- Anh đưa con đi đâu?
- Em buông tay ra, sao lại làm quá lên vậy, em biết chỗ đó sẽ tốt cho con mà?
- Không, không đi đâu cả, Cai là của em, em sẽ nuôi Cai, dù con có thế nào!
- Nếu em biết cách nuôi thì nó đã không như thế này.
Thằng bé Cai hét lên, hai tay bịt lấy tai đầy run rẩy. Vâng, tuổi thơ của nó là những tiếng hét, nhưng đáp lại là sự im lặng đến điếc tai.
Cai đã 9 tuổi nhưng em vẫn không biết đọc. Thế giới của em chỉ vỏn vẹn là một sợi dây. Em luôn giữ nó như một thứ không thể nào để tuột mất. Ba của Cai là chú Quân, một luật sư có tiếng ở đất Sài Thành, một người đàn ông cầu toàn trong cuộc sống và chỉnh chu trong công việc, chính vì thế mà bao tỉnh cảm, kì vọng chú dành hết cho Cai. Tôi vẫn luôn mườn tượng về cách thể hiện tình yêu với con mình, sau này sẽ như thế nào? Liệu có nên ép buộc nó sống theo cái khuôn mà bản thân nghĩ “sẽ tốt cho con”, hay đứng phía sau nhìn nó, tỉ mẫn quan sát từng bước chân? Nhưng giống như hầu hết những bậc cha mẹ khác, chú Quân thương Cai theo cách nên-như-thế.
-Cai sợ…đừng…đừng la Cai…đừng la Cai…
Em ngồi bệt xuống, những ngón chân bấu chặt xuống sàn nhà, cố bám víu vào thứ vốn dĩ không thể giữ được em.
-Ba đừng la Cai… đừng la Cai.
-Đi nào con, ở đó đẹp lắm, nhiều bạn bè chơi với con, đi nào, ba mẹ sẽ đến với con thường xuyên.
Mẹ nó đứng đó, nghe tiếng gào khóc của con như lưỡi dao khứa vào từng thớ thịt. Chú Quân kéo Cai đi, theo cách chú nghĩ đó là yêu thương. Đôi chân bé nhỏ của em làm sao có thể bấu víu vào bất cứ thứ gì. Chú bế Cai đặt vào chiếc xe, mặc em vùng vẫy chống cự.
….
Đà Lạt, ngày 12 tháng 4 năm 2004
Nhật ký thực tập 
Mình là Na, mình vừa tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt. Hôm nay là ngày thực tập đầu tiên của mình tại một ngôi trường, nơi ở và học tập của các em nhỏ thiểu năng về trí tuệ. Khoảng 1 giờ đồng hồ nữa tàu sẽ đến ga. Mong rằng mình sẽ có một mùa thực tập nhiều ý nghĩa.
- Ê Na, sau này mày muốn ở đâu?
- ừm, tao sẽ ở Đà Lạt, tao thích cuộc sống ở đó.
- Ơ, mày ở thử trên trển rồi hay sao mà biết thích?
- Chưa, chỉ là tưởng tượng thôi, không phải mảnh đất này dành cho những kẻ thích mơ mộng sao?
Giờ đây, khi bước từng bước trên con đường mòn đất đỏ, tôi nhớ về những câu hỏi của nhỏ Sa dười trạm chờ xe bus ngày mưa phùn rồi mỉm cười lặng lẽ. Bây giờ, ở đây, tôi đang nghe mảnh đất này thở dưới đôi chân nhỏ, làn hơi se lạnh đùa giỡn đôi má ửng hồng. Con dốc cao nhưng tôi chẳng thấy mệt vì người ta bảo nên để thân và tâm trở về bên hơi thở, thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
Trước mắt tôi là một rừng tre, những cơn gió làm thân tre cựa vào nhau, tiếng lá tre đu đưa tạo ra một âm thanh bình yên, một bức tranh tuyệt vời mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây. Đó là một ngôi trường nhỏ, nằm trên ngọn đồi, xoay người lại đã dễ dàng nhìn ngắm lớp sương mù thảnh thơi lẫn vào những ngọn cây xanh mướt dưới thung lũng.
-Cô thực tập sinh phải không?
Một giọng nói nhẹ phát ra từ sau lưng.
-Dạ vâng, em là Phùng Mỹ Na, là thực tập sinh … mới ở đây.
-Ừm, được rồi. Em vào đây với cô.
Tôi theo chân cô giáo vào trường, có lẽ là giáo viên kì cựu ở đây. Dáng cô nhỏ nhắn, mái tóc dài được buộc lơi, trông cô nhẹ nhàng và chu đáo.
-Tại sao em lại chọn học ngành này thế?
-Dạ… vì tò mò ạ. – Tôi mỉm cười.
-Tò mò? Cô muốn nghe về những điều em tò mò.
-Em tò mò về một thế giời bên trong của những đứa trẻ.
-Em đã tiếp xúc với những bạn như thế này chưa?
-Dạ rồi, nhưng không nhiều ạ.
-Câu hỏi trong đầu em lúc em tiếp xúc với những bạn nhỏ đó là gì?
-Dạ…Đâu là giới hạn của sự kiên nhẫn và yêu thương?
-Chà, sẽ là thử thách lớn cho cô giáo đầy mơ mộng đây. Chiều nay sẽ có một bạn học sinh mới đến, trường hợp bạn này do một phần nhỏ là bẩm sinh nhưng dần nặng hơn do áp lực từ phía gia đình. Em sẽ là giáo viên chính chịu trách nhiệm quan sát và giúp đỡ bạn này.
-Dạ.
-Một bạn trai tên là Trịnh Xuân Nghị, 9 tuổi. Bây giờ em lên tầng trên cô đã sắp xếp phòng cho em, em sẽ ở chung với Nhã, bạn này đến đây cũng hơn hai tuần rồi. Em lên nghỉ ngơi đi, từ mai sẽ mệt lắm đấy.
-Dạ cô.
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra buổi trò chuyện đầu tiên của mình ở ngôi trường này đặc biệt đến thế. Có một thứ gì đó gần gũi như là nơi bạn thuộc về.
-Trịnh Xuân Nghị, 9 tuổi, một bé trai, thiểu năng trí tuệ mức độ trung bình, giao tiếp kém,…
Tôi dành khoảng thời gian nghỉ ngơi của mình để đọc thật kĩ những thông tin về Nghị, cố tưởng tưởng về đôi mắt của em, về đôi tay nhỏ và không biết em có vui khi gặp tôi không nhỉ?
Đà Lạt, ngày 13 tháng 4 năm 2004
Hôm nay tôi gặp Nghị, ba em gọi em bằng cái tên lạ, Cai. Em không cười với tôi, em luôn nhìn vào sợi dây dù màu xanh mà em cầm trên tay, không một lời nào. Tôi đã không biết phải bắt đầu như thế nào với cậu bé này vì mọi chuẩn bị trong tưởng tượng trước đây đều vô nghĩa. Em đứng đó, nhìn chằm chằm vào sợi dây, như một phần của cơ thể.
Ba Cai về, để em ở lại và có lẽ đó là lần duy nhất trong cả buổi gặp mặt tôi thấy được đôi mắt buồn của em khi em nhìn theo chiếc xe của ba, nó rời đi, chỉ nhìn, không một tiếng gào khóc.
Em bắt đầu đi, em đi vòng quang sân trường theo một đường tròn, cứ đi mà không có điểm dừng, mỗi lúc một nhanh hơn. Tôi chẳng biết làm gì, dường như mọi lý thuyết được học đều xa vời thực tiễn.
Cầu mong sự kiên nhẫn luôn ở bên mày, Na ạ!
-A lô, cô ạ, em Na đây, dạ… em phải làm gì tiếp theo đây thưa cô?
