Màn đêm đã buông xuống tự lúc nào, sương đã bắt đầu rơi ướt những tán lá. Hoạt động của con người đã tạm ngưng. Giữa mênh mông hoang vắng, sao mà yên ắng và lạnh lẽo quá. Rất nhiều tinh cầu bắt đầu xuất hiện, chiếu những ánh sáng li ti, rồi lan dần, tỏa rộng; chị Hằng với bộ trang phục lộng lẫy vàng óng như đi dự dạ hội, giữa thinh không hình như có một đôi mắt nhìn xuyên nhìn thấu vạn vật, và một đôi tay ghi chép… Không, giờ thì không tĩnh mịch nữa: Tiếng va đập của lá với gió, tiếng kêu rống của những con thú hoang, tiếng thì thầm yêu đương, hứa hẹn của một đôi oan hồn chờ siêu thoát, hình như có cả tiếng dương cầm du dương (cách đây mấy bữa, có một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng đã qua đời, ông bị một chiếc xe hơi tông phải khi băng qua đường)…Đêm, thật sinh động với biết bao là huyền bí.
Nơi một khu mộ lớn, dưới tảng xi măng lạnh ngắt, Xác nói với Hồn:
- Anh thấy đó, tôi đã rũ tàn, chẳng còn lấy một miếng da thịt, chỉ còn trơ lại mấy khúc xương, mà anh cứ mãi ca bài ca đạo đức?
- Thì đó là bài ca bất tận của loài người mà. Cha của ông tôi đã ca cho ông tôi nghe, ông tôi tiếp nối bài ca đó sang thế hệ cha tôi, cha tôi ca lại cho tôi nghe, tôi không quên câu nào đã thủ thỉ kiên trì với lũ con. Mà giờ, sao chúng không học ngăn nắp như thời của mình? Rõ ràng chúng không ngăn nắp lắm. Chúng không đạo đức lắm. Nhưng sao, chúng lại có cuộc sống vui vẻ, thoải mái đến thế nhỉ?
- Đó! Anh, cha anh, ông anh…đạo đức cho lắm vào. Sống khổ sống ải; mỉm cười với cái đạo đức Nho gia ấy, rồi hết cả một đời, giờ hỏi tôi về hạnh phúc? Có cho tôi hưởng chút gì hạnh phúc đâu, mà hỏi? Suốt một đời bên anh chỉ toàn vằn vặt, đau khổ…chán thật.
- Sao không nói chính chú đã làm thế? Chính chú đã “tù ngục” cái lễ giáo vũ khí tàn độc đó, rồi hành hạ tâm hồn tôi?
Xác há hốc mồm.
Hồn cười: tôi đùa đấy, mà ngẫm ra, chúng ta cũng đã sống rất ý nghĩa đó chứ. Vằn vặt, đau khổ…cũng chỉ lúc nào đó thôi (làm người mà), không phải ta luôn rất tự hào, rất hạnh phúc về những gì chúng ta đã làm sao? Ừa! Còn chuyện cô năm bên cạnh nhà nữa, cô ấy dễ mến thật, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn lấy thêm vợ, dù sống một mình nuôi con. Tôi quý vợ tôi lắm, bả chịu thương chịu khó cùng chồng, yêu con hơn bản thân mình, đến lúc sắp lìa đi, vẫn vì con mà dặn dò đủ thứ…tôi thương bả. Ừa! Mà sao đến hôm nay tôi vẫn chưa tìm được bả nhỉ?! Cái bà này, đến đây trước, biết đường biết xá phải đón mình chứ? Thiệt là…
Rồi, Hồn lại thì thầm:
Thật là chẳng ra làm sao. Đã về bảo chúng nó đừng khóc lóc nữa, thế mà vẫn cứ rả rít giọt ngắn, giọt dài…
- Thằng Trí suốt ngày kêu: con có lỗi, con ân hận lắm…
- Con Hạnh lại nức nở: Ba kêu thèm cháo cá, em chưa kịp nấu…
- Thằng Nhân sụt sùi: Tội anh lớn nhất, không làm được gì cho Ba hãnh diện, lại còn suốt ngày đòi bán đất, bán đất…
Xác bỗng nghiêm giọng, ra chiều suy tư lắm: Mà cũng lạ, anh xem, mình chết rồi, bổng nhiên tụi nó đạo đức hết sức. Đứa nào cũng chăm chỉ, sống hết lòng với xung quanh, chúng không còn chỉ biết tiền là tiền nữa. Đêm, thắp cây nhang trên bàn thờ, đứa nào cũng lâm râm: “Ba ơi! Con sẽ sống tốt, Ba yên lòng…”
Hồn cười: Chú đã nghe tiếng đàn bầu trong đêm bao giờ chưa? Nếu chưa, chú hãy lắng nghe, dù một lần thôi, rồi chú sẽ không thắc mắc mà chi nữa.
