Tranh được vẽ bởi họa sĩ Hironaka
Tưởng nhớ cùng lòng tôn kính tới X.Q và L.Q.V 
        Mặt trời ngả mình dần về nửa kia của thế giới để vạn vật hằng bóng lên ánh chiều tà nhợt nhạt, những bước chân tôi di chuyển đều nhau buồn tẻ rồi dừng hẳn trước cửa bưu điện. Bưu điện nơi đây có một cái sân rộng, từ ngoài trông vào cánh cửa cũng rộng không kém gì cái sân ấy, ta có thể thấy rõ chiếc đồng hồ điểm gần 5 giờ chiều, tôi đang chờ Quỳnh tan làm. Quỳnh làm một công việc có tên là người dán tem thư, một nghề nghiệp nhàm chán và vô vị, người làm nghề này chỉ việc phết keo vào tem và dán nó vào vị trí định sẵn trên phong bì, ngày qua ngày, sáng rồi lại chiều, người dán tem giam mình trong một căn phòng với những hành động lặp đi lặp lại mỗi ngày đều đặn, nó chán tới mức chẳng ai trong thành phố muốn làm công việc ấy dù nó mang lại một mức lương đủ một người sống. Em đi ra với áo trắng cùng chiếc quần đen đã có những vết nhàu nhĩ sau một ngày làm việc nhưng vẫn rất quy củ.
        Chúng tôi sánh bước bên nhau, đầu đội ánh tà dương, Quỳnh đang kể về một điều gì đó quanh những phong thư mà dù cả hai đều biết rằng sẽ nhanh chóng lãng quên nhưng điều đó không thể ngăn tôi lắng nghe giọng em, giọng nàng trong vắt và có phần hơi trầm như một tiếng vĩ cầm buồn, liệu đây có phải là một trong muôn vạn điều tôi yêu người. Trên chặng đường trở về, như mọi khi, đôi mắt lại trông vào nó, nhà hát kịch thành phố, nó chẳng uy nga lộng lẫy gì sất mà còn phần hơi xuống cấp, bên ngoài nhiều mảng tường đã bám đầy rêu mốc hoặc bong cả vôi ra nhưng hình ảnh nó cứ thế mà rơi tuột vào tròng mắt tôi. Tôi đi chậm lại giữa dòng người bận rộn hệt một hòn đá bất động giữa dòng chảy xiết, họ tất tả đi, mắt chỉ nhìn về phía trước chứ nào buồn nhìn về hai bên trái phải, trước cửa sân khấu kịch, bác bảo vệ già không biết đã làm ở đây từ bao lâu luôn trầm mặc.
-     Em chắc chắn một ngày anh sẽ trình diễn trên sân khấu mà.
        Tôi mới chợt để ý là em đang lên tiếng nói với tôi, bàn tay tôi trong bàn tay em.
*
        Trời tối hẳn khi tôi bắt đầu nghe những tiếng chuột kêu chít chít quanh nhà, tiếng bọn mèo choảng nhau quanh xóm, còn Vũ thì đang sửa soạn bữa ăn tối. Nhà bọn tôi nằm  trong một xóm hẻo lánh hoang sơ, khó mà tin được một nơi như vậy lại có ở thành phố, dường như sự hiện đại hóa đã không đánh hơi ra chốn này, thế cũng tốt, những cơn mệt mỏi đằng đẵng của cái công việc tẻ nhạt có phần nào vơi đi. Anh mang cơm lên, một bữa ăn đạm bạc với cá và rau, hoàn toàn có thể nhận ra những con cá ốm tong teo người ta phải bán tống giá rẻ ngoài chợ với những bông hoa mướp vàng mà anh với tôi trồng vừa để mua vui, vừa để ăn pha với chút gia vị rẻ tiền nhưng tất cả vẫn là tuyệt hảo vì người bạn đời đã nấu nó dành cho tôi. Mắt vô tình nhìn về chiếc cặp sách góc tường, bừa bộn quá, toàn sách với giấy, chắc là kịch bản và sách học của anh.
        Vũ ngồi bên bàn học, mặt sáng lên bởi ánh đèn bàn hay là do niềm đam mê cháy bỏng với kịch nghệ khiến anh như một hòn đá phát quang, còn tôi thì ngồi ở bàn làm việc của mình dưới ngọn đèn trần. Từ ngoài cửa sổ, gió tiến vào cù nhẹ làn da, mái tóc tôi, gió nếu là người thì quả là một khách làng chơi vô trách nhiệm vì sau khi mân mê mái tóc, hắn bỏ đi để lại những ngọn tóc rối rời khỏi hàng ngũ của mình.
-     Này, tóc em có vài cọng rối kìa, muốn anh chải cho không?
        Anh nhìn về phía tôi, tay đã cầm sẵn chiếc lược gỗ mua được trong một lần hạ giá. Tôi cũng chán nản với công việc mình đang làm quá nên gật đầu đồng ý.
