Truyện cổ tích: Sự thật đâu phải giấc mơ
Có ai nhớ lần đầu đọc truyện cổ tích? Trong kí ức của hầu hết chúng ta, truyện cổ tích đều thật đẹp. Đó là những viễn cảnh thật lộng...
Có ai nhớ lần đầu đọc truyện cổ tích? Trong kí ức của hầu hết chúng ta, truyện cổ tích đều thật đẹp. Đó là những viễn cảnh thật lộng lẫy, tráng lệ, hào nhoáng, nhưng thật tiếc lại khác xa với thế giới mà chúng ta đang sống. Tôi nhớ có một câu thoại trong bộ phim It’s Okay to Not Be Okay: “Truyện cổ tích là sự đối lập của đời thực”. Nói như vậy với các công chúa nhỏ, hoàng tử bé có quá phũ phàng hay không? Tôi nghĩ vấn đề nằm ở lứa tuổi chúng ta nhìn nhận và đón đọc truyện cổ tích. Khi còn bé thơ chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy những giấc mơ lấp lánh phép màu, nhưng khi trưởng thành ta sẽ thấy cả những sự thật không mấy tươi sáng trong chính những câu chuyện gối đầu giường khi xưa.
Vậy những sự thật ấy là gì? Đâu là bài học từ truyện “Nàng tiên cá”? Là thông điệp “Yêu hết mình bất chấp mọi sự cách biệt”? Tôi cho rằng ý nghĩa lớn hơn từ câu chuyện có thể được gói gọn trong 7 chữ: “Mây tầng nào gặp mây tầng đấy”. Nàng tiên cá và hoàng tử vốn đến từ hai thế giới khác nhau, lớn lên trong hai môi trường hoàn toàn khác biệt, thậm chí còn không nói cùng một thứ tiếng. Hãy thử tưởng tượng Ariel và … đang có với nhau buổi hẹn hò đầu tiên. Chàng gọi cho mình đĩa beefsteak medium rare đúng với phong cách quý tộc hoàng gia, nàng lại ngấu nghiến với những món hải sản đậm hương vị quê nhà. Nếu họ nói chia sẻ với nhau về âm nhạc, chàng hay thưởng thức những điệu nhạc cổ điển được trình diễn bởi dàn nhạc công trong lâu đài nguy nga, nàng lại thả hồn trong tiếng sóng biển du dương mỗi chiều hoàng hôn. Những cuộc hẹn như vậy rồi sẽ kéo dài được bao lâu?
Việc đổi giọng hát lấy đôi chân của Ariel là quyết định đúng đắn hay ngốc nghếch? Sự thay đổi này giúp nàng được ở bên chàng hoàng tử trong mộng nhưng có thực sự khiến nàng được hạnh phúc trong tình yêu? Dần dà những nỗ lực đổi thay có khiến nàng tiên cá phù hợp với hoàng tử hay chỉ khiến công chúa thủy cung đánh mất chính mình? Phải chăng ngay từ đầu sự khác biệt đã luôn ở đó, chỉ là người ta cố tình phớt lờ nó. Có lẽ, nàng tiên cá vẫn nên sống ở đại dương và hoàng tử thì vẫn nên ngồi đúng vị trí của mình trong tòa lâu đài kiên cố trên mặt đất thì hơn.
Bên cạnh “Nàng tiên cá”, chắc hẳn không đứa trẻ nào chưa từng được đọc, chưa từng được nghe truyện cổ tích “Cô bé bán diêm”. Thậm chí đây còn là tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa tại Việt Nam suốt nhiều năm. Vậy khi tiếp xúc với truyện cổ Andersen đó, bạn được bà, được mẹ, được cô giáo truyền tải thông điệp gì? Có phải là quyền được ước mơ, có phải là sự đẹp đẽ của những điều ước không? Đúng, những điều ước của cô bé sau mỗi lần quẹt diêm đều rất rực rỡ, lung linh và ấm áp. Nhưng điều tệ nhất là những giấc mơ ấy đặt trong sự đối lập với đời thực lạnh lẽo, buốt giá bỗng trở nên thật tội nghiệp. Đúng như một bản nhạc tôi từng nghe của Đen Vâu: “Những giấc mơ không thể lấp đầy cơn đói”. Việc mơ ước không thể kéo cô bé thoát khỏi cái đói, cái rét và cả cái chết.
Sự khắc nghiệt của cuộc sống, sự lạnh giá của lòng người tước đi quyền ước mơ của nhiều đứa trẻ và nhiều người lớn. Gánh nặng cơm áo gạo tiền thổi tắt những que diêm le lói cuối cùng giữa đêm đông. Cái chết của cô bé bán diêm, theo tôi, mang ý nghĩa ẩn dụ nhiều hơn. Đó chính là cái chết của những giấc mơ còn dang dở trong mỗi chúng ta. Những giấc mơ dù đã thoi thóp, níu lấy hi vọng sống mong manh nhưng vẫn bị vùi dập đi trong cơn bão tuyết. Và em chết đúng vào buổi sáng sau đêm Giáng Sinh, giống như những mơ mộng trong ta thường bị giết chết ở những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ nhất.
Cổ tích ở đâu cũng thế, luôn ẩn chứa những sự thật trần trụi ít được để ý tới. Truyện cổ tích “Sọ Dừa” cũng là một trong những tác phẩm gối đầu giường của nhiều trẻ em Việt Nam. Thế thì ở một thiên truyện như thế hẳn phải có một thông điệp gì đây? Điều tôi thấy rõ nhất ở “Sọ Dừa” chính là sự bất bình đẳng. Như tác giả cuốn Homo Sapiens đã trình bày trong cuốn sách, sự bất công xảy ra ở khắp mọi nơi, trên mọi phương diện, với tất cả mọi người. Ngoại hình kỳ lạ, gia cảnh khốn khó của anh chàng Sọ Dừa đã mang đến sự bất bình đẳng cho anh ta. Sẽ có nhiều độc giả tranh luận rằng cuối cùng vẫn có cô con gái út nhà phú ông cảm mến anh ta. Tình yêu vượt qua mọi sự bất bình.
Vậy thì chắc hẳn người đọc truyện đã quên mất một chi tiết then chốt: Cô tiểu thư út vì nhìn thấy Sọ Dừa hóa thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, thổi sáo trên lưng trâu nên mới nảy sinh tình cảm. Vì biết rằng Sọ Dừa là khác người, hứa hẹn trở thành vĩ nhân nên mới đồng ý cưới. Đó chẳng qua cũng chỉ là một món đầu tư có hời. Nhưng tôi không nói cô gái ấy đáng trách, cô đang sống đúng với hệ tư tưởng mà một xã hội phân cấp bất công đặt ra. Có gì là sai trái khi ước mong mình có một tấm chồng tài giỏi, khôi ngô chứ không phải Sọ Dừa xấu xí, kì lạ, chẳng được ai đón nhận? Giả sử, nếu Sọ Dừa sẽ chỉ mãi là Sọ Dừa mà cô gái trâm anh thế phiệt kia vẫn chấp nhận thì có lẽ cả hai vợ chồng sẽ bị vứt ra ngoài rìa xã hội lúc nào không hay.
Có lẽ thế, truyện cổ tích với người lớn thật và thô hơn với trẻ thơ nhiều.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất