Truyện ngắn: Người cá
Khi ở bên em, tôi chỉ biết đến thời gian lặng lẽ chảy cho riêng hai người ở một nơi chốn xa thẳm và dịu dàng giữa lòng thế giới. Và tôi chỉ cần có vậy.
1.
Ngày hôm đó, trong cửa tiệm đồ uống bé nhỏ và đơn sơ, người cá mỉm cười chỉ vào chiếc đồng hồ quả quýt tôi vẫn hay mang bên người.
“Em thích đồng hồ, loại như thế này này. Anh tặng em một chiếc như vậy nhé, được không?” Người cá đáp khi tôi hỏi em muốn nhận quà gì vào ngày sinh nhật.
Tôi gật đầu và nhìn vào đôi mắt em xanh thẫm như nước biển. Thăm thẳm và mơ hồ. Dường như những ngày mùa hạ cuối cùng cũng đã chới với để rồi lặn sâu mất biệt trong đôi mắt ấy, chỉ để lại những vệt nước đầy u tối.
Quán vắng lặng, chỉ có tôi, em cùng hai vị khách già vận đồ đen, trắng như những quân cờ vua buồn tẻ. Ly, tách thủy tinh hờ hững phản chiếu lại những tia nắng chiều. Tôi cùng em dõi về bãi biển ở phía sau khung cửa sổ, và mùa thu đang chầm chậm trôi xuống trần gian như một tiếng thở dài thật khẽ. Biển đang lạnh dần, trời dần u ám, du khách sắp sửa thưa thớt hơn, và người cá sắp tròn hai mươi ba tuổi. Mải ngắm nhìn khuôn mặt của người con gái đến từ đại dương, tôi bỗng thấy mình như đang bồng bềnh trên một dòng sông không thấy bờ, và chỉ còn lại sự trống rỗng viền lấy toàn bộ cơ thể. Ở phía đối diện tôi, em vẫn không thôi hướng mắt về phía những con sóng tung bọt trắng xóa, liên tiếp xô vào bờ, về cái thế giới choáng ngợp và bí ẩn bên dưới mặt nước dập dềnh rộng lớn.
2.
Nửa năm trước, tôi gặp người cá tại một lễ hội thả diều ven biển. Buổi chiều đầu hạ trong trẻo và thấm đẫm một mùi hương tươi mới. Người lớn, trẻ nhỏ háo hức đi lại, cười nói khắp nơi. Không mấy ai cưỡng lại được sức hút từ những cánh diều căng gió. Kể cả người cá. Ở trên bậc thềm lát đá ngay sát bãi cát, em đang đứng một mình, mê mải dõi theo những con bạch tuộc, cá đuối khổng lồ, rực rỡ đến chói mắt bơi lội trong cơn gió chiều lồng lộng.
“Này, cô gái đằng kia chắc là khách du lịch nhỉ? Trông không giống người vùng này lắm.” Cậu bạn đi cùng tôi đang nhắc đến em. Giọng cậu ta đầy vẻ tò mò. “Cậu xem, cô ấy có phải người ngoại quốc không?”
“Tớ cũng không biết nữa.” Tôi bâng quơ đáp. Từ ngữ rời rạc như những mảnh giấy vụn mỏng tang, tứ tán theo gió về phía mặt biển mùa hè. Điều tôi thật sự biết lại đang nằm im lìm trong một cái hộp khóa kín giấu thật sâu dưới lớp cát dày trong lòng tôi.
Ngay từ lúc nhìn thấy em, tôi đã biết em không thuộc về mặt đất này. Người cá đến từ đại dương sâu thẳm đang ở trước mắt tôi, lặng lẽ chiêm ngưỡng những cánh diều với vẻ vui tươi lóng lánh như sương sớm. Phát hiện ra người cá là khả năng đặc biệt duy nhất của tôi – một loại năng lực hẳn là vô nghĩa trong mắt hầu hết mọi người, giống như một cây vĩ cầm đem đặt trước mặt những ai không mấy thiết tha với âm nhạc. Tôi chỉ phát hiện được người cá, chứ không phải là những cơ hội đầu tư sinh ra những chồng giấy bạc cao vun vút, và em sẽ mãi là nỗi chếnh choáng câm lặng của riêng mình tôi trước sự diệu kì của đại dương và vũ trụ.
Khi Mặt trời hồng rực sắp lặn vào lòng biển và những cánh diều dần thu mình về bãi cát, người cá vẫn ở lại trên bậc thềm đá, dáng vẻ nấn ná chừng như đang tiếc nuối điều gì.
“Về thôi!” Cậu bạn đi cùng vỗ vai tôi.
“Tớ ở lại đây một lúc nữa.” Tôi nói.