        Tay anh luồng vào mái tóc tôi và để chúng giữa những răng lược. Cứ thế, anh nhè nhẹ chải, qua mỗi động tác, tôi lại cảm nhận rõ ràng hơn sự mềm mại nơi đôi tay anh bạn chung nhà. Một cảm giác lâng lâng dâng trào trong cõi lòng tôi, một niềm khoan khái mưa trên da thịt và ứ đọng lại đó rồi nảy mầm và sinh sôi tạo nên sự rạo rực nơi bề mặt. Anh chợt hỏi:
-     Quỳnh này, liệu anh có nên từ bỏ việc diễn kịch và kiếm một việc gì đó phụ giúp em không?
        Ra vậy, một nỗi khổ tâm vật chất đè nén tâm hồn anh. Con người ta nghĩ được điều gì nếu cái bụng chỉ biết mỗi cái đói. Tôi đáp lại:
-     Anh có biết tại sao em yêu anh không?
-     Mọi câu hỏi về tình yêu đều khó trả lời.
-     Vì anh đẹp chứ sao mà đừng hiểu nhầm ý em nhá. Em không nói tới kiểu đẹp phù phiếm bề ngoài đâu dù nhìn anh cũng không tới nỗi tệ. Cái ngày mà em gặp anh ấy, anh như một tên mang cái vẻ khù khờ của một gã chỉ đắm mình trong thế giới của riêng mình, vậy thế mà khi nói chuyện thì lại nghiêm túc tới lạ như thể sân khấu là tình yêu duy nhất của anh vậy. Em thấy rất nghệ sĩ, rất đẹp và cái vẻ đẹp ấy cứ cuốn hút em mãi. Em vui lắm khi tình yêu của anh lại dành cả cho em. Nên anh cứ cố gắng đi, em tin vai diễn sẽ về tay anh, mà dù sao thì chúng ta vẫn đang sống được mà.
        Bỗng đôi cánh tay choàng qua cổ kéo tôi vào lòng anh, gần quá, tôi nghe được nhịp tim đập và hơi thở người âm ấm cọ nhẹ trên khuôn mặt mình. Anh hôn nhẹ vào má tôi, thủ thỉ nói khẽ:
-     Anh sẽ ra sao nếu thiếu em nhỉ?
-     Chịu, anh nghĩ sao?
-     Sống một cuộc đời tẻ nhạt và luôn nguyền rủa mình, như một que diêm bừng cháy rồi tàn lụi trong một vũng nước ven đường, có lẽ vậy.
        Anh nói giọng như đùa, không biết bao phần thật trong câu nói đó.
        Tôi cứ ngồi thế trong vòng tay anh, ngả người vào nguồn hơi ấm, tâm trí như dần lặng trong một nguồn cơn êm ái. Tiếc thay, anh sớm phải quay lại bàn học còn tôi thì quay lại với lịch trình công việc nhạt nhẽo của mình.
*
        Giữa khuya tối mịt thế mà trăng lại sáng quá, ánh bạc rọi qua khe cửa gọi tôi dậy. Quỳnh đã ngủ yên dưới ánh bạc, trông em yên bình đến lạ. Bước ra vườn để nhìn trăng cho kĩ, một nỗi bồn chồn nào đấy ngăn bản thân chìm vào giấc ngủ, mà không, tôi rõ nó quá ấy chứ, một nỗi mặc cảm không nguôi. Ngước mặt để đắm trọn mình trong trăng, bao quanh vầng ánh nguyệt là cõi hư không vô cùng tận mà nguyệt lại trong như một mặt gương, cặp nhãn cầu tựa hồ rơi tõm vào gương để tôi đối diện với chính mình. Ở cái tuổi mà người ta chẳng còn thứ gọi là tuổi trẻ nữa và những người cùng trang lứa đã lao vào xã hội, một chủ nghĩa hiện thực để nuôi sống cái thân và những người xung quanh, thế mà tôi đây vẫn sống chết với cái gọi là đam mê mỏng như kiếp vờ nơi sông nước.
        Nhưng ánh nguyệt thì vẫn sáng, tôi sốc mình lại cho tỉnh táo, hai bàn tay đập mạnh vào má như nén những phiền muộn vào trong. Dưới sắc nguyệt bạc, tôi để cơ thể cử động và bắt đầu luyện tập cho buổi thử vai sắp tới.
Arthurius: Ta giờ phải làm gì đây, đồng đội ta ngả xuống hết cả nhưng ta tuyệt nhiên sẽ chẳng đầu hàng. Ta sẽ tiến vào chiến trận bất chấp có vùi trong thây của đồng đội.
(Arthurius hét lên rồi xông về phía trước)
Arthurius: Vậy ra đây là kết thúc, một đời hiệp sĩ đến đây cũng phải dừng sao…
(Arthurius đắm mình trong mưa, gươm đâm xuyên ngực).
