Kì nghỉ hè lại đến, như mọi khi tôi quay trở về nhà, đón tiếp tôi vẫn là khuôn mặt thân thương của mẹ, người đã khổ cực nuôi nấng tôi bao lâu nay. Thế là tôi sẽ lại được mẹ nấu cho những món ăn ngon, được thoải mái ngủ dậy muộn và đọc những quyển sách mình thích. Tôi lại có cảm giác bình yên…
Nhưng rồi tôi nhận ra có gì đó đã thay đổi, trong ngôi nhà rộng rãi của tôi không khí bỗng trở nên ngột ngạt, dồn dập và tim tôi cứ đập thình thịch không thôi. Phải chăng là điềm gở. Tôi âm thầm điều tra để hiểu vì sao trong ánh mắt mẹ tôi có gì đó kinh hoàng và điệu bộ của mẹ bỗng trở nên khác lạ. Và rồi một ngày nọ khi mẹ đi vắng, tôi vô tình mở ngăn kéo tủ của mẹ ra, trong đó đầy ắp giấy tờ, với những kiến thức đã học tôi phát hiện ra đó là những hóa đơn giả phục vụ cho việc rửa tiền. Dưới chồng hóa đơn tôi kinh hoàng nhận ra có một con dao vấy đầy máu khô và một bài báo ghi về một vụ giết người không rõ thủ phạm. Mẹ ơi! Mẹ đã làm gì vậy?
Giữa lúc ấy mẹ tôi quay về nhà, thấy tôi bên những chồng hóa đơn giả bay vương vãi, mẹ đã hiểu tất cả, bà chẳng nói gì chỉ lặng im. Tôi nhìn bà, muốn hỏi trăm ngàn điều nhưng tất cả đều nghẹn lại trong cổ họng, cuối cùng tôi chỉ lắp bắp được hai tiếng “Tại sao?”. Mẹ nhìn đi hướng khác một hồi lâu rồi từ từ kể tất cả sự thật, đã từ lâu mẹ tham gia một đường dây rửa tiền xuyên biên giới rồi đường dây bị vỡ lỡ và kẻ cầm dầu định dùng những người như mẹ làm con tốt thí mạng trước pháp luật, mẹ biết được và trong lúc hoảng loạn mẹ đã giết hắn. Tôi sững sờ rồi sợ hãi, đầu óc tôi choáng váng và tôi không tin vào những điều mình đang nghe cho đến khi mẹ thở dài “Con à! Con phải giữ bí mật cho mẹ!”. Mẹ tôi đây sao? Con người mà tôi hết mực yêu thương và kính trọng, người ấy lại là,…
Và rồi, chân tướng sự việc cũng dần dần hé lộ, những tay cảnh sát điều tra đến nhà tôi như cơm bữa, càng ngày càng nhiều hơn. Mỗi khi bước ra cửa tôi lại thấy những con người lạ mặt lai vãng quanh nhà, những cảnh sát chìm. Mẹ tôi đâm ra hoảng loạn, sắc mặt mẹ nhợt nhạt như không còn tí máu nào trong người, dôi mắt mẹ lạc lõng và thỉnh thoảng mẹ lại bật dậy giữa cơn ác mộng, ngơ ngác như người mất hồn. Khi đó, tôi chỉ biết ôm lấy mẹ và cầu nguyện với tất cả niềm thành kính của một kẻ không theo đạo “Lạy chúa lòng lành, xin người hãy cứu vớt người mẹ tội nghiệp của con!”
Thế rồi cảnh sát đã điều tra ra tất cả, tội lỗi của mẹ tôi vẫn không thể nào che dấu được. Họ đến giải mẹ tôi đi. Lúc này tinh thần mẹ tôi đã xuống dốc nghiêm trọng, mẹ nhìn những nhân viên hình sự với đôi mắt ngỡ ngàng như không hiểu chuyện gì, rồi đôi mắt ấy chớp lại thành vẻ cam chịu và rồi, những ánh sáng yếu ớt vụt tắt trong mắt mẹ tôi. Điềm gở?! Tôi nhận ra và lo lắng tột cùng, mẹ định làm điều gì đó chăng, tôi chạy đến kéo mẹ lại nhưng những cảnh sát hình sự cương quyết đẩy tôi ra. Tôi chỉ còn biết van nài họ “Xin hãy để ý đến mẹ tôi!!”
Tôi sợ hãi và lòng trĩu nặng nỗi đau, trở vô căn nhà lạnh lẽo tôi chỉ còn biết đi vào trong phòng mẹ, nằm lên giường và mong sao chuyện này qua đi như một giấc mơ. Nơi đây vẫn còn một chút hơi ấm của mẹ, tôi cố gắng ngủ một chút, tìm cảm giác yên bình trong làn hơi ấm ấy. Bất giác tôi nhận ra lọ thuốc an thần để trên bàn đã biến mất, ngày hôm qua tôi còn thấy nó đầy ắp. Điện thoại gọi đến, số 113. Tôi vội vàng chạy đến đồn cảnh sát, lòng đầy lo lắng và kinh hoàng.
Khi tôi đến, những cảnh sát ban sáng nhìn tôi với những đôi mắt báo hiệu thảm họa. Họ đưa tôi vào căn phòng tạm giam mẹ, mẹ tôi nằm đó bên cạnh một lọ thuốc an thần rỗng không, một bác sĩ đứng đó, nhìn tôi và lắc đầu, mẹ đã tìm cách đi vào cái chết trong giấc ngủ. “Mẹ ơi!”, tôi chạy đến bên bà, ôm lấy thân thể đang ngày càng lạnh dần của con người tôi yêu quí nhất trên đời, tôi nắm lấy đôi tay ấy, đôi tay đã từng vuốt ve tôi, đánh tôi khi tôi sai và vỗ về khi tôi khóc. Đôi tay quen thuộc dần dần chùng xuống “Mẹ ơi! Chẳng thể làm lại từ đầu sao? Tại sao mẹ lại làm vậy?” tôi chỉ biết ôm mẹ thật lâu, thật lâu… và khóc, nước mắt tôi chảy dài nóng hổi làm cả khuôn mặt tôi bỏng rát. Qua màn nước mờ mờ, trong tôi hình ảnh của căn phòng hiện tại dần tan biến, thay vào đó là hình ảnh của căn nhà cũ của chúng tôi, nơi tôi chôn giấu tất cả những kỉ niệm thơ ấu. Thời ấy, cuộc sống tuy vất vả nhưng đầy hạnh phúc! “Mẹ ơi! Giá như chúng ta có thể trở lại như ngày xưa…” Tôi chẳng để ý tới thời gian trôi qua, phút giây ấy cơ hồ thật chậm, thân nhiệt tôi giảm dần nhưng bàn tay của mẹ chẳng ấm lên chút gì cả, mẹ đang từ từ đi khỏi cuộc đời tôi… “Không! Đừng, mẹ ơi!”
Một bàn tay đặt lên vai tôi khiến tôi bừng tỉnh giữa cơn ác mộng, ngoảnh lại thấy đó là người cảnh sát đã đọc lệnh tạm giam mẹ tôi, một nỗi căm ghét bùng lên trong lòng tôi và cháy rừng rực như một dàn lửa. “Chính các người đã làm mẹ tôi chết!”. Người cảnh sát đó thấy ánh mắt của tôi và chùn tay lại nhưng rất nhanh đôi bàn tay ông ta vươn đến gần rồi tách mẹ tôi ra khỏi tôi theo cái cách không hung bạo nhưng lại đầy kiên quyết. “Các người còn muốn chia rẽ mẹ con tôi nữa sao?” tôi chống trả quyết liệt nhưng vẫn phải thấy người ta đưa mẹ đi. “Không!!!” con dã thú trong lòng tôi trỗi dậy, tôi đấm đá cào cấu người cảnh sát đó, không gian chỉ còn nghe tiếng bình bịch, tiếng rên rỉ của tôi và tiếng hét của ông ta với các đồng sự khi họ định ngăn cản. Hình ảnh cuối cùng trong lòng tôi chỉ là khuôn mặt mẹ, bình thản lạ lùng…Mẹ ơi!
Đám tang của mẹ tôi diễn ra lặng lẽ, ngoài những người họ hàng thân thiết hầu như chỉ thấy những người bạn của tôi, người lớn họ lạnh lùng thật đấy, khi mẹ tôi sống thì gặp nhau vui vẻ nói cười, còn nay… họ ngại liên lụy hay họ ghê sợ mẹ tôi, một kẻ sát nhân. Có lẽ cả những đứa bạn tôi, chúng cũng phải đấu tranh với bố mẹ để đến đây trong vài tiếng đồng hồ nặng nề và đau khổ, vài tiếng ấy trôi qua chậm chạp như hàng năm trời vậy, tôi không khóc, không hề khóc chút nào cả, nước mắt của tôi không lăn trên má mà chảy từng giọt từng giọt trong tim. Khi tiếng chuông cầu siêu thê thảm chấm dứt, tôi đau xót nhìn người ta an táng mẹ dưới lòng đất lạnh. Giây phút ấy chậm chạp trôi qua, như một hành trình dài đưa tôi đến một thế giới khác, thế giới không có mẹ.
