Thời Hậu Trần, vùng đất Sơn Tây có một sát thủ nổi danh. Đồn rằng y từng là môn khách của Quốc công Đặng Tất. Y sử dụng một thanh liễu kiếm mỏng tang. Mỗi khi xuất chiêu, lưỡi kiếm uốn éo như một con rắn.
Y gọi thanh kiếm của mình là Xà kiếm.
Mọi người ta gọi y là Xà khách
1.Bá Đại và Lý Cai là hai đại hào phú đất Sơn Tây. Nhân khi Minh triều lấy chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ” tiến quân vào Đại Việt, Bá Đại và Lý Cai dựa vào thanh thế lính nhà Minh, vu cáo người lành, cướp bóc của cải, chẳng mấy mà có gia sản bạc vạn. Nhưng một đất không thể chứa hai hổ. Cả hai đều ngấm ngầm muốn ăn tươi nuốt sống bên kia nhằm triệt hạ nốt đối thủ cuối cùng. Tuy nhiên đã mấy lần đụng độ rồi mà đều bất phân thắng bại.
Bá Đại quyết định ra tay. Lão mời Xà khách đến nhà: “Ta muốn ngươi lấy đầu của Lý Cai mang về đây!” Xà khách nheo mắt: “Năm trăm lượng!” Lão Bá nhăn mặt chỉ tay ra xung quanh: “Đám vệ sĩ này của ta đều là những tay kiếm đệ nhất. Ta thuê bọn chúng còn chưa đến trăm lượng. Nhà ngươi chỉ ra tay trong chốc lát mà đòi năm trăm lượng ư?” Xà khách cười nhạt: “Sao ông không sai bọn chúng đến gặp Lý Cai?”
Bá Đại bầm mặt chuyển giọng: “Giao tiền cho ngươi rồi, liệu ngươi có làm được việc không?” Xà khách nghiêm giọng: “Đã nhận tiền, mọi thứ sẽ xong xuôi”. Lão Bá dè chừng: “Ta không có đủ tiền bây giờ. Nhà ngươi cầm trước năm mươi lượng rồi khi nào về ta trả nốt được không?” Xà khách nhếch mép: “Được! Đêm nay tôi sẽ quay lại. Hãy chờ!”
2.Gần nửa đêm, Xà khách mang đầu Lý Cai đến đặt trước mặt Bá Đại. Áo y loang máu, ngực và chân dính hai vết kiếm, chứng tỏ y vừa trải qua một trận kịch chiến. Lý Cai vốn bị nhiều người thù oán nên thuê nhiều cao thủ bảo vệ mình. Bá Đại cười hớn hở rót rượu mời Xà khách: “Nhà ngươi vất vả quá. Đám vệ sĩ của lão Lý không tầm thường chút nào phải không?” Xà khách uống cạn chén rượu rồi đặt mạnh xuống bàn, mặt nhăn lại: “Đâm được ta mấy kiếm. Không tầm thường chút nào”.
Bá Đại nhấc đầu Lý Cai ra khỏi túi vải. Lão nhìn vào mặt đối thủ của mình rồi cười ha hả: “Cuối cùng ta cũng được ngủ yên giấc. Lão già này trước lúc chết có nói gì không?” Xà khách nâng chén uống cạn: “Lão nói ai thuê tôi giết lão, lão sẽ trả gấp đôi để tôi giết kẻ đó!”. Bá Đại ngẩn người: “Thế nhà ngươi nói sao?” Xà khách cười nhạt: “Tôi nói gấp đôi số tiền lên sẽ là một ngàn lượng. Lão vội mang ngay một ngàn lượng vàng ra. Đó đáng kể là một kẻ làm ăn sòng phẳng”.
