Út Lành chạy theo níu tay má tới tận đầu ngõ. Bà Tư Thơm chỉ vỗ vỗ tay nó khẽ ừ như bảo vậy được rồi con, xong nhẹ nhàng ngồi lên chiếc xe đạp xanh lơ của dượng. Con nhỏ đứng nhìn tới khi ông bà chạy khuất sau hàng dâm bụt mới chịu dụi nước mắt lững thững quay vô nhà.
Hai Nhơn không ra tiễn má nhưng ai cũng biết anh cứ tới lui trong nhà, mắt thì không thôi lén nhìn ra ngõ. Thấy em mắt đỏ hoe bước vào, anh khẽ tặc lưỡi rồi tự nhốt mình trong phòng.
Ngày má nói má sẽ lấy chú Hai Xuân, anh Nhơn phản đối kịch liệt, tuôn luôn một hồi:
- Má nói thiệt hay giỡn chơi vậy má? Từng tuổi này rồi còn cưới hỏi chi nữa thiên hạ họ cười cho.
Má chỉ nhỏ nhẹ nói:
- Má thông báo với tụi bây vậy thôi.
Sau đó, má không nhắc chuyện này nữa. Từ khi ba mất, má luôn chiều theo ý anh Hai Nhơn, một phần vì thương con, một phần anh Nhơn là người đàn ông duy nhất trong nhà, học hành giỏi giang, sự nghiệp vững chãi. Mọi người vẫn cứ ngỡ người phụ nữ “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” như má sẽ thôi ý định vì “một phút yếu lòng” mà buông lời. Vậy mà vào đúng ngày đã báo, má cắp giỏ dọn về nhà chú Hai Xuân thiệt, trước sự ngỡ ngàng của con cháu trong nhà. Nhưng cũng tuyệt không ai dám can ngăn bởi sự kiên quyết của má.
Ông bà không làm đám cưới, chỉ cúng mâm cơm ra mắt gia tiên ở căn nhà cấp bốn nhỏ xíu của chú Hai, nhưng dắt nhau ra ủy ban huyện đăng ký kết hôn đàng hoàng, như bất cứ cặp vợ chồng bình thường nào. Khỏi phải nói, cả xóm cứ rần rần, và tin tức người ta chuyện phiếm với nhau trong suốt cả tuần liền chỉ là bà Tư Thơm lấy ông Hai Xuân.
Anh Hai Nhơn cáu tiết, lầm lì cả mấy ngày trời, cũng chưa một lần bước sang nhà dượng thăm má. Chị Hai có lần thủ thỉ:
-Thôi thì mình cũng phận con cái, má đã quyết vậy cũng có cái lý của má, mình cũng nên tôn trọng mình à.
Vậy mà anh Nhơn nổi cơn tam bành, trừng mắt nhìn chị:
- Mình biết cái lý của má được thiên hạ họ đồn ra sao bên ngoài không? Họ nói hai ông bà chớm sáu mươi rồi còn hồi xuân, rửng mỡ. Má không nghĩ cho bộ mặt của cái nhà này, không lo con cái thì cũng phải thương cái thân mình chứ. Đi gần cả cuộc đời rồi, đắng cay ngọt bùi nếm đủ, còn ham chi mấy loại tình yêu xuân trẻ mà để thiên hạ họ bàn ra tán vào, chỉ trỏ khen chê.
Chị Hai chỉ biết thở dài, cũng chẳng dám khuyên vào nữa.
Mà đúng là thói tò mò và khoái chọc khuấy của thiên hạ là vô cùng tận. Có lần Út Lành khi không bị ngoắc vào hỏi dò “Má bây dạo này nhắm hạnh phúc lắm à, có hay về thăm anh em bây hông?”
Họ còn bàn về những chuyện mà từ trước tới giờ hai anh em Út Lành chưa lần nào được nghe má kể. Chú Hai Xuân vốn là mối tình đầu của má, thanh mai trúc mã từ thuở thiếu thời, nhưng sau khi chú đi lính thì ông bà cố ép gả má cho ba chỉ mong con gái yên bề gia thất, có chỗ tựa nương. Hòa bình, chú Hai Xuân trở về, và ở vậy tới giờ không lấy vợ. Mấy mươi năm trời, người xóm trên, kẻ làng dưới, không tỏ vẻ thân tình cũng chẳng hay gặp gỡ nhưng tình cũ không rủ cũng tới. Có người còn ác mồm thêu dệt đủ thứ chuyện rồi hỏi đểu “Từng tuổi này còn làm nên cơm cháo gì mà ổng bả về sống chung vậy ta”. Có người nói “Hôm nọ dắt nhau lên phường đăng ký kết hôn đàng hoàng chứ hổng phải dọn về sống khơi khơi à nghen”. Có kẻ tấm tắc “ Nhìn ông đèo bà cứ như vợ chồng son chứ đùa, già háp mà còn tình phết”. Những chuyện mới chuyện cũ xoay quanh má và dượng cứ rôm rả trong mấy buổi trà nước đầu ngày, những câu chuyện phiếm khi người ta mua vài bó rau, con cá, thậm chí cả khi người ta chào nhau theo kiểu “Nghe tin gì chưa…” và cứ thế là câu chuyện cứ dày thêm, dày thêm, mãi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chị Hai tặc lưỡi:
-Công nhận má mình can đảm thiệt, nếu là chị thì chị không dám đâu. Đi đâu cũng bị người ta chỉ trỏ, bàn ra tán vào, rồi nói bao chuyện sau lưng mình, nghĩ đến miệng lưỡi thế gian mà sợ, sống sao nổi.
Út Lành không nói gì, trầm ngâm nhìn ra khoảng hiên nắng vàng ươm trước nhà. Út thừa biết đằng sau vẻ ngoài cam chịu, hiền lành của má là nghị lực và sự kiên định khủng khiếp. Từ ngày ba mất, nội ngoại cũng không còn ai có thể cậy nhờ, gánh nặng kinh tế dồn hết lên vai má. Lúc đó anh Nhơn học lớp Năm, còn Út Lành mới vào lớp Một. Mình má tay bế Út Lành đi chợ sớm bán buôn, sau mới về gửi con để đi làm mà vẫn chăm cho hai anh em ba bữa cơm ngon lành, chưa hôm nào anh Hai Nhơn đi học mà quần áo không phẳng phiu. Chiều xuống ca má tất tả chạy đi lấy hàng may xưởng về cắt chỉ, có bận xưởng hết hàng thì chuyển sang bó chổi kiếm thêm. Mỗi tối, khi hai anh em Út lành ê a học bài thì má ngồi một bên tay thoăn thoắt làm, chốc chốc ngước nhìn hai đứa cười hiền khô. Hết ngày má lại soạn ủi quần áo cho hai anh em, và gà chưa gáy sáng đã tất bật chuẩn bị bữa sáng cho con lót dạ.
Nhớ ngày Út Lành còn học lớp ba, xưởng của má cắt giảm công nhân, má bị buộc thôi việc với hàng tá lý do trên trời dưới đất mà chỉ biết ôm hai anh em khóc ròng. Má hết bán chợ trời rồi làm mướn, ai mướn gì làm nấy, kể cả bốc vác, thợ hồ... Nhiều hôm má về với áo sơ mi khoác ngoài rách bươm, lấm lem bùn đất. Má lo cho con má đói cơm đói chữ, chứ ai nói gì má đâu quan tâm.
Nhưng ai cũng biết má cực lắm dù lúc nào nụ cười cũng thường trực trên môi, chỉ cần nhìn bàn tay chai sần như đàn ông, đôi má sạm nắng và dáng vẻ gầy gò của má là biết. Lên lớp 12 thì anh Hai Nhơn đòi nghỉ học phụ má. Má nằng nặc không chịu, để sẵn cây roi mây lên tủ thờ ba rồi nói “Đứa nào có ý bỏ học thì hỏi qua cây roi trước, má còn lo được, bây cứ lo học hành cho giỏi má mới yên lòng. Má nói rồi, đứa nào cãi là bây không thương má”. Má luôn là vậy, hồn hậu nhưng cương quyết, yêu thương nhưng nghiêm nghị.
Và Út Lành tin lần này má cũng không quan tâm những điều người dưng nói cho sướng miệng họ, vì má luôn biết má muốn gì.
Ngày giỗ ba, má về. Dượng đặt giỏ trái cây lên bàn thờ, cùng má thắp nhang và khấn một lúc lâu. Anh Hai Nhơn vẫn lầm lì, ậm ừ vài câu rồi ở luôn trong phòng. Dượng chào ra về để lo công việc, hẹn chiều sang rước má. Còn má thì vẫn như thường ngày, luôn tay luôn chân, sắp xếp trong ngoài, khi khách khứa tới thì mâm cỗ bày biện đã sẵn sàng. Sau vài câu chuyện xã giao thông thường thì cô Năm lên tiếng:
- Em tưởng nay chị không về chứ, còn chồng chị đâu sao không thấy?
- Anh ấy về có việc rồi cô. Đám anh Tư thì tui phải về lo liệu chứ tụi nhỏ sao lo xuể.
Cô Út cũng góp chuyện:
-Dạo này chị Tư hạnh phúc dữ hen, em nghe hàng xóm khen vợ chồng chị đang là kiểu hình mẫu. Sáng sáng nhìn hai anh chị chở nhau đi tập thể dục là bao đôi vợ chồng trẻ còn phải ganh tỵ.
Anh Hai Nhơn ở phía sau tằng hắng ra vẻ không hài lòng, gọi:
- Má ơi, xuống vợ con nhờ má coi giùm cái gì ở dưới nhà đó.
Ấy vậy mà uổng công anh Hai Nhơn chặn đứng “cuộc khai thác” của họ hàng, chiều dượng tới rước má trên chiếc xe đạp xanh lơ quen thuộc. Má chào mọi người ra về nhưng cuộc trò chuyện của những “họ hàng thân thích” lâu ngày hội ngộ lại trở nên rôm rả hơn bao giờ hết, và dĩ nhiên, xoay quanh về chuyện- mà-ai-cũng-biết-là-gì.
Anh Hai Nhơn lẩm bẩm:
- Gìa cả rồi còn yêu nhau rầm rầm rộ rộ như trẻ nít, ổng không biết là người ta bàn tán về má thế nào hay sao.
Sau đám, chị Hai gói một túi đồ ăn bảo Út Lành mang sang cho má với dượng. Anh Hai ở dưới nhà nói trổng không:
- Có hũ dầu cá mới được biếu, đem qua đó luôn đi, ở đây cũng không ai uống.
Chị Hai và Út Lành liếc nhìn nhau cười kín đáo khi thấy anh vội vội vàng vàng quay vào phòng. Tính anh Hai y hệt ba, gia trưởng, nóng nảy nhưng hiếm ai thương yêu và sống trách nhiệm với gia đình như anh. Anh vẫn tỏ vẻ giận má, giận dượng, chứ thật ra ai cũng biết anh thương và lo cho má không để đâu cho hết.
Út Lành vờ mệt, nằng nặc đòi anh Hai chở mới chịu mang đồ sang cho má. Mãi một lúc nhì nhằng thì ông anh ưa sĩ diện mới lèm bèm chê em biếng nhác rồi chậm chạp lấy xe.
Hai anh em tới cũng là lúc má và dượng đang ở hiên nhà. Dượng đàn ghita và hát, còn má vừa cắm hoa vừa lẩm nhẩm hát theo. Khung cảnh bình yên trước mắt làm hai anh em bất chợt nhìn nhau im lặng.
Út Lành bỗng nhớ những lần ba má con ngồi dưới gốc me sau nhà nghe đài với máy cassette cũ má lén ba mua. Má thích nghe tân cổ, còn ba thì chúa ghét, ông hay bảo xướng ca vô loài, ông mà nghe hát hò gì là đập vỡ máy, nên má chỉ nghe đài ngoài nhà, khi ba đã ngủ trong cơn say mèm. Má cũng thích hoa, đi đâu thấy hoa đẹp là bà xin về trồng sau vườn, có khi chỉ là hoa mười giờ, so nhái. Nhưng hết thảy đều bị ba nhổ sạch, ông bảo trồng mấy loại đó chẳng làm nên ích lợi gì, chỗ đó ông dành gieo dây bầu dây mướp cho mâm cơm có thêm vài món. Từ đó chẳng khi nào Út Lành thấy má trồng hoa nữa. Sau này ba mất, má tất bật lo toan cho anh em Út Lành không thua kém bạn bè, vườn cũng chẳng có một nhành hoa. Khi hai anh em đã lớn, có thể lo liệu trong ngoài, cho má cuộc sống sung túc về vật chất, nhưng không ai còn nhớ những giấc mơ hoa của má. Chỉ có dượng, một tuần hai lần, mua hoa về cho má cắm, và chăm cả giàn hoa giấy tím hồng rực rỡ trước sân.
Chưa bao giờ hai anh em thấy má cười dịu dàng và hạnh phúc đến vậy…
Anh Hai Nhơn treo túi thức ăn lỉnh kỉnh lên cửa rào, khẽ nói:
-Về Út, hôm khác qua thăm má sau.
Út Lành ngồi sau, hỏi:
- Anh còn giận má không?
Anh Hai Nhơn im lặng một hồi rồi khẽ khàng như nói với chính mình:
- Má cực khổ nuôi dạy mình khôn lớn như vầy, sao dám giận hả Út. Anh chỉ xót má bị miệng đời nói ra nói vào. Lúc đi, má có nói thời con gái má sống vì chữ hiếu, hết nửa đời người má sống vì chồng vì con rồi, những năm cuối đời hãy cho má sống ích kỷ, vì mình. Một đời khổ cực dài quá rồi, má hạnh phúc là được Út ha?
Út Lành nghe mắt cay cay, ôm siết anh Hai khẽ dạ.