Lạnh lẽo, cô đơn…
Tôi quay trở lại căn nhà, với tôi chỉ còn nỗi trống vắng và lạc lõng, mỗi hình ảnh đều như gợi nhớ về người mẹ quá cố của tôi, mẹ có thể đã làm những điều xấu xa nhưng lòng tôi vẫn không phôi phai tình yêu mẹ. Tôi lục lại quyển anbum cũ, cố tìm lại một chút kí ức vui vẻ của mẹ con tôi ngày xưa, khi tôi 3 tháng tuổi mẹ bế tôi trên tay, ánh mắt mẹ thật hạnh phúc, ở đó phản ánh tia hi vọng rạng ngời, rồi khi tôi 1 tuổi là hình ảnh mẹ đang dạy tôi tập đi, tấm ảnh tôi ngồi trên xe đạp lúc 3 tuổi bất giác làm tôi sờ lại vết sẹo nhỏ trên tay trái, dấu tích của tai nạn khi lên 8, tối hôm ấy sau khi bị ngã tôi sốt mê man, có lẽ bị nhiễm trùng, mẹ đã không ngủ suốt đêm ấy…
Từng tấm ảnh xếp theo thứ tự từ bé đến lớn của tôi được lật ra, cả quyển album hầu như chỉ có hình ảnh của tôi đã được mẹ sắp xếp lại. và đến tấm ảnh cuối cùng, khi tôi 20 tuổi … mẹ đã đặt môt bức thư ở đó. Tôi run rẩy mở nó ra, từng nếp gấp một, bất giác tôi sợ hãi như người ta sợ hãi một một sự thật đã rồi, nhưng tôi vẫn tiếp tục mở…
“Con thân yêu!
Mẹ xin lỗi vì đã làm con phải lo lắng cả một thời gian dài! Mẹ cũng xin lỗi vì đã làm một người không tốt!
Ngày mai, chỉ ngày mai thôi, mẹ tin là như vậy, họ sẽ tới đưa mẹ đi. Dù không muốn vậy nhưng mẹ vẫn biết rằng đó là kết cục của mẹ. Mẹ đã sai, mẹ phải trả giá và mẹ không có gì phải ân hận, chỉ là mẹ vẫn lo lắng cho con. Những ngày tiếp theo của con sẽ rất khó khăn nhưng…mẹ tin con là đứa con hiếu thảo và mạnh mẽ, con sẽ vượt qua được. Mẹ đã mở một tài khoản ngân hàng để con có thể dùng cho những ngày sau này. Mẹ ra đi vì không muốn phiền lụy tới con.
Hãy cố lên con nhé…!”
Gấp bức thư ấy lại, tôi vẫn ngồi thật lâu, mẹ chỉ viết vài dòng ngắn ngủi nhưng tôi biết khi ấy mẹ đã an bài mọi việc rồi. Lòng tôi đau xót. Không! Mẹ ơi! Mẹ nhầm rồi, con đâu phải là đứa mạnh mẽ như vậy, con vẫn cần có mẹ, con không thể sống thiếu mẹ được!
Tôi không chịu nổi và bỏ đi…
Tôi đã đi thật lâu, không biết là bao lâu nữa, tôi lên những chuyến xe khách mà chẳng biết nó đi về đâu, có lúc tôi đi bộ, tôi đã đi qua những cánh đồng xanh thẳm, những dãy núi hiu quạnh và cuối cùng tôi dừng lại ở bờ biển, trong một ngày mưa gió mịt mùng.
Tôi ngồi trên bãi biển, lòng trĩu nặng nỗi đau, biển nổi những con sóng bạc đầu chồm lên như muốn nuốt chửng những gì trên bãi cát, nơi tôi đang ngồi. Giá như sóng cuốn phăng tôi đi! Tôi ngồi chờ đợi thủy triều lên, những giọt mưa bắn lên khuôn mặt dạn dày mưa gió sau những chuyến lữ hành mệt mỏi, tôi bỗng nhận ra đã lâu rồi tôi chưa rửa mặt. Chẳng biết tôi đã thành một kẻ như thế nào? Mưa vẫn cứ rơi, ngày càng nặng hạt và tôi vẫn cứ bình thản ngắm nhìn mặt biển đang cao dần lên. Trong tôi không còn cảm giác gì nữa, nỗi đau khổ ám ảnh tôi bấy lâu nay dường như đã lẩn khuất đi đâu mất, chỉ có mưa và cái lạnh nhiễm dần vào người. Rồi cuối cùng thủy triều cũng lên đến chỗ tôi ngồi, nếu cứ như vậy thì nó sẽ kéo tôi xuống biển, bất chợt tôi muốn vùng chạy, nhưng tôi lại cười và cái sự yếu hèn của mình… tôi từ từ trôi về biển.
