• Mận ơi, có thư dưới nhà gửi lên này.
  • Dạ cậu, con xuống liền – Mận vừa trả lời cậu, vừa từ trên gác bước xuống.
  • Hồi trước, cậu thấy anh Son mày hay gửi thư mà, sao dạo này lâu quá giờ mới thấy thư lên.
Tôi vội vàng bốc lớp giấy được gói cẩn thận bên ngoài ra, vẫn như cũ, là một đôi giấy đã xỉn màu, những nét mực được nắn nót từ người anh cả của tôi.
Sông Bé, ngày 18 tháng 5 năm 1994
Gửi em gái,
Cũng lâu rồi anh không gửi thư lên cho em, biết em đang cố gắng học tập và một phần lo cho sức khỏe của em. Em biết không gia đình mình vừa xảy ra chuyện, mà ngay giây phút này, anh vẫn luôn nghĩ rằng những chuyện này sẽ không thể xảy ra với chúng ta. Đứa em bé bỏng của anh, nhưng dù sao anh vẫn muốn em hãy luôn mạnh mẽ nếu em muốn về nhà lúc này.
Thằng Bậu mất rồi, bị sốt rét ở Tây Ninh, bộ đội đem xác nó về vào chiều ngày mùng 9. 
Thương em gái.
Tôi khụy xuống và chẳng nghe nổi tiếng khóc vì bị kiềm bởi tiếng nấc không thành lời. Người anh mà tôi yêu thương đã đi rồi. Trong bao thư anh Son gửi kèm cho tôi 30 nghìn để bắt xe từ Đà Lạt về Sông Bé. Do con cái đông đúc, ba mẹ xin gửi tôi sống ở nhà cậu út để tiện việc đi học sư phạm, sau này có cái nghề cho có tương lai. Gia đình tôi cực khổ vốn chẳng có đất đai gì nên ba mẹ kéo lũ con nheo nhóc vào miền Nam đi kinh tế mới. Tuổi thơ của tôi gắng liền với cơm độn khoai mì, tiếng muỗi vo ve và tiếng cải vã của ba mẹ.
Trong đêm, tôi bắt chuyến xe cuối cùng về nhà. Ngồi trên xe tôi nhớ về gương mặt hiền từ của anh tôi và về những kỉ niệm tuổi thơ. Anh Bậu là người anh thứ, anh tháo vát và giỏi việc gặt lúa. Những thửa ruộng làm thuê luôn được anh thu hoạch nhanh nhất.
  • Ê Mận, ăn trái thù lù không? Nãy đi ruộng hái được một mớ chín múp đây.
Tôi mừng rỡ đưa hai tay lấy cái bị, nhanh nhảu mở ra thì thấy bao nhiêu con cuốn chiếu to béo nằm cuộn tròn. Trong khi tôi phát khiếp hét thất thanh thì anh ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Ngôi nhà vách đất của chúng tôi nằm sâu trong rừng, huyện cuối của tỉnh Sông Bé, nên đêm về bao nhiêu mối và bọ bay vào nhà, những lúc như thế, tôi và các anh lấy những cái thau lớn nhất, đổ vào đó nửa phần nước để mai bầy gà có thêm thức ăn béo ngậy.
Về đến Bình Phước cũng tầm bốn giờ sáng, bấy giờ chẳng có đồng hồ nên chỉ canh tiếng gà gáy mà đoán thời gian. Bao lâu rồi tôi mới trở về mảnh đất này, nó vẫn thế, vẫn mang nỗi u buồn thầm lặng của sự lãng quên. Phải đi bộ khoảng một tiếng mới tới nhà. Ngày học cấp hai ở đây, sáng nào hai anh em cũng dắt nhau đi học khi trời còn mịt tối, trong cặp lúc nào cũng có một hũ cơm độn củ mì. Có lần tôi đi bị trượt ngã nên trưa lại có món cơm củ mì trộn thủy tinh vỡ. Anh Bậu trong kí ức của tôi là một người hài hước và luôn khiến người khác cảm thấy an toàn khi ở bên. Ngày anh nhập ngũ, tôi đu vào người anh, dùng hai chân quấn chặt lấy chân anh, không cho đi. Anh vỗ vỗ vào đầu tôi rồi bảo.
  • Đi học chăm nha, mốt anh hái thù lù về cho.
Anh vẫn luôn trêu tôi khi có thể.
Rồi cũng tới nhà, hàng chuối già lùn của ba bị gió quật nhiều nên tàu lá rách te tua. Từ xa, con Vện chạy ra đón tôi, nó quẫy quẫy cái đuôi mừng chủ về. Tôi thấy ba ngồi trước hiên nhà với điếu thuốc trên tay.
  • Ba…
Tôi thất thanh gọi trong nghẹn ngào.
  • Về à con.
Như giấu nỗi đau của kẻ ở lại, tôi chạy đến ôm ba như ngày bé vẫn hay.
  • Anh con đâu rồi?
Ba chẳng nói gì, rồi tôi thấy ngọn đèn cầy lấp lóe trên bàn thờ đã cháy vơi đi một nửa, ở đó là tấm hình trắng đen của anh trai tôi.
  • Bây về, rồi học hành thế nào? Có xin cậu mà về chưa hả con?
  • Con vừa thi xong, cậu có gửi lời về. Nhưng sao họ không cho anh con đi viện mà để anh ra nông nổi này hở ba?
  • Sự đã đành, bây cũng đừng khóc than để cho nó đi thanh thản. Chiều nay ông Tám Tành xuống dắt con trâu lên. Chôn cất anh bây xong giờ lúa trữ trong kho cũng hết rồi.