Cậu bạn giũ cát khỏi đôi dép xỏ ngón, xoay lưng lại, vẫy tay chào tôi rồi nhanh chóng hòa vào đám đông đang tản mác về phía ánh đèn thành phố.
Buổi chiều đang loang dần vào đêm tối. Tôi cứ trông vào khoảng trống giữa mình và người cá. Cứ thu gọn khoảng trống ấy cho tới khi tôi đứng đối diện người cá, nhìn rõ khuôn mặt em và lúng túng bật ra một lời chào, rồi sau đó thì sao? Tôi khó mà trả lời rành rọt, tương lai chỉ như một màn khói nước mịt mờ, trắng xóa mênh mông bốc lên từ thác nước ầm ầm xối xả. Nhưng nếu bỏ lỡ khoảnh khắc này, rất có thể tôi sẽ không bao giờ còn được gặp em thêm một lần nào nữa.
Sau một thoáng chần chừ, tôi vội bước về phía người cá. Khoảng trống giữa tôi và em được ngắt ra chỉ còn một nửa. Dẫu vậy tôi đã bị kẹt lại ở lưng chừng, không tài nào bước tiếp, bởi em đã nhanh chóng rời khỏi bãi biển cùng vài người bạn khác vừa ào tới trước tôi. Mặt trăng lưỡi liềm vệt nét trắng mảnh mai vào nền trời xanh thẫm. Giữa bãi cát vắng ngắt, tôi thả nỗi tiếc nuối vào một cái chai thủy tinh tưởng tượng nhấp nhô theo từng con sóng, lặng lẽ dõi theo những người cá bước đi cho đến khi họ chỉ còn là những chấm nhỏ khuất sau hàng dừa ngun ngút.
Ngày hôm sau, tôi lại đợi người cá ở bãi cát, nơi có những con diều sặc sỡ trôi nổi giữa không trung. Nhưng em không đến. Ngày hôm sau nữa. Và ngày tiếp sau đó. Cho đến khi lễ hội thả diều kết thúc, em vẫn không xuất hiện thêm lần nào. Tôi đi dọc bờ biển, cố tìm kiếm em, còn biển chỉ trả lại cho tôi những khuôn mặt người, người và người, đông đúc và náo nhiệt.
Khi tôi sắp sửa đánh mất hết hy vọng sau nửa tháng chờ đợi, thì bỗng em lại bước vào quán của tôi, đường đột như một cơn mưa rào bất chợt. Ngồi một mình ở chiếc bàn nhỏ ngoài hiên, bên cốc sinh tố lấm tấm hàng tá giọt nước ngoài thành cốc thủy tinh, người cá trông cũng giống như một vị khách du lịch bình thường trong hàng trăm, hàng nghìn vị khách tôi từng gặp. Họ đến thành phố này vài ngày hoặc vài tuần trong năm, tìm kiếm một thứ gì đó, chẳng hạn nắng ấm, sóng biển, hải sản tươi ngon, thời gian được tách biệt khỏi đời, sau đó lại quay về với miền đất quen thuộc, và trở lại đây vào năm sau, hoặc không bao giờ quay lại nữa. Tách mình khỏi bầu không khí huyên náo trong quán, tôi tiến về phía người cá, bồn chồn như thể sợ rằng em sẽ sớm tan đi trong nắng hè.
4 giờ chiều. Cuộc trò chuyện đầu tiên của tôi với người cá đã bắt đầu như thế. Một cuộc đối thoại như bao cuộc đối thoại giữa dân bản địa nhiệt tình và du khách thân thiện. Phẳng lặng, nhạt nhòa hệt căn phòng trống không vừa bị dọn sạch sành sanh đi hết đồ đạc.
“Em… là người cá, đúng không?” Tôi ngừng viết địa chỉ những quán ăn ngon trong thành phố vào tờ giấy trên bàn, ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào mắt em. Câu hỏi bất ngờ cứa đứt không gian phẳng phiu giữa tôi và người cá.
“Suỵt!” Người cá đưa ngón tay lên môi, ra dấu im lặng rồi nhìn tôi, mỉm cười. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thật may em đã không bỏ chạy.
Thời gian cứ lướt đi như tàu siêu tốc dù tôi chỉ mong nó trôi thật chậm. Khuôn mặt và ánh mắt em lập tức gợi tôi nhớ đến âm thanh rì rào tựa sóng biển mà ta thường nghe thấy mỗi khi áp vỏ sò, vỏ ốc vào bên tai. Thứ âm thanh riêng tư và đơn độc ẩn nấp trong những chiếc vỏ cứng, vặn xoắn cầu kì.