Một bàn tay chắc khỏe nắm lấy cái cổ áo rách bươm đã lâu rồi chưa thay của tôi, khó nhọc kéo tôi vào bãi biển. Rồi bàn tay ấy tát tôi một cái như trời giáng, giữa màn mưa tôi nhìn lên và nhận ra gã đánh cá tôi gặp buổi ban chiều, khuôn mặt hắn phong sương do lam lũ, hắn lừ lừ nhìn tôi với đôi mắt giận giữ của một người có lương tâm trước một kẻ đang hủy hoại chính bản thân mình. Tôi ngơ ngác, rồi tát vào mặt hắn, da hắn thô ráp đượm nắng gió biển khơi. Hắn dễ dàng gạt cái tát yếu mềm của tôi ra và cười sằng sặc. Tôi cũng cười. Chúng tôi như hai kẻ điên giữa bãi biển.
Sáng hôm sau, gã ngư phủ tốt bụng nhét tôi lên một chiếc xe khách của người lái xe bạn hắn. Kèm theo lời dặn kẻ kia phải đưa tôi đến cái địa chỉ ghi trên thẻ sinh viên của tôi. Chẳng hiểu sao lúc ra đi tôi còn mang theo cái thẻ ấy.
Đến nơi, gã lái xe thô bạo đẩy tôi xuống nhưng rồi lại nhìn tôi với ánh mắt hiền lành, trước khi đi hắn nói với tôi “Hãy cạo râu đi, cậu không thể ngoảnh nhìn lại cuộc sống với bộ mặt như vậy được.” – Một con người tưởng như thô kệch như thế đôi khi cũng nói được những câu hay ho.
Tôi nhìn theo cái xe cũ nát của hắn đi về phía ánh bình minh chói lọi…
Đã đến lúc tôi phải quay về…
Tôi bước vào khu kí túc xá khi mọi người đang tụ tập ở ngoài sân, họ đang chơi trò chơi tập thể nào đó, tôi khẽ lẩm bẩm “Vậy ra hôm nay là chủ nhật”, đã bao nhiêu chủ nhật trôi qua kể từ ngày tôi bỏ đi? Mọi sinh viên kinh ngạc quay lại nhìn tôi như thể tôi là một sinh vật đến từ một hành tinh khô cằn nào khác ngoài Thái dương hệ, nơi đó chẳng bao giờ có ánh mặt trời. Nhưng lập tức những người bạn cùng phòng vội vàng kéo tôi thoát khỏi những ánh mắt nghi kị và đưa tôi về cái nơi mà chúng tôi ở với nhau bấy lâu nay. Thằng bạn thân nhất khẽ bảo với tôi “Mày đã đi đến xó xỉnh nào trên trái đất này vậy? Mày đã muộn học gần 3 tuần rồi, dù sao cũng còn may, ngày mai là hạn cuối để nhà trường đuổi học”. Sự may mắn vừa rồi là quà tặng đầu tiên của cuộc sống khi tôi ngoảnh mặt lại với nó.
Lũ bạn đẩy tôi vào phòng tắm “Mày bốc mùi kinh khủng quá!” và chúng tỏ vẻ hài lòng khi tôi bước ra. Nhưng chỉ tôi biết vẫn có một cái mùi chưa bay hết, đó là mùi thơm của nắm xôi mà gã dân chài mua cho tôi khi sáng, vị ngòn ngọt của nó vẫn còn trong miệng tôi. Lạ lùng thật, nắm xôi ngon nhất trong cuộc đời tôi từng ăn lại là năm xôi chẳng đáng mấy xu của gã đánh cá tốt bụng kia, nếu không kể đến nắm xôi của mẹ. Tôi tự trách mình vì đã không hỏi đến tên của hắn, hắn cũng chẳng thèm để lại danh tính cho tôi. Nhưng chẳng sao cả, nếu tôi cứ ngoảnh nhìn lại cuộc sống như lời tên tài xế nói thì một ngày nào đó tôi cũng sẽ thấy lại hắn.
Tôi khẽ nhìn những tia sáng Mặt Trời chiếu rọi qua khung cửa sổ phòng, những tia sáng mỏng manh nhưng mang lại cho tôi cảm giác ấm áp kì lạ. Tôi bất giác nhìn ngắm gương mặt mấy đứa bạn, dường như chúng trở nên rạng rỡ hơn thường ngày. Nắng trải dài lên cả khoảng sân ngoài kia, nơi có những sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, nắng còn chiếu xuống những người dân chài cần cù nơi đại dương bao la, những người nông dân chăm chỉ ngoài đồng ruộng xanh ngát…và ở một nơi nào đó, linh hồn của mẹ tôi cũng đang tắm mình trong nắng ấm…
Nguyễn Quốc Nghệ