        Lời tôi nói, các hành động múa kiếm xung trận liệu đó là tôi hay là người anh  hùng trong vở kịch. Trong một thoáng chốc, khung cảnh chiến trận hiện ra trước mắt và mưa từ đâu phủ xuống thân mình.

        Không hiểu sao lạnh lẽo thế, cơn rùng mình đặt bàn tay buốt giá lên thân lay tôi dậy, anh đã đi đâu mất. Một âm thanh râm ran nào phát ra từ phía ngoài, ẩn sau dàn mướp được bọc bởi đêm đen. Vũ đứng đó, dưới một vầng trăng trong như nước, một tiếng bõm kỳ lạ. Thế gian đêm nay là một vùng nước nhuốm đen, chẳng có gì phá nỗi sự tĩnh lặng của nó trừ một tiếng bõm từ trên cao nhỏ xuống, anh có phải là giọt nước ấy giáng xuống trần thế này làm giao động vạn vật, các cành lá mướp cựa mình trong gió. Tôi đứng đó trông anh dưới vầng nguyệt rọi.
*
        Đợt thử vai đang đến gần, đáng lẽ ra tôi nên thấy háo hức vì cơ hội cận kề thế mà lòng lại như một nhà văn đứng trước pháp trường trắng, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói đều là những hành động được cân nhắc để chúng không trở thành bằng chứng buộc tội đạo đức chính mình. Chân tay nặng trĩu một cách khó hiểu và hành động trở nên nặng nề như một người mù quờ quạng khi lạc vào chốn lạ. Em bước tới và nâng bàn tay tôi lên nhẹ bồng và dắt đi, tay còn lại đặt lên miệng ra hiệu một bí mật, miệng nói nhỏ:
-     Em có một món quà bì mật.
        Quỳnh đi phía trước, thân hình mảnh khảnh dẫn lối trông khan khác, em vẫn luôn to lớn như vậy ư, hệt một vị thánh mẫu. Dừng lại ở sân khấu kịch trên con đường về nhà của hai đứa, tòa nhà vang bóng một thuở, có thể nói gần như bị bỏ hoang vì chẳng bao giờ còn đoàn kịch nào tới đây biểu diễn nữa nhưng do hoài niệm những ký ức xưa, nó vẫn tồn tại như một kỷ niệm sống cho nên bác bảo vệ già yên vị ngồi đó trông chừng.
-     Này nhé, em phát hiện có một lối đi bí mật vào bên trong đấy.
-     Hả, sao em biết được?
-     Có vài lần em nhìn thấy vài cô cậu thanh niên đi ra từ một góc khuất phía sau chỗ đó, em đoán là trốn nhà đi chơi.
-     Mà sao vào đây được, lỡ phạm pháp thì sao, bị bắt là tệ lắm đó.
-     Anh yên tâm đi, ông bảo vệ ấy ngủ say lắm, em để ý mấy bữa nay rồi, mà chỗ này làm gì còn ai vô nên ổng cũng chẳng bận tâm đâu.
        Trong khi đang lưỡng lự giữa tiến hay lùi thì em đã kéo tôi đi về sau tòa nhà rồi chui vào một cái lỗ to tướng bị ẩn đi bởi cây dại và rác thải. Ánh đèn chói rọi sân khấu do em bật lên, ánh sáng tỏa ra đủ để tôi nhìn thấy xung quanh, bàn ghế, cửa nẻo và kể cả ánh đèn vẫn toát lên một vẻ tươm tất dù tất thảy đều đã ám bụi, xem ra bọn thanh niên Quỳnh kể cũng không phá hoại gì lắm.
-     Ê, anh lên đây diễn thử đi, không gì chân thật hơn khi diễn trực tiếp trên sân khấu đâu! Ít nhất là em nghĩ thế.
        Tôi không biết nói gì nữa vì lòng đã tràn ngập sự cảm kích dành cho em.
        Bắt đầu những lời thoại, cả những động tác nhưng lần này không chỉ mỗi nhân vật chính anh hùng, với một sân khấu lớn thì cần phải một màn trình diễn lớn, một màn hóa thân thành tất cả. Sự hiện diện của thực tại bị xóa bỏ, giờ đây thứ hiện hữu duy là thế giới của vở kịch.
        Màn diễn kết thúc, giờ đây tôi mới để ý ánh đèn sân khấu đang rọi vào mình khiến đôi mắt như lòa đi. Dưới sân khấu, lọt thỏm giữa biển ghế nhưng tôi vẫn nhìn ra, hãy để đôi mắt mình nhìn về trung tâm của hàng ghế rộng vô bờ, ta sẽ thấy đôi mắt, nụ cười, kể cả mái tóc đen bóng của cô người yêu thương mến sáng ngời giữa chốn mênh mông cùng tiếng vỗ tay nơi em phủ ngập khán phòng.