  • Ba bán con trâu của anh à, anh thương con Đực.
Ba thở dài với đầy sự bất lực và bế tắc.
  • Người tính không bằng trời tính, giờ kẻ người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh,…
Anh Son từ nhà dưới đi lên, thấy tôi anh quay vào ngay lấy ra ly nước lọc còn âm ấm. Ngồi trước hiên nhà cảm nhận được cái nóng sớm. Trời vào hạ thật không dễ chịu chút nào, cái hanh oi, bức bối cứ đeo bám mãi.
  • Anh tìm trong cái túi nhỏ của thằng Bậu, chắc là cho em.
Anh lấy từ túi chiếc áo lao động anh đang mặc một chiếc lược có khắc hai chữ “cô giáo”. Tôi cầm lấy và như cảm nhận rằng anh đang đứng nhìn tôi và nở một nụ cười hồn hậu nhưng dưới một lớp áo khác, vô hình.
  • Có quá nhiều hình ảnh về anh ba, ở đây cũng có, ở đó, rồi ở kia nữa.
  • Mọi thứ sẽ lại vận hành như cũ. Nhưng anh không biết nó có còn vướng bận điều gì không thôi.
Rồi ông Tám Tành cũng cho người xuống dẫn con Đực lên, con Đực vùng vẫy không cho người ta dẫn đi, nó cứ đi xung quanh cái cột để sợi dây thừng được siết chặt hơn, đôi mắt nó đầy nổi buồn và sự nổi loạn. Từ ngày nó còn là con ghé, anh Bậu là bạn của nó, anh chịu khó dẫn nó đi cả năm, sáu kilomet để có được ruộng cỏ bát ngát, nên nó mến anh lắm. Nay ba bán nó cho ông Tám, cũng do hết đường nên ba mới làm thế. Nhà ông Tám Tành ở huyện bên, nổi tiếng với lò mổ trâu bò, chắc vì con Đực nó hiểu nên nó sợ lắm. Người của ông Tám Tành mới đi tầm 20 phút thì hớt ha hớt hãi quay lại. Mặt anh ta xanh cắt không còn giọt máu rồi ấp úng:
  • Chú .. chú …Sáu, chú Sáu ơi, chết rồi, con trâu của chú nó húc bà bầu kia chết rồi. Nó nổi điên, con dẫn nó tới cái cầu Đúc nó dùng sừng phá hết một vạc đất, con nhỏ con bà Bá đi ngang nó húc nằm lăn ở đất. Bây giờ nó bỏ chạy vào rừng rồi.
  • Bây nói cái gì? Trời ơi là trời. Ra vườn gọi thằng Son vào cho ba nhanh lên.
Vừa chạy tôi vừa run, hai mắt cá chân cứ chạm vào nhau, vốn dĩ nhiều người không tin chuyện tâm linh nhưng giờ tôi rất sợ rằng chuyện anh Bậu đi không đành. Bà con gần nhà  kéo nhau đi tìm con Đực, phải ba tiếng mới tìm thấy nó nằm nấp dưới vạc cỏ kế cái mương, nó nằm im thin thít. Từ ngày anh Bậu đi lính, nó chỉ nghe lời anh Son thôi, anh bảo sẽ dẫn nó về lại nhà, không đi nữa, thế mới dụ nó đứng dậy được. Tôi biết, dù là con vật nhưng ở lâu với người chúng sẽ dần hiểu được tất, về cảm xúc, về nỗi sợ đã gây ra tội lỗi. Dẫn nó về trước cửa nhà, thì nhà dì Bá cũng đến, dì vừa khóc vừa ngào lên gọi tên đứa con gái chết tức tưởi với giọt máu còn đỏ hỏn.
  • Nhà tôi đâu có ở ác, ông trời không có mắt mà, trả lại con, trả lại cháu cho tôi. Ông Sáu, ông ra đây mà xem, con súc vật này nó đã làm gì gia đình tôi, ông ra đây.
Dì Bá là họ hàng xa của nhà ông Tám Tành, gia đình dì cũng như nhà tôi, từ miền Bắc vào Nam làm kinh tế mới. Đến giờ tôi chẳng còn nghe nổi tiếng khóc của dì mà chỉ còn tiếng gào khan cổ, dì ngồi bệt xuống đất, đầu tóc tả tơi, nắm tay đập mạnh xuống đất với nỗi đau đớn như cắt từng thớ thịt.
 Ba tôi như chết lặng quỳ trước bàn thờ của anh.
  • Thương ba, con đừng làm khổ ba, đi đi con.
Con Đực hạ hai chân trước xuống như quỳ rồi nó rên rên thảm thiết. Dì Bá dẫn người đến đòi bắn con Đực để đền mạng. Tôi nấp sau bức tường, chứng kiến sự ra đi lần nữa.  Kể từ ngày đó, ba trở nên ít nói và tôi chợt nhận ra có những mất mát không hẳn chỉ là khoảng trống mà nó còn lấy đi cả sự sống của người ở lại.
Đêm đó con Đực không bị bắn chết là nhờ chồng dì Bá, chú Sự. Qua khe cửa tôi thấy chú đến bên dì rồi bảo:
  • Về thôi em, để con ở nhà lạnh lẽo.
Một lát sau dì đứng dậy, thất thểu cùng chồng đi về. Con Đực nằm lì ở trước cửa nhà cả đêm, rồi ba cũng trả lại tiền cho ông Tám Tành vì không bán con Đực đi nữa. Sáng hôm sau thức dậy ba bảo con Đực bỏ đi rồi. Nhưng không hiểu sao mấy cái áo lao động của ba lại nằm ngay trước cửa.