-Tất cả mọi thứ trên đời này đều cần tình thương, nhưng phải thương cho đúng, em không thể bắt con cá leo cây khi nó chỉ có khả năng bơi lội. Mọi người luôn đặt ra một giời hạn chung cho tổng thể nhưng quên mất mỗi người là một cá thể riêng. Điều cốt lõi đầu tiên là từ chính bản thân em, kiểm soát cảm xúc khỏi sự phân biệt giữa hành động bình thường và bất thường, bình đẳng với tất cả. Thứ hai, là yêu thương và thấu hiểu chân thành. Với Cai, em nên thử từ những thứ đơn giản nhất.
-Dạ.
Tôi cúp máy mà nghe tiếng bước chân của Cai chậm và đều. Đã một tháng trôi qua nhưng Cai vẫn không đoái hoài đến sự xuất hiện của tôi. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao Cai không cho tôi chạm vào người em, tất cả mọi người, ngoại trừ tôi. Liệu có phải em sợ điều gì đó ở tôi không? 
Đà Lạt về đêm khiến người ta thèm cảm giác được vỗ về hơn bao giờ hết. Trong mắt của mọi người tôi là đứa con gái mạnh mẽ, độc lập nhưng giờ đây, khi với Cai thì thật khó để cho em biết tôi thương em như thế nào. Cái se lạnh khô khốc lại làm đêm nay khó ngủ nữa đây.
-Em không ngủ được à Na?
Tôi nghe giọng chị Nhã phát ra nhẹ nhàng từ chiếc giường phía dưới. Chị Nhã không phải sinh viên thực tập nhưng tôi vẫn chưa dám hỏi chị về sao chị đến đây.
-Dạ. Chị cũng không ngủ được sao?
-Ừ chị không ngủ được …Thật ra… hôm nay là một ngày đặc biệt với chị. Là ngày chị đã bỏ đi đứa con của mình.
-Vì sao ạ?
-Vì chị có quá nhiều tham vọng và cả nổi sợ. Nhất là khi chúng ta còn quá trẻ.
-Rồi chị đã làm gì?
-Chị uống thuốc.
-Đó là sự nguy biện đúng không?
-Có thể. Chị đã nghĩ chị có thể bắt đầu một cuộc sống mới, nhưng không phải. Chị sai rồi.
-Vậy tại sao chị đến đây?
Tôi nghe tiếng xoay người và cái thở dài của chị.
-Chúng ta luôn rất ích kỉ khi muốn thỏa mãn cảm giác. Ngay cả việc chị đang làm, chăm sóc các em nhỏ đáng thương, mặc dù chân thành nhưng bên trong cũng chỉ để thỏa mãn khát khao che chở ai đó. Điều mà chị đã bỏ lỡ với chính máu mủ của mình.
-Em đoán chị đã trải qua khoảng thời gian kinh khủng lắm.
-Chị phải trả giá chứ. Còn em đang nghĩ gì?
-Em nghĩ về Cai. Cậu ấy vẫn không cho em đến gần.
-Vậy sao? Mấy hôm trước chị thấy cậu bé nhìn em có vẻ lo lắng lắm lúc em bị đứt tay. Cậu bé biết quan tâm người thương yêu nó rồi đấy. Na này, chị nghĩ phần nhiều trong chúng ta đã từng có cảm giác mình là gánh nặng và nghi ngờ mọi thứ, cả về tình cảm. Không phải cứ yêu thương là được đáp lại bằng yêu thương. Có khi nó lại ẩn nấp dưới một hình hài khác, là sự lẫn tránh. Nếu em bất ngờ được nhận tình cảm đặc biệt từ ai đó mà họ lại chẳng hề có quan hệ máu mủ gì với em thì em có nghi ngờ không? Với Cai, khi cậu ấy chưa định nghĩa được yêu thương thật sự, thì cách cậu ấy tránh xa em lại chính là cách tự bảo vệ chính bản thân cậu ấy khỏi việc “lỡ như” có tổn thương.
