Tranh được vẽ bởi họa sĩ Pa
          Nó cố lê thân mình lên cao, từng bó cơ bấu chặt cành cây đẫm sương lạnh. Ánh trăng vàng phản chiếu trong đôi mắt nhỏ hệt mặt nước buổi đêm đen trông chẳng rõ đáy, hình ảnh trăng hiện lên như rơi tụt vào vô tận. Nó chọn cho mình mặt sau của chiếc lá, thế giới vượt khỏi tán cây vẫn khiến nó sợ hãi. Ở đây, nó tránh khỏi những ánh mắt hung tàn chỉ chực chờ bóp chết nó, tránh khỏi những lời nói không có nhân dạng mà đủ sắc bén chẳng kém gì lưỡi dao,… thật ra nó đâu hẳn sợ những điều ấy, điều nó sợ là đối mặt với chúng, sợ những vết xước nhỏ dần ứa máu để rồi nứt toát, nhưng nó vẫn có thể nhìn thấy ánh trăng ấy tỏa sáng êm dịu như một bàn tay người thân thương đặt lên vết thương hở. Và thế, nó bắt đầu cho quá trình biến đổi.
*
          “Nhoàm, nhoàm”
          Vị lá non ứa ngập khoang miệng, nó không phải loại kén chọn gì thức ăn nhưng ở nơi vườn cây lá già, lá non xen lẫn thế này thì tội gì phải ăn những thứ giai nhách mà đăng đắng ấy. Ôi! Cái hương vị lá non này, vị tươi ngọt tựa tuổi trẻ khiến nó như uống vào người một vị thuốc bất tử. Nhấm nháp và nhấm nháp, cứ qua mỗi lần nhai, nó tự xem mình như một nhà phê bình ẩm thực chuyên nghiệp trong cái xã hội côn trùng này dù nó chả nếm gì ngoài lá cây, những lúc như này, nó xem thường lũ bọ ngựa chỉ biết ăn đống thịt tanh hôi hay đám châu chấu chỉ biết ăn lấy ăn để mọi thứ chứ nào biết thưởng thức gì, rồi cứ thế, nó đã tự cho mình cái quyền khinh thường người khác.
          Nhìn lên cao, bầy chim sâu đang lượn lờ trên đấy, không biết chúng chỉ đi dạo hay kiếm ăn đây, dù gì thì nó cũng sợ hãi cả. Nó ẩn mình trong những khe hở của thân cây, để màu da hòa cùng sắc lục của lá, hi vọng sẽ chẳng ai ngó ngàng gì nó. Những tiếng kêu thét mãi chẳng dứt, nó sợ lũ chim không những vì xác nó đây rồi cũng chỉ như một thứ cống phẩm để nuôi sống chúng mà còn vì những tiếng vang inh ỏi mãi chẳng ngừng, những tiếng gào như có nghĩa nhưng vì quá nhiều, nó dần dần chẳng bận tâm ý nghĩa ấy nữa và chỉ lẩn trốn khi gặp chúng.
          “Phù”
          Bọn chim bay đi, nó buông tiếng thở dài nhẹ nhõm. Cựa mình khỏi khe hở, ánh mặt trời chói lòa mắt nó khiến nó quay đầu đi hướng khác. Ánh mắt nó nhìn vào một nhành hoa, chẳng còn chiếc lá non nào nơi đó cả, hình ảnh bông hoa, vào sâu hơn nữa, hình ảnh nhụy hoa in vào mắt nó.
          “Không biết nó có vị gì nhỉ?”
          Một câu hỏi từng luẩn quẩn trong đầu nó hiện về, tâm trí nó chiếu lại hình ảnh những bầy ong lúc nào cũng chỉ quẩn quanh các bông hoa, nó đã thử nếm nhưng chẳng có vị gì cả, hình như thứ mà nó nghe là phấn hoa này phải có một cách chế biến đặc biệt nào đấy và có lẽ trong một khoảnh khắc nào đấy trong quá khứ, nó cũng đã tự hỏi mình liệu sẽ có ngày mình nếm được chúng nhưng rồi cũng sớm mờ dần vì nó đã chọn an phận với lá xanh. Nhưng rồi nó lại thấy một thứ khác, có phải tia nắng ban nãy là một sự sắp đặt, tựa hồ như một giọng nói thì thầm bên tai để nó nhìn về nhành hoa ấy. Nhìn xuống phía dưới một tí, một ổ trứng sâu nằm ẩn sau một chiếc lá lục đậm. Những quả trứng nằm trơ trọi ở đấy, chẳng một ai bảo chúng phải làm gì, sống ra sao nhưng cứ phải sinh ra để vật vờ giữa cuộc đời. Nó ngoảnh đầu quay đi, nắng lại lòa mắt nó.
*
          Ngày nào đó, nó ra đời. Thiên nhiên chào mừng nó bằng bờ môi của ánh dương lên làn da, từ đây, nó vào đời với sự dẫn dắt của mẹ thiên nhiên. Những tiếng lách tách xuất hiện xung quanh, những người anh em của nó đã đưa ánh nhìn của mình dạo vòng xung quanh trong khi nó vẫn ngơ ngác với đôi mắt đảo. Giờ đây nó phải làm gì, nó hỏi anh, hỏi em, hỏi chị, chẳng ai biết nên cũng chẳng ai trả lời và tất cả quyết định nghe theo tiếng bụng đói rồi bắt đầu gặm nhấm chiếc lá dưới chân chúng.