Không gian bỗng dưng đặc quánh tĩnh lặng. Bá Đại liên láo liếc nhìn đám vệ sĩ xung quanh: “Ta đã thuê nhà ngươi đã giết Lý Cai. Nhỡ ngươi nói cho người khác chuyện này thì sao?” Xà khách nhướng mắt dò hỏi. Bá Đại chạm phải ánh mắt của Xà khách bỗng rùng mình. Nhưng rồi lão trấn tĩnh rất nhanh, cười nham hiểm: “Làm thế nào để ngươi không nói bây giờ?” Xà khách im lặng. Bá Đại gằn giọng: “Chỉ có một cách!” Rồi lão đứng lên lùi lại đằng sau rồi vứt toẹt chén rượu xuống sàn nhà: “Người chết sẽ không bao giờ mở miệng cả!” Chén ngọc vỡ tan, rượu văng ra tung tóe tỏa mùi hương thơm nồng.
Xà khách hít dài một hơi, đứng dậy lắc đầu: “Thật là phí rượu ngon!” Bá Đại phất tay, sáu tên vệ sĩ đã rút kiếm ra khỏi vỏ bao vây xung quanh. Chúng lập tức xuất chiêu. Xà khách tung chân đá mạnh vào chiếc bàn về phía hai tên vệ sĩ phía trước. Chúng vừa giơ tay lên đỡ thì đã thấy cổ họng lạnh ngắt bởi Xà kiếm. Hai tên vệ sĩ phía sau lập tức vung kiếm chém sả vào lưng Xà khách tóe máu. Y rạp người sát xuống mặt đất vung kiếm chống trả. Thanh Xà kiếm mỏng mảnh như một con rắn cuốn lấy hai thanh kiếm giật mạnh. Kiếm rơi xuống đất loảng xoảng. Xà khách xuất chiêu. Thêm hai tên vệ sĩ đổ gục xuống.
Bá Đại nấp sau lưng hai tên vệ sĩ còn lại, run như cầy sấy. Xà khách người nhuộm đầy máu nhìn trông như một thây ma. Thanh Xà kiếm nhuốm ánh trăng tỏa một quầng sáng xanh lét. Xà khách nhìn hai tên vệ sĩ lạnh lẽo: “Ta giết các ngươi cũng chẳng được thêm đồng nào. Biết điều thì cút đi kẻo chết oan uổng!”
Hai tên vệ sĩ nhìn nhau rồi cun cút chạy mất hút. Bá Đại trợn mắt lắp bắp rồi ngồi bệt xuống đất. Xà khách bước lại gần nhìn sâu vào mắt Bá Đại: “Ta nói thật! Sức lực ta cạn rồi. Nếu hai tên đó tận lực chống lại, ta chỉ có cách chịu chết. Bí mật này, ngươi mang xuống nói với Diêm Vương nhé!” Nói đoạn Xà khách rút kiếm ra nhanh như chớp chém bay đầu lão Bá. Rồi y điềm tĩnh tra Xà kiếm vào vỏ, đi mất hút dưới ánh trăng.
3.Trường Xuân viện là kỹ viện lớn nhất đất Sơn Tây. Kỹ viện nổi tiếng với tiếng đàn quỷ khốc thần sầu và nhan sắc khuynh thành của Xuân nương, đệ nhất kỹ nữ vùng núi Tản.
Nhưng đó là mười năm về trước.
Bây giờ, nhan sắc Xuân nương đã phai tàn. Chỉ có tiếng đàn vẫn y nguyên.
Xà khách bước vào Trường Xuân viện. Y là khách quen nơi đây. Từ khi quân Minh xâm chiếm Đại Việt, chiến tranh liên miên, dân tình đói khổ. Chốn ăn chơi một thời giờ vắng vẻ hoang tàn. Mụ chủ hớn hở ra đón. Xà khách vứt cho mụ mấy lạng vàng: “Gọi cho ta Xuân nương”.
Mụ chủ te tái lấy một bình rượu ra rót cho Xà khách: “Xuân nương đang bận. Khách quan để tôi gọi người khác phục vụ được không?”
Xà khách lắc đầu: “Ta sẽ chờ Xuân nương”.
