cô vẽ như để giữ mình tồn tại, và mài giũa từng chút khả năng đặc biệt ấy cho đến khi nó trở thành tài năng, và lối thoát. Vào một chiều thứ Năm, bên quán nước mía ven hồ, cô ấy reo lên thông báo đã được nhận vào lớp ôn luyện của một thầy giáo dạy vẽ có tiếng.
“Tớ sẽ thi trường mỹ thuật!” Vy không đơn thuần thông báo mà còn quyết sẽ sống cuộc đời như cô muốn, mặc cho những gì lớp học đối xử với cô.
“Và sau đó sẽ chuyển đi nơi khác?” Tôi uống ngụm nước mía ngọt và nhiều đá đến tê cả cổ họng, chờ đợi một câu trả lời.
“Chắc vậy, sau khi bố tớ ra tù. Cậu biết đấy, đi đến một nơi không ai biết mình là ai thì sẽ tốt hơn.”
Viễn cảnh về một mùa hè không có Vy thật xa lạ với tôi, nhưng cô ấy đã chuẩn bị từng bước đầu tiên cho kế hoạch ấy. Lời của Vy gieo vào lòng tôi một thứ hạt giống. Những hạt mầm đáp xuống từ một hành tinh cô đơn, nằm phơi mình trên cánh đồng hoang. Chúng tự lớn chẳng cần ai chăm sóc, cứ thế vươn dài rồi tràn lan trên các thửa ruộng. Một mảnh tâm hồn tôi trở thành cánh đồng đơn độc sau một mùa hè.
*
Cho đến giờ, khi buổi chiều hè nóng nực ấy đã lùi xa vào kí ức, trong phòng tôi vẫn giữ một bức tranh khổ A4 được lồng vào khung kính, treo trên tường. Trong tranh, Mặt trời đang dần lặn trên sa mạc. Một ốc đảo xanh tốt đang lên đèn. Những gam màu nước được hòa trộn, sắp đặt theo lớp lang, tính toán về chiều sâu và sắc độ để tạo nên khung cảnh vừa chân thực lại có chút hư ảo. Tôi đã chọn lấy bức tranh mình thích nhất trong quyển sổ của Vy, cẩn thận đặt nó vào khung, để ở một nơi luôn nằm trong tầm mắt. Lần nào nhìn vào bức tranh ấy, tôi cũng cảm thấy được sự sống đang chuyển động không ngừng dưới ánh hoàng hôn của sa mạc, dưới những tán cây rậm rạp, cùng hàng trăm đốm sáng như những tạo vật đặc biệt được sinh ra khi nắng tắt.
“Có gì ở ốc đảo của cậu? Tôi từng hỏi Vy vào một ngày tháng Tám.
“Có cây chà là, cây ô liu, giếng nước, những túp lều vải sọc, lạc đà. Thỉnh thoảng các đoàn lái buôn ghé vào nghỉ ngơi rồi lại đi tiếp.”
“Tớ đến thăm được không?”
“Được, nhớ mang theo quà cho tớ, đổi lại cậu sẽ được ăn chà là đến phát ngán thì thôi.”
Tôi không mê mẩn thứ quả hay xuất hiện trong hộp mứt Tết ấy, nhưng Vy thì có. Trong ốc đảo tưởng tượng của cô, cây chà là có lớp vỏ như vảy cá mọc khắp nơi, cho ra loạt cành trĩu quả căng mọng. Ốc đảo là nơi trú ẩn bình yên của Vy, nơi cô có thể đi lại giữa những gốc chà là và ô liu mà không bất an như khi đi giữa sân trường. Không ai ở đó để chỉ trích, phán xét về ngoại hình hay hoàn cảnh của cô. Vy chôn nỗi buồn tuổi thiếu niên xuống tầng tầng lớp lớp cát, để bình thản đi qua những ngày trung học. Tôi tự hỏi, có phải ốc đảo của Vy là duy nhất trên sa mạc mênh mông, hay nếu phóng tầm mắt ra xa hơn, sẽ thấy hàng ngàn, hàng vạn ốc đảo nằm rải rác, ánh lên từng quầng sáng nhỏ nhoi giữa màn đêm? Phải chăng tôi cũng có một ốc đảo, bạn cũng có, ai cũng có lúc lang thang giữa những cây ô liu và chà là, giếng nước và túp lều để kiếm tìm chút an ủi cho chính mình?  
*
Năm cuối cấp. Những quyển lưu bút ban đầu lác đác, rồi nhân lên khắp lớp, được chuyền qua lại như thư hỏa tốc. Mỗi lần đọc qua một quyển bất kì, tôi hay tự hỏi, liệu những người đã viết vào đây có nói ra điều họ thực sự nghĩ? Lưu bút giống như một nhà gương tập hợp chân dung phản chiếu qua các tấm kính tráng bạc đủ kiểu. Một điều tôi tự nghiệm ra là, không phải ai cũng hứng thú với tấm gương phẳng bình thường vốn cho ra phản chiếu chân thật nhất. Phần lớn lời nhận xét trong lưu bút đều vẽ nên một chân dung dễ mến, dù có đôi điều chưa hoàn hảo nhưng vẫn là một nhân vật để lại ấn tượng tốt trong lòng bạn bè. Chẳng mấy ai vui vẻ khi nhận lại phác thảo về một người vô tâm, ích kỉ, hay một kẻ bắt nạt, dù có thể đó mới là sự thật.
Vậy nhưng, khi cầm trên tay giấy lưu bút từ Vy, mọi quy luật tôi chiêm nghiệm được đều bốc hơi như làn khói đốt rơm trên cánh đồng. Hầu như không ai trong lớp đưa sổ cho Vy, trừ hai bạn nữ vẫn chơi cùng cô. Vy tháo rời mấy tờ giấy từ quyển sổ gáy lò xo ra, cũng chỉ đưa cho tôi và hai cô bạn đó. Tôi sẽ viết gì đây? Viết tất cả những gì tôi nghĩ về cô, về phản chiếu của cô trong mắt tôi, rằng cô là một người đặc biệt đến chừng nào? Chỉ có Vy sẽ đọc được điều tôi viết, nên tôi có thể viết bất cứ điều gì. Hoặc không thể viết được thứ gì, sau một lần tình cờ thấy Vy vui vẻ rút từ trong cặp ra mấy tờ giấy trắng đưa cho Phong, một cậu bạn cùng khối. Có thêm một tấm gương nữa trong căn nhà gương của Vy. Ở đâu đó trong tôi nghe tiếng “rắc” như kính rạn.
Những tờ giấy vẫn nằm im trong ngăn bàn ở nhà, trắng trơn. Hồ sơ đăng kí thi đại học đã được gửi đi, cho đến tháng Bảy tôi sẽ phải quyết định sẽ thi trường nào. Đưa ra lựa chọn có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời sau này hệt như có trong tay một chùm chìa khóa và đứng trước hàng tá cánh cửa. Cánh nào cũng giống nhau, chỉ có khung cảnh phía sau là khác, nhưng khác thế nào thì tôi phải chọn một cửa, xoay chìa vào ổ trước đã, và khi bước qua rồi thì khó lòng quay lại. 
Vy dành thêm nhiều thời gian cho lớp luyện vẽ đó, một nơi chật chội, nóng bức, chất đầy đầu tượng, khung tranh, lúc nào cũng có một cả tá học sinh ngồi miệt mài với bút chì, bảng màu. Cô luôn có mặt đầy đủ, cùng với Phong. Vy quen cậu ta sau mùa hè vừa rồi ở lớp vẽ. Trong trường tôi chỉ có hai người họ thi trường mỹ thuật. Con đường họ sẽ đi khác với tôi và phần đông những học sinh khác. Có phải vì vậy mà tôi như đang thuộc về một thế giới dần xa rời khỏi Vy?
*
Một chiều, tôi để mặc hàng loạt câu hỏi bỏ ngỏ trong lòng, cùng bạn trong lớp đi xem bóng đá ở sân vận động thành phố. Nắng rực trên bãi cỏ. Tiếng hò hét vang lên hai bên tai. Bóng bay lên giữa những đôi chân khoẻ mạnh. Vậy mà, giữa bầu không khí đó, tâm trí tôi cứ xao động ở khoảng trắng trên tờ lưu bút, số tờ đơn nguyện vọng cùng hàng loạt băn khoăn về tương lai. Kết quả của việc tách rời tâm trí khỏi hiện thực là, khi về đến nhà, tôi mới phát hiện ra đã để quên ba lô ở sân vận động. Nó đã biến mất khi tôi quay lại. Khỉ thật!
Tôi đạp xe về nhà trong nỗi buồn bực. Đèn đỏ liên tục nháy lên ở mỗi đoạn đường. Ở một ngã tư, trong lúc tôi đang đếm những giây cuối cùng, Vy đi qua trước mặt tôi. Cô ấy ngồi sau lưng Phong, trên chiếc xe đạp của cậu ta. Đèn xanh sáng lên, tôi đạp xe thẳng về phía trước. Lộ trình của tôi và cô ấy cắt ngang nhau, rẽ về hai hướng tách biệt.
Tôi giao lại chìa khóa cho lớp trưởng cầm. Vy cứ muốn chép bài giùm tôi để bù lại cho số vở ghi bài đã mất trong chiếc ba lô để quên. Cô ấy còn dặn tôi cứ ngủ thêm một chút, không cần ngày nào cũng phải đến lớp sớm.
“Chỉ có tớ mới phải đi sớm để tránh phải vào lớp khi đông người”. Vy cầm vở của tôi về.
Vy không biết tôi đang né tránh cô, né tránh cả núi cảm xúc rối tinh, tránh cả cánh đồng hoang đang lan ra trong lòng.
Chiếc ba lô trở lại đột ngột cũng như lúc nó biến mất. Ai đó nhặt được ba lô đã thấy thẻ học sinh của tôi bên trong và gửi về trường. Tôi đã may mắn trong những ngày cuối cấp, còn Vy thì không. Một số học sinh trong lớp đã trốn học thêm để đi chơi, bị cô giáo chủ nhiệm phạt. Vì suy luận không đầu cuối, họ tin chắc rằng Vy là kẻ mách lẻo. Sự thật chỉ là, chính cô giáo đã tình cờ trông thấy đám người kia ngoài đường, nhưng tin đồn đã lan rộng, và đám đông chỉ tin vào những gì họ muốn. Đây không phải lần đầu tôi nghe bên tai lời xì xào về Vy. Ở hành lang, trên sân trường, trong lớp học, Vy trở thành cái bịch cát cho người ta mặc sức ném đủ loại ngôn từ vào. Tôi đi ngang qua số lời lẽ xấu xí ấy mà đã phần nào thờ ơ. Vy vốn đã tự luyện cho mình cứng rắn để sống sót ở nơi này, cô ấy sẽ vượt qua được. Hơn nữa, giờ đây cô ấy còn có thêm Phong bên cạnh.
*
Lẽ ra năm ấy tôi không nên để sự lãnh đạm dần xâm chiếm lấy mình. Chỉ vài tuần nữa là kết thúc năm học, tin đồn lắng xuống như đám bụi bẩn đọng ở đáy hồ. Vy đã giải thích nhưng không ai nghe. Tôi cũng chỉ biết nói lời động viên rỗng tuếch.
Thứ Ba, tuần cuối cùng của năm học, tôi dậy muộn hơn mọi ngày. Tiết đầu tiên cả lớp tự quản. Lần này không có ai đứng bên cửa sổ cổ vũ cho cuộc chạy đua từ nhà để xe lên lớp học như hồi xưa. Lớp trưởng cầm chìa khóa lớp mà còn đi muộn hơn cả tôi, mọi người chờ ngoài cửa mà hào hứng như đang chuẩn bị dự tiệc. Vy đứng tách họ một quãng, mặt cô thoáng vẻ sáng lên khi thấy tôi.
Khóa mở ra, đám đông lần lượt bước vào, không ồn ào như mọi khi mà lần lượt ngồi vào chỗ chờ đợi như những con mèo ngoan ngoãn. Một bầu không khí bất thường. Tôi vào chỗ, lập tức nhận ra nguồn cơn sự bất thường ấy. Trên bảng, một bức tranh bằng phấn vẽ hai người đang cưỡi chổi. Một người đàn ông mặc bộ quần áo sọc, mũi dài nhọn hoắt, đầu trọc đang tươi cười, theo sau là một cô gái có bắp chân rất to, cả hai đều mang bộ mặt và vóc dáng châm biếm. Xung quanh hai nhân vật, những dòng chữ xúc phạm Vy và gia đình cô nằm la liệt, đủ mọi kiểu chữ.  
Tôi đứng lặng khi tận mắt thấy cách người ta dành thời gian và công sức để làm đau người khác. Hẳn là có người đã ở lại lớp chiều qua để bày ra chuyện này, và vở kịch đi muộn có sự góp sức của lớp trưởng – người vốn không ưa Vy. Tôi định đứng dậy, chạy ra cửa chặn Vy lại nhưng đã muộn, cô đã đứng đó và thấy hết. Cô ngây người ra, không nói gì, rồi đi băng băng về chỗ, môi mím chặt. Tôi chạy lên xóa bảng trong tiếng la ó của cả lớp. Họ như bầy kền kền hau háu chờ đợi phản ứng của Vy. Tôi đã nhầm khi cho rằng trò đùa tai quái đã chấm dứt. Vy không cho cặp vào ngăn bàn được vì trong đó đầy rác bẩn – giấy vụn, hộp sữa chua, băng vệ sinh đã dùng, thức ăn thừa. Bốc mùi và nhớt nhát. Vy ôm cặp chạy ra khỏi lớp trong tràng cười, tiếng huýt sáo và vỗ tay rầm rộ của cả lớp. Không kịp suy nghĩ, tôi rời đi, theo Vy về đến nhà.
“Tớ muốn được ở một mình. Huy đừng phản ứng gì với lớp.” Mặt Vy nhợt nhạt như người ốm.
Két! Cánh cửa sắt sập vào, ngăn giữa tôi và Vy. Khuôn mặt cô hôm đó mãi đọng lại trong kí ức tôi như đốm sáng xanh buồn rầu. Tôi ngồi ở hàng trà đá trước cổng trường cho đến gần hết giờ thì quay lại lớp lấy ba lô ra về. Mọi người trong lớp ném ra loạt ánh nhìn dò xét, nhưng đều dè chừng trước vẻ lầm lì của tôi. Đống rác bẩn thỉu trong ngăn bàn Vy đã được ai đó dọn đi, phi tang chứng cớ một vụ bắt nạt.
*
Vy của năm đó giờ đang ở trước mặt tôi. Gấu váy cô lay lay trong gió. Vẻ mặt Vy thư thái, trong quán cà phê có mấy anh chàng đôi lúc lại liếc nhìn cô. Mười năm qua hẳn cô đã sống thật tốt. Tôi đứng lên, định sang đường. Nhưng cô đã nhanh chóng gập sách lại, bước lên chiếc ô tô trắng vừa đỗ gần quán. Chiếc xe mang Vy đi xa dần khỏi tầm mắt tôi. Trong gương chiếu hậu của xe lưu lại vòm lá xanh và sắc trời thu, cả bóng dáng một gã ngốc vừa chạy sang bên kia đường, đứng đó nhìn theo mãi.
Đến đêm, trong khách sạn, tôi mơ thấy Vy. Trong mơ, tôi là phi công lái chiếc máy bay đủ chỗ cho hai người như trong phim Bệnh nhân người Anh, bay trong đêm giữa sa mạc. Trời lạnh giá, hàng triệu vì sao gửi tín hiệu xa xôi từ ngoài vũ trụ. Giữa màn đêm, tôi bay trên trời, tìm kiếm ánh sáng giữa bao la biển cát. Chợt máy bay gặp trục trặc, tôi phải hạ cánh khẩn, trong lúc vừa tình cờ phát hiện một ốc đảo nằm không xa. Ốc đảo trông quen lắm, hẳn tôi đã thấy ở đâu đó rồi. Trong quyển sổ của Vy! Vy đang ở đó đợi tôi, trong túp lều của cô đầy quả chà là và bình nước mát. Cô sẽ trách tôi đến thăm đột ngột mà không mang theo quà, nhưng rồi cũng sẽ hào phóng mời tôi thưởng thức hương vị của ốc đảo. Nhất định là như vậy. Để chiếc máy bay nằm lại phía sau như một con chim lớn bị thương, tôi bước về phía ánh sáng nhấp nháy phía xa.
Chẳng mấy chốc tôi đã thấy được Vy đang ngồi cạnh những gốc cọ, mắt cô hướng về phía bầu trời. Tôi mừng rỡ bước nhanh hơn và cất tiếng gọi cô.
“Vy! Vy! Vy ơi!”
Nhưng cứ như thể Vy đang ở trong một vỏ sò vô hình, không tiếng gọi nào từ tôi đến được với cô. Cứ thế, tôi vừa đi trên cát vừa gọi cô đến khản tiếng mà mỗi tiếng gọi như bị mặt cát sa mạc hút lấy. Đến khi khoảng cách giữa tôi với Vy chỉ còn lại mấy bước chân, tôi gọi tên cô lần nữa. Vy vẫn ngước nhìn các vì sao. Chân khuỵu xuống, tôi chợt hiểu ra rằng, dù cùng một không gian nhưng tôi đã bị chia cách khỏi ốc đảo của Vy mãi mãi. Tôi không còn cơ hội nào để ghé thăm ốc đảo của cô nữa, chúng tôi chỉ còn là những cá thể không thể kết nối với nhau giữa sa mạc khô cằn.
Tôi choàng tỉnh giấc vào 2 giờ sáng, mồ hôi túa ra khắp người. Tìm một chiếc khăn khô, tôi lau người rồi thay bộ đồ khác. Giấc ngủ chưa thể quay trở lại. Tôi bật TV, cũng không có kênh nào hấp dẫn, cuối cùng đành nghe các bài hát liên tục nối nhau trên một kênh âm nhạc. Một cô ca sỹ mặc chiếc váy vàng gợi tôi nhớ tới Vy.
Mùa hè tuổi mười tám năm đó của tôi đã kết thúc. Kì thi đại học vừa có kết quả, tôi đột nhiên mắc một trận sốt chưa từng có trong đời. Tưởng như mọi sức lực đều bay biến hết sau trận sốt dữ dội kéo dài gần cả tuần ấy. Khi vừa khỏe lại, tôi đạp xe qua nhà Vy. Có một chiếc xe tải chở đồ đỗ ở cửa. Nghe tôi gọi, Vy chạy ra ngoài, tay cầm một quyển sổ, chính là quyển có bức tranh ốc đảo tôi vẫn thích. Vy gọi đó là quà chia tay. Đó là ngày Vy cùng gia đình sẽ chuyển đi nơi khác. Cô đang định đến gặp tôi thì tôi đến trước, thậm chí còn quên mang theo tờ lưu bút đã viết xong từ sau ngày bế giảng. Chúng tôi đến bên hồ nước trước nhà Vy ngồi. Tôi chẳng có gì tặng lại Vy.
“Vy này, tớ…”
“Sao cơ?”
“Không có gì, cậu cứ quên hết những chuyện không vui đi.”
Một lát sau, từ trong xe, Vy vẫy tay chào tôi, cười thật tươi như cô từng cười với tôi trong thư viện. Chỉ có nụ cười của cô là rạng rỡ, phần còn lại của khuôn mặt thì không.
Năm đó, tôi định nói lời xin lỗi Vy. Lẽ ra tôi nên là người cầm chìa khóa lớp cho đến buổi học cuối cùng. Lẽ ra tôi phải lên tiếng bảo vệ cô trong những buổi học thể dục mà cô trở thành tâm điểm trêu chọc của cả lớp khi giáo viên vắng mặt. Lẽ ra vào lúc cô lầm lũi đi giữa sân trường mà không có ai chạy đến nói chuyện, tôi nên thôi chôn chân ở ban công mà chạy xuống bước cùng cô. Vào tuần học cuối cùng đó, thay vì chỉ lẳng lặng đi xóa bảng, tôi cũng nên đứng trước lớp và nói thẳng cho lũ bạn biết chúng hèn hạ thế nào khi hùa vào cô lập một người yếu thế. Và tôi cũng không nên giận dỗi vô cớ khi cô có thêm một người bạn mới.
Hồi ấy tôi đã trốn tránh nỗi sợ bị kì thị nếu cho người khác biết mình thân với Vy. Tôi đã đồng tình với mong muốn giữ bí mật của cô mà không ngờ rằng, chính sự im lặng của những người như tôi chỉ càng khiến đám đông được đà lấn tới. Tôi từng nhất nhất viết bằng tay trái, luôn đeo ba lô chỉ vì mình thích, nhưng lại không đủ can đảm lên tiếng cho người bạn luôn bên cạnh mình. Vẻ mặt đầy tổn thương của Vy vào buổi sáng hôm ấy lại hiện lên. Hết mùa hè ấy, Vy chuyển vào nơi cách tôi cả ngàn cây số. Tôi đi học đại học, rồi ra nước ngoài học tiếp, sau đó về nước làm việc. Chúng tôi không còn gặp lại nhau, cho tới hôm nay.
Tôi thao thức giữa lúc trời đang dần sáng. Những thanh âm đầu tiên của ngày mới đang dội đến từ đường phố bên dưới. Ở đâu đó trong thành phố này, Vy hẳn sắp thức dậy. Tôi sắp về nhà, và lại một lần nữa mất dấu cô.
Tôi muốn gặp lại Vy, muốn đến khủng khiếp, để xin lỗi, để gửi lại cô tờ lưu bút năm nào, để nói với cô rằng đến giờ cô vẫn luôn đặc biệt với tôi, và tôi vẫn còn thích cô. Rất nhiều. Nhưng biết tìm Vy ở đâu giữa hàng bao con người trong thành phố này? Biết đâu cô ấy đã có người yêu hoặc một gia đình, và người cô chọn đã lái chiếc xe trắng ngày hôm qua? Còn tôi đã hai tám tuổi, không còn có thể bốc đồng như ngày trước.
Quên cuộc gặp gỡ ngày hôm qua đi, quên thật nhanh, chẳng phải đó là điều tôi nên làm hay sao? Tất cả chỉ là sự tình cờ, như chiếc lá mùa thu đậu lên trên vai áo. Phủi chiếc lá đi, bước tiếp và đừng ngoảnh đầu lại, đừng tiếc nuối mùa thu đã ở đằng sau lưng. Cuộc sống với những gạch đầu dòng cần hoàn thành vẫn đang chờ tôi phía trước, và mọi thứ sẽ đảo lộn hoàn toàn chỉ với một bước đi chệch hướng. Nhưng liệu tôi có đang thực sự sống?
Nhắm mắt lại, tôi nghĩ về giấc mơ đêm qua. Mùa hè năm đó, Vy rời đi cùng ốc đảo của cô ấy, với một trái tim bị thương sau ba năm học tập ở một môi trường khắc nghiệt. Hình ảnh Vy một mình giữa ốc đảo có gì đó luôn khiến tôi day dứt. Tôi lắc đầu liên tục. Không, tôi không muốn giấc mơ đêm qua thành sự thực, khi mà tôi bị chia cắt với ốc đảo của cô mãi mãi.
Vậy sao bao năm qua mày không tìm lại cô ấy? Tôi tự chất vấn mình. Tôi đã trốn tránh suốt bao năm, trốn tránh sự thật rằng tôi không phải là một kẻ mạnh mẽ, dứt khoát, bản lĩnh như tôi mong muốn. Không dễ gì để tiếp tục sống khi phải thừa nhận mình đầy lỗ hổng, nên tôi đã ngoảnh mặt đi để sống tiếp, có những mối quan hệ mới, để lại phía sau lớp vỏ nhu nhược chán ngắt. Lớp vỏ mới của tôi, tiếc thay, cũng không lấy làm tuyệt vời hơn.
Nhưng, dù cho tôi có trốn tránh thế nào, suốt bao năm qua tôi vẫn nhớ về cô ấy, và đó phải chăng là lý do tôi luôn cảm thấy có gì đó thiếu sót trong cuộc đời tưởng chừng đang vận hành trơn tru này? Nếu gặp lại Vy, biết đâu tôi sẽ tìm được cách mở lớp vỏ cứng đang bọc lấy mình bấy lâu, để cảm xúc với cuộc sống quay trở lại? Tôi đã hai tám tuổi, không còn là quả chôm chôm non khi xưa, và không muốn lạc mất Vy lần nữa.
Sẽ là một cuộc hành trình dài để tìm lại cô ấy. Tôi đứng dậy, đi ra gần cửa sổ và nhìn xuống thành phố lúc này dần tắm trong ánh nắng.
Việt Anh
Ảnh: Pexels.com