Mượn bút và giấy từ tay tôi, em vẽ ra một bản đồ nho nhỏ. Đầu bút bi vụng về lướt trên giấy trắng, phác thảo những đường viền chia tách biển và đất liền. “Em đến từ chỗ này.” – Người cá chỉ vào một dấu chấm tròn lọt thỏm giữa khoảng trống thênh thang mà em gọi là đại dương. Càng cố hình dung về vị trí của người cá bằng cách vẽ ra những kinh tuyến, vĩ tuyến trong tưởng tượng, tôi chỉ càng thêm mông lung trước sắc xanh tưởng chừng bất tận của biển cả.
“Em sẽ ở đây trong bao lâu?” Tôi ngập ngừng.
“Ít nhất là đến hết mùa hè. Tạm thời là vậy.” Em đáp.
Chúng tôi tiếp tục trò chuyện trong khi gió không ngừng thổi. Người cá khi ấy trông vô tư và tươi sáng như những tia nắng dát thủy tinh vào mặt biển lúc ban mai.
3.
Suốt hai tháng sau đó, người cá trở thành khách quen của quán, luôn thưởng thức nhiệt tình mọi món đồ uống được mang ra. Có khi em đi một mình, khi lại đi cùng một nhóm những người cá cao lớn và đẹp đẽ khác. Chỉ có một lần duy nhất em đến quán cùng một con người – một người phụ nữ tầm tuổi sáu mươi, độc thân, sống trong căn nhà màu trắng nhìn ra phía biển. “Những người cá lên bờ ở vùng này đều ở tại nhà bà ấy, từ bao lâu nay đã như thế rồi. Giống một kiểu truyền thống vậy, em cũng không biết nó bắt nguồn từ bao giờ.” – Có lần người cá từng tiết lộ với tôi như vậy.
Chúng tôi trò chuyện nhiều hơn, cả ở trong cửa tiệm và bên ngoài cửa tiệm. Tôi kể cho em nghe về đất liền. Em kể cho tôi nghe về biển cả, về gia đình em, ngôi nhà nơi em đã để lại tuổi thơ ở đó, về ánh Mặt trời yếu ớt đi qua cả khối nước dày để đến được cái nhìn tò mò của em, về cách thức vận hành hoàn hảo của cơ thể người cá để thích nghi với cả biển khơi và đời sống trên bờ.
“Lần đầu tiên em gặp một con người bằng xương bằng thịt, em đã đặt tên cô ấy là Say Ngủ.” Em thì thầm khi chúng tôi đang ở trong hiệu sách lớn nhất thành phố.
“Say Ngủ?” Tôi hỏi trong lúc giúp em cầm số sách thiếu nhi ra quầy thanh toán.
“Khi ấy em khoảng mười bốn tuổi, bắt đầu cùng bạn bè mon men khám phá những khu vực bên ngoài nơi chốn quen thuộc của mình. Thế rồi trong lúc đang chơi đùa, bỗng nhiên bạn em phát hiện ra một cô gái loài người đang từ từ trôi xuống từ phía trên. Cô ấy rất đẹp, váy áo cứ phập phồng trong làn nước, như thế này này.” Người cá vừa kể vừa dùng tay diễn đạt sau khi rời khỏi hiệu sách. “Em cứ chờ cô ấy tỉnh dậy để chơi cùng tụi em, nhưng đợi mãi, đợi mãi mà mắt cô ấy vẫn nhắm nghiền như đang chìm trong cơn mơ nào đó. Vậy nên tụi em bỏ cuộc, thôi không cố đánh thức cô ấy nữa, và gọi cô là Say Ngủ. Về sau, em mới biết là cô gái loài người sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa. Loài người vốn không thể sống sót lâu dài trong lòng đại dương. Kể cũng lạ, thế giới của anh đẹp thế này mà điều đầu tiên em biết về nó lại là cái chết.”
Nhìn sang em, bất giác tôi nghĩ về lòng biển nơi những người say ngủ đã vĩnh viễn để lại những giấc mơ và những cuộc đời.
“Em thấy nơi này đẹp ở điểm nào?” Tôi buột miệng hỏi.
“Tất cả mọi thứ. Như là, nắng chiếu qua cửa sổ, gió ngày nào cũng thổi, mùi hương cỏ cây, hoa lá, tiếng chim hót mỗi buổi sáng, âm nhạc và những bộ phim hay, không khí mát mẻ sau một trận mưa lớn. Em thích cuộc sống nơi mặt đất này nhiều như thế đấy.” Em đáp.
Nghe em nói, tôi cũng chợt cảm thấy cuộc đời bình thường mình đang sống được lấp đầy bằng những điều giản dị, đẹp đẽ, nhiệm màu. Bên cạnh tôi, người cá đang ôm số sách vừa mua được vào lòng như thể đang giữ lấy thứ gì đó quý giá và dễ phôi pha lắm.