Tôi kéo chiếc mền lên cao đến mũi và thấy môi mình nở một nụ cười.
-Em mong là thế.
Sáng hôm sau trở dậy, sau khi cùng các cô chuẩn bị thức ăn sáng cho các em. Tôi và Cai nhận nhiệm vụi quét lá ở khoảng sân bên hông trường. Trời mùa này có nhiều lá và hoa rụng quá, cây phượng tím cứ mãi vui đùa với gió mà thả mình bay vô tư.
-Cai đi quét sân bới chị Na nghe.
Cai gật đầu rồi đi theo tôi. Tôi chia cho Cai một cây chổi. Tôi đoán cậu bé không biết cầm nó như thế nào để quét cho thuận tiện vì thân hình em nhỏ nhắn quá.
-Được không? Em nhìn chị này. Dùng hai tay cầm chuổi cho thật chắc, nhưng cũng đừng cầm chặt quá mà đau. Cán chổi cho tựa vào phần dưới cánh tay, cứ thế mà em đưa chổi qua lại thôi. Làm thử xem nào.
-Không biết.
-Nhìn chị làm này.
Cai bực dọc ngồi bệt xuống đất, quan sát tôi làm trước rồi một lát sau mới chịu đứng dậy. Cai quét từ từ, thực sự là rất chậm, cứ như sợ bỏ sót một mảnh gân lá nào đó. Em tập trung hết sức vào công việc của mình. Trông em lúc này rất đáng yêu.
-Cai này, em có ghét chị không?
-Cai không.
-Vậy em có khó chịu điều gì ở chị không Cai?
-Cai không.
Rồi ngày sau Cai vẫn tiếp tục công việc quét lá của mình mặc dù chẳng ai bảo em làm như thế. Từ xa tôi bậc cười khi thấy em bứt những chiếc là từ trên cành cây rồi thả xuống đất, lá vàng cũng bứt mà là xanh cũng bứt nốt. Chắc là do không thấy ở dưới đất có rác nên em làm thế.
-Cai này không có rác thì không cần phải quét đâu em.
Em nhìn tôi ngơ ngác như hiểu ra sự tình rồi nở nụ cười bẽn lẽn. Từ xa tôi thấy dáng của chị Nhã, trông chị vội vã quá.
-Na ơi, em vào bếp phụ cô My đi chị phải xuống dưới kia mua ít gia vị, nồi canh nó sôi sùng sục rồi.
-Dạ chị, em vào ngay.
Bước vào bếp, tiếng cười rôm rã làm sức nóng như được giảm bớt. Bên đây là nồi rau luộc, bên kia là nồi canh hầm rất to.
-Na vào đây, bưng cho cô nồi nước sôi này, khéo nóng.
Tôi cố gắng thật cẩn thận, nhưng đi được một đoạn thì chẳng may trượt phải miếng dẻ ướt, nồi nước sôi bị chao nên đổ một phần xuống chân trái của tôi. Nhanh chóng cảm nhận cái nóng như cào xé đến tận tim. Rồi mọi người vây lại nào là bảo:
-Nước lạnh, bồng nó vào phòng tắm đi, tạt nước lạnh vào, trời ơi, Na ơi,…sao mà bất cẩn thế con.
May vết thương không nặng lắm nên tôi một mực không chịu xuống bệnh việc để khám. Ở cửa, tôi thấy Cai, cậu bé bước vào, thật chậm, đến sát chiếc giường rồi ôm chầm lấy tôi. Cai khóc thật to, thật to. Tôi nghe sống mũi mình cay cay. Nhưng mọi người đứng bên lại cười rất hạnh phúc.
Đà Lạt là vậy đó, nếu bạn là người lữ khách có khi lại thấy cái lạnh thật khó khăn để thích nghi, nhưng lâu dần cái lạnh lại khiến ta trân trọng sự ấm áp hơn bao giờ hết.