Tiếng đàn của Xuân nương bảng lảng u hoài trong căn phòng trướng rủ rèm che. Bên trong là hai khách làng chơi mặc y phục Minh triều đang ôm trong lòng hai kỹ nữ. Xuân nương đang ngồi phía trên đánh đàn hầu rượu. Có tiếng cười hô hố. Rồi tiếng khách làng chơi hét lớn: “Cô em không biết đàn gì cả. Nghe chán chết”. Mụ chủ chạy vào cười giả lả: “Khách quan! Đây là Xuân nương, là đệ nhất danh cầm đất Sơn Tây đó”. Gã khách nói, giọng lè nhè: “Đệ nhất cái mẹ gì? Ả già quá rồi. Nhìn trông phát ớn! Đuổi ả cút ra ngoài cho bọn ta đỡ bận mắt”.
Xuân nương cầm đàn bước ra ánh mắt buồn bã. Rồi nàng reo lên khi thấy Xà khách: “Chàng đi đâu lâu vậy? Sao giờ mới ghé qua đây?”. Xà khách ngửa người ra đằng sau nheo nheo mắt nhìn: “Ta nhớ nàng quá!” Xuân nương sà vào lòng Xà khách, nâng chén rượu dìu y vào phòng riêng!
4.Xuân nương xoa xoa tay lên ngực của Xà khách giọng e dè: “Tại sao chàng lại bị nhiều vết sẹo thế này?” Xà khách cười: “Ta ngang dọc trên giang hồ đã ngót hai mươi năm. Chỉ có mấy vết sẹo này là may mắn lắm rồi!” Xuân nương nhìn mấy vết thương mới lên da non: “Mấy vết sẹo này giờ thiếp mới thấy”. Xà khách cảm khái: “Ta già rồi. Không còn nhanh nhẹn như xưa. Chẳng hiểu cái mạng này còn giữ được bao lâu!”
Bên ngoài tiếng khách cười cợt lả lơi. Tiếng cười lớn nhất là của hai gã làng chơi lúc trước vừa đuổi Xuân nương ra ngoài. Ánh mắt kỹ nữ trùng xuống. Xà khách vuốt ve mái tóc và bờ vai nàng an ủi. Xuân nương ngước nhìn y: “Tại sao chàng không chọn những kỹ nữ trẻ tuổi hơn. Thiếp giờ nhan sắc đã tàn phai, còn đâu thời xuân sắc nữa?” Xà khách cười: “Ta cũng đã thấy mình già rồi, không hợp với những kỹ nữ trẻ. Vả lại, nàng làm ta vui, biết đàn hát, biết nói chuyện”. Xuân nương dụi dụi đầu vào ngực Xà khách. Rồi nàng mỉm cười: “Để thiếp đánh đàn một khúc cho chàng giải khuây!”
Tiếng đàn lẫn trong tiếng cười nói ồn ã của đám khách làng chơi và tiếng nũng nịu của đám kỹ nữ. Xà khách trầm ngâm: “Nàng đi uống rượu cùng ta nhé!” Xuân nương cầm chén rượu nâng ly lên ngang mày đưa cho Xà khách. Y thở dài: “Không phải uống rượu ở đây. Bên bờ sông Đà có một quán rượu ngon mà yên tĩnh, ta muốn nàng cùng ta ra đó ngắm trăng uống rượu nghe đàn”.
Xuân nương gật đầu, cầm đàn đi theo Xà khách.