Xác lầu bầu: lại điệp khúc đó…
Nhưng rồi, hơn lúc nào hết, là lúc này đây, Xác thấy thương Hồn quá, Xác thấy mình với Hồn là một, là một. Rất nhất thể, không phải là nhị nguyên như trước đó Xác vẫn hay cau có.
Rồi Xác nằm yên, nhìn lên cái mênh mông huyền hoặc của đêm, và cái bí ẩn của Sao, của Trăng…tự hỏi nơi ấy là đâu? Rồi đầu óc quay cuồng, Xác không thấy xương cốt mình đâu nữa? Không! Xác với Hồn là một. Hồn cũng không thấy mình vất vưởng, hay đơn lẻ nữa. Hồn sảng khoái và tràn đầy sinh lực tự lúc nào, tự tấu một bản nhạc vui nhộn, rung lên một điệu nhảy tưng bừng, dù hắn đang ở giữa một vũ trường đầy cỏ xanh, mênh mông và hoang vắng. Và trong cái mênh mông hoang vắng đó…Hồn nhìn thấy giữa đêm trăng, lồng lộng bóng dáng một Đức Phật (Hồn biết là Phật - một gương mặt thanh thoát nhân hậu - không pha tạp bất cứ cái nhăn nhúm, gồ gề nào ở con người cả. Nhưng Phật gì thì chịu) Sinh thời, cả hồn và xác nào có để tâm cái chuyện chùa chiềng, kinh phật (Tận tụy kiếm miếng cơm, tận tụy “khẩu dụ” lại đạo đức làm người, tận tụy thương yêu lũ con, tận tụy giữ gìn cái gia phả…) Như có cái gì linh thiêng, huyền bí đã mách với Hồn như thế, chắc chắn là Phật rồi; Phật đang từ xa mỉm cười, nụ cười bao dung, thân thiện làm sao? Nụ cười xóa đi mọi chua chát, đau buồn... Và bổng nhiên, Hồn nghe rành rẽ tiếng vọng từ âm sâu nào, như tiếng vọng của chính Hồn “Sẽ chuyển kiếp, sẽ hạnh phúc”. Mà không, không chỉ nghe; trước mắt Hồn là một màn sương mỏng, tuy có chút mờ ảo nhưng cũng rất rõ ràng, phía xa kia là Hồn, Hồn nhìn thấy mình đang phất tay về phía mấy chậu kiểng, và trước ngôi nhà khang trang, có người đàn bà xinh đẹp dịu hiền ngồi ngâm nga mấy câu Kiều, gương mặt bà ấy trông sao mà mãn nguyện thế? (Mà sao trông bà ấy quen quá, là vợ của Hồn đấy mà, là bà ấy đây rồi) Và Hồn nhìn thấy mình cũng đang cười, nụ cười tràn đầy sự viên mãn. Ôi trời! Hồn thấy tỉnh hẳn. Sao người ta cứ phải đi tìm, đi giải mã cái gọi là Niết bàn? Đó là cõi hư vô hay miền cực lạc cũng để làm gì? Đường sinh - tử chỉ là lối đi ra đi vào của vạn vật thôi mà, sao không cứ tự nhiên , an nhiên mà sống? Tàn giấc chiêm bao rồi thì sẽ đón nhận lại cuộc đời thực tại; Ừa! mà đời người cũng chỉ là một giấc chiêm bao, một giấc chiêm bao dài. Thuận theo tự nhiên, nước sẽ đổ về chỗ thấp, phải không các bạn? Hồn mỉm cười, nụ cười hậu kiếp./.