4.
Mùa hạ trôi qua quá nửa. Tôi đã yêu người cá mỗi ngày một nhiều thêm. Ngày nào tôi cũng mong được nhìn thấy em, và nếu em không xuất hiện thì nỗi nhớ lại kéo căng tôi ra như sợi dây diều, khiến tôi bồn chồn không dứt. Dường như cuộc sống của tôi không còn chỉ của riêng tôi, hay xoay quanh mình tôi nữa, mà đã được nối với em bằng một cây cầu nhỏ, trong suốt, mảnh mai, vô hình; sự tồn tại của em đã chạm vào trái tim tôi.
“Cậu thích cô bé người cá, phải không?” Bà chủ nhà nơi người cá đang ở đột nhiên hỏi tôi. Ánh mắt bà có một vẻ tinh quái tựa lưỡi gươm sắc nhọn gợi tôi nhớ đến những yêu tinh nhỏ thó sống ẩn nấp trong những khu rừng thần thoại.
Khi ấy, trong phòng khách chỉ có tôi và bà chủ nhà ngồi đối diện khung cửa kính hướng ra mặt biển. Tôi đến tìm người cá vào sáng thứ Bảy, nhưng em đã ra ngoài trước đó và vẫn chưa thấy về. Sau một lúc ngồi uống trà và trò chuyện vài lời xã giao với chủ nhà, tôi toan định xin phép ra về thì bỗng vấp phải câu hỏi hết sức riêng tư.
“Cháu…” Tôi ngập ngừng, rồi đành thừa nhận. “Đúng là cháu đang có tình cảm với người cá.”
“Tôi chỉ cần nhìn qua là biết. Bao năm qua tôi đã gặp rất nhiều người cá, và những người như cậu.” Bà mỉm cười trước vẻ mặt bối rối của tôi. Và như để làm tôi bối rối thêm, bà hỏi tiếp. “Cậu nghĩ thế nào nếu con bé cũng chấp nhận tình yêu của cậu? Tương lai của hai đứa sẽ thế nào?”
“Cháu chỉ nghĩ là, bọn cháu vẫn sẽ sống ở gần biển, trong một căn nhà thoáng đãng. Công việc của cháu vẫn vậy, và người cá có thể làm bất cứ việc gì em ấy muốn. Khi ở cạnh nhau, cháu sẽ bật bản nhạc người cá thích, nấu cho em ấy em, trêu cho em ấy bật cười, hoặc cháu sẽ nghe người cá tập chơi một vài nhạc cụ em thích. Hiện tại cháu chỉ nghĩ được đến vậy.”
“Kiểu như là một thế giới chỉ có hai người? Cậu thật đơn giản và… phù phiếm.”
“Chắc là vậy ạ.” Tôi đáp.
Bà uống thêm một ngụm trà, im lặng trong chốc lát, ghim ánh nhìn vào một cái đầu tượng bày trong phòng khách. Không biết làm gì hay nói điều gì, tôi cũng nhìn về bức tượng trắng toát với những đường nét mềm mại, kiêu kì của một cô gái đội trên đầu chiếc vòng gắn hình vầng trăng khuyết, giống như nữ thần Artemis trong thần thoại Hy Lạp. Tôi thử nhớ ra những mẩu chuyện liên quan đến Artemis và mối tình của cô với người phàm trần nhưng đầu óc cứ đặc lại như đầm lầy.
Một hồi lâu sau, bà chủ nhà mới lên tiếng:
“Rồi đến một lúc cậu sẽ thấy, dẫu có rất nhiều tình yêu thì vẫn là chưa đủ.”
Nhưng tôi chỉ có thể cho người cá tình yêu. Và tôi đã quá yêu em để có thể bắt đầu hoài nghi bất cứ điều gì. Tôi mặc kệ thời gian ngoài kia và thời gian của những kẻ xung quanh tôi cứ trôi vùn vụt, mặc hết những kì vọng của người ta về việc tôi nên sống một đời thế nào và yêu một cô gái ra sao, mặc cho đời tôi ngắn ngủi so với đời em dài đến hàng trăm năm. Khi ở bên em, tôi chỉ biết đến thời gian lặng lẽ chảy cho riêng hai người ở một nơi chốn xa thẳm và dịu dàng giữa lòng thế giới. Và tôi chỉ cần có vậy.