5.Dòng sông Đà chảy mướt mải lách rách. Non Tản thâm trầm in bóng mờ tím xuống dòng sông. Ánh trăng mềm mại như một dải lụa xanh khổng lồ trải mơn man lên một vùng giang sơn tú mỹ. Hương rượu ấm nồng dạt dào cảm hứng. Xuân nương nâng đàn hát theo điệu “Phong sương”, giọng đàn man mác:
Trăm năm một cuộc nhân sinh Đêm khuya một mình Đợi bình minh Suối reo rì rầm Như tiếng đàn cầm Lựa phiến đá rêu xanh Tựa gối ngả mình Trăm năm một cuộc nhân sinh
Tiếng đàn xôn xao trong gió, bảng lảng cùng sóng nước và sương đêm quyện trong tiếng hạc kêu xa xa khiến Xà khách vô cùng cảm khái. Y uống cạn ly rượu rồi vỗ đùi: “Non xanh nước biếc, đàn cầm văng vẳng, mỹ nhân sánh vai. Chốn Bồng Lai chắc cũng chỉ thế này!” Rồi y quay sang ngắm nhìn Xuân nương: “Ta đã già, chẳng mấy mà không cầm nổi thanh kiếm nữa. Những chí hướng bồng bột tuổi thanh niên giờ đã nhạt phai. Giờ là lúc thiên hạ loạn lạc, nàng có bằng lòng theo ta tìm nơi quy ẩn, xa lánh chốn hồng trần hay không?” Xuân nương bẽn lẽn: “Thiếp giờ chỉ là một kẻ bỏ đi, đâu dám sánh đôi cùng chàng?” Xà khách cười: “Ta rốt cuộc chỉ là một kẻ bị triều đình săn đuổi, lấy mạng sống của mình ra để đổi miếng ăn qua ngày, giờ chỉ muốn tìm một chốn bình an”. Xuân nương ngả đầu vào ngực Xà khách, nước mắt đầm đìa.
Bàn bên có một thư sinh bước đến giọng cảm phục: “Quả xứng danh của tay đàn đệ nhất. Tôi chưa bao giờ được nghe tiếng đàn diệu tuyệt đến vậy. Nhân đây bình rượu ngon, xin mời hai vị mỗi người một chén”. Xà khách và Xuân nương ngước mắt nhìn. Đó là một chàng thanh niên mi thanh mục tú, đôi mắt sáng ánh lên sắc hiền từ. Thư sinh cất lời từ tốn: “Tôi là khách trọ, đang tạm ở đây dạy học, bốc thuốc qua ngày”.
Xà khách cầm chén rượu uống cạn. Quả nhiên là bồ đào mỹ tửu, tỏa hương thơm ngát. Trong hơi men hứng khởi, Xà khách nói: “Thời buổi nhiễu nhương, bọn trẻ cần phải có bản lĩnh cầm kiếm chứ cầm bút thì nào có ích chi?” Thư sinh mỉm cười: “Ở đời này vạn vật quy tông, nguồn gốc biến thiên của tự nhiên đầu quy về một mối. Kiếm pháp đâu có khác gì so với thư pháp? Chẳng phải nhiều cao thủ nhìn thư pháp mà cảm hứng nghĩ ra những chiêu kiếm mới đó hay sao?” Xà khách cười sặc sụa: “Bọn nho sinh các cậu chỉ dùng chữ nghĩa hoa mỹ mà lòe bịp người. Thanh kiếm có thể giết người! Ngọn bút thì nào có thể làm được gì?”
Thư sinh bần thần cầm cuốn sách lên nhìn xa xăm: “Đúng vậy! Ngọn bút mà không có sức mạnh của thanh kiếm thì cũng chẳng để làm gì!” Xà khách liếc nhìn thấy cuốn sách có đề ba chữ “Bình Ngô sách” liền nói: “Cậu là một thư sinh trói gà không chặt mà mang chí lớn muốn bình định giặc Minh hay sao?” Thư sinh cúi đầu: “Hàng ngày nhìn người dân bị áp bức lầm than, tôi chỉ mong có bậc minh chủ đánh đuổi quân giặc, khôi phục giang sơn Đại Việt. Nếu tìm được người đó, tôi sẽ hết lòng giúp rập!”