          Vỡ mộng, mẹ thiên nhiên che chở chúng nhưng bà lại nào rảnh rỗi chăm lo tí ti cho mỗi sinh mạng mà thay vào đó, bà ném chúng vào giữa cuộc đời. Tai họa ập tới như một mụ già khó ưa kiếm đứa nợ tiền, lũ chim kéo tới với tử thần chật chờ nơi đầu lưỡi, với một đứa trẻ thì cuộc thảm sát có ý nghĩa gì, chẳng có gì ngoài sự kinh hãi và vô định trong tâm hồn khi nó nào biết phải làm ra sao. Mùi máu tanh khiến trí óc nó mụ mị, những cú va đập với các anh chị em nó lúc chạy loạn khiến nó văng khỏi cành lá. Cỏ đưa thân đỡ nó, chẳng còn ai ở bên, chẳng còn nguy hiểm, những cành cỏ này cũng có thể thay thế đám lá kia và nó quyết định hãy cứ thế này mãi, an toàn, bình yên và chẳng cần lo nghĩ, hãy mãi như vậy.
*
          Đắp lên mình những tia nắng trưa sắp tàn lọt qua khẽ lá, cơn gió trưa lướt qua rờ nhẹ vào làn da nó một cánh tinh nghịch, lờ mờ mở mắt còn lim dim giấc ngủ mà sự khoang khoái còn níu lại đâu đấy ở bờ miệng, như một thói quen, nó với miệng tới những chiếc lá non ngự gần đấy. Đâu tiếng vo ve văng vẳng lại, một anh ong mật đang được cử đi làm nhiệm vụ hàng ngày của mình, chàng đậu hoa này rồi hoa khác, tay cần mẫn ghi chép số liệu và vận chuyển đơn hàng. Và rồi, sự chú ý của cả hai đã va đập vào nhau.
-     Này ông anh, đi đâu vội thế? – Sâu bướm lên tiếng hỏi.
-     Đi giao hàng, công việc hằng ngày ấy mà.
-     Xung quanh hoa cỏ đủ đầy, sao không ngồi lại để đầy bụng thơm.
-     Thôi, không phải ai cũng rỗi rãi như cậu mà suốt ngày lai rai đâu.
            Nó cảm thấy như bị tự ái khi bị nói động sự lựa chọn cuộc sống của nó, nó ghét cực những ai hàm ý cạnh khóe cái lối sống lười biếng ấy, dù thực sự là như thế. Nó khẩy mép môi rồi đánh tiếng:
-     Sao phải cực lực cho ngu người thế, hưởng thụ không phải sướng hơn ư.
-     Này nhé,… - Ong mật cáu mà đáp lại – mày nghĩ cứ sống như mày thì hay lắm chắc, tao mừng vì trong cánh vườn chỉ có một con sâu như mày, chứ đi cành nào cành nấy cũng đầy sâu mọt thì các cây hoa chết hết cả. Tao làm việc nào phải chỉ cho mình mình mà còn vì những người khác. Chỉ có những kẻ như mày mới há miệng chờ những cái lá dâng lên mà cũng là kết quả gián tiếp của những người khác lao động mà ra, thứ ích kỷ như mày thì chết đi.
        Nói xong, ong bỏ đi mất mà chẳng cho sâu bướm đáp trả mà có lẽ nó cũng chả đáp trả được vì những lời nói phản bác lại là những gai đâm ngược vào làn da mỏng. Nó tức tới mức màu da như đổi thành đỏ, tay chân dần loạng choạng và rồi cả người bị lăn lốc xuống mặt đất. May thay cho sâu bướm và không may lắm cho người phải dùng thân đỡ nó.
-     Cái gì thế!
              Nó rơi xuống ngay mai của bác ốc sên đang ngủ khiến bác giật mình mà kêu oai oái. Còn về phía nó, sau một đoạn đất trời chao đảo và hồn nó đã được cú rơi lôi đi đâu đó phiêu bạt. Bác ốc sên chẳng biết làm gì với của nợ trên vai, mang lên cây cũng không được mà bỏ lại cũng không xong nên bác đành vác thứ bị thịt trên mai về nhà.
          Bác ốc sên là công dân thâm niên của khu vườn, nghe nói từ thuở sơ khai của khu vườn thì đã có bác. Khổ nổi, nhà bác ngụ tại một góc tối của vườn, trước cửa còn phủ đầy dây nhợ khiến những cư dân sát mặt đất như giun, dế cũng hiếm khi mò tới. Thời gian trôi qua và chẳng ai trong vườn có nhớ tới một bác ốc sên. Càng đi, không khí càng trở nên ẩm thấp, cũng phải thôi vì nhà bác đâu được mặt trời chiếu tới và cứ mỗi lần mưa xuống rồi tạnh thì nước tù đọng lại hết cả, những làn hơi ẩm khụt khịt mũi cu cậu sâu bướm lớn xác khiến hồn cậu trở về.