Tạm biệt bà chủ nhà, tôi ra về vào lúc gần trưa. Biển sáng đến chói mắt, và ánh nắng khiến tôi hơi nhức đầu. Ngồi trong bóng râm của cửa tiệm, tôi nghĩ về người cá trong chiếc váy trắng cộc tay dài quá đầu gối, và những dấu chân em để lại trên cát vào một ngày dạo biển. Những hình ảnh ấy cứ vấn vương mãi và sắc nét dần lên cho đến lúc trở thành một mảnh kí ức không tài nào tẩy xóa.
5.
Đầu mùa thu. Người cá thổi nến mừng sinh nhật tuổi hai mươi ba trong cửa tiệm của tôi. Từ chiều tối, tôi đã đóng cửa quán, cho nhân viên nghỉ sớm, dọn dẹp cẩn thận chỉ để đợi một người. Trong quán, chỉ có em, tôi và những đốm sáng nhỏ xíu từ ngọn nến cắm trên bánh sinh nhật.
Tâm trạng tôi cũng bập bềnh và nôn nao tựa đám lửa tí hon kia, giống như tôi đang cầm trong tay một cái hộp gỗ mà không biết bên trong đó chứa gì, hoa và kim tuyến hay một con rắn nhồi bông, điều gì đó đẹp đẽ hay đáng sợ, tôi không biết được. Tôi phải mở chiếc hộp đó ra. Tôi phải giữ người cá lại với mặt đất này, với ánh nắng, nhành cây, ngọn cỏ, những đêm trăng sáng, những cơn mưa và những đóa hoa.
Tôi từ từ nói ra tình cảm của mình với em. Nến đã tắt và đèn sáng trở lại. Ngoài kia, biển đêm tối thẫm động dữ dội hơn mọi ngày.
Khuôn mặt và ánh mắt của người cá thoáng qua thứ cảm xúc tôi không thể diễn tả bằng lời. Thứ cảm xúc được tạo tác từ những vết nứt bí mật và âm ỉ của khối băng nằm đâu đó trong đại dương của riêng em.
“Anh… là người bạn duy nhất của em trên đất liền.” Em ngập ngừng nói.
“Chỉ là bạn thôi sao?”
“Em xin lỗi. Em đã yêu người khác, vì anh ấy mà em rời biển để đến đây. Anh ấy là người con trai đầu tiên em gặp khi lên bờ lần đầu vào năm hai mươi hai tuổi. Nhưng anh ấy lại không yêu em.” Giọng người cá nhỏ dần, hơi đứt quãng.
Tôi bỗng thấy mình đang đứng trong một căn phòng trống trơn, không bàn ghế, không có người cá, không có bất cứ thứ gì trước mặt ngoài một tấm gương hình chữ nhật. Trong gương, phản chiếu của chính tôi đang xoáy vào tôi một cái nhìn lạnh lẽo và thốt lên từng tiếng rành rọt, vô cảm: “Người-cô-ấy- yêu-không-phải-mày!” Một tiếng “rắc” rất khẽ vang lên, nhìn vào trong gương tôi thấy mình đang vỡ vụn thành trăm mảnh.
Người em yêu không phải là tôi. Bất chợi trong tôi dội lên cơn ghen ngùn ngụt với gã trai vô danh nào đó đã có được tình yêu của người cá và đã lạnh lùng trả lại tình cảm ấy cho em. Có lẽ anh ta chính là lý do những ngày gần đây người cá thường xuyên ít nói và buồn bã hơn hồi đầu hạ.
Quán im ắng như một hang động cổ xưa.
Tiếng gõ cửa của những người cá kéo tôi và em ra khỏi trạng thái bất động ngượng ngùng. Tôi chạy ra mở cửa. Những người cá sống cùng nhà với em rất biết giữ lời, vài ngày trước họ đã hào hứng đồng ý sẽ đến chỗ tôi mừng sinh nhật đặc biệt của người cá trên đất liền.
9 giờ tối. Chúng tôi ngồi quây quần bên một chiếc bàn dài. Những người cá ăn rất ít bánh kem, và bắt đầu hát tặng em những khúc hát mừng sinh nhật. Em cũng lẩm nhẩm hát theo những lời ca và giai điệu tôi chưa từng nghe bao giờ, cũng không thể hiểu. Dường như em đã vui hơn một chút.