Xà khách cười nhạt: “Để rồi làm gì? Ta từng ở dưới trướng Quốc công Đặng Tất, tham gia nghĩa quân của Trần Ngỗi. Đến ngày nghĩa quân sắp đuổi đánh được giặc Minh thì Trần Ngỗi đa nghi ra tay hại chết Đặng công. Thế đấy! Người Việt lúc gian khổ thì cùng nhau chịu đựng. Nhưng sau này vinh hoa liệu có dung được nhau?” Thư sinh cất lời: “Vinh hoa phú quý bất quá cũng chỉ là chuyện nhỏ. Quan trọng là giành lại giang sơn để muôn dân an hưởng thái bình”.
Xà khách nhìn thư sinh ngạc nhiên: “Cậu là một kẻ phi thường hay là một kẻ bất trí?” Thư sinh chỉ mỉm cười. Ánh trăng trùm lên khiến người chàng trai như có một vầng hào quang tỏa ra lấp lánh. Thư sinh nói: “Giang sơn hưng vong, thất phu hữu trách. Ngài là con nhà võ, chẳng nhẽ đang tâm đứng nhìn cảnh người dân chịu cảnh lầm than hay sao?” Xà khách trầm người suy nghĩ rồi cười cay đắng: “Ta là con nhà võ? Không! Ta chỉ là một sát thủ giết người thuê để kiếm tiền mà thôi!”
6.Bỗng có tiếng cười sằng sặc: “Nguyễn Trãi! Ngươi tưởng trốn được mãi ư? Cái thân của ngươi đã nhiều lần được Thiên triều chiếu cố mà không biết an hưởng. Để xem hôm nay ngươi có giữ được cái đầu trên cổ hay không?” Thư sinh giật mình lùi lại. Hai kẻ bước ra khỏi quầng tối, một gầy còm nhom mặt toàn đồ trắng, một béo tròn trục mặc toàn đồ đen, mặt mày dữ tợn. Xà khách buột miệng: “Hắc Bạch song đao?”.
Hắc Bạch song đao là hai cao thủ bậc nhất trong đám quân của Trương Phụ. Bọn chúng tham dâm, tàn độc, không việc ác gì là không làm. Xà khách khi theo chân Đặng Tất đã từng nhiều lần giáp trận với Hắc Bạch song đao.
Hắc Bạch song đao cũng nhận ra đối thủ ngày xưa: “Xà khách! Quân của Đặng Tất đã bị Thiên triều dẹp tan. Sao không không biết điều đầu hàng triều đình?” Xà khách nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất ra chiều khinh bỉ! Bạch đao nhìn Xuân nương cười khả ố: “Thì ra cô ả ở kỹ viện. Xà khách, ngươi giao du với loại gái già này ư? Đi theo anh em ta, vinh hoa phú quý, rượu ngon gái non không thiếu!!!” Xuân nương nhận ra đó chính là hai tên khách làng chơi lúc trước ở kỹ viện, nàng cúi mặt hổ thẹn.
Hắc đao lườm Bạch đao: “Xà khách! Hôm nay hai anh em ta đến đây cốt để lấy đầu tên Nguyễn Trãi này. Nhà ngươi biết điều thì đừng can thiệp” Nói đoạn gã xuất chiêu. Ngọn đao xé gió chém thẳng vào đầu Nguyễn Trãi. Nguyễn nhắm mắt chờ chết.
Bỗng “Keng!” Thanh Xà kiếm lấp loáng dưới ánh tăng như một con rắn bạc phi đến chặn đứng thanh đao. Xà khách ngẩng đầu cười cao ngạo: “Ta chưa bao giờ là kẻ biết điều, đặc biệt với lũ giặc Minh các người!” Hắc Bạch song đao bầm mặt hét lớn múa đao xông vào. Xà khách vung Xà kiếm đón đỡ. Thanh lấp lánh dưới ánh trăng bay lượn tạo nên một vùng kiếm quang đẹp lung linh.
Hai bên qua lại hơn trăm chiêu. Hắc đao thấy Xà khách kiếm pháp tinh kỳ nghiêm cẩn liền lần tay lấy một mũi phi đao ám toán. Trong bóng tối nhập nhoạng, ngọn đao cực độc xé gió lao đên. Xà khách nhận ra thì đã muộn, bị lưỡi phi đao cắm ngập vào vai quỵ xuống. Hắc Bạch chỉ chờ có vậy, lao tới vung đao hạ chiêu độc thủ.
Bỗng Xuân nương hét lên lấy thân mình ôm trọn lấy Xà khách. Tấm thân yếu liễu đào tơ của nàng bị hai chém hai nhát gục xuống. Hắc Bạch ngỡ ngàng vì không ngờ cô gái làng chơi lại dám xả thân như vậy. Trong giây lát, mắt chúng thấy hoa lên một quầng sáng lóa. Xà khách đã rút mũi phi đao ra khỏi vai phóng ngập lút tim Hắc đao còn Bạch đao thì đã bị Xà kiếm chém bay đầu. Cả hai đổ rụm xuống. Căn phòng tanh một mùi máu. Xà khách buông Xà kiếm rồi ôm lấy Xuân nương khóc rống lên.
Nguyễn Trãi hớt hải bước lại gần bắt mạch cho Xuân nương. Mạch đập yếu ớt. Xà khách nhìn khẩn khoản: “Cậu nói cậu có thể bốc thuốc?” Nguyễn Trãi đáp lời: “Tôi có mang bên mình mấy cây thuốc quý ngàn năm từ đất Côn Sơn, có thể trị thương rất thần diệu. Hãy để tôi chữa trị đền ơn cứu mạng”.
7.Nguyễn Trãi về Trường Xuân viện ở cùng với Xà khách và Xuân nương mấy tuần trăng. May mà có dược liệu quý, cuối cùng Xuân nương cũng qua khỏi cơn nguy kịch. Cũng trong thời gian đó, Nguyễn thấy đám lính nhà Minh đến kỹ viện liên tục nhắc đến một nhân vật khởi nghĩa hiệt kiệt nổi lên từ đất Lam Sơn có tên là Lê Lợi. Nhân đó, Nguyễn nung nấu ý định tìm gặp minh chủ, giúp rập giang sơn.
Sau khi Xà khách và Xuân nương hoàn toàn bình phục, Nguyễn Trãi nói từ biệt. Xà khách cầm tay dặn dò: “Nếu cậu gặp được đấng Quân vương, có thể mang lại yên lành cho mọi người, đó âu cũng phúc ấm của thiên hạ. Nhưng mà bài học “Chim chết, cung xếp xó. Thỏ chết, chó vào nồi” cậu phải học cho kỹ” Nguyễn Trãi trầm ngâm: “Tôi chỉ biết sống sao cho không thẹn với hai chữ “nhân, nghĩa”, còn lòng người sâu như biển, nào ai có thể đo lường?”
Nguyễn Trãi tìm vùng đất Lam Sơn, diện kiến Lê Lợi dâng Bình Ngô sách và trở thành Đệ nhất Quân sư của nghĩa quân. Đến khi giặc Minh bị đẩy lui ra khỏi bờ cõi, non sông một dải thanh bình, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Trãi làm phong quan đến chức Nhập nội hành khiển. Được một thời gian, Nguyễn bị thất sủng, phải tìm về đất Côn Sơn ở ẩn. Trước khi về Côn Sơn, ông có tìm đến Trường Xuân viện mong gặp Xuân nương và Xà khách. Mụ chủ kỹ viện kể lại, Xà khách đã mang tiền đến chuộc Xuân nương rồi hai người dắt nhau rời đất Sơn Tây đi mãi lên đằng sau dãy núi Tản, về phía thượng nguồn sông Đà, giờ đã như gió hạc mây ngàn, chẳng ai biết họ ở đâu.
HOÀNG TÙNG
#HoangTung #KiemHiep #XaKhachTruyenKy