-     Hở, đây đâu thế?
        Đầu ngọ ngoạy tứ hướng và trong ánh nhìn của nó vẫn còn lốm đốm những đốm sáng như lũ đom đóm đang lượn lờ trước mắt. Cơ thể ê ẩm chỉ có thể cục cựa đôi chút rồi lại nhanh chóng nằm yên trong khi tâm trí lại hoàn toàn trống rỗng, những hình ảnh thu nhận thay vì liên kết lại rời rạc và đứt gãy để rồi nằm chỏng chơ mỗi góc trong trí óc.
-     Cháu dậy rồi đấy à?
        Nghe có tiếng gọi mình tuy chẳng biết là ai nhưng giọng ấm và hiền hậu lắm, nó cho rằng người như thế thì khó mà người xấu được nên cũng lễ phép đáp lại.
-     Dạ, vâng ạ!
-     Làm gì trên đó đến nỗi mà mà lăn xuống đây thế?
-     Dạ, bất cẩn thôi ạ.
        Nó trả lời với chất giọng yếu tựa hồ như đuối sức nhưng thật ra là không muốn nói đến nó đã nhận ra bản thân mình tệ hại ra sao.
-     Mà này, sao cháu chưa trở thành bướm nhỉ, lớn thế này rồi cơ mà?
        Lại thêm một cơn chột dạ nhưng nó nghĩ nói ra có lẽ sẽ đỡ hơn phần nào. Và rồi nói quyết định mở lòng trò chuyện với người bác già cõng nó.
-     Cảm giác khi lớn lên thế nào hả bác?
-     Lớn lên á, ý cháu là sao? Nếu nói về mặt thể xác thì cơ thể sẽ nhanh nhẹn và mạnh mẽ hơn nhưng rồi cũng dần dần chậm chạp nên có thể xem là không vui lắm. Lớn lên về tâm hồn thì hay hơn, đôi mắt ta như lột xác giúp ta nhìn nhiều hướng giống mắt của bọn ruồi và suy nghĩ cũng sâu hơn như thể được trông rõ đáy ao nước vậy.
-     Cháu sợ thành bướm lắm, chẳng được ăn uống thỏa thuê và vui như này nữa, chưa kể còn dễ thành mồi cho lũ chim.
-     Sao cháu không nghĩ tới những điều có thể đạt được khi thành bướm?
-     Như là gì hả bác?
-     Sao ta biết được, ta có phải là bướm đâu. Nhưng ta thấy chúng bay trông hay hay đấy, biết đâu cháu lại tìm thấy một gì đó kỳ vĩ.
-     Thế bác già thế này rồi, liệu bác đã nhìn thấy gì chưa?
-     Cũng có một lần đấy, cháu có biết gốc cây cao nhất sân vườn không? Trong một đêm ngước nhìn ánh trăng từ nhà, ta không biết phải diễn ta cảm xúc như thế nào, hình như trong thoáng chốc ta đã cảm thấy mình đã ăn được thứ phấn hoa mà chỉ ong bướm mới có thể thưởng thức. Thế rồi, ta quyết định bò lên ngọn cây ấy để có thể ngắm rõ hơn nhưng tới đỉnh thì trời đã sáng, bù lại ta ngồi đấy chứng kiến bình minh lẫn hoàng hôn. Hùng vỹ.
        Cuộc trò chuyện cứ thế kết thúc, nó lưu lại nhà bác ốc sên ít ngày nhưng lúc nào cũng thấy nó thập thò ngoài cửa với đôi mắt ngước lên trời. Và một ngày, người ta trông thấy một con sâu đóng kén hòa lẫn vào bóng lá qua ánh trăng vàng.
*
        Ngày đó cũng tới, sâu bướm ngày đã đóng kén giờ cựa quẩy bản thân để thoát khỏi lớp vỏ cứng. Đôi cánh đa sắc của nó lần đầu lộ diện và phản chiếu lại những ánh sáng nhiều màu khi được ánh dương rọi vào nhưng vẫn còn mềm lắm, không sao cả, mặt trời sẽ làm chúng cứng cáp qua thời gian. Sâu bướm…, mà không, giờ đây đã là bươm bướm đang đưa ánh mắt lạ lẫm nhìn thế gian, những lần đập cánh đầu tiên khiến chú lơ lững giữa không trung. Không biết đi đâu, trông thấy một vài cô cậu bướm khác đang đến một cánh đồng hoa gần đấy, chú chậm chạp bay theo tiếng gọi của hương hoa và rời mảnh vườn nuôi dưỡng chú thuở nào.
        Hãy bay đi và cứ bay đi bướm ơi, dù cho có phải bỏ xác nơi tuyết băng giá lạnh, miền cát nóng bỏng da thịt hay kể cả dưới bàn chân một kẻ vô tình thì cũng đừng sợ những nỗi đau tạm bợ ấy mà ấy cố gắng để đôi mắt mình về vẻ đẹp tuyệt mỹ mà đôi cánh vỗ kia đang hướng đến.