Họ tiếp tục hát. Khúc hát du dương như ngôn ngữ bí ẩn của loài cá voi vẫn vang vọng xuyên qua lòng biển mênh mang hàng trăm thế kỉ. Tôi nhìn họ, nhìn em và chợt thấy như mình đang ở trong lòng một con tàu ngầm sâu dưới đáy biển. Từ trong lớp kính dày của tàu, tôi dõi theo em và những người cá, với cơ thể tự do và uyển chuyển, đang bơi thong dong phía trước. Tôi lên tiếng gọi em nhưng em không hề nghe thấy. Chúng tôi bị ngăn cách bởi lớp vỏ kiên cố của tàu ngầm. Tôi đập cửa điên cuồng, những âm thanh phát ra ùng ục bị khối nước tối tăm nuốt gọn. Chầm chậm, em và những người khác khác lướt khỏi tầm mắt tôi. Nguồn sáng lờ mờ duy nhất rọi vào chỗ tôi lúc ấy đến từ một con cá lồng đèn với hàm răng lởm chởm nhọn hoắt. Nó lững thững bơi đến, liếc qua tôi trong chốc lát rồi bỏ đi, mang theo chút ánh sáng cuối cùng lặn vào bóng đêm tịch mịch.
Khúc hát đã dừng. Một lúc sau, khi em và những người cá đã rời khỏi quán, một phần trong tôi vẫn ở lại dưới đáy đại dương, trong con tàu ngầm cô độc đến vô vọng.
Vài ngày sau, người cá đến tìm tôi ở cửa tiệm, trên cổ em đeo chiếc đồng hồ quả quýt tôi tặng vào hôm sinh nhật.
“Em đến để tạm biệt anh. Mai em rời khỏi đây rồi.” Người cá nói.
“Về với biển?”
“Về với biển.” Em gật đầu. “Em sẽ mang theo chiếc đồng hồ anh tặng, để ngắm thời gian. Chỗ em chưa có vật nào như thế, em thích lắm.”
“Thực ra, về khả năng hoạt động dưới nước của đồng hồ, anh cũng không chắc lắm đâu. Mặt kính có thể vỡ dưới áp lực nước, các bộ phận có thể sẽ dừng chạy, lớp kim loại ở trong nước biển lâu cũng bị han gỉ dần…” Tôi bối rối.
“Không sao, không sao.” Người cá mỉm cười, ngắt lời tôi. “Em biết đồng hồ có thể sẽ bị hỏng và nước biển cũng bào mòn mọi thứ. Thời gian trên đồng hồ ngưng lại, còn thời gian đời em vẫn chảy đến hàng trăm năm. Nhưng khi nhìn vào chiếc đồng hồ này, vào những kim giờ, kim giây bất động, em sẽ nhớ rằng, vào một khoảng đời, một thời khắc trong quá khứ, em đã ở đây, trên đất liền, bên cạnh những con người, bên anh, và em cũng từng có trong tay những điều tươi đẹp.”
“Cứ thế về lại với biển, em… có bị ảnh hưởng gì không?” Tôi sắp xếp câu từ như đang lúng túng nhặt nhạnh những mảnh ghép hình rời rạc.
“Ý anh có phải là, liệu em có bị biến thành bọt biển không? Không đâu”. Em cười. “Đó chỉ là chuyện trong tưởng tượng của loài người. Em sẽ không sao hết, không phải hy sinh hay đánh đổi điều gì ghê gớm. Nhưng em chắc là, khi rời khỏi đây, một phần con người em sẽ thay đổi, mãi mãi, không bao giờ còn giống với trước kia.”
“Vậy… Sau này, anh có còn cơ hội nào để ở cạnh em nữa không, không phải như hai người bạn?”
Người cá không nói gì, lẳng lặng tiến gần hơn về phía tôi, đưa tay phải chạm nhẹ lên bàn tay tôi. Những ngón tay em mềm mại, mảnh dẻ và ấm áp. Đột nhiên, khung cảnh xung quanh chao đảo rồi mờ mịt dần, tôi thấy mình chìm vào một chiều không gian khác. Ở đó, tôi và người cá đã bên nhau trong một căn nhà nhỏ gần biển.
Những năm đầu tiên, chúng tôi sống rất hạnh phúc. Ngoài thời gian làm việc, tôi đưa em đi du lịch đó đây, luôn luôn là những vùng đất nắng ấm và không có băng tuyết, bởi người cá không chịu được thời tiết giá lạnh. “Em không muốn có tinh thể băng hình thành trong máu của mình, vậy nên chúng ta đừng bao giờ đến nơi nào dưới 0°C.” - Người cá nói. Tôi luôn chiều theo ý em, dù tôi luôn muốn được nhìn thấy tuyết sau khi đã sống cả năm ở xứ nhiệt đới thừa thãi ánh Mặt trời. Em ngày càng quen thuộc hơn với cuộc sống trên mặt đất. Thỉnh thoảng, những người cá mới lên bờ lại ghé qua cửa tiệm. Em rạng rỡ hẳn lên, thường xuyên trò chuyện, ca hát với họ bằng thứ ngôn ngữ đại dương. Và khi họ đi mất, trong mắt em luôn thoáng vẻ hụt hẫng.
Một ngày nọ, người cá muốn trở về thăm nhà và gia đình em. Tôi bỗng bồn chồn như đang có hàng trăm con sóng tới tấp tạt vào cơ thể.
“Anh đừng lo, em đi ít ngày rồi lại về.” Người cá nhỏ nhẹ trấn an tôi. “Giá mà anh có thể đi cùng em nhỉ…”
Giá mà tôi có thể đi cùng em, cùng lặn xuống những tầng nước sâu và hát những khúc ca đại dương ngàn năm tuổi, gặp gỡ gia đình em và nhìn ngắm thế giới lóng lánh của em. Nhưng tôi không thể, tôi chưa bao giờ thuộc về biển cả.
Sau chuyến đi đó, người cá về lại đất liền và thỉnh thoảng lại xa tôi để về với biển. Thời gian của từng chuyến đi dần dài lên, từ vài ngày thành vài tuần hay cả tháng. Những ngày em đi vắng, tôi luôn thấp thỏm nhìn về phía biển. Và khi em trở lại, có gì đó đã âm thầm biến đổi trong hình hài thân thuộc tôi vẫn ôm chặt trong vòng tay, nhưng tôi không biết được chính xác là điều gì. Sinh nhật tôi vẫn qua đi, còn em cứ mãi trẻ trung như hồi hai mươi ba tuổi, vẫn cứ hoạt bát như trước và hay kể nhiều chuyện hơn về đại dương. Tôi không chỉ là người yêu, mà còn là người bạn duy nhất của em trên đất liền.
Cho đến một hôm, người cá nói sẽ trở về với biển và không quay lại nữa.
“Thật sao? Em không đùa chứ? Còn cuộc sống của chúng ta ở đây, bao năm tháng đã có giữa anh và em? Em cứ ở lại biển bao lâu cũng được rôì quay lại đây với anh. Anh không ngăn cấm em, cũng không khó chịu gì hết. Nhưng đừng bỏ rơi anh như thế.” Tôi hoảng hốt.
Em lặng lẽ nhìn tôi bằng đôi mắt xanh màu đại dương. Tôi không còn thấy được mình trong đôi mắt ấy.
“Em vẫn rất yêu anh. Nhưng em không thuộc về mặt đất này.” Người cá nói.
Sau đó, như một cánh bướm xanh hư ảo, em vụt mất khỏi cuộc đời tôi, mãi mãi.
Tôi bàng hoàng nhìn người cá khi em nhấc tay khỏi tay tôi, đưa tôi về lại với hiện thực. Đó là tương lai, hay là một khả năng trong vô vàn khả năng có thể xảy ra với lựa chọn của tôi và người cá? Kết cục vừa rồi chỉ xảy đến với tôi, hay có thể với bất cứ ai trên đất liền đem lòng yêu người cá đến từ biển cả? Bao câu hỏi và giả định đan cài chằng chịt khiến đầu óc tôi choáng váng.
“Nếu anh nói là đã biết hết tương lai sẽ thành ra như vậy, nhưng anh vẫn muốn ở cạnh em, thì sao?” Tôi nói.
Người cá không đáp. Khi nhìn theo những bước chân em dần rời khỏi cửa tiệm, tôi chợt nghe giọng người chủ nhà của em vọng lại từ miền quá khứ: “Bao năm qua tôi đã gặp rất nhiều người cá, và những người như cậu.” Những người cá cứ rạng rỡ lên bờ để rồi quay về đại dương với trái tim thương tổn, những con người cứ quyến luyến mãi để rồi vụn vỡ với mối tình không thành, có phải ý bà là như vậy?
Người cá rời đi ngay ngày hôm sau. Từ đó đến nay, tôi vẫn thường đi dạo dọc theo bờ biển, cố tìm kiếm em, còn biển chỉ trả lại cho tôi những khuôn mặt người, người và người, bằng phẳng và tĩnh lặng.
*
Có một điều tôi chưa từng kể cho người cá. Tôi đã gặp người cá năm em mười bảy tuổi.
Khi ấy, vào một buổi chiều tháng Tư, tôi bước trên bãi cát, chọn một khúc biển vắng người, lặng sóng rồi từ từ bước xuống. Nước biển lành lạnh ngập đến cổ chân, rồi đến đầu gối, rồi đến nửa lưng, nền cát dưới chân tôi dốc xuống rất nhanh. Những tia nắng nhàn nhạt đậu xuống mi mắt, khuôn mặt, mái tóc, làn da tôi, từng cụm mây trắng rải rác trên nền trời xanh dịu. Thật là một ngày đẹp trời để chết. Tôi thôi không còn nghĩ gì nữa, cứ dấn mình vào khối nước ngọc bích mênh mông.
Nhưng một câu hỏi lại len lỏi vào tâm trí tôi đúng thời điểm đó. Mình đã tắt bếp chưa nhỉ? Tôi băn khoăn, khựng lại giữa dòng nước. Hẳn là tắt rồi chứ, tôi vốn là người cẩn thận mà. Chiều nay, trước khi ra biển, tôi đã lau dọn nhà cửa, gấp quần áo gọn gàng để vào trong tủ, rửa sạch hết bát đĩa còn tồn đọng trong bồn, thay khăn trải bàn và đun nước nóng trên bếp gas để pha trà, do bình đun nước siêu tốc chạy bằng điện đang bị hỏng. Rốt cuộc, tôi lại ra biển mà chưa uống tách trà nào. Xem nào, tôi rà soát lại kí ức của mình, trình tự các việc tôi vừa làm hiện ra rõ mồn một, nhưng chỉ có phần thời gian bên cái bếp lại mịt mùng như bị một khoảng trắng chèn lên.
Mặc kệ tất cả, tôi nhấc chân bước tiếp. Tuy vậy, cảnh tượng căn bếp bốc cháy phừng phừng, biến cả nhà thành một bó đuốc khổng lồ với ngọn lửa hung hăng không tha cho những căn nhà bên cạnh, cứ dần rõ rệt lên, sống động đến đáng sợ. Tôi quay đầu lại, đi về phía bãi cát. Lẽ ra trước khi chết không nên nghĩ đến chuyện uống trà làm gì, tắt bếp xong tôi sẽ quay lại đây. Tôi hình dung ra căn bếp sạch bóng, tĩnh tại, với những đồ dùng ngăn nắp theo trật tự riêng, và nồi nước đang reo dưới ngọn lửa, ấm trà ở ngay gần đó, và vài cái bánh ngọt xếp gọn trong ngăn tủ. Hay là tắt bếp xong, tôi hãy cứ pha trà, ăn bánh đến no bụng, rồi hẵng chết? Cứ quyết định như vậy.
Ngay lúc đó tôi sửng sốt khi thấy những con sóng không đưa mình vào bờ mà ngày càng ra xa hơn. Chỉ trong chốc lát, bãi cát đã xa vời vợi. Dòng chảy xa bờ! Tội giật mình nhớ ra. Hẳn là tôi đã bị rơi vào loại dòng chảy quái quỷ này, đã từng có vài vị khách đến quán của tôi và kể về trải nghiệm suýt nữa gặp gỡ tử thần do gặp phải kiểu tình huống như vậy. Nhưng… khoan đã, đây không phải điều tôi muốn sao, đi vào lòng biển, ngủ một giấc và không bao giờ tỉnh dậy nữa? Không phải biển đang giúp tôi đó sao? Hay là, hay là cứ để mặc đi? Thế còn gian bếp, còn ngọn lửa? Đúng lúc đó tôi nhận ra mình chưa thể chết, nhưng sức lực nơi chân, tay cứ cạn dần, cạn dần.
“Anh đừng sợ!” Một giọng nói êm ả như lụa bỗng thì thầm bên tai tôi.
Ngoảnh sang phía giọng nói phát ra, tôi bắt gặp đôi mắt xanh màu đại dương của người cá. Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và em.
Người cá dìu tôi, hay đúng hơn là kéo theo tôi lúc này đã mệt lử, bơi song song với bờ biển, vuông góc với những con sóng, cho đến khi gặp lại dòng chảy bình thường. Chưa bao giờ tôi lại hân hoan khi thấy những con sóng xô vào bờ, cùng những dáng người nhấp nhô chơi đùa trên bãi biển như lúc ấy. Người cá đưa tôi đến đoạn nước chỉ còn ngập chưa đến quá vai, sau đó nở nụ cười ngọt dịu, vẫy tay tạm biệt tôi rồi biến mất vào lòng biển. Tôi chỉ kịp nói với em hai tiếng “Cảm ơn” ngắn ngủi.
Khi tôi ướt lướt thướt, run rẩy về đến nhà, những đồ đạc vẫn sáng sủa, khô ráo và bình yên trong nắng chiều, bếp gas không hề đỏ lửa. Chúng nào đâu biết rằng chủ nhân của chúng suýt nữa đã không thể trở về. Tôi bật bếp, đun nước, pha trà, ăn bánh ngọt, nhớ đến người cá và không còn muốn chết.
Kể từ dạo ấy, tôi vẫn chờ đợi một thời điểm trong tương lai, khi em trở lại, và tôi sẽ không để lạc mất em thêm một lần nào.
Việt Anh
Ảnh: Pinterest
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất